Giải đáp thắc mắc cho các bạn “Em sợ đi phỏng vấn lắm!”. Thử tham khảo các tips sau nhé, hy vọng nó có ích với bạn!
Tip 1: Tìm hiểu thật kỹ về những công việc phải làm, những yêu cầu về vị trí bạn đang ứng tuyển. Hãy kiểm tra xem bạn có thực sự thích, phù hợp hay muốn làm một công việc như vậy không.
Tìm hiểu bằng cách nào? Có nhiều nguồn để bạn có thể khai thác thông tin như google, facebook chẳng hạn. Hoặc một cách khác đơn giản hơn, nghiên cứu kỹ JD mà NTD gửi cho bạn. Một số công ty trước khi hẹn phỏng vấn trực tiếp sẽ có cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại. Bạn có thể tận dụng điều này làm nguồn thông tin của chính mình. Hãy hỏi NTD bất cứ điều gì bạn muốn, hay còn thắc mắc (đương nhiên là về công việc nhé!)
Tip 2: Chuẩn bị những gì cho cuộc phỏng vấn của bạn?
Thường thì trong email mời phỏng vấn, NTD sẽ đề cập đến các loại giấy tờ bạn cần mang theo, hãy chuẩn bị đầy đủ. Nếu lỡ có một loại giấy tờ nào đó bạn không chuẩn bị kịp, hãy hỏi lại NTD xem có thể bổ sung sau được không. Nếu trường hợp NTD không đề cập đến giấy tờ gì, bạn vẫn nên mang theo 1 CV bản cứng, đó là điều tối thiểu. Có bạn khi được hỏi “Em có đem theo CV không?” trả lời rằng “Em không thấy trong email đề cập”. Đương nhiên, bạn không sai nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bạn khi bỗng dưng mình rơi vào thế bị động, hãy luôn chắc chắn mình chủ động trong mọi tình huống.
Thêm vào đó hãy chuẩn bị sẵn từ nhà, đừng mang tư tưởng rằng đi đường gặp quán photo rồi in. Biết đâu bạn có thể đến muộn vì một lý do không ngờ đó!
Tip 3: Mặc gì cho phù hợp?
Tuỳ vào công việc bạn đang ứng tuyển mà bạn có thể chọn cách ăn mặc phù hợp. Những tóm lại là phải lịch sự. Lịch sự không có nghĩa là không thoải mái. Bạn không nhất thiết phải ép mình vào những bộ áo sơ mi đóng thùng với quần âu hay những cái váy công sở mà bạn chẳng mặc bao giờ. Trang phục lịch sự và làm bạn thấy thoải mái là lựa chọn tối ưu nhất!
Tip 4: Đúng giờ
Điều tối thiểu cần thiết trong bất kỳ trường hợp nào. Thế nào là đúng giờ? Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn bằng cách đến sớm hơn 5-10 phút so với giờ hẹn. Khi đó bạn sẽ có thời gian chỉnh chu lại bản thân, đầu tóc, quần áo, và cả tinh thần nữa. Với cái thời tiết này bạn không muốn hình ảnh của mình trong mắt NTD là gương mặt đầy mồ hôi và mái tóc bết dính khi đi ngoài đường đúng không 
Tip 5: Sử dụng ngôn ngữ phù hợp cả cử chỉ và lời nói
Những cử chỉ sau giúp bạn thể hiện sự tự tin: tư thế đứng thẳng, sự giao tiếp bằng mắt và cái bắt tay chắc chắn. Ấn tượng không lời đầu tiên có thể mở ra một khởi đầu tốt đẹp hoặc đặt dấu chấm hết cho buổi phỏng vấn của bạn. TUYỆT ĐỐI nhé, đừng rung đùi khi phỏng vấn, dù bạn đang run hay đó là cách giúp bạn bình tĩnh thì cũng hãy dừng lại nhé!
Về ngôn ngữ bằng lời, bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và lịch thiệp của mình trong từng lời nói. Thái độ ứng xử trong buổi phỏng vấn là yếu tố quan trọng dẫn bạn đến cánh cửa thành công. Bạn cần cân bằng giữa sự tự tin, tài năng và lòng khiêm tốn. Đừng để tính tự mãn “lấn át” và gây mất thiện cảm với người đối diện. Trong buổi phỏng vấn cả hai bên đều có quyền nêu lên quan điểm của nhau nhưng hãy giữ tâm thế lắng nghe, và thể hiện quan điểm của mình một cách đúng đắn.
Ví dụ, thay vì “Anh sai rồi, phải là blab la..” hãy nói “Theo quan điểm của em thì….”, v.v…
Tip 6: Đừng bao giờ xem nhẹ cuộc phỏng vấn qua điện thoại (nếu có)
Cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại không đơn thuần chỉ với mục đích đặt lịch hẹn phỏng vấn. Đôi khi NTD còn có ý tiết lộ cho bạn những thông tin vô cùng quý giá.
Lấy ví dụ ở mình hiện giờ, khi phỏng vấn qua điện thoại mình thường hỏi ứng viên các câu hỏi tình huống để thử độ nhanh nhạy. Sau khi các bạn trả lời mình sẽ góp ý, bổ sung thêm cho các bạn và những góp ý đó chính là những gợi ý cho các bạn một số điều các bạn có thể ghi điểm khi phỏng vấn trực tiếp.
Vì vậy hãy tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh. Nếu đầu dây của bạn đang hơi ồn khiến bạn mất tập trung vào cuộc điện thoại. Hãy mạnh dạn đề xuất thời gian phù hợp để NTD gọi lại.
Tip 7:  Luôn luôn phản hồi lại email của NTD
Dù các bạn có nhận được email thông báo trượt hay đỗ buổi phỏng vấn, hãy cứ phản hồi lại email của NTD. Điều đó thể hiện sự tôn trọng giữa hai bên với nhau. Và để lại một ấn tượng tốt về nhau sẽ tốt hơn phải không?
Đặt mình vào vị trí đi phỏng vấn 2-3 ngày mà chưa nhận được mail phản hồi kết quả cũng khó chịu, bứt rứt giống như NTD gửi mail mấy ngày mà không nhận được xác nhận từ ứng viên vậy.
Mình thực sự có cảm tình với các bạn không chỉ phản hồi lại email của NTD mà ngay sau buổi phỏng vấn, không cần biết kết quả ra sao, bạn ấy gửi cho mình một email cảm ơn sau buổi phỏng vấn.
Tip 8: Luôn giữ tâm thế “chủ động”
Khi tham dự phỏng vấn với suy nghĩ “Làm ơn, xin hãy tuyển tôi!”, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin hơn nhiều. Thay vì đó, hãy nghĩ buổi phỏng vấn chỉ đơn giản là một “cuộc trao đổi thông tin”. NTD cần tìm người phù hợp cũng như bạn cần một công việc phù hợp, không ai có quyền hơn ai.
Các TIPS trên đây này là do bản thân mình trải nghiệm và rút ra, mang tính QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN. Có thể các bạn có cách nhìn khác hoặc những tips hay ho hơn, cứ mạnh dạn chia sẻ dưới cmt nhé. Mong bài viết sẽ giúp ích phần nào cho các bạn, chúc bạn có cuộc phỏng vấn thành công và có công việc ưng ý nhé!
Nhân tiện, những ai còn đang loay hoay không biết viết CV hay chuẩn bị cho buổi phỏng vấn như thế nào hoặc "mắc kẹt" trong mớ công việc hỗn độn nơi công sở thì hãy follow page này để vừa tích lũy được kinh năng, kinh nghiệm nghề nghiệp, những bí kíp sống sót nơi công ty vừa được thư giãn bởi những video và hình ảnh hài hước nhé
https://www.facebook.com/tadilamvoitay/