Hồi còn làm Đậu địa phương, nhớ nhất chắc là vị Bánh mì thịt xíu mười hai ngàn của quán.
Bánh mì 56 thì ngon, nhưng bánh mì 84 mới là ký ức. Chắc tại ăn ở 84 nhiều quá, quen vị, qua 56 ăn “vị chuẩn” lại chẳng thấy ngon như thế.
Đợt còn làm, cứ nghe đi nghe lại cái cụm “Địa phương” với “Người địa phương”. Insight cả đấy, vision cả đấy!
Huy Vũ hay bảo “Ơ thế phục vụ người địa phương là bỏ qua mấy người du khách ghé quán à?”
À không không
Địa phương ở đây là chỉ một vùng đất. Và người ta không nhất thiết phải được sinh ra và lớn lên ở một vùng đất mới được gọi là “địa phương”, cũng không cần thiết phải sử dụng đồ uống của vùng đất đó mới được xem là chuẩn “địa phương”.
Tớ nghĩ, có người giữ cho mình những giá trị riêng, không muốn mất đi điều gì, cũng không muốn tiếp nhận thêm bất kỳ thứ gì khác. Cũng có những người không ngại trải nghiệm những thứ mới, chấp nhận sự khác biệt về giá trị của mỗi cá thể. Những người như vậy, họ giữ cho mình một tình yêu khó lay chuyển với những điều thân thuộc ở nơi mình sống, giữ lấy nét đẹp của nơi đây, nhưng cũng sẵn sàng đón nhận những nét văn hóa đến từ phương khác.
Địa phương trong mình là vị Bánh mì thịt xíu mười hai ngàn mua ở Đậu địa phương, sau lên mười lăm và nay mình phải mua với giá gần ba mươi ngàn.
Địa phương trong mình chính là vị Americano nhạt nhòa ở Hosttin mà Hải Đỗ hay bảo “dở như cà phê lề đường”, nay chẳng còn uống nhiều nữa.
Địa phương trong mình là cái bàn với 6 cái ghế cao cao ở Nhà cà phê đường Núi Thành, hôm nào cũng đi.
Không phải nơi tốt nhất, địa phương là nơi thân thuộc nhất
Tớ gọi một thứ là địa phương khi tớ gắn bó với nó đủ lâu, hoặc một chút tình cảm tớ để lại ở nơi đó
Thế còn bạn, địa phương trong bạn là gì?
Keep typing,
Ivan