Trong Sapiens, Yuval Noah Harrari có viết: "Cho đến nay, các nghiên cứu sinh học đã thất bại trong việc đưa ra một định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc hoặc cách để đo lường nó khách quan". Trong khi quan điểm này có thể được hậu thuẫn bởi nhiều bằng chứng lịch sử và khoa học, nó đồng thời mở ra một câu hỏi: "Tìm kiếm hạnh phúc là mục tiêu bất biến của con người, nhưng trải qua lịch sử hàng triệu năm, bất chấp những tiến bộ vượt bậc của khoa học, kỹ thuật, vì sao hạnh phúc vẫn có vẻ là thứ nằm ngoài tầm với? Liệu có phải con người đã luôn tìm kiếm hạnh phúc sai chỗ?".
Đây cũng là câu hỏi mà Mihaly Csikszentmihalyi, nhà tâm lý học hàng đầu, một trong những cây đại thụ của tâm lý học đương đại đặt ra khi ông bắt đầu công trình nghiên cứu vĩ đại đi tìm bản chất hạnh phúc của con người - thuyết Dòng chảy (Flow). Với công trình nghiên cứu này, lời giải cho hạnh phúc của con người đã được tìm thấy.
Khởi đầu từ việc truy tìm nguồn gốc sự bất mãn của con người khi chứng kiến sự tiến bộ không thể đáp ứng kịp những kỳ vọng leo thang, Mihaly Csikszentmihalyi đã lần từ manh mối này đến dấu hiệu khác, truy đến tận cùng nguyên nhân con người không thể tìm thấy hạnh phúc. Từ nguyên nhân này, ông đi ngược lại xác định cơ chế và những điều kiện mà ở đó con người có thể chủ động làm cho cuộc sống của mình trở nên đáng sống và có ý nghĩa, nói cách khác, là trở nên hạnh phúc. Kết quả của công trình nghiên cứu kéo dài hàng chục năm này là sự ra đời của thuyết Dòng chảy, cùng cuốn sách Flow: The Psychology of Optimal Experience. Phát hành lần đầu tiên vào năm 1990, liên tục trở thành một trong những cuốn sách tâm lý học bán chạy nhất và đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, phải đợi đến hơn 30 năm sau, cuốn sách kinh điển này mới được Việt hóa và giới thiệu đến bạn đọc.
Sách "Dòng chảy" do First News phát hành
Sách "Dòng chảy" do First News phát hành
Trong suốt thời gian đó, thuyết Dòng chảy đã phổ biến khắp thế giới, trở thành một trụ cột của nhánh tâm lý học tích cực. Hiện nay, thuyết Dòng chảy đang được ứng dụng và tiếp tục được nghiên cứu trong hầu hết các ngành Khoa học Xã hội, Kinh tế và các lĩnh vực quan trọng khác.

Vậy, Dòng chảy nói về cái gì?

"Cuốn sách này sẽ khảo sát quá trình đạt được hạnh phúc thông qua sự kiểm soát đời sống nội tại của một người."
Trích "Dòng chảy"
Theo Mihaly Csikszentmihalyi, trạng thái dòng chải là trạng thái ý thức đạt trật tự hài hòa, trong đó con người tham gia vào một hoạt động sâu sắc đến mức dường như chẳng còn điều gì khác là quan trọng; người ta sẽ quyết tâm thực hiện hoạt động chỉ bởi lợi ích tự thân khi làm việc đó
Theo đó, con người có khả năng tìm kiếm ý nghĩa và mục tiêu cuộc sống trong chính trải nghiệm hằng ngày của mình, nói cách khác, chúng ta có thể hoàn toàn làm chủ chất lượng cuộc sống của mình. Vậy, chúng ta làm thế bằng cách nào?
"Ngụ bên trong mỗi người là quyền lực quyết định liệu trật tự của tâm trí sẽ được phục hồi từ bên ngoài, theo những cách thức mà chúng ta hoàn toàn không kiểm soát được, hay trật tự sẽ là kết quả của một mô thức nội tại vốn được phát triển mang tính hữu cơ từ những kỹ năng và tri thức của chúng ta."
Trong sách Dòng chảy, tác giả đi từ việc giải phẫu ý thức, xác định nguồn gốc sự bất mãn của con người đến từ sự rối loạn trong ý thức, hay entropy tâm thần, đến việc xác định các cơ chế và điều kiện (khả dụng với tất cả mọi người) nhằm đưa ý thức về trật tự, từ đó đưa con người vào những trải nghiệm tối ưu. Bởi vì cuộc sống là tập hợp của trải nghiệm, khi chúng ta có thể đảm bảo mọi trải nghiệm đều tốt đẹp, cuộc sống nhìn chung sẽ được cải thiện triệt để.

Cơ chế của trạng thái dòng chảy

Sự thưởng thức: Cảm giác thưởng thức diễn ra khi một cá nhân không chỉ được đáp ứng một số kỳ vọng ưu tiên hay được thỏa mãn một nhu cầu, một mong muốn, mà còn vượt qua những gì anh/cô ta được lập trình để làm và đạt tới điều gì đó ngoài mong đợi, có thể là một điều thậm chí còn không thể tưởng tượng được trước đó. Nói cách khác, sự thưởng thức là khả năng tận hưởng trải nghiệm theo những khía cạnh mà chỉ bản thân người trải nghiệm mới nhận thức được, điều này đến từ cảm giác mới lạ và cảm giác thành tựu. Khi có khả năng thưởng thức hoạt động, bất kể bạn làm gì, mọi khoảnh khắc đều trở nên đáng giá.
Trải nghiệm có mục đích tự thân: Khái niệm này đề cập đến một hoạt động mang tính tự túc, khép kín, một hoạt động được thực hiện không phải với kỳ vọng về một lợi ích trong tương lai nào đó, mà đơn giản là vì chính việc làm việc đó đã là phần thưởng. Càng có được nhiều trải nghiệm có mục đích tự thân, chúng ta càng làm chủ được cuộc sống của mình.
Thành tố then chốt của một trải nghiệm tối ưu là nó nhắm đến đích đến là chính nó, hay nói cách khác, nó mang mục đích tự thân.
Trích "Dòng chảy"

Các điều kiện dẫn đến trạng thái dòng chảy

Cấu trúc 9 thành phần này có thể được xem là cấu trúc của hạnh phúc, bởi vì, trạng thái dòng chảy chính là thứ gần nhất với định nghĩa hạnh phúc nói chung.
Có mục tiêu rõ ràng từng bước.
Có những phản hồi tức thì cho hành động.
Có sự cân bằng giữa thách thức và kỹ năng.
Hành động và nhận thức được hợp nhất.
Những khía cạnh khác bị loại khỏi ý thức.
Không lo sợ thất bại.
Sự tự ý thức biến mất.
Cảm thức về thời gian bị bóp méo.
Hoạt động trở thành hoạt động có mục đích tự thân.

Cấu trúc sách

Dòng chảy bao gồm mười chương, từng bước khảo sát mọi khía cạnh của cuộc sống. Về cơ bản, đi qua mười chương sách độc giả có thể nhìn lại mọi ngóc ngách trong cuộc sống của mình để tìm kiếm hạnh phúc đang ẩn mình trong đó.
Chương 1: Hạnh phúc được xem xét lại
Chương 2: Giải phẫu học về ý thức
Chương 3: Sự thưởng thức và chất lượng cuộc sống
Chương 4: Những điều kiện của trạng thái dòng chảy
Chương 5: Cơ thể trong dòng chảy
Chương 6: Dòng chảy của suy nghĩ
Chương 7: Làm việc như dòng chảy
Chương 8: Thưởng thức sự cô độc và mối quan hệ với người khác
Chương 9: Đánh lừa sự hỗn loạn
Chương 10: Tạo ra ý nghĩa
Trạng thái dòng chảy không nhất thiết xảy ra khi điều kiện ngoại cảnh thuận lợi, trên thực tế, đa số trạng thái dòng chảy được tìm thấy trong các hoàn cảnh khắc nghiệt, trong sự thử thách về thể chất lẫn tinh thần. Chắc chắn gần như tất cả chúng ta đều đã từng đạt đến trạng thái dòng chảy, từng trải qua một vài trải nghiệm tối ưu. Thông qua những gì tác giả phân tích, hướng dẫn trong cuốn sách này, chúng ta còn có thể chủ động đạt đến trạng thái dòng chảy, hay có được trải nghiệm tối ưu thường xuyên hơn nữa. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn, chủ động hơn, cân bằng hơn, bất kể điều kiện ngoại cảnh như thế nào.
Jade Nguyễn