Thời gian gần đây thì tôi có xem phim “Cây táo nở hoa”, nội dung phim mô tả diễn biến tâm lý của những người xung quanh anh Ngọc - một người bị ung thư gan. Điều đáng nói ở đây là tôi đã không nhận ra được rằng bản thân đã cảm nhận về phim hời hợt ra sao cho đến khi chỉ sau đó mấy tuần thì tôi nhận được thông báo về việc chú ruột mình bị K thực quản.

TIỀM THỨC

Tôi tin rằng ai trong chúng ta đều từng ít nhất một lần chăn trở về cái chết, nó được coi như là điểm cuối cùng của cuộc đời người. Đôi lần tôi có nghĩ mất mạng có vẻ như là mất mát dễ chịu nhất đối với mỗi chung ta bởi chết là hết, là dừng lại mọi sự sung sướng cũng như đau khổ, ta buông xuôi mọi thứ và không còn cảm nhận được gì nữa. Thế nhưng, mấy ai sống ở đời mà không có sự ràng buộc về vật chất hay tinh thần với người khác?
Tôi có một may mắn, đó là chưa từng chứng kiến sự mất mát của bất kỳ người thân nào cho đến thời điểm hiện tại. Có lẽ vì thế nên từ nhỏ, vào buổi tối trước khi ngủ, lâu lâu tôi có nằm suy nghĩ về việc tôi sẽ thấy gì sau khi chết và liệu sẽ buồn đến mấy khi người thân ra đi. Và lần nào tôi cũng khóc nức nở rồi chìm vào giấc ngủ. Lớn lên thì tôi vẫn không khỏi nghĩ về nó, chỉ khác là đã không còn mít ướt như hồi bé thôi.

TIẾP NHẬN

Cái hôm mà nghe mẹ bảo chú bị K thực quản tôi còn ngây thơ đến mức bình thản nghĩ nó chỉ là bệnh gì đó về thực quản thôi, chắc chữa một thời gian là khỏi (vì tôi đâu biết K là gì). Tôi vẫn vội vã nói với mẹ vài câu rồi ra chuẩn bị đồ để nấu ăn trưa, tiên tay lên google xem bị K là bị gì. Và từng dòng chữ đập vào mắt khiến tôi ngỡ ngàng, ngơ ngác rồi bật ngửa. Chả hiểu sao bao lâu nay tôi cứ nghĩ, ung thư chắc chỉ có trên phim ảnh hay với người ngoài thôi, chứ làm gì xảy ra với mọi người xung quanh mình. Và xạ trị hẳn là một khái niệm gì đó xa vời lắm.
Chiều hôm đó sau khi gọi điện cho dì để hỏi thăm, tôi mới buông điện thoại xuống và thả mình vào những dòng suy tư cho cảm xúc được cuốn trôi theo. Đầu tiên tôi nghĩ về dì, dì là vợ chú, chắc hẳn dì sẽ đau lòng lắm khi thấy chồng mình bị như vậy, thật sự thương dì quá. Tiếp đó tôi nghĩ về 2 đứa em họ, liệu chúng nó sẽ cảm thấy thế nào về thông tin này. Quan trọng hơn cả, chúng nó có thể đón nhận rồi chấp nhận một cách bình tĩnh ở cái tuổi 16 và 18 hay không. Dẫu biết rằng ung thư vẫn có tỷ lệ chữa được nhưng đâu ai không suy nghĩ tiêu cực trong trường hợp đó? Cuối cùng thì tôi nghĩ về mình, liệu một ngày nào đó mình rơi vào hoàn cảnh tương tự, tệ hơn lỡ đâu nó vận vào chính mình thì sao? Thảy những câu hỏi đó tôi đều bỏ dở không có lời đáp. Vì toàn việc chưa diễn ra, và vì lượng tiêu cực đã đủ nhiều khiến cho não tôi phải dừng nghĩ ngợi.

ĐỐI MẶT

Mỗi khi bế tắc, việc đầu tiên tôi nghĩ đến ngoài tâm sự với ny thường là viết. Làm bạn với con chữ mặc dù không giúp tôi bớt buồn nhưng chắc chắn giúp tôi bình tĩnh lại. Tôi tạo hẳn 1 page riêng để viết về những cảm xúc trong tình yêu, hay đôi khi là viết mọi thứ mình định xả lên fb bằng cách gõ ra word... Ngoài ra, tôi cũng đã từng rất nhiều lần muốn viết về chủ đề này nhưng không làm vì bản thân chưa sẵn sàng đối mặt với những cảm xúc tiêu cực khi viết. Chỉ cho đến khi tôi tìm hiểu về Stoicism và thấy được một đoạn trích (được lấy từ bức thư số 4 của Seneca gửi Lucilius) như sau:
Thực ra cũng đâu có gì khác biệt, vì đằng nào cuộc đời cũng hướng đến điểm cuối là cái chết thôi mà. Tại sao bạn phải lừa gạt bản thân mình? Hãy thẳng thắn nhìn vào sư thật này: kể từ giờ phút được sinh ra, cuộc đời bạn, từng giây từng phút, luôn đưa bạn đến gần hơn điểm cuối cùng ấy.
Trích Seneca, những bức thư đạo đức
Sau tất cả, tôi chọn không đưa ra bất cứ lời khuyên hay lời an ủi nào cho dì hay đặc biệt làm cho 2 đứa em họ của mình như mẹ vẫn bảo. Điều mà tôi nghĩ là tôi làm tốt nhất để an ủi, đó là luôn sẵn sàng lắng nghe nếu như mọi người cần đến. Suy cho cùng, mỗi người chúng đều phải tự cố gắng rất nhiều nếu như muốn có được sự bình thản trong tâm trí.