ĐỊNH NGHĨA "LẠI" BẠN BÈ
Nằm vắt tay lên trán, những dòng suy nghĩ về bạn bè hiện lên thật rõ ràng
Khái niệm bạn bè được hình thành trong mình từ khi nào, thật sự mình không nhớ rõ. Lúc mình còn bé thì sự nhận thức của mình về một đứa bạn đó là có thể cùng nhau nô đùa, chỉ đơn giản vậy thôi. Có thể cùng nhau đuổi bắt vòng quanh sân trường, cùng nhau những trò mà tụi trẻ con bây giờ ít chơi như là bắn bi, đá bóng nhựa, nhảy dây nịt, bịt mắt bắt dê, trốn tìm, ô ăn quan, nhảy ngựa, ngựa chiến, lia ống bơ vv và vv. Ngày đó ta định nghĩa về những đứa bạn là những đứa chơi được với mình ít nhất là một trò trong cái đống ấy, đứa ấy là bạn mình, không thể khác được. Dù cho tất cả những trò chơi ấy đều theo thể thức đối đầu nhưng ta chắc chắn sẽ phải kiếm cho mình một thằng đồng minh, để cùng phòng vệ cho nhau trong trường hợp đặc biệt. Và trí óc non nớt của mình dần định hình nên một khái niệm mơ hồ về bạn bè.
Sau đó chúng ta lớn dần lên, bắt đầu bước vào cấp 2, nơi mà lúc này bắt đầu xảy ra những trận combat thực sự máu lửa. Mình đã có tìm hiểu sơ qua về vấn đề bạo lực học đường nhưng thực đi sâu phân tích thì với bài viết này là không đủ và đó cũng không phải mục đích mình viết bài này; quay trở lại ban đầu thì qua những gì mình tìm hiểu thì mình nhận ra là lứa tuổi từ lớp 6-9 là lứa tuổi rất dễ xảy ra những việc động tay chân với bạn bè. Thời điểm đó là lúc chúng ta cảm thấy rằng trong cơ thể mình dường như có gì đó đang thay đổi. Mình là một đứa trẻ thuộc thế hệ nửa cuối 9x, mà thế hệ này thì thích xem hay thường được xem gì, chắc chắn sẽ là siêu nhân, phim võ hiệp cổ trang, hoạt hình theo thể loại hành động. Đó là những thứ được chiếu nhan nhản trên bất cứ kênh nào. Và cứ thế cái máu anh hùng ngấm vào người tụi mình một cách rất tự nhiên. Đến trường thằng nào cũng phải sơ mi trắng phanh ngực, đi dép chaco đế dày cộp, mặt thì vênh lên khoảng 30-45 độ, có cãi mũ vào nữa thì kiểu gì cũng đội ngược hoặc đội chéo. Và rồi như mấy con gà chọi mới mở mỏ tìm cách kháy nhau, khịa nhau, nói móc nhau. Kết quả là kiểu gì cũng sẽ có 1 trận bem nhau ra trò giữa hai hoặc nhiều “con gà chọi” ấy. Nó như một màn chào sân của những thằng đầu gấu nhất khối để từ đó thu nạp về cho mình thật nhiều đệ tử thân cận và những đồng minh đáng gờm. Mà đôi khi những trận chiến ấy còn diễn ra từ những người học cùng lớp nhau mà khi ở trong lớp mỗi khi có mặt cô giáo thì chúng ta phải gọi nhau là bạn. Nhưng những trận này nếu không muốn bị ăn hôi bởi cả lũ bạn trong lẫn ngoài lớp thì trừ khi bạn và đứa kia phải là những đứa có máu mặt trong lớp cũng như là có một chút uy nào đó với bọn lớp khác, còn nếu không thì kết quả như nào các bạn biết rồi đấy. Từ nãy giờ đọc chắc là mọi người thấy tiêu cực quá đúng không nhưng nó là sự thật về định nghĩa bạn bè thời cấp 2 của tôi và cũng có thể là của rất nhiều các bạn đang đọc. Không đánh nhau thì khó mà vừa có bạn mà vừa không bị bắt nạt lắm. Tôi may mắn cũng hay xem mấy cái thể loại võ hiệp, siêu nhân các kiểu, cũng có máu anh hùng như nồng độ chưa cao nên số trận tôi đánh nhau khá ít, nhưng thật sự vì có cái tính cách như vậy nên tôi tồn tại một cách lành lặn qua thời cấp 2 máu lửa và rồi có cho mình những tình bạn đẹp.
Sau cấp 2 thì là gì, đương nhiện là cấp 3 rồi. Nói thật thì kì thi đáng sợ nhất không phải là kì thi đại học đâu mà đó là kì thi vào cấp 3 đấy. Kì thì này sẽ biến bạn thành một con người khác hoàn toàn nếu như bạn không thể đạt đủ điểm để vào ngôi trường mà gia đình bạn hoặc bạn kì vọng. Tôi nhớ thời đó mấy đứa máu chiến nhất lớp tôi xác định là chúng nó sẽ phải học dân lập rồi, nên chẳng thiết tha mấy ngoại trừ duy nhất một thằng mà bố nó bắt nó phải đỗ một trường top, thế là nó cày như điên như dại luôn. Tôi cũng thế, ngày đó cày bộ 3 môn ngữ văn, toán học, tiếng anh đến phờ cả người. Riêng môn ngữ văn đến sát ngày thi tôi còn tới nhà cô giáo để nhờ cô kiểm tra bài. Và rồi ơn trời đề văn nó rơi vào một bài tôi có học thuộc. Thế là tôi có thể bước vào cánh cửa cấp 3. Đây là lúc mà tình bạn thời cấp 2 bắt đầu rạn nứt. Chúng tôi bây giờ mỗi đứa đã bước vào một nơi mà chúng tôi ước mơ hoặc là bước vào đúng nơi phải bước, và chúng tôi dần ít liên lạc với nhau. Giờ chỉ còn những ai thực sư thân thiết lắm với nhau thì còn liên lạc. Tại sao lại thế? Vì bây giờ mỗi đứa chúng tôi có cho mình những mối bận tâm mới, những người bạn mới, những thú vui mới. Tôi thì nhờ có quan hệ nên được chuyển từ một lớp gần cuối khối lên lớp thuộc top 3 của khối. Và từ đây tôi gặp được những người bạn mà tôi có thể dõng dạc gọi họ bằng hai tiếng “bạn thân”. Đến tầm tuổi này thì bằng con mắt nhận định của tôi thì những cô cậu đồng trang lứa có vẻ bắt đầu chăm chút cho ngoại hình của mình hơn. Thời điểm đầu những năm 2010s là lúc kiểu tóc undercut bắt đầu thịnh hành, cứ 10 ông thì hết 8 ông cắt kiểu này với đủ các biến thể khác nhau. Ông nào trông cũng như mấy ông minh tinh màn bạc, tóc bóng lộn ruồi đậu ngã gãy chân. Còn những cô con gái thời này thì có cái mốt mặc mấy cái quần legging bó thít chặt chân y như bó giò lụa, mục đích là muốn khoe ra ít đường cong mĩ miều để hút mắt mấy anh con trai. Lứa tuổi này của chúng tôi thì thật sự phải gọi là nở rộ tình yêu. Một đứa con gái yêu hết thằng này đến thằng kia trong lớp, rồi các cặp đôi của các lớp yêu nhau tạo ra những mối liên kết ngầm giữa các cô cậu có số má của lớp đấy, rồi những tình yêu bọ xít nhan nhản trong lớp tôi. Thực sự là lớp lúc nào cũng tràn ngập không khí tình yêu. Điển hình như là một cặp lớp tôi giữa cái nóng gần 40°C của giờ chào cờ đầu tuần vẫn trao nhau những cái ôm nồng nàn đến mức dậy mùi “thơm” từ vùng tay gần vai hay người ta gọi chân phương mộc mạc là mùi mồ hôi nách.
Đi xa quá đà rồi, cứ tưởng tượng cái mùi ấy là đầu óc lại mất tỉnh táo và đi xa với mục đích tiêu đề của bài viết. Tôi vào lớp mới thuộc top 3 này một thời gian và tôi bắt đầu nhận ra dường như đây là lớp dành cho những thành phần có quan hệ nhưng điểm thi thấp nhưng muốn được học những giáo viên chất lượng trong khối dạy nên là được sếp vào lớp này, bên cạnh đó vẫn là những người có thực tài đấy, đừng đùa với những người này. Tôi bắt gặp tụi bạn thân mà bây giờ tôi vẫn chơi theo một cách rất bình thường đó là cùng mê game Fifa Onlie 2 – một game xàm xí nhưng được rất nhiều thằng con trai mê mẩn vì nó là game bóng đá duy nhất chúng tôi có thể chơi được ngoài quán nét. Thế là tình bạn chúng tôi tiến triển bằng cách là chúng tôi gạ nhau solo, đứa nào thua là phải trả tiền máy. Tiếp sau đó là những lần chúng tôi lên lớp ngồi bàn luận về chuyện bóng đá, chuyện tình yêu tình báo của mấy đứa trong lớp, rồi tìm cách trêu nhau như đá dép ra một góc nào đấy, dấu sách, nhảy bút, gán ghép các cặp đội yêu nhau. Khi bắt đầu thân nhau hơn nữa thì rủ nhau đi ăn sinh nhật, điên rồ nhất mà cũng thú vị nhất là sinh nhật mà rủ nhau đi chơi nhà bóng, kết quả là có một đồng chí nữ rách quần, còn cả lũ thì được trận cười lăn cười bò. Riêng với tụi con trai chúng tôi thì không thể thiếu bộ môn đá bóng được rồi. Một cách rất tốt để gắn kết hoặc là chia rẽ luôn tình bạn của cả lũ, nhưng chỉ trận sau là đâu lại vào đấy ngay. Những chiều nắng như đổ lửa mà cả lũ vẫn miệt mài đá cái sân đất mà mỗi đội quy định chỉ có 4 người. Không hiểu sức đâu mà đá được khỏe như thế. Cứ thế tình bạn của tụi tôi gắn chặt cho tới bây giờ là tròn 10 năm.
Bước chân ra khỏi cổng trường cấp 3 là biết bao nhiêu định hướng đến. Ở cái tuổi 18 non nớt mà lại còn được mạng xã hội bơm vào đầu cái suy nghĩ “các tỉ phú toàn mấy ông bỏ học đại học”. Thế là tôi khi nộp nguyện vọng vào hệ Đại học không được thì tôi muốn xin xuống cao đẳng, nhưng bố tôi nhất quyết nói không, ông nói rằng với số điểm tôi có thì chắc chắn còn rất nhiều khoa trong hệ Đại học tôi có thể học. Và tới ngày hôm nay bản thân tôi thầm cảm ơn ông vì quyết định cực kỳ đúng đắc ấy. Có thể học đại học thì tôi sẽ không giàu như mấy ông tỉ phú bỏ học đại học, nhưng đâu phải ai sinh ra cũng được phú cho cái trí tuệ, cái lọc lõi, kể cả cái hoàn cảnh gia đình cực thuận lợi hoặc cực khắc nghiệt ấy. Nên việc học đại học giúp tôi ít nhở trở thành một công dân tốt, biết phân biệt cái gì tốt, cái gì không tốt và ít nhất có trong tay một cái nghề để ra đời kiếm cơm. Và đây cũng chính là thời điểm mà khái niệm bạn bè trong tôi hình thành rõ nét nhất. Bước vào môi trường đại học với những người bạn đến từ tứ xứ, đủ loại thành phần, rồi lại còn phải sống xa nhà tự lập. Lúc đầu cứ tưởng rằng những người bạn mới gặp sẽ là tốt nhưng không. Những người bạn thân thật sự ở quãng thời gian này là những người mà dù cách xa mấy chục cây số cũng sẵn sàng bỏ công việc để đến chụp với bạn một bức hình kỷ yếu, là những thằng mà bạn kiểu gì cũng phải có với chúng nó một con ảnh riêng để làm kỉ niệm. Đó mới thực sự được gọi là bạn. Và rồi tiếp theo nấc thang từ bạn lên bạn thân là khi bắt đầu đi thực tập, bắt đầu ra đi làm. Lúc đó thằng nào sống như nào chắc chắn bộc lộ ra hết, có nói mồm hay tới đâu mà khi trong túi có tiền mà không cho bạn vay nổi mấy đồng lẻ mua suất cơm hay trong lúc đi thực tập cùng chỉ cố khôn lỏi, nhận việc ngon, né việc nặng thì là những đứa đấy đã được định sẵn chỉ dừng ở nấc thang bạn cùng lớp sinh viên. Còn những thằng đi được lên nấc thang bạn thân là những thằng sẵn sàng ở bên ta lúc ta đớn hèn, mỏng manh, yếu mềm nhất. Các cụ ngày xưa đã dạy là “Khi khó khăn mới biết ai là bạn, trong hoạn nạn mới biết bạn là ai” chưa bao giờ sai.
Bây giờ càng lớn thì tôi nhận ra bạn bè bây giờ không chỉ cùng là kiểu những người ngang ngang lứa tuổi nhau mà chính bố mẹ, ông bà mình cũng là những người bạn đặc biệt của mình. Trong bất kì lúc nào đó họ luôn sẵn sàng ngồi xuống nghe ta kể những câu chuyện vô thưởng vô phạt trong cuộc đời này hay là họ cũng sẵn sàng kể cho ta nghe những câu chuyện từ cái ngày chúng ta chưa sinh ra cho đến khi chúng ta có mặt trên cuộc đời này.
Tôi chỉ còn thiếu duy nhất một thứ tình bạn đó là tình yêu. Ai đó nói rằng trong chuyện yêu đương thì không có tình bạn nhưng nếu như chúng ta không thể chia sẻ với nhau những gì thầm kín bên trong tâm hồn cho nhau thì tình yêu ấy sao có thể đi lâu dài và tiến tới tình nghĩa phu thê được. Nên tôi hi vọng rằng thứ tình bạn này tôi đang đi tìm kiếm sẽ sớm xuất hiện thôi. Còn nếu như nó không xuất hiện thì tôi vẫn vui vẻ với tất cả những tình bạn bên trên tôi đã nói.
HẾT.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất