TẠI SAO MÌNH LẠI ĐẦU TƯ VÀO SÁCH THAY VÌ NHỮNG THỨ KHÁC?
Tính tới thời điểm hiện tại, số sách mình đọc có lẽ rơi vào khoảng 2000-2300 cuốn, bao gồm cả sách giấy lẫn ebook.
Trong số. đó, mình đã tự mua 600-800 cuốn. 2/3 trong số đó mình đã tặng, đã bán lại với giá rẻ hơn một nửa ngay sau khi đọc xong và mình cũng đưa cho bạn bè mượn.
Mình bắt đầu mua sách như một thói quen vào năm 2012. Tổng số chi phí mình đã đầu tư vào sách cũng lên tới hàng trăm triệu. Ngay cả mua trên Tiki, săn sách giảm giá thì mỗi cuốn mình mua thường xấp xỉ 100k một cuốn.
Hàng trăm triệu nghe có vẻ to tát và khó tin, nhưng khi chia ra cho 9 năm thì mình đó cũng chỉ là con số trung bình mà người khác chi tiêu vào việc mua sắm, du lịch, lên đời điện thoại hay xe máy. Hiện tại, mình vẫn đi chiếc Wave Alpha có tuổi đời 12 năm tuổi và trong thời gian tới mình vẫn sẽ gắn bó với nó.
Nhiều người hỏi mình rằng mình đã bỏ quá nhiều thời gian và tiền bạc (dù trong thời điểm mình gặp khó khăn về tài chính) dành cho sách vở thì mình đổi lại được cái gì? Hay mình đang lấy việc đọc là cái lý do để trốn tránh khỏi thực tại, khỏi cuộc sống để đặt bản thân vào một vị trí thượng đẳng hơn người khác?
Thực sự thì mọi việc không hề phức tạp như thế. Lý do mình luôn dành thời gian, tiền bạc để mua và đọc sách chỉ đơn giản là mình tìm kiếm được niềm vui và giá trị từ sách.
Niềm vui là mình biết nhiều hơn về những gì mình không biết. Mình biết cả những ưu điểm và hạn chế của bản thân, cũng như biết được rằng mình có thể trở nên tốt hơn mỗi ngày khi sự nhận biết về mọi thứ cũng liên tục tăng tiến. Khi bạn có thể tìm được niềm vui đúng nghĩa và phù hợp với bản thân mình, bạn sẽ sống một cuộc đời rong chơi ngay cả khi dành 18/24 giờ mỗi ngày cho niềm vui đó.
Còn giá trị mà mình nhận được từ việc đọc hơn 2000 cuốn sách là KHÔNG CÓ GIỚI HẠN nào. Từ ý tưởng viết lách cho tiểu thuyết cho tới công việc, kinh doanh, rồi vô số các bài biết chia sẻ hay các cấu trúc để tạo ra những cuốn sách mình viết cho khách hàng lẫn cho bản thân trong tương lai sau này, và nhiều lợi ích khác nữa. Những lợi ích này đem tới số chất liệu để mình có thể làm việc suốt đời mà không cạn kiệt hứng thú hay khổ tâm tìm kiếm ý tưởng.
Nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đây. Như mình đã chia sẻ, đến bây giờ mình vẫn chưa thấy giới hạn nào của lợi ích từ việc đó cả.
TỪ ĐỌC TỚI GHI CHÉP VÀ SỰ KẾT NỐI GIỮA THẾ GIỚI VỚI MỘT CÁ THỂ CÔ ĐỘC
Từ niềm vui và giá trị do việc đọc đem lại thì mình bắt đầu xây dựng một hệ thống riêng để lưu giữ, phân loại và tái cấu trúc lại những gì mình đã đọc thành một thứ mới mẻ.
Khi số lượng sách mình đọc quá nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng thì mình bắt đầu ý thức về việc “Ghi nhớ lại những gì có giá trị nhất” của mỗi cuốn sách bằng cách ghi chép lại những “thông tin có giá trị với chính mình” trong cả việc phát triển bản thân và giúp ích cho công việc.
Mình đã đọc hơn 2000 cuốn nhưng số ghi chép từ 2000 cuốn sách đó chỉ lấp đầy được 6 cuốn sổ ghi chép, mỗi cuốn dày khoảng 250 trang khổ 14x20cm. Nhưng mỗi lần mình đọc lại từng ghi chép đó hay chỉ lướt qua thôi sẽ ngay lập tức giúp mình gợi nhớ về từng nội dung trong cuốn sách mình đã đọc. Và điều quan trọng hơn cả từ từng chữ từng câu trong mỗi ghi chép đó sẽ dẫn mình tới một ý tưởng mới mẻ để viết hay để mở ra một cái gì đó rất hứng thú và hứa hẹn khi bản thân mình đổ công sức biến nó thành hiện thực thông qua hành động. Viết cái gì đó chính là một kiểu hành động như thế.
Mình có thể mô tả rằng những ghi chép ấy chính là con đường, là đạo lộ dẫn mình tới thứ mình cần tìm kiếm dù mình còn chưa biết thứ mình tìm kiếm là gì ngoài ngoài việc nhấc chân lên mà đi. Rồi từ sự mù mờ, không rõ ràng ấy đã dần dần đem tới một ý tưởng mạch lạc, một suối nguồn bỗng nhiên tuôn trào để mình có thể chắp nối lại mọi tư duy, suy nghĩ nhỏ như những mẩu bánh mỳ bên trong tâm trí thành cái gì đó có thể chia sẻ, dẫn đạt thành bài viết, thành content, chia sẻ và câu chuyện đến với mọi người.
Bất cứ ai đã và đang là người viết thì trạng thái chuyển đổi từ một khái niệm vô hình thành một cái gì đó có thể diễn dạt bằng ngôn từ thì đều biết rằng đấy chẳng khác gì một điều kỳ diệu, một dạng khoác lạc cực độ đang tuôn chảy khắp hai bán cầu, hai bàn tay cho tới trái tim, rất giống lúc bạn đắm chìm và thoả mãn trong sex. Trong tâm lý học, đó chính là trạng thái Flow – Dòng chảy khi bạn hoàn toàn đắm chìm trong việc bạn làm đến quên cả không gian lẫn thời gian.
Tất nhiên để đạt được trạng thái đó Flow này thì tất cả người viết đều biết rằng đó là một quá trình KHÔNG HỀ DỄ DÀNG, ngay cả với những người có kỷ luật nhất. Mình cũng không phải là ngoại lệ nên mình dã biến việc tìm kiếm ý tưởng trở nên DỄ DÀNG hơn thông qua những GHI CHÉP.
Đối với mình thì việc ghi chép không chỉ là ghi lại và sao chép lại thông tin, suy nghĩ hay tư duy của người hay nhiều nhiều người khác mà là GHI NHỚ những gì bạn nhận thức rằng nó có giá trị ngay cả khi mọi thứ chưa rõ ràng. Việc xâu chuỗi một loạt các hành vi như đọc, bất ngờ ý tưởng ập tới, rồi ngay sau đó ghi chép lại dòng chữ đó, câu văn đó, suy nghĩ đó khiến cho việc ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn. Và ngay cả khi mình chưa tìm ra được ý tưởng thú vị nào đó trong ghi chép mới nhất, thì việc mình lại cũng là một phương pháp tiếp thu và ghi nhớ được sâu sắc hơn.
Mình không dẫn chứng khoa học dù có nhiều chứng minh, mình dựa trên trải nghiệm và thực hành của bản thân để khẳng định rằng : Ghi nhớ thông tin, kiến thức không chỉ là nhiệm vụ của não bộ mà là toàn bộ cơ thể nếu như có thể tạo ra các hành động cùng lúc giúp ích cho việc ghi nhớ đó. Việc ghi chép không chỉ cần tới khối óc để sàng lọc thông tin mà bàn tay khi viết hay gõ chữ cũng giúp ích nhiều không kém.
Thiền định giúp cho tâm trí bình thản.
Tập luyện giúp cho cơ thể khoẻ mạnh
Còn ghi chép giúp cho ghi nhớ tốt hơn và sản sinh ý tưởng nhanh hơn.
Và giống như những thói quen tốt, việc ghi chép cũng đòi hỏi ở mỗi người sự kiên nhẫn và chịu đựng trạng thái bất lực của bản thân nhiều hơn bao giờ hết.
Vì để có được những ghi chép thì bạn phải đọc rất nhiều. Đọc cả những thứ mình không thích, thậm chí nhiều hơn cả những thứ bạn thích. Đó còn hơn cả sự tra tấn vì càng đọc bàng càng nhận ra là mình biết quá ít và những điều bạn không biết thì gần như là vô hạn.
Nhưng nếu kiên nhẫn, nếu cho phép bạn tin tưởng vào bản thân, nếu đầu tư đủ cả thời gian lẫn tiền bạc để tìm kiếm những ghi chép đó thông qua sách vở thì bạn sẽ đi qua một rào cản vô hạn và bước vào một khả năng vô hạn: Bạn dễ dàng tìm kiếm ý tưởng trong mọi lúc, mọi thời điểm mà người khác gần như vật vã và bất lực đến cùng cực.
Đối với mình thì thông qua việc đọc và ghi chép mỗi ngày đã tạo ra một vòng tròn tuần hoàn đầy ắp niềm vui, cảm hứng, động lực và lý do để sống, để tin rằng mỗi ngày trôi qua thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Từ việc kiếm tìm niềm vui thông qua việc mua và đọc sách thì mình càng muốn đọc nhiều hơn nữa.
Cứ đọc thì mình lại cứ tìm kiếm được những ghi chép.
Cứ có những ghi chép thì mình lại nảy sinh ra nhiều ý tưởng mới.
Cứ có ý tưởng mới thì lại thúc đẩy mình hành động.
Cứ hành động thì mình lại có sản phẩm, bài viết, truyện ngắn, có khách hàng liên hệ, có công việc đúng theo chuyên môn và nhất là có những mối quan hệ mới, những người bạn mới với nhiều sự sâu sắc chứ không phải là hời hợt hoặc xã giao. Vì mình và họ đều cùng chia sẻ nhiều những quan điểm và suy nghĩ giống nhau, thông qua những gì mình viết.
Mình cũng thành thật thú nhận rằng mình là một đứa nghiện đọc. Thậm chí cả khi mắt đã mỏi, tinh thần rơi vào trạng thái mất tập trung thì mình liền chuyển sang nghe sách nói trên Youtube. Với cuốn sổ trên tay nên dù video sách nói ở chế độ 1,75 speed thì mình vẫn dễ dàng ghi chép lại những gì có giá trị, những gì mình biết sẽ đem tới cho mình ý tưởng và sự sáng tạo.
Giống như một kẻ tham lam, mình còn hơn cả vua Midas với bàn tay chạm vào cái gì là cái đó liền biến thành vàng ròng, thì với mình sách cũng như vậy. Trong mỗi cuốn sách đều ẩn chứa ý tưởng, cơ hội và thông tin để mình có thể biến thành một thứ gì đó thú vị và cho riêng mình khi mình tìm thấy nó. Cơn nghiện này luôn thúc đẩy mình đọc nhiều hơn, mua sách nhiều hơn và mình không có cách nào để kiểm soát nó cả.
Nhưng đổi lại thì mình đã có tất cả những thứ mình muốn từ cơn nghiện này. Đó là niềm vui, sự tiến bộ, sự thuận lợi trong công việc, những ý tưởng thú vị để theo đuổi và kết nối mình với rất nhiều con người ở ngoài kia, một thế giới rộng lớn vô cùng dù cho việc đọc và ghi chép mỗi ngày thực sự biến mình trở thành một cá thể vô cùng cô độc.
Nhưng sự cô độc này đối với mình là cần thiết, như sự đầu tư thời gian và tiền bạc vào sách vở.
Mình tìm kiếm những ghi chép rồi các ghi chép đưa mình tới các ý tưởng hấp dẫn để thực thi thông qua viết lách.
Và thông qua viết thì mình lại được kết nối một cách trọn vẹn, thậm chí là sâu sắc với mọi người nhiều hơn bất cứ ai có thể. Có lẽ mình rất cô độc nhưng mình chưa bao giờ thấy cô đơn cả.
Cuối cùng đến tận bây giờ, mình vẫn vô cùng ngạc nhiên và cảm thấy thú vị khi những gì mình chia sẻ đã đem tới cho mình nhiều giá trị đến như vậy. Dù rằng nó bắt nguồn từ một niềm vui nhỏ bé là được đọc và ghi chép mỗi ngày. Điều này làm mình phải nhìn nhận lại khái niệm về niềm vui đích thực là gì, và mình cho rằng niềm vui đích thực ấy là “Nó không chỉ tốt cho bản thân mỗi cá nhân mà biết đâu niềm vui đó có thể là cảm hứng hay sự thúc đẩy với người khác”.
Ai cũng có thể tạo ra niềm vui đích thực ấy khi người đó nhận biết và hiểu rõ những gì mình đang làm. Điều này đúng với cả những cá thể cô độc và vô hình nhất trên thế gian này.

NHỮNG CHIA SẺ VỀ CÁCH GHI GHÉP CỦA MÌNH
1. Việc đầu tiên thì bạn phải luôn có bút và sổ bên mình khi đọc sách. Đọc đến đoạn nào mà bạn cảm thấy rằng nó ẩn chưa một cái gì đó chưa rõ ràng, hay đem tới cho bạn sự phấn khích, cảm hứng cao độ thì ghi chép lại ngay lập tức. Nếu không ghi chép lại được vì một lý do nào thì hãy chụp lại hoặc dùng bút nhớ tô lại.
2. Đừng quá chú trọng đến chất lượng và số lượng những ghi chép ban đầu khi bạn đầu xây dựng thói quen này. Chắc chắn sẽ có những ghi chép không đem lại quá nhiều giá trị, nhưng đổi lại chúng giúp bạn hình thành hành vi, thói quen và khả năng tư duy khi chọn lọc những ghi chép tiếp theo. Đừng vội vàng, hãy kiên nhẫn, bạn chắc chắn sẽ tìm được nhiều ghi chép vàng khi thực hành... ghi chép mỗi ngày. Hãy nhớ quy luật của may mắn là bạn càng làm thì bạn càng gặp may.
3. Khi đã xây dựng thói quen ghi chép mỗi ngày thì việc tiếp theo bạn cần làm là tạo ra một hệ thống ghi chép cho riêng mình. Cách của mình là sẽ viết lại số trang có chứa nội dung càn ghi nhớ và ghi chép. Để phân loại thông tin đó mình sử dụng những ký hiệu riêng đã được tối ưu cho riêng bản thân mình.
Ví dụ nếu thông tin đó giúp mình tạo ra ý tưởng mới thì mình sẽ ký hiệu *ngay cạnh số trang. Còn nếu đó là một kiến thức mình chưa biết thì mình sẽ đặt ? ngay sau số trang đó. Thông thường mình sẽ sử dụng phương pháp này để đánh dấu và phân loại toàn bộ thông tin trong một cuốn sách trước khi bắt đầu ghi chép lại.
4. Việc ghi chép mỗi ngày phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn đọc. Và việc bạn đọc mỗi ngày thì đó lại là một thói quen cần thời giản để xây dựng. Điều này dẫn tới việc bạn không chỉ hình thành một thói quen mà là hai thói quen cùng một lúc để đạt được lợi ích từ việc đọc và ghi chép. Vì thế, hãy bố trí một khoảng thời gian trống trong ngày để bắt đầu đọc và ghi chép.
Minh khuyên là hãy bắt đầu từ 30 phút hay ít hơn cũng được, miễn khoảng thời gian đó khiến bạn thoải mái để bắt đầu một hành vi mới. Không quan trọng bạn làm bạn trong bao nhiêu mà là bạn làm điều đó được bao nhiêu ngày. Thói quen được tích luỹ rồi hình thành từ việc lặp đi lặp lại những gì bạn làm.
Và nếu bạn cho phép mình kiên nhẫn, sự khó khăn ban đầu sẽ biến thành hành động vô thức, dù đó có là những kỹ năng khó khăn nhất như đọc và viết. Khi bạn được giải phóng khỏi sự khó khăn này, khoảng trống nó để lại sẽ là nơi tuôn trào vô số ý tưởng.
5.Nếu tài chính không cho phép bạn mua sách mới thường xuyên thì hãy đọc ebook và nghe sách nói trên Youtube. Ebook thì có hàng nghìn cuốn sách điện tử, trong số đó cũng có không ít những cuốn sách chất lượng cao mà bạn có thể khai thác.
Sách nói thì có ưu điểm là nhiều sách mới và nằm trong top bestseller hơn. Hiện tại mình đang tiết kiệm tiền mua sách bằng việc nghe những cuốn mới mua qua sách nói. Cả hai đều là lựa chọn tốt dù không đem tới cảm giác quen thuộc, thú vị như sách giấy khi đọc. Nhưng chắc chắn chúng sẽ đem lại rất nhiều những ghi chép cho bạn. Đó mới là điều quan trọng và ăn tiền.