Mặc dù đã ra đời hơn 70 năm về trước nhưng tác phẩm “Dịch Hạch” của Albert Camus vẫn mang đầy hơi thở thời đại. Đợt xảy ra dịch Covid 19 cuốn sách này trở nên hot trở lại và mình cũng nhân cơ hội đọc thử xem sao. Tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương vào năm 1957 có phần hơi nặng đô với mình. Câu chuyện có diễn biến khá đơn giản với nhịp điệu chậm nhưng để hiểu được những ẩn ý sâu trong tác phẩm không phải là việc dễ dàng. Văn học Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng câu cú khá dài và phức tạp, ẩn ý nhiều hơn phơi bày tất cả, đọc khá đuối.

             Nội dung: Vào một buổi sáng bình thường như bao ngày tại thành phố Oran (Pháp), bác sĩ Rieux đi ra ngoài khám bệnh thì phát hiện một con chuột chết trên cầu thang. Ông đến báo với người bảo vệ già về con chuột chết nhưng lão không tin bởi trước giờ khu nhà làm gì có chuột và chắc chắn là có đứa trẻ ranh nào bày trò quậy phá. Ngay chiều hôm đó đi về, ông lại gặp một vài con chuột khác đang giãy chết. Ngay hôm sau và nhiều ngày sau nữa, ngày càng nhiều xác chuột chết xuất hiện đầy đường phố Oran vốn bình yên, tẻ nhạt, nay xáo động khắp các khu dân cư câu chuyện xoay quanh những con chuột chết. Bắt đầu với những ca bệnh đầu tiên, lão bảo vệ già cũng không vượt qua khỏi, số bệnh nhân liên tục tăng lên cũng như số chuột chết phải chất thành đống khắp các khu dân cư.
             Trước tình hình bệnh dịch tiếp tục tăng nhanh chóng mặt, thành phố quyết định đóng cửa cách ly. Cả thành phố xôn xao trước các xáo trộn trong cuộc sống, những cuộc tranh cãi của các gia đình chịu cảnh ly tán, xung đột xảy ra bên trong và ngoài cổng vào thành phố. Trước kia, nếu bác sĩ là vị cứu tinh là ân nhân của mọi người và được tiếp đón nồng hậu, thì bây giờ họ trở thành tử thần, họ bị căm ghét bị nguyền rũa. Vì trước kia họ đến để chữa bệnh, cứu người, còn bây giờ họ đến để xác định đã nhiễm bệnh, ngay lập tức bệnh nhân bị đưa đi cách ly tập trung tại bệnh viện giã chiến nơi chỉ có cái chết đang đợi họ. Không chỉ họ mà cả gia đình họ, những người tiếp xúc gần cũng bị đưa đi cách ly.

            Có những cái chết lúc đầu các gia đình còn được đứng ngoài nghĩa trang an táng tươm tất, sau chỉ còn là những hố chôn tập thể được vội vã thực hiện trong đêm hay có lúc chỉ còn là những đêm dài với những cuộn khói bất tận vì thành phố đã hết chỗ chứa những công dân tội nghiệp.
            Bên không khí tang thương đó, ta thấy những con người với xuất thân và tính cách khác nhau, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn này, họ hợp sức giúp nhau cũng như những người dân vô tội vượt qua đại dịch.
            + Đầu tiên là vị bác sĩ mẫn cán Bernard Rieux, nhân vật chính, ông cùng bạn bè và đồng nghiệp hợp thành một nhóm cứu chữa cho các bệnh nhân. Bản thân ông cũng chịu cảnh chia cách với người vợ của mình cho đến khi bà chết họ vẫn không được gặp nhau.
            + Jean Tarrou: Một nhà tri thức xuất thân danh giá nhưng đã giã từ cuộc sống nhung lụa sau khi chứng kiến cha mình – một chưởng lý – buộc tội tử hình một bị cáo. Là người bạn tâm giao luôn đồng hành cùng bác sĩ Rieux trên con đường cứu chữa cho các bệnh nhân.
            + Raymond Rabert: Một phóng viên bị mắc kẹt lại thành phố Oran khi tác nghiệp ở đây. Mặc dù đã tìm mọi cách và thu xếp đễ được trở về với người yêu nhưng đến phút cuối, anh quyết định ở lại làm tình nguyện cùng nhóm của bác sĩ Rieux.
            + Cha Paneloux: Ban đầu ông coi bệnh dịch hạch là sự trừng phạt của chúa và kêu gọi các con chiên của mình hãy yên lòng đón nhận và cầu nguyện. Nhưng khi chứng kiến cái chết đầy con đớn của một đứa trẻ, con trai ngài dự thẩm Othon, đã làm thay đổi hoàn toàn con người ông. Trong buổi cầu kinh, cha Paneloux kêu gọi mọi người giúp sức “Toàn bộ vấn đề là ra sức ngăn cản không để người ta chết và vĩnh viễn xa nhau. Muốn vậy, chỉ có một cách duy nhất là chống lại dịch hạch… Hỡi những người anh em, chúng ta phải là những người ở lại." Và chính bản thân ông cũng tham gia vào nhóm tình nguyện.
.
             Điểm cộng: Căn bệnh dịch hạch được tác giả dùng như một biểu tượng cho những căn bệnh khác trong xã hội, đó có thể là chủ nghĩa phát xít theo như hoàn cảnh tác phẩm ra đời ngay sau chiến tranh thế giới thứ 2. Hay ám chỉ bất cứ hình thức bạo lực nào đang đe dọa cuộc sống loài người và có thể còn đè nặng lên nhân loại trong tương lai. Đó cũng như là sự tiên tri và cảnh báo cho chúng ta của hiện tại, giữa một thế giới gánh một thứ chủ nghĩa vật chất nặng nề và nguy hiểm như một dịch bệnh. “Mọi thứ chúng ta đang làm trong guồng quay chóng mặt của một thời đại tư bản, cùng với sự tàn phá thiên nhiên, đang “phá hủy đi sự hài hòa của ngày hôm nay.”
            
             Điểm trừ: Cốt truyện đơn giản nhưng mỗi câu văn, lời đối thoại cực kỳ phức tạp, khó hiểu hết những ý nghĩa sâu cay mà tác giả cài cắm (đến giờ mình vẫn chưa hiểu hết).
- Bản dịch này ra đời năm 1968, từng được NXB Dịch Giả phát hành năm 1971 cho nên bản dịch có dùng những từ khá cũ, câu cú dài và phức tạp.
- Nhiều tình tiết dài dòng gây nhàm chán và hoang mang nhưng thực ra hàm ý rất nhiều.
- Một cuốn sách đòi hỏi bạn phải tự suy ngẫm khá nhiều và phải thật kiên nhẫn.