Bên cạnh những số liệu về sự mất cân bằng giới tính trong các lớp học, thì vấn đề chênh lệch giới tính học sinh tham gia các môn học cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Bởi bất kỳ ai, đặc biệt là các bạn học sinh trường chuyên, lớp chọn đều thấy rõ điều này, khi các môn học thiên về Khoa học Xã hội có số lượng học sinh nữ áp đảo số học sinh nam, điều này ngược lại với những lớp theo thiên hướng Khoa học Tự nhiên như Toán - Lý - Hóa - Tin. Tính riêng tại Mỹ, từ năm 2015 đến 2016, số sinh viên nữ học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). chỉ chiếm 35,5%, 32,6% các khóa học thạc sĩ và 33,7% ở trình độ tiến sĩ và tình trạng này diễn ra trên toàn thế giới [1]. Ở Việt Nam, chúng thậm chí  còn xuất hiện từ nếp sống, cách suy nghĩ từ các thế hệ trước và hiện tại càng thể hiện rõ nét hơn sau khi Bộ giáo dục phổ cập chương trình giáo dục 2018 - “học sinh có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân” [2] - các học sinh sẽ được phân tách rõ vào các khối, lớp học từ cấp THPT.  
“In the U. S, there are marked differences between the proportions of men and women who work as scientists. Women compose about 48 percent of all professional workers, but only 25 percent of all scientists. The underrepresentation of women is most severe in the physical sciences and engineering, -where in 1983 women composed 10 percent and 3 percent of workers in those fields, respectively " .[3]
Tạm dịch: Tại Hoa Kỳ, có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ giữa nam và nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học. Phụ nữ chiếm khoảng 48% tổng số công nhân chuyên nghiệp, nhưng chỉ chiếm 25% tổng số nhà khoa học. Sự thiếu đại diện của phụ nữ là nghiêm trọng nhất trong các ngành khoa học vật lý và kỹ thuật, - nơi vào năm 1983, phụ nữ chiếm 10% và 3% số công nhân trong các lĩnh vực đó, tương ứng.”
Differences in science-related career aspirations surface before students reach college: Among SAT examinees planning to obtain advanced placement in physics, 72 percent were males and 28 percent were females (College Board, 1987). Of those examinees planning to major in the physical sciences, only 30 percent were females, and of those intending to major in engineering, 16 percent were females. [4]
Tạm dịch: “Những sự khác biệt trong nguyện vọng nghề nghiệp liên quan đến khoa học đã xuất hiện trước khi học sinh vào đại học: Trong số các thí sinh SAT dự định lấy bằng cấp cao trong vật lý, 72% là nam và 28% là nữ (College Board, 1987). Trong số các thí sinh dự định học chuyên ngành khoa học vật lý, chỉ có 30% là nữ, và 16% là nữ trong số những người dự định học chuyên ngành kỹ thuật .
Hidden Figures - 2016
Hidden Figures - 2016
Vậy đâu là nguyên nhân khiến mất cân bằng giới tính theo các môn học hình thành trong một thời gian dài, trở thành bài toán nan giải cần tìm câu trả lời? 
Trước hết, từ tính chất của môn học, có thể thấy các môn Xã hội như Văn, Sử, Địa hơi hướng con người về cảm nhận, thưởng thức cái đẹp, rồi từ đó quan sát, phân tích vấn đề trong cuộc sống. Chúng phần lớn yêu cầu người nghiên cứu có một độ nhạy cảm, tinh tế nhất định. Trong khi đấy, nữ giới lại có sự phát triển mạnh về cảm xúc và trực giác; điều này đã được khoa học chứng minh: phụ nữ có hệ thống Limbic (Limbic System) phát triển hơn hẳn đàn ông; mà theo nhà thần kinh học Antonio Damasio: “Hạnh phúc là trạng thái tinh thần được kích hoạt bởi hệ thống limbic”, để cho thấy hệ thống limbic đóng vai trò quan trọng trong chịu trách nhiệm cảm nhận, nhận biết và điều hòa cảm xúc trong cơ thể con người.
Mặt khác, với các môn khoa học tự nhiên mang tính tư duy lôgic sẽ phù hợp với nam giới. Các nghiên cứu thần kinh học đã phát hiện ra các tiểu khu chịu trách nhiệm chi phối khả năng tư duy logic và học tập của con người có tên là  IPL (inferior-parietal lobule), phát triển trội ở nam hơn hẳn nữ giới. 
Bên cạnh đấy, những kỳ vọng và sự hiện diện của các mô hình vai trò trong gia đình cũng có tác động đáng kể đến sự lựa chọn ngành học của học sinh. Đối với nữ giới, gia đình thường kỳ vọng họ theo đuổi các ngành học liên quan đến nhân văn và khoa học xã hội. Kỳ vọng này thường xuất phát từ quan niệm truyền thống rằng các ngành này phù hợp hơn với kỹ năng mềm và trách nhiệm gia đình tương lai của nữ giới. Cộng với việc các thành viên gia đình, đặc biệt là mẹ và chị gái, thường đóng vai trò mô hình, khuyến khích họ theo đuổi các ngành học mà những người này đã chọn trước đó. Điều này có thể tạo ra một vòng lặp “tích cực”, thúc đẩy sự tự tin của nữ sinh trong việc theo đuổi các ngành học nhân văn và xã hội. 
Ngược lại, nam sinh thường được khuyến khích theo đuổi các ngành khoa học và công nghệ, dựa trên quan niệm rằng các ngành này mang lại cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn, mà cách biểu hiện giới của nam thường là trụ cột gia đình, sự mạnh mẽ và khả năng chi trả tài chính. Không những thế, nam sinh thường có các mô hình vai trò là các thành viên nam trong gia đình theo đuổi ngành kỹ thuật và khoa học, như cha và anh trai. Sự ảnh hưởng này thúc đẩy nam sinh khám phá và theo đuổi các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học từ nhỏ.  Từ đó, dẫn đến việc mặc định về khuôn mẫu trong nhận thức cũng như vô thức của người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về đặc tính giới trong lựa chọn môn học phù hợp.
Ví dụ, xã hội dễ có định kiến với con trai theo văn chương khi gán cho họ những cái nhìn, những “nhãn dán” như “nữ tính hóa” hay “bẻ cong giới tính”. Còn với con gái học tự nhiên, tuy rằng có thể không bị ảnh hưởng nhiều như nam giới học xã hội, song cũng sẽ dễ bị cho là “nam tính hóa” hay thô cứng và khó có thể giỏi như con trai. Qua đó, giải thích cho việc tại sao các lớp thường có số lượng nam ít hơn nữ, thậm chí là không có nam. Không những thế, chúng còn khiến việc lựa chọn môn học, ngành nghề theo đuổi của mình bị ảnh hưởng bởi xã hội, nguy cơ dẫn đến việc học trái nghề, không lựa chọn theo khả năng, năng lực của cá nhân, thậm chí có thể gây nên hậu quả tâm lý, mặc cảm, lạc lõng trong môi trường mình đang theo học. 
Vấn đề đặt ra: Lối thoát nào cho vấn đề nan giải đã bén rễ vào tư duy của số đông? 
Đầu tiên phải thừa nhận rằng, bản thân những người đưa ra định kiến đôi khi chưa chắc đã có cái nhìn sâu xa, hiểu và  nghiên cứu kỹ lưỡng về môn học mình đang nói đến. Bởi thực tế, các môn xã hội chưa hẳn hoàn toàn thiên về cảm xúc, trong một vài khía cạnh, văn học hay lịch sử cũng cần logic trong việc nhìn nhận và phân tích vấn đề. Cùng là chi tiết “Bát cháo hành” trong truyện ngắn “Chí Phèo” (Nam Cao, 1941) nhưng hoàn toàn có thể phân tích sự thay đổi trong nhận thức, tâm lý của Chí dựa theo nền tảng của tháp nhu cầu Maslow (Abraham Maslow, 1943). Sâu hơn nữa trong văn học, tồn tại thứ logic ngôn từ, là cách tư duy lựa  chọn về hình thức, cách diễn đạt, chọn ngôn từ phù hợp với cấu tứ của bài văn, sắp xếp các luận điểm, luận cứ, dẫn chứng sao cho phù hợp và để chiếm lĩnh được thứ logic này thậm chí khó hơn cả logic về con số trong toán học. Như vậy, không có nghĩa con trai không học được các môn xã hội mà hoàn toàn có khả năng cảm thụ theo một góc nhìn đa dạng, phong phú mới. 
Với khoa học tự nhiên, cũng có thể tồn tại những vẻ đẹp mà nữ giới có thể cảm nhận, bởi khoa học hướng đến việc giải mã các chi tiết và tìm ra tính hữu dụng của các sự vật, hiện tượng trong đời sống. Ta hoàn toàn áp dụng được toán học vào việc tưởng tượng không gian, hay thậm chí tạo nên các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc. Đơn giản hơn, việc học các môn tự nhiên có thể đem đến những “khoái cảm” về trí tuệ khi tìm ra lời giải cho một vấn đề nghiên cứu. Những cảm xúc đấy chính là cách để con người cảm nhận và yêu thích môn học của mình. 
Ở góc độ khác, xét về tính thực tế, nam giới nghiên cứu về văn học nghệ thuật nói riêng và các môn xã hội nói chung có thể nhận được những tác động tích cực hơn đến phong cách sống. Bởi họ sẽ học được cách kiên nhẫn, mềm dẻo hơn và tránh khỏi nguy cơ bị “nam tính độc hại”, khi các nghiên cứu đã chỉ ra: phái nam bị tồn đọng các vấn đề về tâm trạng nặng nề hơn khi họ được "giáo dục" luôn phải tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ. Điều này dẫn đến những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu... thậm chí là những hành vi nghiêm trọng hơn để giải tỏa. Ở chiều ngược lại, nhiều phụ nữ do bị ức chế bởi định kiến "cảm tính" đã cố tình thu hẹp, kìm nén cảm xúc và khiến trở nên cô độc hoặc rơi vào trạng thái stress kéo dài. Bởi vậy, nếu được sống là chính mình và vượt lên định kiến, nữ giới cũng có thể tránh khỏi việc là nạn nhân của “nữ tính độc hại” và các vấn đề khác về tâm lý. 
Bên cạnh nâng cao về nhận thức, thức đẩy và đưa ra các chiến dịch hành động vì bình đẳng giới trong các môn học cũng đáng lưu tâm. Như lập ra các câu lạc bộ hoặc tìm đến những người say mê, chuyên sâu về môn học đó để nói về vẻ đẹp của chúng, từ đó thúc đẩy việc thay đổi góc nhìn của những bạn trẻ, thậm chí là của những thế hệ đi trước. Hoặc cũng có thể tổ chức những buổi talkshow giữa những người có chuyên môn cao trong việc họ đang nghiên cứu để khẳng định chỉ cần bạn đam mê và hiểu trong một thời gian dài, đủ độ sâu thì cơ hội sẽ mở rộng và có nhiều cánh cửa dẫn đến thành công, như Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 8/4/2021) cũng đã từng học tập và giảng dạy về bộ môn Ngữ Văn (Chuyên ngành Văn học Việt Nam Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQGHN) là một trong những ví dụ điển hình cho việc theo đuổi học tập, dựa trên chính sự yêu thích và khả năng tư duy của bản thân.
Cuối cùng, để cân bằng sự đa dạng giới tính trong các ngành học, cần có sự thay đổi trong quan niệm xã hội và gia đình, cũng như tạo ra môi trường học tập đa dạng và hỗ trợ cho cả nam và nữ. Trong đó, môi trường học tập và cộng đồng cũng có vai trò quan trọng trong việc định hình sự lựa chọn ngành học của học sinh. Các trường học và cộng đồng cung cấp các cơ hội học tập và thực hành cho các ngành học khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh khám phá và phát triển sở thích cá nhân của mình.
[1]
[2] nguồn: chinhphu.vn
[3] National Science Board, 1985
[4] GENDER DIFFERENCES IN SCIENCE INTEREST, Michael E. Martinez