Làm thế nào mà đom đóm có thể tạo ra ánh sáng?
Để tạo ra thứ ánh sáng xinh xẻo như thế, đom đóm đã tự tạo một phản ứng hoá học bên trong cơ thể mình, đó gọi là phát quang sinh học (bioluminescence). Phản ứng này là sự kết hợp của Oxi, Canxi, năng lượng ATP, một chất hoá học và enzym phát quang sinh học đặc biệt.
Nhiều người ví đom đóm như là bóng đèn của màn đêm nhưng thực chất cơ chế của chúng không hề giống nhau, ánh sáng mà đom đóm phát ra không toả nhiều nhiệt. Vì bởi lẽ, nếu cơ quan phát sáng của đom đóm mà nóng như bóng đèn, thì đom đóm sẽ chết ngay khi mới bật công tắc lần đầu tiên.
Thế thì đom đóm có thể tự kiểm soát sự nhấp nháy của mình hay không?  
Được chứ! Chỉ cần thêm Oxi vào phản ứng sản xuất ánh sáng bên trong cơ quan phát quang thì đom đóm có thể tự bật và tắc công tắc của chính mình. Những nghiên cứu gần đây cho thấy Oxit Nitric cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nhấp nháy của đom đóm. Khi Oxit Nitric được tạo ra, nó liên kết với ti thể. Lúc này, Oxi không có cơ hội liên kết với ti thể nên đi một mạch vào cơ quan phát quang. Ở nơi đây, Oxi tiếp tục kết hợp với các hóa chất khác để tạo ra phản ứng phát quang sinh học.
Phải chăng đom đóm đơn giản chỉ phát sáng cho vui?
Thiên nhiên không tạo ra bất cứ cái gì một cách vô cớ. Việc phát sáng đóng vai trò rất quan trọng trong sự sống còn của đom đóm. Ấu trùng đom đóm sản xuất chất steroid khiến chúng có mùi khó chịu không hấp dẫn động vật ăn thịt khác, do đó, ánh sáng như một tín hiệu cảnh báo rằng, chúng tôi hơi bốc mùi đó, ăn không ngon đâu. Khi trưởng thành, đom đóm sử dụng cái “light stick” độc đáo của mình để thu hút bạn tình. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nàng đóm chọn bạn tình dựa vào đặc điểm "light stick" của con đực chẳng hạn như tốc độ và cường độ nhấp nháy.
Độc đáo như thế, nhưng đã bao lâu rồi bạn chưa nhìn thấy một chú đom đóm? Có lẽ là rất lâu rồi, và trên thực tế, loài động vật này đang dần biến mất khỏi Trái Đất.
Tại sao lại như vậy? Hãy đón chờ những bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé!