[DỊCH] MỘT CUỘC SỐNG TỐT KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI VUI VẺ VÀ CÓ Ý NGHĨA
Với bạn, như thế nào là một cuộc sống tốt đẹp? Đối với một số người, cụm từ ‘cuộc sống tốt đẹp’ có thể gợi lên hình ảnh của một gia đình đầm ấm ...
Với bạn, như thế nào là một cuộc sống tốt đẹp? Đối với một số người, cụm từ ‘cuộc sống tốt đẹp’ có thể gợi lên hình ảnh của một gia đình đầm ấm, một công việc ổn định và một ngôi nhà thời Victoria ở cuối con phố với những hàng cây sồi. Những người khác lại tập trung vào mục tiêu tạo ra sự khác biệt trên thế giới, trong vai trò của một y tá hay một giáo viên, tình nguyện viên, hoặc dồn hết tâm sức của họ vào các hoạt động vì môi trường.
Theo lý thuyết của Aristotle, kiểu sống đầu tiên được gọi là “hedonic” (tạm dịch: hạnh phúc dựa trên khoái lạc) - nó dựa trên niềm vui, sự thoải mái, ổn định và các mối quan hệ xã hội bền chặt. Kiểu sống hứ hai là "eudaimonic" (tạm dịch: hạnh phúc dựa trên sự phát triển bản thân/tự do), chủ yếu liên quan đến cảm giác về mục đích và sự thoả mãn mà một người có được khi đóng góp vào những điều lớn lao hơn. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã phác thảo những ý tưởng này trong chuyên luận ‘Nicomachean Ethics’ của mình, và các ngành khoa học tâm lý đã sử dụng các thuật ngữ này khá nhiều khi thảo luận về những khả năng con người có thể muốn gì khi họ đang còn sống.
Nhưng một bài báo mới, được xuất bản trên Tạp chí Tâm lý học của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, cho rằng có một cách khác để sống một cuộc sống tốt đẹp. Nó không tập trung vào hạnh phúc hay mục đích, mà là một cuộc sống “phong phú về mặt tâm lý” (gốc: psychologically rich).
MỘT CUỘC SỐNG THÚ VỊ VÀ ĐA DẠNG
Một cuộc sống phong phú về mặt tâm lý là gì? Theo các tác giả Shige Oishi, giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia và Erin Westgate, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học Florida, một cuộc sống phong phú về mặt tâm lý được định hình bởi “những trải nghiệm thú vị trong đó sự mới lạ và/hoặc sự phức tạp dẫn đến những thay đổi sâu sắc về mặt quan điểm." Ví dụ, du học là một cách mà sinh viên đại học thường làm để có được tâm lý phong phú. Khi họ tìm hiểu thêm về phong tục và lịch sử của một quốc gia mới, điều này thường khiến họ xem xét lại các đặc điểm xã hội của nền văn hóa của quốc gia mình. Quyết định dấn thân vào một con đường sự nghiệp mới đầy khó khăn hoặc đắm mình trong nghệ thuật tiên phong (avant-garde art) cũng có thể khiến một người cảm thấy cuộc sống của họ phong phú hơn về mặt tâm lý.
Quan trọng là một trải nghiệm không nhất thiết phải là trải nghiệm vui vẻ thì mới đủ điều kiện đem lại sự phong phú về mặt tâm lý. Trải nghiệm đó thậm chí có thể là một trải nghiệm khó khăn. Sống trong thời chiến tranh hoặc thiên tai có thể khiến bạn khó cảm mình đang sống một cuộc sống hạnh phúc hoặc có mục đích, nhưng bạn vẫn có thể trải nghiệm tâm lý phong phú trong những hoàn cảnh này. Hoặc cũng có thể bạn gặp phải những sự kiện ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn đau đớn như chứng vô sinh, bệnh mãn tính và thất nghiệp. Bất kể đau khổ đó là gì, bạn vẫn có thể tìm thấy giá trị trong cách mà các trải nghiệm đó định hình sự hiểu biết của bạn về bản thân và thế giới xung quanh.
Westgate cho rằng việc bổ sung sự phong phú về mặt tâm lý vào quan niệm của chúng ta về thế nào là một cuộc sống tốt đẹp là rất quan trọng vì nó tạo ra thách thức và khó khăn. Cuộc sống không chỉ là "mọi thứ diễn ra tốt đẹp và suôn sẻ". Giá trị được tìm thấy ngay cả khi chúng ta trải qua những trải nghiệm không mấy tốt đẹp.
