Có những người yêu việc sống và những người sợ cái chết. Thật hiển nhiên, họ là những người khác nhau...
    Cái chết...
    “Người trẻ thường nghĩ, họ bất tử”. Một ngày, khi tôi đang nằm dài tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ở nhà, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn cũ. Cái Lan học chung với chúng tôi năm cấp ba bị tai nạn giao thông đang hấp hối trong bệnh viện. Đột nhiên, tôi nhận ra rằng, Thần Chết vẫn luôn ở rất gần.
    Đột nhiên, trong những giây phút ấy tôi thấy sợ hãi, tôi nghĩ về cái chết...
    Tôi đọc “Điểm đến của cuộc đời” một cách không lựa chọn. Một cô bạn mà tôi rất thân đưa tôi quyển sách, và, tôi đọc, một cách tò mò nhưng không nhiều kỳ vọng.
    Nhưng cuốn sách đã làm tôi nghĩ lại, về chết, về chính mình và về cuộc sống. Nếu có một ngày, tôi đến Trung tâm Điều phối hiến tạng và viết một lá đơn, bác Đặng Hoàng Giang đã đưa tôi đến đó...
    Bác Giang (cháu xin phép được gọi bác như vậy), bắt đầu ngẫm nhiều hơn về “Chết” sau cái chết của người bạn thân. Tôi cũng như vậy. Và như một phản ứng tự nhiên, con người ta nghĩ về nó, sợ hãi nó, và, muốn hiểu hơn về nó. Sách vở, hay những nghiên cứu, giúp chúng ta hiểu hơn về cái chết, một cách sinh học. Và thật tốt, bác Giang đã chọn thêm một cách để hiểu về cái chết – đi cùng với những người cận tử và người thân của họ. Cuốn sách viết về những nhân vật có thật, những nhân vật có thể chúng ta đã vô tình lướt qua họ, vì họ đã từng xuất hiện trên TV. Tôi cũng may mắn từng được xem, được gặp, được nghe câu chuyện của những người đặc biệt. Nhưng câu chuyện của bác Giang, vẫn thật đặc biệt. Từng câu chuyện, có những nhân vật khiến tôi rơi nước mắt khi đang ngồi đọc giữa rất nhiều người, có nhân vật lại chính là tôi, và cũng có người, khiến tôi phải lấy hết tất cả can đảm và tò mò để đọc tiếp, vì thực tại trong câu chuyện, quá u buồn... Những câu chuyện đi từ nhẹ nhàng, dần đến “đỉnh cao” của một thực tại đáng buồn, nhưng giọng văn vẫn đầy bình tĩnh và tình người.
    HÀ và NAM
    Nam là con mẹ Hà. Cậu bé đã mất vì ung thư. Câu chuyện của Hà và Nam là một khúc dạo đầu, nhẹ nhàng và cảm động, về tình mẫu tử và cái chết. Tôi đã khóc những đoạn Hà kể lại câu chuyện của Nam. Hà mất 1 người con, nhưng cô luôn cảm thấy mình may mắn. May mắn vì Nam đã đến bên đời mẹ Hà. May quá, Nam vẫn luôn vui tươi, tếu táo cả trong đau đớn và bệnh tật. May mắn, vì Nam đã nói với mẹ, lời từ biệt cuối cùng. Tôi từng tự hỏi tại sao Hà lại mạnh mẽ đến như vậy? Có lẽ vì Hà luôn biết ơn. Biết ơn cuộc đời đã mang Nam đến bên cô. Biết ơn Nam vì đã là có một cuộc đời, tuy ngắn nhưng rực rỡ. Cái chết của Nam chỉ là một cánh cửa, đưa Nam đến một thế giới mới, tuy thân xác Nam không còn nhưng Hà vẫn tin, Nam luôn ở cạnh mẹ. Bỗng nhiên tôi lại nghĩ về mình. Về sự ghen tị với đời của tôi. Ừ, đôi khi an yên chẳng ở quá xa. Tôi sẽ nói mình may mắn. Tôi sẽ biết ơn.
    “Cho riêng mày,
Tao từng đặt rất nhiều câu hỏi. Nhưng bây giờ, tao nghĩ chỉ cần một câu cảm. Cảm ơn vì đã là bạn của tao. Tại Hà Nội, tao chúc mày may mắn...”
    LIÊN
    Liên giống tôi, giống rất nhiều người trẻ mang cái mác “là điều tự hào của một cái gì đó”. Với chúng tôi, đó là gia đình. Liên độc lập, mạnh mẽ, kiêu hãnh. Thế nên, khi phát hiện bị ung thư, cô sợ. Sợ những dự định, những thành tựu chưa kịp được ghi nhận. “Nỗi sợ không thể tốt nghiệp còn lớn hơn nỗi sợ chết.”. Nhưng sự kiêu hãnh của cô đã vượt lên tất cả. Liên chiến đấu với bệnh tật. Liên đi làm. Liên sống, sống một cuộc đời rực rỡ phần nào. Có thể, khi không còn nhiều thời gian, người ta mới thật sự hiểu về sống và người ta mới thật sự sống. Liên là người truyền cảm hứng cho rất nhiều người, cho những bệnh nhân ung thư vú như cô. Liên trải qua mọi cung bậc cảm xúc khi đối mặt cái chết của một người trẻ, sợ hãi, cảm thấy có lỗi, chiến đấu, chiến thắng và bình thản. Tôi thấy mình trong cô. Thấy cả những áp lực, những mạnh mẽ, những đấu tranh và cả những ích kỷ. Liên, bông hoa nhỏ, nhánh cỏ xanh giữa cuộc đời. Cảm ơn chị...
    VÂN
    Câu chuyện của Vân là một câu chuyện buồn, về một xã hội, thật và buồn. Vì quê còn lạc hậu nên nguyện vọng làm người tốt của cô suýt không thành. Vì một nền y tế còn thô sơ, vì “người sắp chết vẫn phải tuân thủ theo giờ hành chính” nên nỗi đau dày vò cơ thể cô, sự vất vả đeo bám Hoàng, chồng Vân, và lòng tốt phải lén lút xuất hiện. Câu chuyện của Vân buồn nhưng thật. Thật đến tôi không muốn đọc tiếp, vì trần trụi và đau đớn.
    Hà, Liên, Vân, và những người khác trong câu chuyện bác Giang kể, một cách đầy bình dị, đôi khi là những câu chuyện rất gần chúng ta. Nhưng khi đi cùng với họ, cùng họ cảm nhận về cái chết và sự sống, ta mới hiểu một phần giá trị của cuộc đời.
    Một cuốn sách nên đọc và đáng đọc, để cảm thấy trân trọng bản thân, trân trọng cuộc sống và trân trọng cái chết... Bỗng chốc tôi cảm thấy biết ơn cuộc đời này biết bao, bởi tôi vẫn đang được sống, được cảm nhận sự vật hiện hữu xung quanh mình.