Chủ quan mà nói thì cuốn này không giống như mình kì vọng. Đây là một công trình chi tiết, lập luận, dẫn chứng và trích nguồn rất cụ thể. Thế nhưng, cũng phần vì văn hóa Chăm bị ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn, không trọng sử viết như Tàu, thêm nữa là Champa tàn lụi quá sớm, có tương tác, có những lúc hòa bình-chiến tranh đan xen nhưng không thân thiết với Việt Nam hay Trung Quốc như các nước cùng chung nền văn hóa Đông Nam Á khác nên thành ra phần sử của Việt Nam hay Trung Quốc viết về Champa cũng vừa không nhiều, vừa lộn xộn. Tác giả lại không có ý định đưa ra kết luận gì cả mà chỉ trình bày các dữ kiện đã có và đặt ra các giả thiết. Như vậy là hợp lý, nhưng mà thế để nghiên cứu để làm luận hay viết bài thì được, chứ đọc để biết thì ngợp quá, không biết phải nhớ cái gì.

Phần sử thì rất chi tiết nhưng phần tín ngưỡng-tôn giáo Champa lại hơi sơ sài. Mặc dù cung cấp rất nhiều thông tin, hầu như cái gì cũng có nhưng lại không hệ thống. Ai mà không biết trước Bàlamôn và Bàni là gì thì có thể vẫn sẽ không hiểu là gì. Đặc biệt là trang 196 ngay phần đầu tiên đề cập đến ảnh hưởng của Hồi giáo có viết là “Họ (người Chăm) thờ đức Thánh Allah Muhammad” là lỗi sai vô cùng nghiêm trọng. Chắc chắn là sai. Người Chăm Bàni có thờ Muhammad có thờ Ali và đặc biệt rất coi trọng Ali do ảnh hưởng của Hồi giáo dòng Shi’a nhưng không bao giờ lẫn lộn giữa Thượng Đế Allah và 2 nhân vật còn lại được. Không có ai là Allah Muhammad hết. Có thể chỗ đó tính viết là Ali và Muhammad chăng?

Một số thông tin hay ho tích cóp được trong quyển sách này (không theo thứ tự và hệ thống, nhớ được gì ghi lại cái đó thôi):
- Việc Champa là một quốc gia hay nhiều tiểu vương quốc xuyên suốt và kế thừa trong lịch sử là điều chưa khẳng định được.
- Đất nước đầu tiên được ghi nhận là Lâm Ấp, sau đó là Hoàn Vương, Champa, Chiêm Thành.
- Phù Nam và Chân Lạp khác với Champa. Phù Nam (Phnom) là tên một quốc gia cổ đại của Campuchia sau đó bị Chân Lạp kế thừa. Sau này một phần trung tâm tách ra gộp vào lãnh thổ Việt Nam, giờ là một số tỉnh Nam Bộ. 
- Người Chăm giành được độc lập từ rất sớm so với người Việt. Khi Mã Việt đánh bại Hai Bà Trưng thì người Hán chỉ bình định được hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, còn Nhật Nam cai trị rất lỏng lẻo, người dân ở đây liên tục nổi dậy chống Hán cho tới cuối thế kỉ II SCN, nhà nước Lâm Ấp đã được ghi nhận và trở thành tiền thân của Champa sau này.
- Lê Hoàn có lẽ là người đầu tiên khởi đầu cho cuộc chiến Việt-Chăm. Riêng thời Trần, Việt-Chăm có giai đoạn cùng nhau chống Mông-Nguyên nên khá hòa thuận (nên mới có câu chuyện công chúa Huyền Trân). 
- Nhân cơ hội nhà Hồ để mất nước vào tay nhà Minh, người dân ở khu vực Quảng Nam nổi dậy tự trị, chính vì thế nên các di tích và văn hóa của người Chăm ở Quảng Nam đến giờ vẫn được bảo tồn tương đối tốt so với các khu vực khác. Sau này nhà Nguyễn cũng tương đối dễ chịu với cộng đồng người Chăm. 
- Người Chăm ra Bắc rất nhiều do cả bị ép buộc và tự nguyện. Thế nhưng, rõ ràng là người Chăm ra Bắc ít bị đồng hóa cưỡng bức một cách khắc nghiệt (!?) vì tới giờ miền Bắc vẫn còn rất nhiều những ảnh hưởng của nền văn hóa Chăm. Đền chùa người Chăm được xây dựng rải rác ở các khu vực tập trung nhiều người Chăm.
- Chùa Bà Đanh nay ở Thụy Khuê vốn là một ngôi đền thờ nữ thần Po Yan Dari của cộng đồng người Chăm sống ở Thăng Long. 
- Đời Lý có Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành bắt được rất nhiều tù binh đem về kinh thành nên hiện tại xung quanh Hồ Tây có rất nhiều gốc tính của người Chăm. Những dòng tộc lớn mang họ Hy, Công, Ông, Bố nhiều khả năng đều là hậu nhân của những người Chăm này.
- Thôn Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) được cho là địa điểm nuôi giữ hàng ngàn tù binh Chăm thời Lý. Tới nay vẫn tồn tại đâu đó một số truyền thống như kiêng ăn thì bò, thờ thần bò của người Chăm Bàlamôn giáo (do thần bò Nandi là vật cưỡi của thần Shiva).
- Người Chăm trong lịch sử có theo Phật giáo nhưng có lẽ chỉ ở trong tầng lớp dân chúng, và tới hiện nay cơ bản đã không còn.
- Người Chăm hiện tại được chia thành 3 cộng đồng dựa theo tôn giáo: Chăm Ahier (Chăm Bàlamôn giáo), Chăm Awal (Chăm Bàni), và Chăm Islam (Chăm Hồi giáo chính thống). Trong đó, cộng đồng Chăm Ahier và Awal rất gần gũi với nhau về mặt tôn giáo và văn hóa, còn Chăm Islam gần như tách hẳn. 
- Chăm Ahier tuy là mang đậm ảnh hưởng của Bàlamôn giáo nhưng dường như chỉ ở tầng lớp tu sĩ và cũng đã được bản địa hóa khác rất nhiều so với Bàlamôn giáo hay Hindu giáo ở Ấn Độ. Người Chăm thờ đan xen rất nhiều vị thánh thần bản địa. Shiva được xem là Thượng Đế tối cao nhưng nhiều khi bị đánh đồng với Nữ Thần Xứ Sở do văn hóa thờ mẫu của chế độ mẫu hệ người Chăm. Ngoài ra, người Chăm còn thờ cả các nhân thần, vua chúa, khác với phiên bản gốc ở Ấn Độ
- Chăm Awal là một bộ phận ảnh hưởng bởi Hồi giáo dòng Shi’a. Họ thờ Allah, tin theo kinh Qur’an nhưng giáo lý đã bị biến đổi khá nhiều. Người Chăm Bàni không cầu nguyện 5 lần/ngày, không đọc kinh Qur’an thường xuyên, có tháng Ramawan - phiên bản của Ramadan nhưng cũng biến đổi rất nhiều và thường nhiệm vụ cúng tế và thực hiện nghi lễ tôn giáo do tu sĩ làm thay người dân. Ngoài ra, Chăm Bàni tôn thờ Allah là Thượng Đế tối cao nhưng không phải duy nhất, họ vẫn thờ các vị thánh thần bản địa khác giống như Chăm Ahier.
- Chăm Islam là cộng đồng người Chăm theo dòng Hồi giáo chính thống, có mối quan hệ chặt chẽ với thế giới Hồi giáo thế giới và đặc biệt là các nước Hồi giáo xung quanh như Malaysia và Indonesia. Người Chăm Islam cố gắng bảo toàn tính nguyên vẹn của Hồi giáo dòng Sunni như các cộng đồng khác, nghi lễ cầu nguyện và đi hành hương đều giống như cộng đồng Hồi giáo thế giới.