Rome là một cái nôi lớn về văn hóa, thương mại, kiến trúc và lịch sử của nhân loại: từ đấu trường Colosseum cổ kính, quảng trường La Mã Forum, tòa thánh Vatican tráng lệ, đến những tiếng rao bán, chào mời liên tục của những người bán hàng rong dân bản địa, … mọi thứ thuộc về thủ đô nước Ý đều chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc với đời sống vật chất cũng như tinh thần. Quan trọng bậc nhất trong những điều vừa kể, ẩn sâu trong lòng quá khứ kiêu hùng, mà cũng xuất hiện bên cạnh thực tại vội vã giữa hằng hà sa số những tôn giáo thiêng liêng nơi đây, đều được cất giấu bên trong đấu trường hào nhoáng bậc nhất địa cầu: sân vận động Olimpico.
Đấu trường lớn ấy là sân nhà của hai CLB dù tương đồng ở vị trí địa lý, nhưng lại có bản sắc hoàn toàn riêng biệt. Ngoài ta, tinh thần chiến đấu vì màu áo đang mang chính là điều khiến họ có thể hãnh diện tự hào. Về lý thuyết, cả hai đội đều hoàn toàn đủ năng lực giành chiến thắng ở mọi danh hiệu. Họ có trụ sở tại Rome, nhưng sau tất cả, trong khi thủ đô lại là tâm điểm chú ý, là nơi đầu tiên khiến du khách để mắt ghé thăm trong chuyến du lịch đến đất nước hình chiếc ủng, thì thành tích của bóng đá nơi đây lại vô cùng nghèo nàn nếu đối chiếu với những vùng miền khác của lãnh thổ nước Ý.
Roma và Lazio, hoặc Lazio và Roma tùy thuộc vào lòng trung thành của bạn, nhưng bóng đá thủ đô chưa từng có một thời đại thống trị của riêng họ. Thật vậy, khi các CLB Ý lần đầu thống trị lục địa già những năm 1960, không đội bóng nào trong cả hai từng giành được một chiếc Scudetto. Thay vào đó, kỷ lục thuộc về thành Milano. Còn ở một chừng mực nào đó dù có kém hơn, thành Torino cũng xứng đáng được xướng tên. Khi đó, AC Milan, Inter Milan, và Juventus liên tục gặt hái được những thành công ở cả trong và ngoài nước.
Điều tương tự gần như lặp lại trong giai đoạn hùng mạnh tiếp theo của Calcio. Serie A là quê hương của những tài năng và đội bóng xuất sắc nhất Thế giới suốt những năm người ta chỉ nhắc về bóng đá Ý. Milan và Juventus thiết lập sự độc tôn cho đế chế hùng mạnh của riêng họ mà không CLB nào dám mơ tới, kể cả Real Madrid – CLB được bình chọn là hay nhất Thế kỷ XX. Một thập kỷ chóng vánh từ 90 đến 2000, hai gã khổng lồ kia đã thay nhau chạm đến 4 chiếc Scudetto.
Nhưng đến đây, một biến động tuy ngắn nhưng vô cùng ấn tượng đã xảy ra. Danh hiệu VĐQG Italy có chuyến ghé thăm Thủ đô. Đó là sự hồi sinh đầy bất ngờ, một chấn động của làng bóng Calcio: lần đầu tiền và duy nhất trong lịch sử đến thời điểm này, chức vô địch nằm lại lòng Rome tận 2 năm liên tiếp.
Zdenek Zeman có thói quen truyền đạt chủ nghĩa lý tưởng của mình vào những đội bóng ông từng huấn luyện. Nét đặc trưng đó là sự lãng mạn không thể nhầm lẫn trong lối triển khai bóng, dù cho danh hiệu chỉ đến trong những dịp đặc biệt hiếm có. Hành động một cách khoa học không phải là tôn chỉ của ông thầy người Séc. Đương nhiên, với việc kết hợp niềm vui bóng đá mà không quá nặng nề vào việc đạt được thành tích, ông chấp nhận dẫn dắt cả hai CLB kình địch là Lazio và Roma suốt những năm 90.
