Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc giao tiếp giữa người với người trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cú click chuột hay vài thao tác phím trên điện thoại chúng ta đã có thể dễ dàng giao tiếp với người khác. Điều này thật sự mang lại nhiều tiện lợi trong cuộc sống, song cũng không tránh khỏi việc nhiều người trở nên phụ thuộc vào các thiết bị điện tử để rồi quên đi cái hay trong việc giao tiếp trực tiếp, thậm chí nhiều cá nhân còn e ngại và xem nói chuyện trực tiếp là một "nỗi sợ". 
Mình nghĩ có rất nhiều lý do giải thích việc tại sao nhiều người lại e ngại việc nói chuyện trực tiếp với người khác. Điểm khác biệt lớn nhất giữa cách thức này với nhắn tin chính là thời gian phản hồi, khi nhắn tin thì chúng ta có một khoảng thời gian nhất định để suy nghĩ và chọn lựa cách phản hồi, còn khi trò chuyện trực tiếp thường đòi hỏi ta có những câu trả lời tức thời để tránh rơi vào tình huống câm lặng đến ngượng ngùng giữa hai người. Ngoài ra, khi nói chuyện trực tiếp, bên cạnh việc phải hoạt động để đưa ra các câu trả lời, não bộ còn phải xử lý thông tin để thể hiện ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm trên khuôn mặt một cách phù hợp. Điều này khiến không ít người rơi vào khó khăn để có được những cuộc trò chuyện thật sự chất lượng như mong muốn. 
Vậy nên hôm nay mình muốn chia sẻ một số cách mà mình đã áp dụng để trở nên tự tin hơn. 

Thứ nhất: Trau dồi kiến thức

À chắc một số người sẽ nghĩ việc này thật kỳ lạ đúng không? Nói chuyện, bốc phét, tán gẫu thôi thì cần quái gì kiến thức. Thế nhưng ngay cả việc tán gẫu, buôn dưa lê với bạn bè về một sự kiện X, một anh diễn viên Y thì cũng cần đòi hỏi bạn biết thông tin về chúng chứ nhỉ? 
Thiếu vốn nguồn thông tin, tin tức dường như đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta rơi vào những trạng thái không biết phải bắt chuyện, không biết phải bàn tán về chủ đề gì. Vậy nên việc tự bổ sung, đa dạng hóa các nguồn kiến thức cho bản thân thật sự là một điều cần thiết. 
Ở đây mình không đề cập tới việc phải tự trau dồi những kiến thức quá chuyên môn, thay vào đó hãy bắt đầu tìm hiểu từ những nguồn kiến thức, thông tin xoay quanh các tin tức, sự vật, sự việc xảy ra trong đời sống thường ngày. Hãy đi từ những tin tức vi mô, rồi rộng hơn có thể là các vấn đề, kiến thức tầm vĩ mô hơn. Có nhiều cách để ta có thể gặt hái những nguồn kiến thức chất lượng, đó có thể từ sách, báo, tạp chí, các phương tiện truyền thông chính thống…
Những tin tức, thông tin mà mình đề cập ở đây không chỉ đơn thuần là những tin tức scandal chấn động, mình nghĩ đúng là những cái này "hot" và giật gân thật nhưng mà theo mình thấy không phải lúc nào việc bàn tán về những vụ drama hay đời tư của một ngôi sao nào đấy sẽ có thể kéo dài lâu. Những tin tức ấy chỉ là tức thời thôi, còn bạn chắc luôn hy vọng cuộc nói chuyện có thể kéo dài và mở rộng ra theo nhiều hướng phải không nhỉ? Đương nhiên ở đây mình không phản đối việc bàn tán việc bàn tán các scandal, chỉ là bản thân mình không thật sự ủng hộ việc đánh giá đời tư, hành động của người khác mà chỉ dựa trên những thông tin phiến diện, thay vào đó mình nghĩ có thể dựa trên một mẫu tin đó và rồi khái quát chúng lên thành một vấn đề lớn hơn thì khi đấy cả bạn và đối phương sẽ có nhiều “đất” để “phô diễn” hơn. 

Thứ hai: Rèn luyện khả năng lắng nghe

Triết gia Socrates có một câu nói thế này: “Nature has given us two ears, two eyes, and but one tongue - to the end that we should hear and see more than we speak.”  (Tạm dịch: Tạo hóa ban tặng cho con người đôi tai, đôi mắt nhưng chỉ một cái miệng. Nói tóm lại, điều này có nghĩa là chúng ta nên lắng nghe và quan sát nhiều hơn việc nói). 
Thế nhưng, thực tế lại dường như đi ngược lại. Đa số con người sẽ có xu hướng nói nhiều hơn là lắng nghe, và hơn hết chúng ta thường khao khát được nói về bản thân mình hơn bất kỳ chủ đề gì khác. Đồng thời chúng ta cũng có xu hướng tập trung vào việc nghĩ về mình sẽ nói gì, thay vì tập trung vào lắng nghe điều người khác đang nói. Vì tâm lý đấy mà nhiều người lại đánh giá thấp tầm quan trọng của việc lắng nghe. Mình nói ở đây là lắng nghe có chủ đích đấy tức là biết cách lắng nghe một cách có chọn lọc. 
Khi giao tiếp, hãy tập ghi nhớ các thông tin mà người khác đã chia sẻ. Điều này không đồng nghĩa với việc phải gồng mình rồi buộc bản thân nhớ răm rắp từng chữ những gì người khác nói. Đơn giản là hãy chú ý những điều quan trọng, những ý chính trong câu nói của người khác. Tập lắng nghe có thể giúp bạn nhận ra những sự thay đổi trong tone giọng của người khác, để rồi có thể nắm bắt cảm xúc của người khác một cách tốt hơn.
Tập trung lắng nghe cũng chính là cách giúp bạn có thể tìm ý để nói tiếp theo, dựa vào những gì người khác chia sẻ bạn sẽ biết mình cần xoáy sâu vào vấn đề nào, cần bình luận hay góp ý thêm ở khía cạnh nào. Chẳng cần phải suy nghĩ đâu xa vời để tìm những chủ đề mới, chỉ cần tập trung vào thôi bạn cũng không sợ phải "bí ý tưởng" rồi. Đồng thời việc lắng nghe để ghi nhớ cũng là cách thể hiện rằng bạn thật sự tập trung và tôn trọng vào những gì người khác đã chia sẻ, dường như chúng ta ai cũng mong người khác nhớ những điều mình nói phải không nào? 

Thứ ba: Đặt những câu hỏi phù hợp vào đúng thời điểm 

Mình nghĩ không ít lần chúng ta rơi vào thời điểm đối phương đề cập đến một chủ đề mà ta hoàn toàn không có kiến thức về nó. Vậy thì làm sao đây? Thẳng thắng thừa nhận mình không biết trong khi đối phương đang rất hào hứng? Bốc phét một câu trả lời nhằm cố tỏ ra mình thông hiểu nhưng kết quả chỉ đi ngược lại? 
Đơn giản thôi, ngay khi bạn gặp như thế, mình nghĩ một câu hỏi sẽ là một lựa chọn thông minh đấy. Nhưng hỏi gì giờ đây? 
Mình nghĩ rằng thay vì cố gắng đào sâu vào cái chủ đề mà bạn “mù tịt” thì hãy hỏi một khía cạnh khác nhưng cũng xoay quanh vấn đề đấy. Để mình ví dụ nhé, khi một người mình từng bắt chuyện đề cập tới chứng khoán - một chủ đề mà mình hoàn toàn không rõ. Thay vì ngồi hỏi rằng thị trường chứng khoán hôm nay biến động thế nào thay vì thế mình hỏi về lý do, từ đâu bạn đấy bắt đầu chơi chứng khoán? Mình đã hỏi điều gì ở chứng khoán khiến cậu ấy thấy thú vị nhất? (Những câu này bên cạnh cung cấp thông tin mà còn giúp hiểu hơn phần nào về tính cách của đối phương) 
Những câu hỏi tưởng chừng như không liên quan nhưng cốt yếu vẫn xoay quanh chủ đề gốc phải không nhỉ? 
Tuy nhiên, nếu việc đặt câu hỏi không mang lại hiệu quả, bạn đã quá bí ý tưởng thì hãy cứ thành thật và thừa nhận rằng đó không phải là vấn đề mà bạn thât sự hiểu, chẳng sao cả nếu cứ thẳng thắn thừa nhận là mình không biết. Thừa nhận mình không biết nhưng bạn vẫn sẵn lòng lắng nghe người đó, hãy cho họ biết điều đấy, họ sẽ rất sẵn lòng nói thêm để bạn biết. Nhưng nếu bạn không hứng thú, hãy trao đổi và cùng đối phương tìm ra điểm chung mà cả hai đều cũng muốn bàn luận nhé. 
Đồng thời nhớ rằng đừng nên quá lạm dụng câu hỏi. Hãy cân nhắc về số lượng và thời điểm để tung ra những câu hỏi phù hợp. Vì nếu cứ liên tục dồn dập đặt các câu hỏi sẽ tạo cho đối phương có cảm giác bạn chỉ đang cố tình lấp đầy khoảng trống trong đoạn hội thoại bằng cách liên tục đặt các câu hỏi chứ không hề tập trung vào các câu trả lời trước đó. Hãy nhớ vẫn nên ưu tiên phần tập trung lắng nghe như mình đã đề cập trước đó nhé. 

Thứ tư: Hãy chú ý về giao tiếp phi ngôn ngữ 

Giao tiếp phi ngôn ngữ (Non verbal communication) hiểu đơn giản là việc giao tiếp nhưng không thông qua lời nói hay chữ viết. 
Ở đây mình muốn đề cập đến giao tiếp phi ngôn ngữ chứ không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ cơ thể (Body language). Chắc nhiều người trong số chúng ta vẫn thường nhầm lẫn chúng là một nhưng thật ra ngôn ngữ cơ thể chỉ là một phần của các loại giao tiếp phi ngôn ngữ. 
Có thể liệt kê một số hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ như sau: 
- Ngôn ngữ cơ thể: Tư thế, cử chỉ…
- Biểu cảm khuôn mặt: Việc bộc lộ những cảm xúc buồn, vui, giận hờn… thông qua nụ cười, những cái chau mặt, nhăn mày… 
- Giao tiếp ánh mắt
- Tính chất vật lý của giọng nói: Tone giọng, độ lớn, biến chuyển giọng, độ cao thấp,...
- Không gian giao tiếp (Khoảng cách vật lý khi giao tiếp) 
- Ngoại hình cá nhân: Quần áo, kiểu tóc…
- Sự tiếp xúc: Chạm tay, vỗ vai,...
Mình nghĩ tất cả các yếu tố trên đều chi phối đến việc đối thoại trực tiếp, tuy nhiên mình sẽ không đào sâu vào tất cả các hình thức mà chỉ bàn cụ thể hơn vào một số yếu tố mà mình cho là có tác động lớn hơn. (Nếu bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn về cách các hình thức khác của giao tiếp phi ngôn ngữ có tác động thế nào thì mọi người có thể đọc cụ thể hơn ở một số trang web mình để link ở phía dưới nhé)
- Giao tiếp ánh mắt: Mình nghĩ chắc hẳn ai cũng đã quá quen với câu “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” rồi đúng không? Đôi mắt thật sự có một quyền năng rất đặc biệt trong giao tiếp đấy. Vậy nên khi trò chuyện với người khác hãy chú ý nhìn vào mắt đối phương nhé, đừng nhìn quá lâu và cũng đừng nhìn một cách trừng trừng vào mắt họ.
Nhìn vào mắt đối phương chính là cách để có thể cảm nhận được sự thành thật của đối phương. Ánh mắt láo liên, chao đảo liên tục chính là một trong những dấu hiệu thể hiện việc họ có thể đang nói dối, lo lắng hoặc không thoải mái. 
Đồng thời nhớ rằng đôi mắt cũng chỉ là “cửa sổ” thôi, mà đã là cửa sổ thì không phải “cửa chính”. Bạn sẽ không được tự tiện “trèo vào” nếu không được cho phép. Nếu cảm thấy đối phương bộc lộ sự không thoải mái thì nên tránh nhìn quá lâu nhé. Đặc biệt đối với cánh đàn ông khi hẹn hò với phụ nữ, việc giao tiếp ánh mắt cũng chính là một cách kết nối với tâm hồn người phụ nữ ấy một cách sâu sắc hơn, nhưng vẫn phải luôn chú ý liệu người đối diện có thể thật sự thoải mái và sẵn lòng eye contact với bạn hay không. 
- Nụ cười: Một trong những chìa khóa then chốt nhưng lại rất giản đơn để giao tiếp hiệu quả đó là hãy mỉm cười. Mình không nói với những trường hợp khi người khác đang kể chuyện buồn rồi bạn lại phải gồng mình để cười như một con đười ươi đâu. 
Mình nghĩ nụ cười là một dấu hiệu để cho người khác thấy rằng bạn đang lắng nghe họ, bạn đang hiểu những gì họ nói và đó còn là một lời động viên vô hình để người khác tiếp tục kể về câu chuyện của họ. Đương nhiên rồi, hãy chỉ cười nếu bạn thật sự thích lắng nghe và mong muốn tiếp tục nghe nhiều hơn về câu chuyện của họ. Còn nếu bạn không thích? Đừng che giấu, hãy để cho họ biết, hãy sử dụng các ngôn ngữ cơ thể để khéo léo ra các tín hiệu để đối phương nhận thấy được điều đấy. 

Thứ năm: Biết lắng nghe nhưng cũng hãy học cách phản hồi thật khéo léo 

Ở trên mình đã đề cập đến việc nên tập lắng nghe nhiều hơn nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bạn cứ mãi ngồi im, gật đầu và mỉm cười. Cho dù bạn có thật sự chăm chú, và tập trung vào những gì đối phương đang nói thì cuộc đối thoại sẽ chẳng thể kéo dài mãi. Bản chất của giao tiếp là đối thoại, đây là quá trình hai chiều, có người nói và phải có người nghe, và quá trình này cần được thay phiên, tráo đổi vai trò cho nhau. Nếu nói hoài sẽ mệt, và đơn giản, nghe hoài cũng chán. Hãy đề người khác cũng học được cách lắng nghe. 
Bản thân mình cũng là kiểu người thích nghe nhiều hơn. Mình cứ nghĩ nếu thể hiện việc lắng nghe tốt thì sẽ thể hiện rõ việc trân trọng những gì đối phương đang nói, thể nhưng không, nếu bạn không nói thì đối phương sẽ không thể hiểu rõ suy nghĩ, quan điểm, cách nhìn nhận của bạn như thế nào. Mình nhận ra nếu cứ im lặng mãi thì sau một thời gian dài bạn sẽ ngày càng rơi vào trạng thái "ngại nói" và dần có thể thấy lung túng trong việc sử dụng các câu từ một cách trơn tru. 
Trừ một vài trường hợp trong giao tiếp đòi hỏi việc phản hồi ngay lập tức, còn lại thì mình nghĩ đa phần khi trò chuyện thì các bên giao tiếp đều sẽ cho nhau một khoảng thời gian nhất định để đợi người kia xử lý thông tin trước khi phản hồi (Đương nhiên khoảng thời gian này sẽ không quá lâu). Vậy nên nếu vẫn chưa nghĩ ra một câu trả lời phù hợp thì hãy cứ dành thời gian để ngẫm nghĩ, đặc biệt nếu là trong những đoạn hội thoại mà đối phương đang nhờ bạn đưa ra lời khuyên, lời chỉ dẫn. Không có gì là sai nếu suy nghĩ thật thấu đáo trước khi nói cả, điều này không những giúp bạn có những câu trả lời chất lượng bên cạnh đó nó cũng thể hiện cho đối phương thấy bạn thật sự nghiêm túc và đang suy nghĩ về câu chuyện của đối phương. 
Chú ý rằng khi phản hồi hãy sử dụng ngôn từ thật phù hợp. Có lẽ sức nặng của lời nói là một điều không thể phản bác nữa. Bởi lẽ, một câu nói đơn thuần có thể thay đổi tâm trạng của một người trong vài khoảnh khắc, đặc biệt nếu bạn nói chuyện với những người quan trọng với mình. Do đó, hãy cân nhắc trong việc sử dụng ngôn từ để giao tiếp nhé
Một điều khác mình muốn chia sẻ đó là trong đa phần các cuộc giao tiếp những lời nói chân thật sẽ dễ dàng chạm đến người khác hơn, mặc dù trong một vài trường hợp đó có thể là những lời nói có phần hơi đau lòng. Tuy nhiên sự thành thật có lẽ là một trong những yếu tố nền tảng để tạo nên giá trị của một cuộc giao tiếp. Nếu nói chuyện mà cả hai phía chỉ bốc phét, điêu ngoa, hay cố tình nói quá để tâng bốc, xu nịnh đối phương thì rốt cuộc sau cuộc trò chuyện, cả hai nhận được gì cơ chứ? 
Saying the right words at the right time can do more than just make a person feel good in the moment. It can have an impact that is positive and lasting. — Dr. John Maxwell & Dr. Les Parrot

Thứ sáu: Hãy nhớ rằng những khoảng trống không phải lúc nào cũng là vấn đề

Cả hai đang giao tiếp nhưng rồi đột ngột lại rơi vào khoảng lặng không biết phải nói gì. Hoảng loạn không biết phải làm gì hay e ngại mình có làm gì sai hay không. Bình tĩnh nào, sự im lặng không phải là điều đáng sợ đến thế đâu. 
Bởi lẽ, đôi khi chúng ta nên cho bản thân và cả đối phương thời gian để ngẫm nghĩ, suy ngẫm hay đơn giản là để “nghỉ giữa hiệp”. Mình nhận thấy vì khi giao tiếp cả hai sẽ phải liên tục xử lý, liên tục tiếp nhận các thông tin, vậy nên cảm thấy có phần đuối sức là một việc hết sức bình thường. Do đó, hãy cứ để những khoảng lặng xảy ra như là một cách thức giúp cả hai bình tĩnh và lấy lại năng lượng, ngẫm nghĩ và ghi nhớ lại nội dung vừa mới đề cập, đồng thời khi im lặng, cũng là lúc có thể bạn có thể "câu giờ" để suy nghĩ về những chủ đề mới để có thể tiếp tục bàn luận. 
Tuy nhiên, hãy cân nhắc rõ lý do vì sao lại có sự xảy ra sự im lặng. Nếu bạn vừa ngắt lời mà người kia lại im lặng và biểu cảm có những dấu hiệu không vui và không hài lòng, có thể là bạn vừa nói điều gì khiến họ không thoải mái rồi đấy. Vậy nên vào những lúc thế này, hãy chủ động hỏi quan sát biểu cảm của đối phương để từ đó có cách xử lý phù hợp nhất nhé. 

Thứ bảy: Hãy tôn trọng đối phương 

Thật ra mình nghĩ đây là yếu tố quan trọng nhất để có được một cuộc giao tiếp chất lượng. Nếu cả hai không dành sự tôn trọng nhau thì cuộc đối thoại sẽ không thể kéo dài, nó sẽ kết thúc một cách lưng chưng kèm theo đó là những cảm xúc tiêu cực mà cả hai đều ôm lấy. Mình không nói tất cả nhưng đa phần mình nhận thấy đối với những người mới gặp chúng ta sẽ có xu hướng tôn trọng người đó nhiều hơn, còn đối với những người đã thân quen, thân thiết thì lại có xu hướng trở nên thoải mái quá mức trong những cuộc trò chuyện. 
Biểu hiện rõ nhất chính là vô tư thể hiện những cử chỉ, hành động cho thấy sự thiếu tập trung như liên tục ngáp, đảo mắt, sử dụng điện thoại hay làm việc riêng. Đôi lần thì sẽ còn vì tình thân mà bỏ qua, nhưng nếu cứ liên tục như vậy thì sẽ đối phương sẽ cảm thấy khó chịu.
Mình nghĩ tôn trọng đối phương chính là nền tảng để có một cuộc trò chuyện hiệu quả, nếu tôn trọng họ, chúng ta sẽ tự biết cách điều tiết nhịp độ giao tiếp như thế nào rồi cả việc sử dụng những cử chỉ, bộc lộ cảm xúc sao cho phù hợp. Vậy nên điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là nền tảng để ta có thể áp dụng những 6 cách thức trên một cách tự nhiên. Sự tôn trọng ban đầu chỉ là giá trị vô hình thôi nhưng nếu nó xuất phát thật tâm thì dù là vô hình nhưng người trò chuyện sẽ chắc chắn cảm nhận được điều đó. 

KẾT

Nói tóm lại là, đối với mình nói chuyện với người khác là một nghệ thuật. Mỗi người đều mang trên mình những câu truyện riêng, một lần trò chuyện sẽ giúp mình nhận ra và đút kết nhiều điều. Dù đó là một cuộc trò chuyện với một người lạ, người mình quý mến hay cả người mình không thích lắm thì sẽ đều mang đến cho mình những cung bậc cảm xúc khác nhau. Vậy nên khi có cơ hội được trò chuyện với người khác mình đều mang trên mình một tinh thần cởi mở cả về phần trí lẫn phần tâm để không phán xét, không phiến diện quá nhiều. 
Đây chỉ là một số cách mình đã tự áp dụng và có tác dụng trong đa phần các cuộc giao tiếp của mình. Mình rất mong và sẵn lòng lắng nghe những góp ý và chia sẻ của mọi người.
Cảm ơn mọi người vì đã dành thời gian để đọc đến tận đây <3 

NGUỒN THAM KHẢO

https://open.lib.umn.edu/communication/chapter/4-2-types-of-nonverbal-communication/ 
https://www.verywellmind.com/types-of-nonverbal-communication-2795397 
https://www.thoughtco.com/what-is-nonverbal-communication-1691351