Nếu có thể chỉ ra một trận đấu mô phỏng rõ nét nhất cả mùa giải 2018/19 của Barcelona, thì đó sẽ là trận Chung kết Cúp nhà Vua đối đầu Valencia.
Như phần lớn mùa giải, Barcelona vẫn chơi thứ bóng đá thiên về kiểm soát tốc độ trận đấu và chiếm lĩnh thời lượng cầm bóng. Dù tập trung đưa bóng vào khu vực phòng ngự của Valencia, nhưng Barça vẫn gần như bất lực trong việc uy hiếp cầu môn đối thủ. Họ chỉ chuyền nhiều theo chiều ngang sân mà không triển khai bóng theo đa hướng, thực hiện đến hơn 20 cú sút nhưng không thể vượt qua 2 lớp phòng ngự trong sơ đồ 4-4-2 được tổ chức tốt của Valencia. Không quá nhiều tình huống hãm thành sắc nét và có thể thấy, kế hoạch của Barcelona cho trận Chung kết Cúp nhà Vua là có thể lường trước và ngăn chặn được.
Lối chơi của Barça thiếu sức sống ở mặt trận tấn công, và điều đó có thể thấy được xuyên suốt mùa giải. Họ dựa vào đôi chân Lionel Messi, từ mở bóng, kiến thiết lối chơi và tạo ra cơ hội ghi bàn … Rõ ràng chừng đó là không đủ để giải quyết mọi vấn đề. Di chuyển không bóng thiếu khôn ngoan, những quyết định khó hiểu từ ban huấn luyện, phản ứng chậm và thực hiện những điều chỉnh chưa phù hợp với diễn biến trên sân, … Tất cả những yếu tố trên đã góp phần vào thất bại của đội bóng.

Khi trọng tài thổi hồi còi mãn cuộc đặt dấu chấm hết cho mùa giải 2018/19, Barça một lần nữa bị sốc sau những gì họ vừa trải qua. Các cầu thủ và thành phần BHL lần lượt kéo nhau rời sân trong ssợ hãi. Từ “Cú ăn 3”, hy vọng nhanh chóng sụp đổ một cách có hệ thống sau 2 thất bại nặng nề chỉ trong vài tuần.
Bắt đầu mùa giải mới với những kỳ vọng lớn lao, sự thoái trào ở giai đoạn nước rút chắc chắn phản ánh được sự yếu kém ở mọi nhân tố vào lúc này, từ cầu thủ, thượng tầng BLĐ và bộ phận huấn luyện. Người ta đã mong chờ vào kỳ tích một lần nữa, nhưng rồi mùa giải khép lại với chỉ 1 danh hiệu. Tất nhiên, chiếc cúp La Liga chưa bao giờ được gọi là mặc định với đội chủ sân với Camp Nou. Nó vẫn chứng tỏ thực lực của Barcelona trên lãnh thổ Tây Ban Nha, nhưng 2 trận thua muối mặt ở Champions League và Copa del Rey đã phủ nhận mọi thứ.
Không thể đổ lỗi lên bất kỳ cá nhân nào sau những điều tồi tệ đã xảy ra ở Anfield và Seville, nhưng không ai là không có lỗi. Thứ nhất là trường hợp của HLV Valverde. Không như những lời biện hộ gần đây từ phía chủ tịch Josep Bartomeu, Valverde rõ ràng có những chia sẻ riêng của ông sau những gì Barça hứng chịu.
Từ những quyết định chiến thuật bị đặt dấu hỏi đến việc không thể tìm ra cách hóa giải hệ thống của đối thủ, những chỉ đạo của Valverde ở Anfield và Seville đã trở thành gánh nặng của cả đội. Giữa một bức tranh tổng thể, những yếu tố bất ổn càng khiến những thiếu sót của ông trở nên dễ nhìn nhận, càng khiến NHM bất mãn và đòi sa thải ông.
Không phủ nhận rằng Valverde đã mang lại nhiều điều tích cực đến Barcelona, những danh hiệu trong một thời gian ngắn, nhưng 2 thất bại đau đớn ở Champions League 2 năm liên tiếp là những vết nhơ khó lòng lau sạch.
1/ Thiếu quyết đoán trong những quyết định ở thời điểm nhạy cảm.
Điều làm nên sự khác biệt giữa một HLV giỏi với một người vĩ đại nằm ở việc xác định và giải quyết các vấn đề trọng yếu của đội bóng ở những trận cầu đinh. Những chiến lược gia xuất sắc nhất hiện nay, từ Pep Guardiola đến Jurgen Klopp đã phát triển sự nghiệp bằng việc phát hiện các vấn đề mà đội bóng của họ có thể gặp phải trong một trận đấu, rồi cố gắng điều chỉnh hệ thống để mang lại hiệu quả tốt nhất và thành công cho đội bóng.
Còn trường hợp của Valverde, có một vấn đề ngăn trở ông thành công cùng Barça. Trong 2 năm gắn bó với sân Camp Nou, Valverde bị coi là một HLV có tâm lý phân hóa bởi cách tiếp cận bảo thủ của ông liên quan đến chiến thuật trận đấu. HLV người xứ Basque muốn giữ vững hệ thống chiến thuật của mình trong mọi trận đấu một khi nó đang vận hành đủ ổn. Và thay vì đứng ra giải quyết các vấn đề, thay đổi chiến thuật để phù hợp với  mạch trận đấu, ông lại để các học trò tự tìm phương án hóa giải trực tiếp trên sân. Phải mãi đến khi thực sự cần thay đổi, đôi khi là muộn màng, Valverde mới chịu sử dụng những nhân tố mới, hòng tác động ít nhiều đến lối chơi chung.
Ví dụ nổi bật nhất cho vấn đề này chính là tứ kết lượt về Champions League 2017/18 trước Roma. Xuyên suốt trận đấu, tuyến giữa Barça đã rất chật vật để đối chọi với áp lực từ phía đội bóng thủ đô nước Ý. Đội bóng TBN không hề thoải mái khi cầm bóng. Tuy vậy, Valverde vẫn không sớm tung Ousmane Dembele vào sân để thêm nhiều giải pháp cho lối chơi, hay thậm chí thay đổi chiến thuật để khai thác khoảng trống phía sau hàng tiền vệ của Roma, thông qua lối chơi counter-pressing (phản pressing). Chỉ đến khi Roma gần như hoàn tất màn lội ngược dòng của mình với bàn thắng thứ 3, ông mới trực tiếp để Dembele và Paco Alcacer vào sân tăng cường tấn công, cố gắng cứu vãn tình thế nhưng vẫn bất thành.
Một năm sau, nhiệm vụ lại dành cho Valverde với hoàn cảnh tương tự tại Anfield trong trận bán kết Champions League. Hiệp 1 trận đấu, Barça tỏ ra chậm chạp và thiếu tự tin trong khi cầm bóng, trái ngược hẳn với sự khẩn trương của Liverpool. Barça hoàn toàn có thể tạo nên vài tình huống ăn bàn nhưng không như trận lượt đi, tâm lý không tốt đã khiến họ phải trả giá.
Hãy xem cách Liverpool đã overload nửa phần sân bên trái và tái chiếm quyền cầm bóng bằng cách gây áp lực có chủ đích ở những vị trí chọn sẵn, hòng cắt những đường chuyền hướng đến sân nhà của họ.
Thay vì chọn cách chơi counter-pressing nhiều hơn, hoặc sử dụng Arthur để duy trì sự ổn định nơi tuyến tiền vệ, Valverde vẫn kiên quyết với cách chơi thụ động mà không thay đổi bất kỳ ai ở đội hình xuất phát so với trận lượt đi. Do đó, Klopp đã đáp trả bằng cách  đẩy mạnh tinh thần Liverpool trở nên quyết liệt hơn, tích cực chơi gegenpressing và áp đặt Barça ngay ở hiệp một. Đến lúc The Kop ghi được bàn thắng thứ 3, Valverde mới tung Nelson Semedo và Arthur Melo, chuyển sang chơi với sơ đồ 4-4-2, phần nào đối phó với high-pressing của Liverpool.
Nếu Valverde thực hiện những điều chỉnh cần thiết một cách kịp thời ở trận gặp Roma và Liverpool, kết quả sẽ hoàn toàn khác. Barcelona rất có thể đã tiến sâu đến bán kết, thậm chí Chung kết của Champions League 2 mùa giải đó. Trong những mưu đồ lớn, sự thích nghi thiếu chiều sâu của Valverde khiến Barça phải trả giá đến 2 lần trong cay đắng. Cách tiếp cận thận trọng của ông chỉ khiến mọi thứ diễn ra mà không có nhiều điều đọng lại. Vì thế nhiều trận đấu sẽ có kết quả rất nhàm chán, như hòa cả 2 lượt trận La Liga với Valencia hay trận hòa 0-0 trên sân của Lyon ở vòng 1/8 Champions League. Có thể nhìn nhận lại, sự thay đổi mang đậm tính chiến thuật trong khâu tấn công sẽ giúp Barça đảm bảo chiến thắng.
2/ Cách đối chọi với lối chơi gây áp lực lớn từ đối thủ.
Sự ổn định và tính tổ chức tốt là hai điều tối quan trọng cho bất kỳ đội bóng thành công nào ở châu Âu. Dù họ có chơi thiên về phòng ngự hay phối hợp bài bản trong phản công, cách đội bóng đó thích ứng với mọi tình huống trên sân nói lên việc họ tổ chức tốt hay không tốt, và mức độ đến đâu. Tuy cho nhiên, cốt lõi ở khâu này không nằm ở các cầu thủ mà phải áp đặt từ đầu lên các HLV.
Đối với Ernesto Valverde, có nhiều khía cạnh trong chiến thuật của ông được đánh giá cao, bên cạnh nhiều điều vẫn phải cải tổ. Trong số đó, việc Barça gặp khó trong cách khắc chế các đội bóng có lối chơi high-pressing là điều dễ nhận thấy trong suốt 2 mùa giải.
Khi bị đối phương dồn ép, đặc biệt lên tuyến phòng ngự, Barça chủ yếu dựa vào Messi hoặc cặp full-back để đẩy bóng lên cao. Những pha rê bóng mang thương hiệu Messi sẽ kéo cầu thủ phòng ngự đối phương ra khỏi trục phòng thủ của họ, trong khi những cú bứt tốc, đưa bóng xộc thẳng vào vòng cấm của Alba hay Roberto/Semedo cũng phá vỡ cấu trúc hàng thủ đối phương. Nhưng khi không thể giảm bớt áp lực, Barça chẳng có phương án hiệu quả nào khác ngoài việc phá bóng thật mạnh ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Dưới đây là tình huống Liverpool tổ chức high-press và phản ứng như một thói quen, Barça chọn cách phá bóng ra xa thay vì khai thác các khoảng trống nơi hàng tiền vệ The Kop.
Nhiều đội đã khắc chế được lối chơi thiên về kiểm soát bóng của Barça bằng chiến thuật aggressive pressing, hay phần nào là gegenpressing. Có thể kể đến Liverpool, Real Betis, Sevilla, Celta Vigo, … chơi dồn ép trước Barça và có được kết quả có lợi trước đội bóng xứ Catalunya.
Như dưới đây là Celta Vigo - một đội bóng sử dụng cách đá gây áp lực một cách vừa phải. Hãy nhìn cách họ overload Pique và khiến trung vệ TBN lúng túng bên cánh phải theo hướng tấn công của Barça.

Một cách hay để phản lại cách set-up của Celta Vigo là di chuyển không bóng để tạo nên khoảng trống trong cự ly đội hình Celta, hoặc Pique sẽ phất một đường bóng dài lên trên, nhằm đẩy nhanh tốc độ build-up của Barça. Nhưng cả 2 phương án trên đều không khả thi, khi “overload trap” của Celta phát huy quá hiệu quả.Cho dù sẽ là Valverde hay một HLV khác sẽ tiếp quản Barça mùa giải tới, thì việc khắc chế một hệ thống high-pressing của đối thủ sẽ là một yếu tố quan trọng trong lối chơi mà Barcelona cần phải để tâm cải thiện.
3/ Phương pháp huấn luyện quá cầu toàn.
Như đã đề cập, Valverde luôn bị đánh giá là một chiến lược gia bảo thủ. Điều này có thể là tích cực hoặc tiêu cực tùy quan điểm. Một mặt, chiến thuật và hệ thống tổng thể của Valverde đều được duy trì liên tục. Các cầu thủ và thành phần BHL đều hiểu rằng sự nhất quán trong suốt mùa giải sẽ giúp đội bóng thu về danh hiệu. Valverde luôn có những điều chỉnh nhỏ trong lựa chọn đội hình thi đấu hoặc cầu thủ ra sân. Tựu chung, hệ thống phải thực tiễn trên nền tảng từng trận đấu cụ thể.
Ngược lại, cố chấp sử dụng một hướng tiếp cận trong toàn bộ mùa giải có thể trở thành gánh nặng cho cả đội. Trong trường hợp này, Barça đã “cá nhân hóa” ý nghĩa của việc trở thành đội bóng hay nhất thế giới bằng việc sống trên đôi chân ngôi sao lớn nhất của họ, Lionel Messi. Nhưng nếu ngôi sao ấy bắt đầu trì trệ và không ở phong độ cao như thường lệ, các đối thủ của Barça sẽ dễ dàng khai thác điểm yếu này từ đội bóng TBN.
Hãy nhìn vào chuỗi chuyền bóng dưới đây trước đối thủ Bilbao. Barça triển khai bóng ở 1/3 sân cuối cùng với hy vọng ghi bàn thắng muộn nhằm có điểm 3 điểm trọn vẹn rời xứ Basque. Nhưng cũng như nhiều trận đấu trong cả mùa giải, Barça không thể có những đường bóng sáng. Việc thiếu liên kết giữa các cầu thủ, hay việc di chuyển không bóng chưa thực sự khôn ngoan khiến Barça không thể khai thác khoảng trống trong cách set-up đội hình của Bilbao.Barcelona kết thúc trận hòa 0-0 trước Bilbao với chỉ 2 cú dứt điểm trúng đích. Trong suốt cả trận, Valverde vẫn giữ nguyên sơ đồ 4-3-3 mà không điều chỉnh sang một đội hình mới thiên về tấn công. Nếu chơi với sơ đồ 4-2-3-1, Messi là người kéo bóng từ tuyến tiền vệ, Coutinho và Dembele chơi như 2 winger, đúng với cách đối đầu chính Bilbao hồi tháng 9/2018, và như thế may ra Barça mới đưa bóng vào vòng cấm linh hoạt hơn được.
Nhìn vào quãng thời gian ở Bilbao của Valverde, với tâm lý bảo thủ và ưu tiên phòng ngự khi đụng phải một đội bóng mạnh tấn công, đội bóng xứ Basque sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Họ có quyền tự quyết số phận của mình bằng một lối đá chặt chẽ với tâm thế cửa dưới. Dù cho đang thử nghiệm các đội hình mới, thực hiện các điều chỉnh nhỏ như đưa Coutinho về chơi ở vị trí số 8, Valverde thực sự cần mạo hiểm hơn để đánh giá cách hoạt động của từng dạng chiến thuật, qua đó tìm ra phương án lâu bền hơn cả.
4/ Bản sắc dần mất đi.
Trước một trận đấu hạng nặng được trông chờ, tay đấm huyền thoại Mike Tyson từng tuyên bố một câu nói nổi tiếng, rằng “tất cả đều có kế hoạch, cho đến khi họ lãnh đòn đau.”
Điều này quả thực rất đúng với tình cảnh Barça hiện tại.
Cho dù ở Rome, Liverpool hay gần nhất là ở Seville, Barcelona liên tục bị “ăn đòn” và chịu phải những áp lực nặng nề trong suốt cả trận. Nghiêm trọng hơn, nhìn cách đội bóng xứ Catalunya phản ứng với từng tình huống trong những trận đấu kia còn cho thấy một thực tế còn phũ phàng gấp bội, đó là Barça đang dần đánh mất bản sắc của họ.
Khi Liverpool và Roma không ngừng dồn ép Barça ở đấu trường Champions League, Barça gặp khó trong cách chơi dựa trên hệ thống kiểm soát bóng của họ, dành phần lớn thời lượng đưa bóng vào khu vực 1/3 sân cuối cùng. Và mỗi khi bị đối thủ dẫn trước, Barça buộc phải dâng cao, tích cực tranh chấp bóng hơn nhằm tìm kiếm bàn gỡ hòa. Nhưng thay vì phối hợp một cách tổ chức ở khu vực 1/3 sân cuối, hoặc đưa bóng xộc thẳng vào khu vực cấm địa, Barça dường như không có hệ thống dự phòng ngoài nào nhồi bóng đến chân Messi. Và cứ thế, bài toán “Messidependencia” ngày càng hóc búa.

Lối đá của Barça ở những trận đấu trên sân của Roma hay Liverpool chẳng phải điều gì khó đoán. Hết lần này đến lần khác, họ tấn công chậm và thụ động, nhiều lúc còn không khai thác được điểm yếu của đối thủ. Do đó, cách tiếp cận tấn công tích cực và sáng tạo là tối cần thiết cho Barça lúc này. Nếu không có những thay đổi quan trọng, Barça sẽ lại bước vào mùa giải mới mà vẫn phụ thuộc vào Messi. Khi đó, những đường lên bóng của Barça sẽ lại bị bắt bài.
Như đã nói ở đầu bài viết, không một cá nhân cụ thể nào phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ chỉ trong 1 tháng cuối của Barça, nhưng HLV Valverde chắc chắn phải nhìn nhận một phần trách nhiệm của chính ông.
Điều khiến các HLV như Pep Guardiola hay Jurgen Klopp trở nên xuất chúng và nổi bật hơn phần còn lại là khả năng học hỏi từ những sai lầm và kế hoạch bất thành của họ. Mở rộng ra nhiều trận đấu, họ sẽ thu thập và nghiên cứu tỉ mỉ những gì hoạt động tốt lẫn chưa tốt để hướng đến tương lai.
Nếu Valverde tiếp tục ở lại Camp Nou, buộc phải có tâm lý chiến hoàn toàn tiến bộ khi tiếp cận các trận đấu, và cách ông xử lý các tình huống khó xử trong những trận đấu đó cũng phải khôn ngoan hơn. Sau một mùa giải không được đánh giá thành công, Valverde ít ra vẫn nhận được sự tín nhiệm từ chủ tịch Bartomeu lẫn đội trưởng Lionel Messi. Nhưng nếu Valverde rời CLB, thì vị HLV kế nhiệm ông cho chiếc ghế nóng tại Barça sẽ phải rất nỗ lực để tối ưu hóa khả năng của mọi cầu thủ, phát triển hệ thống một cách hợp lý nhất để những danh hiệu lớn có cơ hội trở lại Camp Nou.

Biên tập: Kinh Luân.
Dịch từ bài viết trên barcablaugranes.com, ra ngày 29/5/2019 với title: "How Ernesto Valverde’s tactical weaknesses are failing Barcelona?"