Khi Zeman rời Foggia tới Lazio năm 1994, tham vọng chiến thuật của ông hoàn toàn hợp rơ với tiềm lực tài chính của vị tân chủ tịch CLB. Sergio Cragnotti đầu tư rất nhiều tiền của vào đội hình sáng bóng của Lazio, và ông không dừng lại trong cả thập kỷ. HLV và chủ sở hữu của Lazio nắm giữ những vai trò khác nhau, nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung: người đi trước muốn phô diễn một lối đá đẹp, người kia thì muốn có một kết quả thuận lợi. Và sự phối hợp của hai con người họ đã được đền đáp.
Zeman ngay ở mùa giải đầu tiên cầm quân đã cùng Lazio bành trướng cả Serie A. Năm đó người ta được chứng kiến nửa xanh Thủ đô ghi nhiều bàn thắng hơn bất kỳ gã đại gia nào khác ở Calcio. Họ hủy diệt đội bóng lên ngôi nhiều lần nhất AC Milan ngay trên sân nhà, đả bại nhà ĐKVĐ Juventus ngay tại Turino, và triệt hạ Inter đến tận hai lần. Ngay khi các bàn thắng vừa đến, thì ai cũng hiểu quá rõ kết cục sẽ ra sao. Kết thúc ở vị trí thứ hai mùa 1994/95 đóng vai trò như một minh chứng tạm thời cho phương pháp huấn luyện của Zeman và cách chi tiêu của Cragnotti. Nhưng đó cũng chỉ là những gì tốt nhất mà đội bóng đạt được.

Hai năm tiếp theo, thống kê về bàn thắng cũng như điểm số đều có sự tụt giảm đáng kể. Vị trí thứ hai xuống còn thứ ba, rồi trở thành thứ tư. Thế là buộc phải có sự chia ly giữa hai bên. Zeman bị sa thải giữa chừng ở nhiệm kỳ dẫn dắt thứ ba của mình khi chẳng thể cùng đội bóng tiến xa.
Hai năm tiếp theo ở Roma của Zeman kết quả cũng chẳng khác là bao. “Giallorossi” là đội có nhiều bàn thắng nhất ở Serie A ở cả hai mùa giải 1997/98 và 1998/99. Họ cũng thăng tiến vượt bậc ngay ở năm đầu tiên Zeman dẫn dắt, từ 12 vọt đến thứ 4. Tuy vậy, mùa sau họ tụt hai bậc xuống thứ 6. Zeman một lần nữa tạo nên một lối đá đầy phấn khích, tấn công rực lửa, nhưng đúng là nhiêu đó vẫn chưa đủ thỏa mãn.
Như một điều thường thấy trong bóng đá, chủ nghĩa lý tưởng của ông đã được ca ngợi nhưng đồng thời cũng dần bị thờ ơ. Ông rời Roma đúng như cái cách ông rời Lazio, với đầy rẫy những kỷ niệm đẹp nhưng lại không thu gặt được hoa trái. Cả hai CLB bản sắc của La Mã năm xưa, có lẽ ngày càng nhận thức rõ hơn về sự khan hiếm của các danh hiệu lớn, và họ lập tức chuyển sang những hướng tiếp cận hiện đại hơn.
“Chúng tôi có thể đặt niềm tin vào 1.5 triệu NHM reo hò giữa một nơi bao la và rộng lớn như vậy. Đó sẽ là một thị trường béo bở cho những sản phẩm của chúng tôi.” Trên đây là những lời phát biểu của giám đốc Giancarlo Guerra của Lazio vào tháng 11 năm 1997. Nói như ông, thì mọi con người đều rất quan trọng. Guerra đang đau đầu cho vụ kiện tài chính của CLB. Điều này có mối liên hệ mật thiết, bởi một khi nó được công bố, thì Lazio sẽ trở thành CLB đầu tiên của Ý được thả nổi trên sàn giao dịch chứng khoán.
Có vẻ khoản đầu tư của Cragnotti trước kia đã ngừng lại, và HLV Sven-Göran Eriksson bị thu hút bởi triển vọng sử dụng đầu tư nói trên. Chiến lược gia người Thụy Điển đã chấp nhận mọi điều khoản để đến với Blackburn Rovers, nhưng chỉ 3 tháng sau khi đồng ý một thỏa thuận về nguyên tắc với đội bóng vùng Lancashire – Anh, ông lại chuyển sang định cư ở Ý. Zeman vừa chia tay Lazio, và ông sẽ tiếp quản đội bóng thủ đô.
Nổi tiếng là một chiến lược gia bảo thủ, “Biancocelesti” (biệt danh của Lazio) hứa hẹn cùng Eriksson đưa dấu ấn của chủ nghĩa thực dụng đi xa trong vòng chỉ vài tháng. Từ bỏ đội hình xuất phát 4-3-3 với thiên hướng tấn công, di chuyển linh hoạt và ghi bàn liên tục của Zeman ngày nào, sơ đồ ưa thích của HLV Thụy Điển là 4-4-2. Matías Almeyda chuyển đến từ Sevilla để tăng cường thêm một hàng rào bảo vệ trước hàng phòng ngự. Cầu thủ người Argentina là một tín hiệu đáng ngại cho mọi chân sút đối thủ. Anh quả là một chốt chặn vững chãi ở khu vực giữa sân. Và như để xác nhận lần nữa về sự thay đổi trong cách tiếp cận, Beppe Signori – cây săn bàn chủ lực của đội bóng thủ đô 5 năm liên tiếp, bao gồm cả triều đại Zeman đã bị bán cho đội bóng thành Foggia, Sampdoria.
Mùa giải ra mắt 1997/98 của Eriksson, Lazio ngay lập tức đạt được thành tích phòng ngự tốt nhất của giải đấu trong cả một thập kỷ. Và trong khi vị trí của họ không thể cải thiện khi tiếp tục về đích thứ 4, thì tổng điểm số lại chính là điểm nhấn so với mùa trước. Ngoài ra, Lazio còn lọt đến trận Chung kết UEFA Cup, trước khi chỉ chịu thua một Inter với niềm cảm hứng bất tận mang tên siêu tài năng Ronaldo. Nhưng hơn hết, cơn khát danh hiệu của đội bóng Thủ đô được giải quyết khá thỏa đáng bằng danh hiệu đầu tiên: Coppa Italia.
Thành công diễn ra vào mùa tiếp theo 1998/99 khi Eriksson cùng Lazio vô địch cúp C2 châu Âu UEFA Cup Winners’ Cup, với một tập thể được xây dựng xoay quanh thi đấu tuân thủ chiến thuật hơn là sự tinh tế và ngẫu hứng. Chi tiêu của Cragnotti lại phát huy tác dụng, Marcelo Salas và Christian Vieri mang đến sự tàn bạo và hiệu quả cần thiết để giải quyết triệt để phong cách chơi trực diện hơn mà Eriksson đang tìm kiếm. Bộ đôi ăn ý thoải mái phô diễn bản năng của những sát thủ, giữ bóng, phối hợp và chạy, cùng nhau ghi đến 27 bàn thắng. Tuy nhiên, Lazio lại vụt mất danh hiệu Scudetto với chỉ 1 điểm kém hơn AC Milan.

Nhưng rồi, mối quan hệ giữa hai tiền đạo nhanh chóng tan vỡ. Vieri bị đem bán cho Inter với mức giá kỷ lục 32 triệu Bảng. Số tiền sau đó được đem đầu tư cho đội hình. Kỷ nguyên "Eriksson hóa" tiếp tục với bản hợp đồng mang tên Diego Simeone và một Nestor Sensini đầy kinh nghiệm ở hàng hậu vệ. Nhưng Juan Sebastian Veron mới thực sự là bản hợp đồng quan trọng.
Veron từng thi đấu dưới trướng Eriksson ở Sampdoria. Dù ông thầy người Thụy Điển nổi tiếng là một người thực dụng, Veron vẫn giành những lời có cánh cho ông: "Eriksson rõ ràng trao cho tôi nhiều cơ hội và nhiều tự do để thể hiện mình". Hai bên đều giành cho nhau sự tôn trọng lớn. Nhưng trước đó, Eriksson đã rỉ tai với Cragnotti rằng, nếu “ông ký hợp đồng với Veron, ông sẽ giành được danh hiệu cho Lazio.” Và ông đã không sai.
Bàn thắng đầu tiên của Lazio ở mùa 1999-2000 được ghi bởi Veron, xuất phát từ một tình huống đá phạt trong chiến thắng 2-1 trước Cagliari. Và cũng từ đấy, Eriksson luôn tìm ra những cách hữu hiệu nhất để sử dụng Veron cũng như Dejan Stankovic và Pavel Nedved thường xuyên hơn.
Bàn thắng của Veron trước Roma ở mùa sau mới thực sự thể hiện được đẳng cấp của anh. Khi tỷ số đang là 1-1, chàng phù thủy đầu trọc thực hiện một cú sút cháy lưới. Một cú sút tuyệt mỹ và cực kỳ quan trọng. Lazio giành được chiến thắng 2-1, bất bại ở cả 7 trận còn lại của mùa giải đó, mà trong đó phải kể đến chiến thắng 1-0 trước Juventus. Một trận thắng giúp họ giành được danh hiệu Scudetto đầu tiên kể từ năm 1974.
Bên kia chiến tuyến ở mặt trận Derby Thủ Đô là một HLV còn thực dụng hơn cả Eriksson, một vị HLV có khuôn mặt khắc khổ và cứng rắn như thể nó được tạc từ đá sa thạch vậy. Người đó chính là Fabio Capello.
Từng là một hậu vệ cứng rắn, ánh nhìn dữ dằn của Capello cũng như quai hàm rộng của ông khiến ông trông giống một ngài đại tá quân đội hơn là một HLV. Nhưng đừng để bộ dạng dữ tợn của ông đánh lừa bạn. Capello từng khóc khi Van Basten phải giải nghệ trong màu áo AC Milan. Khi đó chính ông là người dẫn dắt Rossoneri.
Capello đến với Roma vì không muốn phải ngồi suy nghĩ trên ... biển kể từ ngày bị AC Milan sa thải sau một mùa giải thất bại. Thế nhưng, 10 năm trước chính ông là người đã thêm chất "quỷ quái" vào cho AC Milan, một sự hòa trộn giữa đội hình của Arrigo Sacchi và sự chính xác đến từng milimet của ông đã giúp cho Milan có được nhiều danh hiệu Scudetto, sau đó là vô địch Champions League sau khi nghiền nát Barcelona sau đó. Nhưng nhiệm kỳ thứ hai của ông lại không được như thế.
Roma là một thử thách cần thiết cập thời cho Capello. Thời kỳ đầu làm HLV, sự nghiệp của Capello bị ảnh hưởng bởi chấn thương của một tiền đạo người Hà Lan. Và ở nhiệm kỳ ở Roma, chuyện tương tự cũng xảy ra khi ông muốn chiêu mộ Ruud Van Nistelrooy. Nhưng chấn thương ở đầu gối trong một buổi tập của Van Gol khiến mọi nỗ lực đàm phán của ông thất bại. Capello vẫn có được một tiền đạo chất lượng khác là Marco Delvecchio và Vincenzo Montella. Nhưng phải đến mùa 2000/01, ông mới có được một hệ thống cân bằng.

Một trong những yếu tố quan trọng trong thành công của Capello đó là việc ông sẵn sàng thay đổi thay vì đi theo một chiến thuật nhất định. Có thể thấy rõ điều đó khi ông thay đổi đội hình 4-3-3 của Zeman bằng một đội hình 3-4-1-2 giúp Francesco Totti có được một vị trí quan trọng phía sau lưng các tiền đạo khác, giúp anh có được ảnh hưởng lên khu vực trung tuyến của đội. Đội hình này cũng giúp Cafu có nhiều đất diễn ở một vị trí mạo hiểm hơn.
Trục xương sống của Roma dưới thời Capello được gia cố thêm bởi một Walter Samuel đầy cứng rắn ở hàng hậu vệ. Emerson đem đến sự năng động cho hàng tiền vệ và Gabriel Batistuta, cây săn bàn số một ở hàng tiền đạo. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc đội hình 3-4-1-2 của Capello đưa Totti vào một vị trí bền vững và quan trọng hơn.
Có rất nhiều sự lựa chọn cho Capello. Đôi lúc ông phải đau đầu khi lựa chọn giữa Delvecchio và Montella. Nhưng thường thì ông sẽ chọn Delvecchio vì tính cách thực dụng của mình. Montella có thể ghi bàn rất đều, nhưng điều đó đôi khi lại tạo ra những phiền toái, tệ hơn nữa, sẽ khiến cho đội hình của ông mất cân bằng. Tuy vậy, càng về sau, Capello càng nhận ra rằng một hàng tiền đạo bao gồm Montella, Totti và Batistuta sẽ là một hàng tiền đạo rất mạnh và không gì cản nổi, dù là ông hay cả đối thủ.
Roma giành được chiến thắng quan trọng nhất để lên ngôi vào tháng 5/2001 trước Juventus. Đội chủ sân Delle Alpi dẫn bàn do công của Alessandro Del Pierro bằng một pha đánh đầu ở phút thứ 5. Và chỉ 2 phút sau, Zinedine Zidane gia tăng cách biệt. NHM Roma lúc này đang dần lo sợ rằng chức vô địch sẽ không thể ở lại thành Roma, khi mà Lazio ở mùa trước đã vô địch.
Nhưng rồi, mọi thứ dần đảo chiều khi Totti bắt đầu ghi bàn từ một đường chuyền của Nakata. Một cuộc lội ngược dòng giờ đây bắt đầu khả thi khi khoảng cách chỉ là một bàn. Juventus vẫn đứng vững. Vào một khoảnh khắc kinh điển, Montella, người thay Delvecchio, đá bóng ở vòng cấm để ghi bàn thắng quyết định gỡ hòa cho Roma. Sân Olimpico như nổ tung, nhưng Capello vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng, đón chờ danh hiệu đang đến gần hơn bao giờ hết. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa, Roma lên ngôi với khoảng cách 2 điểm so với đội á quân Juventus.
Hiếm khi thành Rome chứng kiến việc hai đội bóng con cưng của mình lên ngôi cách nhau đúng một mùa như thế. Dù sau đó hai đội bóng không thể bắt kịp được xu hướng chung để lại lên ngôi, nhưng những gì họ thể hiện trong khoảng thời gian cuối năm 1990 và đầu những năm 2000 thực sự là một thành quả lớn lao của hai đội bóng thành Roma. Những điều đó có công rất lớn của hai vị chiến lược gia đại diện cho trường phái thực dụng: Capello và Eriksson, những người dựa nhiều vào kinh nghiệm và thực tế hơn là các triết lý.
_____________________
Người dịch: Kinh Luân và KDNX.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 01/11/2016 với title: “THE ROMAN REVIVAL OF LAZIO AND AS ROMA AT THE TURN OF THE 21ST CENTURY.”