Người ta vẫn nói rằng: bóng đá là tấm gương phản chiếu cuộc sống, ở đó có đủ vui buồn, có đủ những cảm xúc đủ màu đủ vị. Có đôi khi, giữa dòng đời xô bồ toan tính, người ta tự hỏi rằng mình đang cố gắng, đang sống, làm việc vì cái gì. Những cầu thủ trên sân cũng vậy, họ thi đấu không phải chỉ vì đó là cái nghề giúp họ nuôi sống bản thân và gia đình. Có những cầu thủ cống hiến từng bước chạy, từng hơi thở cuối cùng của mình cho một màu áo duy nhất, đó là Totti của Roma, là Ryan Giggs của Manchester United. Có những cầu thủ lại biến sự nghiệp của mình thành cuộc săn lùng danh hiệu để trở thành tấm gương cho hậu bối, như Ronaldo, Messi hay Ibrahimovic. Và trong thế giới đó, có những cầu thủ thi đấu lặng thầm, không quá nổi bật, nhưng luôn đóng vai trò quan trọng trong đội bóng và khiến nhớ về mình theo một cách thật đặc biệt, Diego Godin là một cầu thủ như vậy.
  Ngày 16/2/1986 tại vùng Rosario, Uruguay, cậu bé Diego Roberto Godin Leal chào đời, đó cũng là năm danh thủ lừng lẫy cùng tên Diego Maradona đem về cho đội bóng quê hương ông chiếc cup vàng World Cup danh giá. Godin sinh ra tại Rosario trong một gia đình ở vùng ven biển Đại Tây Dương phía nam đất nước Uruguay, nơi mà dân cư chỉ hơn 10000 dân và ít ai biết rằng cầu thủ này đã từng lập kỉ lục quốc gia môn…bơi lội. Sự nghiệp của chàng hậu vệ có vầng trán rất cao và đôi mắt to này cũng lắm sóng gió, và đôi lúc tưởng như Godin đã từ bỏ bóng đá chuyên nghiệp để về quê trở thành một ngư dân, có lẽ, như cha anh. 16 tuổi, cái tuổi mà nhiều người vẫn còn trong vòng tay bao bọc kĩ lưỡng của bố mẹ thì Godin đã lên thủ đô Montevideo để thi đấu cho CLB Defensor với hi vọng theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp, 16 tuổi cũng là năm anh phải chịu nỗi buồn vô hạn khi không thể trở thành cầu thủ của Defensor. Cú shock đó lấy đi nước mắt của hậu vệ này, và anh đã có ý định từ bỏ bóng đá. Nhưng sau đó, cha anh, ông Julio khuyên Godin nên vượt qua khó khăn này và tiếp tục theo đuổi nghiệp quần đùi áo số, vì ông hiểu, đây mới chỉ là con sóng nhỏ đầu đời, ông không muốn Godin lại quay về làng chài nơi miền Nam Uruguay, nơi cuộc sống sau này của Godin sẽ phải đối mặt với rất nhiều con sóng khác nơi đại dương sâu thẳm. Nghe lời động viên của cha, Godin tiếp tục theo đuổi đam mê với trái bóng tròn. Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, cuối cùng hậu vệ sinh năm 1986 được CLB Cerror chiêu mộ và không lâu sau đó, Godin được Nacional- một “ông lớn” của bóng đá Nam Mỹ mua lại. Chính Nacional đã giúp Godin đi những bước đầu trong sự nghiệp, để rồi từ đây, Godin được các tuyển trạch viên của Villareal đem về Tây Ban Nha. Cũng chính từ lúc ấy, sự nghiệp của Diego có những bước tiến lớn, anh hoàn thiện dần kĩ năng phòng ngự của mình, “Tàu ngầm vàng” Villareal đã giúp Godin tránh được những con sóng nơi mặt biển dữ dội, để rồi khi Diego cập bến Atletico Madrid, ta tưởng rằng đó là chuyến tàu đánh cá đã tới đúng vùng biển nhiệt lưu- nơi mang lại cho họ nguồn cá dồi dào.
 Godin tới Atletico Madrid đúng vào độ chín của sự nghiệp cầu thủ, và cũng vào chu kì thành công của CLB dưới thời HLV Simeone. Triết lí phòng ngự phản công thực dụng của HLV người Argentina tỏ ra rất hiệu quả và đem về phòng truyền thống CLB vô số danh hiệu. Trong chu kì thành công ấy của Atletico Madrid, bộ đôi hậu vệ Miranda- Godin thi đấu rất ổn định và là xương sống cho cách vận hành đội bóng theo lối phòng ngự phản công của Rojiblancos. Quãng thời gian này, dù cho dành được nhiều danh hiệu to nhỏ nhưng Godin vẫn không thể thành công ở các hạng mục cá nhân. Năm 2011, Uruguay vô địch Copa America với chỉ 4 bàn thua, nhưng người ta lại để ý đến Luis Suarez- đồng đội, cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu, hơn là Godin- người đã bắt chết Sergio Aguero trong trận tứ kết với chủ nhà Argentina, thậm chí khi đội hình tiêu biểu của giải đấu được công bố, cái tên Diego Godin không xuất hiện, mà lại là…Diego Lugano- đồng đội của Godin, dù cho “El Faraon” đã thi đấu rất xuất sắc. Năm 2014 là một năm đáng nhớ với cá nhân hậu vệ sinh năm 1986 này. Hẳn các fan Atletico chưa thể quên buổi chiều 17/5/2014 tại Camp Nou, trận đấu được coi như “chung kết” của mùa giải La Liga năm ấy, và Atletico chỉ cần một trận hòa là có thể vô địch. Mặc dù Sanchez đưa Barca dẫn trước từ khá sớm sau một cú dứt điểm đẹp mắt, nhưng ngay đầu hiệp 2, Godin đánh đầu từ quả phạt góc của Gabi, đem về chức vô địch quốc nội đầu tiên cho CLB sau 18 năm. Trong đêm chung kết Champions League mùa giải 2013-2014, Godin lại mở tỉ số, cũng từ một quả phạt góc, vậy mà, đêm đó, và cả đêm hè Milan 2 năm sau cũng đều quay lưng với Godin một cách phũ phàng. Gạt bỏ nỗi buồn Champions League qua một bên, Godin và ĐT Uruguay có một kì World Cup 2014 khá thành công khi vượt qua bảng đấu có sự góp mặt của ĐT Anh và ĐT Ý. Khi Uruguay chạm trán Italia, người ta háo hức chờ đợi xem một sát thủ như Suarez sẽ làm gì khi phải đối đầu với hệ thống phòng ngự kiên cố bậc nhất thế giới, nhưng trận đấu bị gãy vụn bởi thẻ đỏ của Marchisio, rồi Suarez- người được kì vọng nhất của đại diện Nam Mỹ lại có tình huống “cắn người” tai tiếng. Khi những con người được kì vọng nhất im tiếng, thì đó là lúc Godin lên tiếng, anh có cú đánh đầu mạnh mẽ tung lưới Buffon, đưa Uruguay đi tiếp. Vâng, lại là Godin, lại là đánh đầu, và cũng vào lúc ít ai nghĩ tới. Năm 2014 đầy thành công của Godin hứa hẹn đem cho anh một suất trong đội hình tiêu biểu của FIFA, nhưng không, và đến bây giờ vẫn không ít người thắc mắc tại sao một Luiz thi đấu rất bình thường, thậm chí như một cậu bé trong trận bán kết World Cup với tuyển Đức năm đó lại có tên trong ĐHTB của năm? Chẳng lẽ vì kiểu tóc? Hay tại vì giá trị chuyển nhượng của Godin chưa vượt quá David Luiz?
 Cuộc sống vốn không công bằng, hãy quen với điều đó- bóng đá cũng vậy, có những cầu thủ để lại cho NHM quá nhiều tiếc nuối khi họ luôn thi đấu rất hay, nhưng sự nghiệp không được trọn vẹn, như Ballack hay Gaizka Mendieta, cũng có cầu thủ đánh mất chính mình khi hi vọng của các fan đang ở đỉnh điểm, như Kaka hay Torres, còn riêng với Godin, anh chỉ âm thầm thi đấu hết mình, luôn xuất hiện lúc đội bóng cần anh nhất, và mặc kệ sóng gió nơi mặt báo. Giữa thời đại bùng nổ về công nghệ truyền thông, khi báo chí đôi khi là thứ khiến bao cầu thủ trẻ chẳng thế đưa sự nghiệp lên đến trọn vẹn, chính dư luận lùm xùm làm cuộc sống các cầu thủ bị ảnh hưởng nhiều, thì Godin lại tìm thấy cho mình chút bình yên giữa những con sóng ngoài mặt báo. Cuộc sống cá nhân của Diego thật đơn giản, đơn giản như cách anh chơi bóng vậy. Anh tránh các cuộc chơi thâu đêm, chưa có một scandal nào, và không ai biết tới “nửa kia” của hậu vệ này (dù Godin đã 31 tuổi), đơn giản là vậy đấy, và có lẽ thời gian anh thi đấu đỉnh cao cũng không còn nhiều, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Godin dù khi đang thi đấu, hay đã giải nghệ, sẽ điều khiến người ta vẫn ngưỡng mộ cái “đơn giản” mà yên bình nơi hậu vệ này.
 Trong tác phẩm huyền thoại “Ông già và biển cả”, tác giả Hemingway đã vận dụng khéo léo nguyên lí “tảng băng trôi” để viết nên một kiệt tác của văn học thế kỉ 20. Nếu như nguyên lí đó- hiểu đơn giản là việc chỉ viết một phần suy nghĩ của người viết, còn lại phần lớn là để người đọc tự suy luận, lấp đầy những chỗ còn trống trong suy luận, trong lời văn của tác phầm. Ông lão Santiago trong tác phẩm trên qua bao khó khăn, sóng gió, cuối cùng cũng đạt được thành quả-một con cá kiếm khổng lồ với một vẻ đẹp thật đơn giản, nhưng rồi sau đó thứ ông đem về chỉ là một bộ xương khổng lồ. Những năm tháng chơi bóng đỉnh cao của Godin cũng vậy, qua bao sóng gió, gian khổ, Godin cũng tìm được nơi cho anh cống hiến những gì tươi đẹp nhất- sân Vicente Calderon, nhưng rồi, ngay cả khi anh thi đấu xuất sắc với tất cả khả năng của mình , những gì anh nhận lại liệu có đáng…