Mặc dù đã có những phản biện sắc sảo đối với lập luận của E.W. Said trong công trình Đông Phương học trứ danh xuất bản lần đầu năm 1978, cho đến ngày hôm nay, nhiều trong số những luận đề ông nêu ra xung quanh cách thế giới phương Tây tri nhận phương Đông vẫn là điểm tựa cho nhiều thảo luận mới. Với “Đế quốc An Nam và người dân An Nam” - cuốn sách do Omega+ cùng Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành cách đây không lâu - câu chuyện quá trình kiến tạo tri thức về nước Việt Nam dưới góc nhìn của chủ nghĩa thực dân phương Tây, một lần nữa lại được đặt ra, phân tích, suy ngẫm và thảo luận. Qua đây, các nhà thực dân người Pháp đã đặt hiểu biết về Việt Nam của họ dưới lăng kính hỗn dung của cả tiêu chuẩn khoa học hiện đại lẫn cảm quan mang dấu ấn của tư tưởng thực dân chủ nghĩa.

Quá trình tri thức được kiến tạo 

Đa số chúng ta đều lầm tưởng rằng tri thức lịch sử hay nhận thức về những vận động trong quá khứ của nhân loại được phản ánh thông qua những cuốn sách giáo khoa, giáo trình hoặc sách tham khảo chủ đề lịch sử. Thực tế, điều này không hoàn toàn chính xác, nếu không muốn nói là một cách hiểu phiến diện. Chúng ta - những con người đã cách xa các sự kiện được nhắc tới trong sách lịch sử từ hàng chục tới hàng ngàn năm - chỉ đang tiếp nhận một dạng tri thức lịch sử được “tạo nên” chứ không phải “một sự thật khách quan”, không phải một lịch sử vừa vặn với những gì từng xảy ra như mục đích truy cầu mỗi khi hình dung về quá khứ. Bằng phương pháp trình bày của mình, nhà sử học cố gắng đưa dẫn công chúng bước vào câu chuyện do chính anh ta xây dựng nên, dĩ nhiên sẽ không có phán xét đúng-sai đối với trường hợp này. Bạn chỉ đang tiếp cận với một trong vô số câu chuyện, một trong hằng hà sa số những giả định thuộc vào “vùng xám” không chắc chắn đúng hoặc sai. Tình trạng “nhiều lịch sử” cùng tồn tại và cuộc cạnh tranh giữa các giả thuyết nghiên cứu mới thực sự là bức tranh thể hiện nổi bật bản chất của tri thức lịch sử.
Hoàng đế Minh Mệnh, người được đánh giá là một "Big man" của thế kỷ 19 với vai trò quan trọng tạo nên một nước Việt Nam cận đại thông qua các dự án chính trị lớn (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Jules Silvestre làm việc cho cơ quan tham biện Pháp tại Đông Dương, một nhân vật tham gia trực tiếp trong bộ máy cai trị của Pháp tại bán đảo Đông Dương. Là đại diện của chính quyền thực dân Pháp, nỗ lực của ông là tiến hành công việc cập nhật và chú thích cho cuốn sách dựa trên một bản Tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán An Nam vốn đã xuất hiện trước đó trên báo Courrier de Saigon những năm 1875 – 1876. Tổng quan này có thể xem như một bản tổng kết quá trình khảo sát mà phạm vi bao phủ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Thông tin trích dẫn từ Tổng quan này cung cấp một bức tranh đầy đủ, chi tiết, mô tả tỉ mỉ, sinh động và cuốn hút những yếu tố tự nhiên, nhân chủng, xã hội, tập quán cho đến than đá, dòng sông Mekong, thậm chí dẫn lại cả khảo tả của nhà du hành mang hai dòng máu Anh – Hà Lan thế kỉ 17 là Samuel Barron khi mô tả đời sống tại Đàng Ngoài.
Cần lưu ý rằng, thời điểm bài Tổng quan xuất hiện định kỳ trên tờ Courrier de Saigon là khoảng năm 1875 – 1876, thời điểm người Pháp cơ bản hoàn thành công cuộc xâm lấn và kiểm soát khu vực Lục tỉnh Nam Kỳ, vựa lương thực và đồng thời là trung tâm xuất khẩu nông sản hàng đầu tại Đông Nam Á. Quá trình bành trướng của người Pháp tại Bắc Kỳ, nơi có trữ lượng than và khoáng sản kim loại lớn, đông dân, trù phú lại chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. Tổng quan ra đời có ý nghĩa như một báo cáo bao quát, trang bị kiến thức căn bản làm nền tảng cho việc triển khai chính sách thực dân của người Pháp tại Nam Kỳ cũng như chuẩn bị tích cực hướng tới cuộc chiến tranh thôn tính lãnh thổ Bắc Kỳ giàu có. Một điều trùng hợp là, hơn một thập kỷ sau, năm 1888, ông Jules Silvestre hoàn thành việc cập nhật và chú thích phần Tổng quan, cuốn sách được định hình chính thức thông qua phương pháp làm việc hệ thống, khoa học. Đây lại là một thời điểm trọng đại khác của lịch sử Việt Nam: sự thất bại ban đầu của lực lượng bảo hoàng theo chủ nghĩa quân chủ (thường gọi là Cần Vương) với sự kiện vua Hàm Nghi bị bắt giữ, đã đẩy nhanh hơn sự suy tàn của làn sóng chống Pháp bằng bạo lực tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Mặc dù chưa thiết lập được nền bảo hộ chính thức tại Lào, toàn bộ bán đảo Đông Dương bắt đầu bước vào giai đoạn thực dân hóa diễn ra dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh, công nghệ, tri thức phương Tây. Rất có thể các chương trình, kế hoạch quản trị hành chính, khai thác kinh tế, ý niệm về vấn đề của người dân bản địa mà giới tinh anh chính trị, các nhà tư bản kỹ nghệ hay giới học giả, nhà thám hiểm… phác họa lại đến từ những công trình như “Đế quốc An Nam và người dân An Nam”. 
Công dụng của những tri thức được tạo nên thể hiện trước nhất ở tính hữu dụng của nó chứ chưa hẳn đã phải là tính chính xác tuyệt đối. Bởi một số không nhỏ ghi chép của Tổng quan chưa phù hợp với thực tế địa lý, lịch sử hay nhân văn miền Hoa Nam và Đông Dương. Tính hữu dụng của tri thức lịch sử nói chung tập trung vào khả năng ứng dụng của nó trong các dạng thực hành của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học…
Cuốn "Đế quốc An Nam và người dân An Nam" do Omega+ và NXB Đà Nẵng phát hành (Nguồn: Fanpage Omega Plus Books)
Vậy là, dựa trên những tri thức được tạo ra qua nhiều thời kỳ lịch sử, từ những tiếp xúc sớm của người phương Tây qua hải trình thương mại Đông – Tây thế kỉ 16-18, dưới tác động của quá trình bành trướng chủ nghĩa thực dân toàn cầu, các tác giả của Tổng quan đã tập hợp, hệ thống hóa những ghi chép tản mạn trước đó, biến nó thành công cụ hiệu quả cho nỗ lực thiết lập, củng cố nền cai trị thực dân ở Việt Nam. Jules Silvestre cùng “Đế quốc An Nam và người dân An Nam” có lẽ đã trở thành gạch nối quan trọng giữa hai không gian, hai thời gian: một của thế giới Đông – Tây tiếp xúc bằng hòa bình, thương mại; một của thế giới bị bao phủ bởi chủ nghĩa thực dân; một bên là Việt Nam sôi nổi tham gia vào kết nối với bên kia là Việt Nam thụ động tham gia toàn cầu hóa của chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Cái nhìn phương Tây về phương Đông: Hình dung mới về Đông Phương học

Năm 2019, bản dịch tiếng Việt cuốn sách Tâm lý người An Nam hay Tâm lý dân tộc An Nam do Paul Giran, một quan chức thuộc địa Pháp biên soạn xuất hiện. Và gần như ngay lập tức khơi mào cho cuộc thảo luận kéo dài và phức tạp xung quanh câu hỏi về căn cước tính dân tộc cũng như định kiến mà phương Tây áp đặt cho phương Đông. Trong cùng khoảng thời gian đó, trước hoặc sau sự xuất hiện chúng ta chứng kiến sự trơ lại của hàng loạt ấn phẩm được biên soạn vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 bởi các nhân vật người Pháp, từ nhà truyền giáo, sĩ quan đến bác sĩ, nhà khoa học, quan chức của bộ máy hành chính Đông Dương có cùng hướng chủ đề, có thể kể đến: Xứ Đông Dương (Hồi ký của Paul Doumer), Bắc Kỳ tạp lục, Một tiểu luận về Bắc Kỳ, Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam, Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỉ XV, Hội kín xứ An Nam, Một chiến dịch ở Bắc Kỳ... Chưa kể hàng loạt cuốn sách ảnh với chú thích chi tiết. Tất cả đều tập hợp các ghi chép đa dạng, đặc sắc mô tả địa lý, sản vật, đời sống chính trị, giao thương, thực hành nghệ thuật, tôn giáo, tập quán, tâm tính, phẩm chất con người ở xứ An Nam mà người Pháp cai trị. Mục đích việc ghi chép không đơn nhất, nó phản ánh nhu cầu đa dạng trong việc thông hiểu vùng đất, con người, xã hội mà người Pháp chinh phục cũng như thiết lập nền bảo hộ, bởi hiểu đúng đắn là phương tiện để đạt tới đường lối hành động hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, tương đồng nổi bật của các công trình này lại hàm ẩn cách mà phương Tây hình dung về thế giới Đông Phương.
Trước đó hơn bốn thập kỉ, trong công trình gây tiếng vang lớn đối với giới học thuật phương Tây - “Đông phương học” - E.W. Said chỉ ra cái nhìn đầy tính phân biệt, hàm ẩn sự coi thường, khinh miệt mà người phương Tây dành cho người dân các nước mà họ gọi chung là phương Đông (gồm các khu vực nghèo đói, chiến tranh, dịch bệnh, kém văn minh, những “vùng trũng” của thế giới). Trong con mắt của những người theo đuổi chủ nghĩa thực dân, mọi thứ thuộc về phương Đông hiện lên đều kém văn minh, trì trệ, vô tổ chức, gian manh, xấu xí, trái ngược hẳn với thế giới phương Tây. Cách nhìn nhận đó vô hình trung biến thành cơ sở, điểm tựa, lí lẽ biện hộ cho tính chính danh trong hành động xâm lược và cai trị thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Vì các người không có bản sắc, không có văn minh nên việc chúng tôi đem ánh sáng tri thức, các giá trị Cộng hòa, dân chủ, thiết chế chính trị, máy móc, khoa học hiện đại, bệnh viện… tới cho các người, “khai hóa văn minh” để đẩy lùi lạc hậu, trì trệ, man rợ.
Edward Said (1935 - 2003), người được coi là "Cha đẻ của ngành nghiên cứu Hậu thực dân" với những gợi ý mới về giải diễn ngôn thực dân (Nguồn: Newstatesman)
Thực tế thì, “Đế quốc An Nam và người dân An Nam” tuy không trực tiếp thể hiện bằng ngôn từ hay hình ảnh, nhưng ần đằng sau một vài cách diễn giải thông tin như về nhân chủng, tập quán, hình thể dân cư hay chính sách của Hoàng đế Minh Mệnh, các tác giả dường như ngầm thúc đẩy một diễn ngôn của giới cai trị thực dân tại Việt Nam lúc đó về sự phân biệt giữa kẻ thống trị và những kẻ bị trị, kẻ mạnh với kẻ yếu thể hiện bằng yếu tố thể chất, bằng khả năng quản trị quốc gia, bằng đặc điểm nền kinh tế… Ý niệm lưỡng phân về kẻ thống trị - kẻ bị trị bao phủ hầu hết các xã hội của loài người và nó thường len lỏi
Mặc dù bị che lấp bởi vẻ bề ngoài của một báo cáo tóm lược mọi vấn đề của Việt Nam, chi tiết hóa các khía cạnh nhỏ bé của đời sống sinh hoạt bình thường, sử dụng hình thức khảo tả của nhân học văn hóa… song, vẫn khó đảm bảo một điểm nhìn hoàn toàn khách quan. Khi phê phán chính sách quản lý quốc gia của Hoàng đế Minh Mệnh, thông điệp trở nên rõ ràng: phủ định tính chính thống của chính quyền quân chủ Nguyễn cũng tức là thừa nhận và xác lập quyền lực chính trị của người Pháp tại Việt Nam. Những quan điểm kiểu này còn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong nhiều công trình được xuất bản của người Pháp về Việt Nam cho tới nửa sau của thế kỉ 20 khi làn sóng “giải thuộc địa/giải thực dân” (decolonization) trỗi dậy ở không chỉ các quốc gia cựu thuộc địa mà ở cả thế giới phương Tây.
Bìa sách "Đông Phương học" của E. Said xuất bản lần đầu năm 1978 bởi NXB Pantheon. Cuốn sách đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức của giới nghiên cứu tại các nước "cựu thuộc địa".
Tuy vậy, vượt lên trên những hạn chế cố hữu thường xuất hiện trong các công trình nghiên cứu hoặc ghi chép hay du ký thời kỳ thuộc địa, “Đế quốc An Nam và người dân An Nam” cho thấy những giá trị nhân văn đáng trân trọng của nó qua thời gian. Một công trình tương đối hoàn thiện cung cấp hiểu biết căn bản về xứ An Nam / Việt Nam nửa cuối thế kỉ 19, thời điểm cuộc va đập văn hóa văn minh Pháp – Việt chưa diễn ra trên quy mô lớn, chưa có tác động thực sự sâu sắc. Đó sẽ là một Việt Nam còn đậm dấu vết của những điều xưa cũ, pha trộn giữa Trung Hoa, Ấn Độ với bản dạng Đông Nam Á. Hình hài của một nước Việt Nam dài rộng về không gian, trù phú với các nông sản, khoáng sản, đặc sắc bởi tập quán và sắc tộc được mở ra từ cuốn sách này.