Bạn có thấy bản thân là người dũng cảm không?
Nếu có, chúc mừng bạn, hẳn bạn đã vượt qua được nhiều thử thách trong cuộc sống và rèn luyện ý chí, bản lĩnh cho chính mình.
Nếu không, thì hẳn rằng hiện tại, bạn đang có những nỗi sợ hãi, và những nỗi sợ này đang cản trở bạn tiến lên với những điều bạn thực sự mong muốn trong cuộc đời này.
Có thể bạn muốn tiến lên bắt chuyện với một người bạn yêu mến, nhưng bạn sợ bị người kia từ chối.
Có thể bạn muốn chia sẻ nhiều hơn trên MXH, nhưng e ngại sự phán xét từ người khác.
Có thể bạn muốn chấm dứt một mối quan hệ độc hại, hoặc một công việc không còn phù hợp nữa, nhưng bạn sợ mất đi sự an toàn và những cảm giác quen thuộc mà mối quan hệ hay công việc đó đem lại.
Có rất nhiều lý do giữ chân chúng ta lại trong “vùng an toàn đổ nát”, và những lý do đó luôn xuất phát từ nỗi sợ hãi, và sự không tin tưởng vào bản thân và năng lực của chính mình. Mình gọi đó là “vùng an toàn đổ nát”, vì thực chất, bạn đã không còn thực sự an toàn tại nơi bạn đang ở nữa, mà bạn chỉ đang né tránh sự thay đổi đang diễn ra, cùng những lời mời gọi từ “Vũ Trụ” cho những sự phát triển tốt đẹp, tích cực hơn mà sâu thẳm trong trái tim bạn hướng đến.
Và để bạn có thể bước qua “vùng an toàn đổ nát” này và hướng đến một cuộc đời thực sự đáng sống, bạn cần đến LÒNG DŨNG CẢM. Dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là khả năng hành động bất chấp nỗi sợ. Là con người thì chúng ta sẽ vẫn còn những nỗi sợ hãi trong lòng. Phẩm chất “không sợ hãi” chỉ xảy đến khi ta đã liên tục đối diện thử thách và trưởng thành vượt lên trên nỗi sợ, thông qua những hành động hướng đến cuộc đời mà ta thực sự mong ước.
Tuy nhiên với nhiều người, việc “hành động bất chấp nỗi sợ” không hề dễ dàng chút nào, đặc biệt khi nỗi sợ của chúng ta quá lớn.
Bởi vậy, để có thể nuôi dưỡng và phát triển phẩm chất Dũng Cảm, dưới đây là một số phương pháp mà bạn có thể thực hành.
1. Thấu hiểu nỗi sợ:
Để “bước qua nỗi sợ”, bạn sẽ cần hiểu: Thực sự bạn đang sợ điều gì? Nỗi sợ nào đang ngăn cản bạn làm những điều bạn biết bạn cần làm, muốn làm?
Bạn có thể viết câu trả lời cho câu hỏi trên ra giấy, khám phá sâu sắc xem mình sợ điều gì?
Nỗi sợ về mặt bản chất là một cơ chế sinh tồn, và nó sinh ra để nhằm bảo vệ cho chúng ta khỏi những nguy hiểm, nhưng chính nó thường xuyên cũng là màn chắn ngăn cản sự phát triển của chúng ta.
Và nếu bạn biết rằng bạn thực sự muốn tiến ra khơi, bước ra khỏi những gì an toàn nhưng không còn phù hợp, để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn, bạn biết rằng mình sẽ cần phải đặt nỗi sợ sang một bên.
Do vậy, sau khi đã hiểu được rằng bản thân sợ điều gì, bạn có thể viết 1 bức thư thể hiện sự trân trọng của bạn cho nỗi sợ (vì biết rằng nó muốn bảo vệ bạn khỏi những điều không thoải mái), và đồng thời chia sẻ rõ mong muốn bước qua khỏi nỗi sợ của chính mình, để hành động với những điều bạn biết là đúng đắn.
2. Chấp nhận những rủi ro đi kèm với hành động “dũng cảm”:
Lý do khiến chúng ta sợ hãi và không dám dũng cảm hành động theo những gì ta biết là đúng, còn là bởi vì ta sợ những rủi ro đi kèm với hành động của mình.
Việc chủ động trò chuyện với người mình yêu thích, có thể đem tới kết quả là cảm giác hạnh phúc khi được làm quen với người kia, nhưng cũng kèm rủi ro là nỗi đau của sự chối từ.
Việc chấm dứt một công việc không phù hợp có thể khiến bạn cảm thấy tự do, vui sướng khi không còn gặp người sếp xấu tính nữa, nhưng cũng sẽ kèm rủi ro của sự bấp bênh tài chính, nếu không có ngay công việc sau đó.
Bất cứ hành động nào cũng sẽ đi kèm cái giá của nó. Việc bạn chưa dám hành động một cách “dũng cảm” hướng tới mục tiêu của mình có thể vì bạn chưa sẵn sàng đánh đổi những gì đang có cho một hướng đi với những rủi ro.
Thế nhưng, bạn hoàn toàn không cần phải “dũng cảm” một cách mù quáng.
Bạn có thể viết ra danh sách của những rủi ro đi kèm với mong muốn của mình, xác định: 1. Những rủi ro có thể chấp nhận?, 2. Những rủi ro nào cần kế hoạch phòng ngừa? => Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn với quyết định của mình.
Ví dụ, với quyết định nghỉ việc, khi bạn đã rõ những rủi ro về tài chính kèm theo, bạn có thể lập kế hoạch phòng ngừa, thông qua việc lập quỹ dự phòng tài chính, lên kế hoạch tìm công việc mới,...
Thế nhưng, sẽ có những thử thách đi kèm rủi ro mà bạn không thể phòng ngừa, mà chỉ có thể chấp nhận. Ví như: Khi yêu một ai đó, sẽ luôn kèm với rủi ro của việc tan vỡ mối quan hệ. Nhưng chỉ khi bạn dũng cảm chấp nhận rủi ro, chấp nhận những thử thách đi kèm với tình yêu, thì khi đó, trái tim bạn mới có thể mở ra và cảm nhận được tình yêu thương chân thành.
3. Phát triển niềm tin ở chính mình:
Sự dũng cảm giống như cơ bắp, có thể phát triển dần dần bằng cách vượt qua từng thử thách một.
Bạn có thể đưa ra một danh sách những thử thách bạn muốn thực hiện, kèm theo mức độ khó từ 1-10, và cam kết vượt qua từng thử thách một.
Ví dụ, bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, thì bước: lập trang Facebook có mức độ khó 1, đăng bài viết đầu tiên có mức độ khó 3, xuất hiện trên kênh Youtube của mình có mức độ khó 7,...
Việc vượt qua từng thử thách nhỏ và nâng cao mức độ khó của thử thách sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn ở chính mình, trở nên dũng cảm hơn từ sâu bên trong.
Nếu bạn cảm thấy khó có thể hành động luôn theo danh sách thử thách vì những nỗi sợ, bạn có thể tự tưởng tượng viễn cảnh mình đã bước qua nỗi sợ ra sao, mình đã hoàn thành thử thách như thế nào, kèm theo những phần thưởng bạn nhận được, để giúp gia tăng sự dũng cảm ở bản thân.
Như vậy, sự dũng cảm thực chất là một phẩm chất mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có thể nuôi dưỡng và gây dựng ở chính mình, thông qua hành động can đảm bước qua “vùng an toàn” bất chấp nỗi sợ hãi, để sống một cuộc đời “đáng sống”, chân thật với chính mình.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Quỳnh Anh - Mystic Cat Lady
—
BLOG TRÊN FACEBOOK CỦA MÌNH: https://fb.me/mysticcathealing - MYSTIC CAT HEALING
Ghé thăm nếu bạn quan tâm đến vấn đề Tâm lý học, Tâm Linh học, Phát triển/ Thấu hiểu bản thân nhé.
TRANG BLOG TRÊN WORDPRESS: https://mysticcatlady.wordpress.com/
—
Nếu bạn yêu thích các bài viết và muốn ủng hộ cho blog phát triển, bạn có thể donate cho Mèo theo STK sau:
STK Vietcombank: 0301000388545 (Nguyễn Quỳnh Anh)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất