ĐI TÌM ĐAM MÊ NGHỀ NGHIỆP
Tìm ra đam mê với nhiều người không phải là điều dễ dàng. Với những người thích trải nghiệm, tìm kiếm, khám phá những cái mới, bạn...
Tìm ra đam mê với nhiều người không phải là điều dễ dàng. Với những người thích trải nghiệm, tìm kiếm, khám phá những cái mới, bạn sẽ không sẵn sàng tập trung vào chỉ một nghề để phát triển nếu bạn chưa thực sự chắc chắn rằng đây là lựa chọn tốt nhất của bạn. Với những người đã gắn bó một thời gian dài với một nghề mà bạn không thấy yêu thích nhưng bạn cũng không biết mình thực sự thích gì, bạn sẽ cần phải “ra ngoài” để tìm kiếm. Đọc đến đây có thể câu hỏi tiếp theo của bạn là: “Tôi nên tìm kiếm như thế nào?”.
Câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi của cô bé Alice với chú mèo Cheshire. trong câu chuyện “Alice ở xứ sở thần tiên”.
Một ngày nọ Alice đi đến một ngã ba đường và nhìn thấy một chú mèo Cheshire trên cây.
Alice hỏi: “Tôi nên đi đường nào?”
Mèo Cheshire đáp: “Cô muốn đi đâu?”
Alice trả lời: “Tôi không biết.”
Mèo Cheshire đáp: “Vậy thì đi đường nào không quan trọng, cô gái ạ.”
Nếu bạn đơn thuần chỉ muốn trải nghiệm và không quan trọng đích đến hay điều bạn muốn thu hoạch được từ trải nghiệm đó thì đơn giản là bạn hãy cứ đi đường nào mà bạn muốn thử. Nếu bạn may mắn, có thể bạn sẽ có một trải nghiệm vô cùng thú vị. Nếu không may, có thể bạn sẽ bị vấp ngã, bị thương,…và bạn phải quay trở lại điểm xuất phát để thử một hướng đi khác với hy vọng lần này mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.
Để tìm ra đam mê, bạn chắc chắn phải trải nghiệm. Nhưng trải nghiệm chưa chắc đảm bảo bạn sẽ tìm ra đam mê.
Tôi xin chia sẻ với bạn 2 gợi ý để bạn không rơi vào trạng thái tìm kiếm vô định.
1. Hình dung về viễn cảnh cuộc sống mà bạn muốn sống (your dream life)
Cuộc sống mà bạn muốn sống hay có thể gọi là cuộc sống mơ ước của bạn. Trong sự tưởng tượng, bạn thấy bạn muốn sống trong một không gian như thế nào, bạn làm gì, bạn mặc trang phục gì, bạn tương tác với những người khác ra sao, điều gì mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc, hài lòng,….
Cách đây hơn 11 năm, tình cờ tôi đọc được cuốn sách nói về 13 bước để trở nên giàu có của Napoleon Hill. Trong đó tôi ấn tượng nhất với bước số 1 – Khát khao. Nếu bạn muốn một điều gì đó, chỉ nghĩ thôi là chưa đủ. Bạn cần phải liên tục nghĩ về điều đó cho đến khi việc đạt được nó trở thành một khát khao, một ngọn lửa trong bạn. Tôi không ham hố làm giàu nhưng tôi thấy bước số 1 này đúng với tôi khi suy nghĩ về cuộc sống mà tôi muốn sống. Trong ước mơ của tôi, khi hình dung về công việc, tôi thấy mình gặp gỡ nhiều người. Khi tới, họ mang theo những trăn trở. Khi rời đi, tôi thấy nụ cười trên gương mặt của họ, tôi thấy sự hài lòng và hào hứng ở họ. Đó chính là điều tôi tìm kiếm trên con đường nghề nghiệp của mình trong suốt 18 năm qua. Giờ thì tôi đang làm chính xác công việc mà tôi đã mơ ước – một chuyên viên phát triển cá nhân và tham vấn nghề nghiệp.
Tất nhiên ngày đó tôi chưa thể gọi tên công việc ấy là gì nhưng việc biết mình tìm kiếm điều gì giống như bạn nhìn thấy một dải ánh sáng dẫn bạn đi về phía trước trong sự tò mò lẫn niềm hân hoan.
2. Hiểu về bản thân
Hiểu về bản thân là bước đầu tiên trong quy trình lập kế hoạch nghề nghiệp và cũng là kết quả của quá trình trải nghiệm cuộc sống và nghề nghiệp. Với tôi, hành trình đi tìm đam mê cũng là hành trình tôi đi tìm tôi.
Giống như một người chuẩn bị tham gia vào một chuyến đi rừng. Bên cạnh việc xác định mình tìm kiếm điều gì, mình muốn đi bao lâu và đi bao xa, bạn cần chuẩn bị hành trang cho mình. Bạn cần biết trong ba lô của bạn có những gì. Thực ra, bạn không bắt đầu từ con số 0 khi đi tìm đam mê. Bạn đã có một hành trang cơ bản rồi. Hẳn là bạn biết bạn có kiến thức, kỹ năng gì, những điều bạn thích và không thích, điểm mạnh, điểm yếu của bạn, năng lực của bạn, những điều bạn coi trọng, động lực, nhu cầu của bạn. Thực tế là chúng ta biết nhưng đôi khi không gọi tên được điểm mạnh, điểm yếu, giá trị, động lực của mình vì chúng ta chưa dành thời gian để chiệm nghiệm từ các trải nghiệm của chính chúng ta hoặc chưa xâu chuỗi chúng lại để có thể nhìn rõ chúng.
- Nếu bạn xác định được điểm mạnh, bạn sẽ tìm cơ hội nghề nghiệp phù hợp để những điểm mạnh của bạn được nuôi dưỡng, phát triển.
- Nếu bạn xác định được điểm yếu, bạn sẽ tránh những nghề nghiệp khiến bạn khó phát triển và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Ví du, nếu điểm yếu của bạn là cạnh tranh, bạn sẽ cảm thấy rất áp lực khi làm việc trong một môi trường yêu cầu mỗi nhân viên phải chạy đua với nhau để thể hiện mình xuất sắc hơn người khác.
- Nếu bạn xác định được giá trị nghề nghiệp, bạn sẽ không chọn những môi trường nghề nghiệp xung đột về giá trị với bạn. Ví dụ, nếu giá trị nghề nghiệp của bạn là tự do, bạn sẽ cảm thấy “ngột ngạt” khi hàng ngày phải đi làm đúng giờ, phải quẹt vân tay, phải làm các công việc theo quy trình dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
Trên hành trình đi tìm đam mê, có thể bạn sẽ phát hiện ra thêm nhiều điều mới mẻ để bổ sung vào cuốn tiểu sử "Tôi là ai" của bạn.
Chúc bạn sẽ sớm tìm được đam mê và có thể sống trọn vẹn với đam mê của bạn!
Lê Hằng
Chuyên viên phát triển cá nhân & tham vấn nghề nghiệp
Trưởng Bộ phận Tham vấn Nghề nghiệp
T&C Việt Nam
-------------------------------------------------------------------
Nếu bạn đã loay hoay một thời gian mà vẫn chưa tìm thấy con đường của mình và muốn được hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi để đặt cuộc hẹn với 20’ tham vấn miễn phí.
Hotline: 0353-550-585
Fanpage: Fb.com/thamvannghenghiep
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất