(Bài viết chỉ đề cập đến các phạm trù Nghệ thuật tranh ảnh, mĩ thuật, âm nhạc. Không liên quan đến các phạm trù kiến trúc, lịch sử hay di sản di tích).
Trong một tập Podcast gần đây mình xem về bác Trịnh Lữ, có một đoạn thoại giữa chị Thùy Minh hỏi bác như sau:
"Khi bản thân mình ít kết nối với bông sen mà mình định vẽ, thì do bản thân hay do hoa sen ấy?"
Bác Trịnh Lữ đáp:
"Dĩ nhiên là do bản thân chứ!"
Theo mình hiểu, sự thành bại của một tác phẩm là do chính người Họa sĩ ấy mà nên, đó là yếu tố đầu tiên cần được xét trước. Rồi mới đến nội dung, độ am hiểu và thích thú của người xem sau. Khi hai người Họa sĩ vẽ hai bức tranh, cùng là một khung cảnh, cùng là một thời điểm, cùng là bộ dụng cụ, chất liệu đồng đều. Nhưng tâm trạng hai người khác nhau, nhân sinh quan, quá khứ, kinh nghiệm từng trải, lý tưởng và sự kỳ vọng tất cả đều khác nhau.
Thì sẽ cho ra đời hai tác phẩm mang nội dung và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau dù độ chênh lệch chỉ khác đi chút ít. Dễ thấy nhất là trong các cuộc thi hội họa, có cùng đề tài, vật mẫu. Nhưng tuyệt nhiên vẫn không có một bức tranh nào là hoàn toàn giống nhau 100%. Từng tác phẩm đều như vân tay của con người vậy, độc nhất (không thể bắt chước) và thú vị. Đó là lý do vì sao bức ảnh đắt nhất thế giới “Rhine II” của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky có giá 4,3 triệu Đô. Vẫn thua gấp 100 lần so với bức tranh"Salvator Mundi" có giá trị lên đến 450 triệu Đô.
Khi một tác phẩm thơ văn được lên ngôi, điều mang lại sự thành công cho tác phẩm ấy không phải vì các yếu tố thực, mà là sự hư cấu quá đổi hoàn hảo có thể thay thế được các yếu tố thực. Mang lại một quan điểm, định kiến hợp lý đủ ly kỳ cho người đọc. Nếu ta tả cục đá thô và thật quá thì không hay, nhưng nếu thêm thắt đôi điều, một chút thơ mộng, một chút lòng hận thù hay lý tưởng. Thì cục đá ấy sẽ trở nên thú vị và lôi cuốn hơn đối với người đọc.
Âm nhạc thì chắc không cần phải nói thêm, vì không ai làm nhạc mà không đem cuộc đời cá nhân đầy cảm tính của mình vào cả, dù là hợp đồng kinh doanh hay sáng tạo cá nhân.
Thiên kiến-Chủ quan-Cảm tính. Thường bị coi là tật xấu trong một Xã hội giao tiếp văn minh, nhưng tuyệt nhiên. Nó lại là thứ "đắt tiền" nhất để tạo nên một tác phẩm Nghệ thuật thành công (thành công như thế nào, với ai, thì đó lại là một câu chuyện dài). Nếu làm Nghệ thuật mà thiếu đi 3 yếu tố đó thì xem như bỏ, vì nó là thứ giá trị đắt đỏ mà AI không bao giờ có được. 1 ngàn năm nữa cũng vậy, sẽ có những chuyện AI làm tốt hơn con người. Nhưng vẫn luôn có những điều AI không thể thay thế được chúng ta.
Một giá trị nhân văn, một tinh thần Dân tộc, một nền văn minh đi thuận chiều với nhân loại thì không thể thiếu đi được 3 yếu tố kể trên.
Mai Văn Liêm
---
Mồng 5 tết
Biên tại đại lộ hoài niệm.