Ngày đầu tiên tôi bước xuống sân bay Calgary, cảm giác đầu tiên trong lòng tôi đó là thất vọng. Từng cơn gió lạnh buốt phả vào người khiến tôi sởn hết cả da gà, không khí tiêu điều và cây cối héo úa khiến tôi buồn bã. Ngày trước khi tôi đi du học, tôi đã từng mường tượng là ở nước ngoài sẽ đẹp thế nào, không khí dễ chịu ra làm sao. Nhưng từ giây phút tôi đặt chân đến đây thì mọi tưởng tượng của tôi đã bị cơn gió lạnh mùa đông thổi bay không còn chút dấu vết.
Theo xe chú tôi về nhà, nhà cửa bên này thì khác Việt Nam thật, thiết kế cũng rất lạ. Nhìn nhà cửa và hàng quán xung quanh, tôi chợt lại cảm thấy buồn. Tôi thật sự rời xa cái nơi tôi đã gắn bó 18 năm rồi. Nhưng xen kẽ với những cảm xúc buồn bã là sự vui sướng khi ngắm nhìn những thứ mới mẻ.Tôi cũng chẳng rõ tại sao cảm xúc trong tôi lại chia thành hai nửa như thế, một phần là nhớ nhà, một phần là yêu thích sự mới mẻ ở nơi đây, dù rằng nó không hề như tôi kì vọng.
Tuần thứ nhất, sau khi tôi đến đây, tôi đi khắp nơi để khám phá cái mới mẻ của “nước ngoài”. Trước đây ai cũng bảo tôi là ra nước ngoài sướng lắm, công nghệ tiên tiến, cái gì cũng mới mẻ và thú vị hơn Việt Nam. Nhưng tôi lại thấy nơi này chán phèo, không hề có mấy quán ăn vặt ven đường, cũng chẳng có không khí náo nhiệt như Việt Nam. Ở nước ngoài, người ta chậm đến mức kì lạ. 5h sáng không ai tất bật thức dậy đi làm như ở Việt Nam, 7h tối cũng chẳng ai nhộn nhịp kéo nhau về nhà rồi đi cà phê với bạn bè. Cuộc sống của mọi người ở đây chậm hơn những gì là tôi nghĩ. 5h sáng họ vẫn dậy, nhưng là dậy để tập thể dục, 7h đi làm, 5h về nhà, tất cả mọi nơi đều đóng cửa lúc 6h để mọi người có thời gian ở bên gia đình của mình.
Hụt hẫng, là những gì mà tôi đã trải nghiệm sau một tuần ở đây. Mọi thứ đều khác biệt và lạ lẫm đến ngỡ ngàng. Nhưng nghĩ kĩ, tôi thấy nơi này cũng khá là thú vị. Khi ở Việt Nam mọi người đều bận rộn với công việc của mình, rồi bạn bè, rồi người yêu, rồi công việc, thì người ở đây lại muốn có thời gian cho bản thân mình. 6h về nhà, nấu một bữa ăn, chill với chú chó nhỏ, xem một bộ phim, và rồi chuẩn bị cho ngày mai lại đi làm. Thật sự rất yên bình và nhàn hạ. Nhưng đâu phải là không vui.
Nếu ở Việt Nam thì khi đi cà phê, lúc nào tôi cũng phải bảo với mấy đứa bạn là bỏ điện thoại xuống để nói chuyện. Thì bên này mọi người lại chẳng buồn ngó đến điện thoại. Lần đầu tiên tôi bước chân vào khoang tàu điện, tôi đã bị hình ảnh mọi người cầm quyển sách trên tay khiến cho ngỡ ngàng. Hình ảnh mà tôi đã chẳng thể thấy rất lâu rồi từ khi tôi còn nhỏ. Ở các quán cà phê, mọi người chỉ lo chụp ảnh, lo check Facebook, lo xem social media hôm nay có gì khác, tôi đã chẳng còn biết là quyển sách có còn được sử dụng ở Việt Nam nữa hay không.
Nhưng ở đây thì khác, mọi người vẫn còn cầm sách để đọc trong lúc đến chỗ làm, chỗ học. Họ đọc một cách chăm chú và cẩn thận, dù là ở ga tàu điện, hay quán cà phê, nơi nào tôi cũng thấy hình ảnh đẹp đẽ đó. Và những cuộc trò chuyện ở quán cà phê nữa.Tôi yêu Việt Nam, nơi mà mọi thứ đều tiên tiến và mới mẻ, nhưng công nghệ lại đi quá nhanh khiến con người dần xa cách. Ở đây, dù họ đã phát triển, nhưng lại làm một điều hoàn toàn ngược lại.
Tôi thấy mới mẻ!
Sau cái mới mẻ đó, lại là sợ hãi và hụt hẫng. Vốn tiếng anh của tôi lúc đó không quá nhiều, cũng không ít, nhưng tôi lại không dùng được. Có lẽ không phải mình tôi như thế, tôi thấy rất nhiều bạn như mình lúc mới qua cũng như thế. Họ lắp bắp và câu từ kì quặc dùng để đối thoại. Họ không rõ mọi người ở đây nói chuyện như thế nào, họ cũng không biết phải nói như thế nào cho tự nhiên, phát âm thế nào cho chuẩn. Tôi cũng thế thôi, nên từ một người cực kì tự tin và hoạt bát, tôi trở nên rụt rè và lo ngại.Tôi sợ mình nói không hay, tôi sợ người nghe không hiểu. Dù sao việc học qua sách vở và thực hành là hai việc hoàn toàn khác nhau. Huống hồ, tiếng anh lại là ngôn ngữ thứ hai, và tùy theo nơi mình ở mà họ dùng tiếng anh với những từ vựng khác nhau để trò chuyện. Nên ngại nói cũng là điều dễ hiểu thôi.
Nhưng từ đó, tôi lại học cách điềm tĩnh và lắng nghe nhiều hơn. Vì không nói được, nên tôi phải nghe để hiểu, nghe để học. Tôi nhận ra khi mình chậm lại một chút, mình sẽ học được nhiều thứ mới mẻ hơn. Nếu tôi ở Việt Nam, tôi sẽ lại là “một con quái vật hướng ngoại” tùy ý mà bùng nổ với năng lượng ngập tràn trong người. Nhưng khi ở đây, một nơi hoàn toàn xa lạ, tôi lại học được cách kiềm lại năng lượng của mình để dung hòa năng lượng với người khác. Mặc dù khoảng thời gian này với tôi như địa ngục, tôi thấy bản thân mình thất bại, vô dụng, và tệ hại đến cùng cực, nhưng vượt qua được tôi lại thấy mình đã học được rất nhiều từ những khó khăn đó.Tuần thứ hai, tôi bắt đầu phải tự làm hết giấy tờ để đi học. Nỗi kinh hoàng ùa đến, bất ngờ đến mức khiến tôi trở tay không kịp. Suốt mười tám năm ở Việt Nam, từ việc nhà đến việc trường, chưa bao giờ tôi phải lo. Vậy mà đùng một cái, bao nhiêu là giấy tờ đổ xuống mặt mà thở không nổi. Tiếng anh không quá tệ, nhưng thủ tục rườm rà khiến tôi bị ngộp. Nếu ở Việt Nam thì còn có thể hỏi ai đó để hỗ trợ, thì ở đây tôi phải tự lo hết từ a đến z. Vì hỏi cũng không biết hỏi thế nào, và vì quá mới nên có quen ai đâu để mà hỏi. Thời đó công nghệ, và mạng xã hội cũng không quá phát triển như bây giờ để mà đăng bài để hỏi người này người kia. Một phần khác là vì tôi ngại, biết ai đâu mà hỏi.
Nên phải tự mày mò từng thủ tục một, lúc đó chỉ cảm thấy mệt mỏi kinh khủng, vì quá nhiều thứ mới phải học, phải làm. Nhưng nghĩ lại, nhờ việc buộc phải tự làm mọi thứ, tôi học được mọi thứ. Từ việc apply xin nhập học, đến chuẩn bị giấy tờ apply xin pr. Vậy nên, cũng đâu quá tệ khi phải tập trưởng thành đúng không?
[Còn tiếp...]
-LDN-
Theo dõi tụi mình tại đây nha ~!