Ngược lại, Westgate cũng cho rằng nếu chúng ta chỉ hiểu biết về những mô hình hạn hẹp về thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, chúng ta có lẽ sẽ nghĩ rằng nếu một người có cuộc sống không theo chủ nghĩa khoái lạc (hedonic) hay theo chủ nghĩa tự do (eudaimonic) thì ắt hẳn người đó phải có một cuộc sống tồi tệ, điều này là cực kỳ chủ quan và phiến diện.
AI MUỐN TÂM LÝ PHONG PHÚ?
Cuộc sống khoái lạc (hedonic), tự do (eudaimonic) và giàu tâm lý (psychologically rich) không loại trừ lẫn nhau, cũng không có cái nào tốt hơn cái nào cả. “Một người có cuộc sống tốt đẹp, điều tốt đẹp đó có thể diễn ra theo nhiều cách, không nhất thiết phải theo một cách cố định nào,” Westgate lưu ý. Vì vậy, bạn có thể có một cuộc sống vui vẻ, có mục đích và tràn ngập những trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời. Bạn thật may mắn!
Nhưng mọi người cũng có thể chọn ưu tiên kiểu sống này hơn kiểu sống khác. Ví dụ, nghiên cứu đã phân tích 5 đặc điểm tính cách của những người tham gia đến từ các quốc gia khác nhau. Bài kiểm tra Big Five này được coi là bài đánh giá tính cách khoa học nhất, đánh giá nơi các đối tượng nằm trong phổ của năm đặc điểm tính cách: tận tâm (conscientiousness), sẵn sàng trải nghiệm (open to experience), tâm lý bất ổn (neuroticism), hướng ngoại (extraversion) và dễ chịu (agreeableness).
Theo nghiên cứu, những người được xếp hạng cao ở “sẵn sàng trải nghiệm” có nhiều khả năng có cuộc sống giàu tâm lý hơn. Oishi và Westgate nói rằng cởi mở với trải nghiệm thường được đặc trưng bởi “trí tưởng tượng sống động, sự nhạy cảm về nghệ thuật, có chiều sâu cảm xúc, tính linh hoạt trong hành vi, sự hiếu kỳ và thái độ phi truyền thống.”
Và do đó, có lý do để nói rằng một người có tính nghệ sĩ và phi truyền thống thường bị thu hút bởi cuộc sống lắp đầy sự thay đổi. Tác giả cũng lưu ý "một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa có thể đơn điệu và lặp đi lặp lại."
TÂM LÝ PHONG PHÚ CÓ PHẢI LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG ‘WEIRD’ KHÔNG?
Trong khi đó, nghiên cứu giải thích rằng “một cuộc sống hạnh phúc (a happy life) có mối liên hệ chặt chẽ nhất với sự hướng ngoại (extraversion), tiếp theo là sự tận tâm (conscientiousness) và sự bất ổn tâm lý (neuroticism)”, trong khi các đặc điểm của nhóm Big Five phân chia khá đồng đều ở những người theo đuổi cuộc sống có ý nghĩa (a meaningful life). Điều thú vị là các tác giả cũng phát hiện ra rằng những người có cuộc sống phong phú về mặt tâm lý (a psychologically rich life) thường có xu hướng tự do về chính trị và đón nhận sự thay đổi của xã hội, trong khi những người có cuộc sống hạnh phúc hoặc ý nghĩa có nhiều khả năng muốn duy trì hiện trạng.
Một trong những mối quan tâm lớn của các tác giả là liệu việc theo đuổi một cuộc sống giàu có về mặt tâm lý có phải là một hiện tượng đặc biệt đối với các quốc gia/xã hội WEIRD (Western, Educated, Industrialized, Rich và Democratic) hay không, hay điều này chỉ xảy ra khi một người đã thỏa mãn được các nhu cầu khác của họ. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng ý tưởng về một cuộc sống giàu có về mặt tâm lý không phổ biến ở các nước phương Tây hoặc các nước giàu có hơn những nơi khác. Và trong khi những người có cuộc sống hạnh phúc có xu hướng có địa vị kinh tế xã hội cao hơn, các tác giả không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa thu nhập và những người có tâm lý phong phú và có cuộc sống ý nghĩa.
Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng ý tưởng về một cuộc sống giàu tâm lý hấp dẫn hơn đối với người dân ở một số quốc gia nhất định. Khi những người tham gia nghiên cứu ở chín quốc gia được hỏi họ sẽ chọn kiểu sống nào nếu họ chỉ có thể chọn một, cuộc sống hạnh phúc được nhiều người lựa chọn nhất. Một cuộc sống giàu tâm lý phổ biến nhất ở Nhật Bản (16%), Hàn Quốc (16%), Ấn Độ (16%) và Đức (17%), và ít hấp dẫn nhất ở Singapore (7%).
Westgate nói rằng cô ấy không biết tại sao người ở một số quốc gia lại ít nhiều có ý tưởng theo đuổi sự giàu có về mặt tâm lý. Nhưng cô ấy nghi ngờ rằng điều này phụ thuộc vào vấn đề tuổi tác, ở các độ tuổi khác nhau thì người ta có những góc nhìn khác nhau về thế nào là một cuộc sống tốt. “Có những thời điểm trong đời chúng ta chấp nhận sự không thoải mái và ưu tiên khám phá,” cô nói, nhớ lại những chuyến du lịch của chính mình trong ký túc xá khi cô còn trẻ. Và nghiên cứu cho thấy mọi người có xu hướng hạnh phúc hơn khi già đi, điều này gắn liền với thực tế là “thay vì ưu tiên những trải nghiệm đầy thử thách, họ ưu tiên những thứ quen thuộc sẽ khiến họ hạnh phúc; thay vì gặp gỡ những người mới, họ ưu tiên gia đình và những người bạn thân. Những điều đó làm tăng hạnh phúc, nhưng có thể làm giảm sự phong phú về mặt tâm lý ”.
ĐIỀU GÌ LÀM CHO CUỘC SỐNG ĐÁNG SỐNG
Việc xem xét ý nghĩa của việc sống một cuộc sống tốt đẹp là rất phức tạp trong thời đại Covid, thời đại mà đã đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với khả năng tạo ra cuộc sống như ý muốn của con người. Một người coi trọng việc dành thời gian với bạn bè có lẽ giờ đây có ít cơ hội giao tiếp xã hội hơn do giãn cách xã hội; một người thích đi du lịch có thể đã thực hiện ít chuyến đi hơn những năm trước. Vậy chúng ta nên hướng về đâu — hướng tới hạnh phúc, ý nghĩa hay sự phong phú về tâm lý —trong tình trạng hiện tại?
Westgate nói rằng câu trả lời đương nhiên sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân, nhưng đối với những nhân viên làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu và nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người đã đi đầu trong đại dịch, “tập trung vào ý nghĩa và sự phong phú về tâm lý có thể nổi bật hơn. Họ đang sống qua những khoảng thời gian đầy thử thách, gắn liền với sự phong phú về tâm lý và những gì họ đang làm thực sự có ý nghĩa ”.
Đối với những người trong chúng ta, những người cảm thấy hiện tại chúng ta không có một cuộc sống đặc biệt tốt, việc suy nghĩ về các khía cạnh khác nhau của một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa, giàu tâm lý có thể giúp chúng ta tìm ra những thay đổi mà chúng ta muốn thực hiện.
Và nếu bạn cảm thấy rằng cuộc sống của bạn hiện đang tốt theo cách không thuộc bất kỳ loại nào trong ba loại được mô tả bởi bài báo, các tác giả của cũng lưu ý rằng có thể còn nhiều dạng thức cuộc sống mà họ chưa tính đến — một cuộc sống trí tuệ , một cuộc sống sáng tạo, hoặc một cuộc sống yêu thương, quan tâm chẳng hạn.
Aristotle đã đã tìm ra điều gì đó gần hai thiên niên kỷ rưỡi trước. Nhưng Westgate nói rằng điều quan trọng đối với khoa học tâm lý là tiếp tục phát triển vượt ra ngoài nền tảng mà triết gia đặt đặt ra, mở rộng quan điểm của chúng ta về những gì làm cho cuộc sống đáng sống.
han.fearless - 25/8/2021
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất