Các bạn là những người trẻ tham vọng? Luôn muốn học hỏi, phát triển, tiến bộ? Tuy nhiên, cứ mỗi lần đặt mục tiêu để làm một điều gì đó là y rằng chẳng bao giờ thực hiện được? Vậy thì làm như thế nào để đặt mục tiêu đúng cách đây.
1. Phương pháp đặt mục tiêu - S.M.A.R.T Goal
Làm bất cứ điều gì cũng phải cần có phương pháp. Vậy nên, hôm nay mình sẽ giới thiệu sương sương với các bạn một phương pháp đặt mục tiêu khá phổ biến và hiệu quả, đó là S.M.A.R.T Goal. 

Có rất nhiều cách giải thích khác nhau về SMART Goal, tuy nhiên mình sẽ lựa chọn cách giải thích phù hợp nhất từ Michael Hyatt - Tác giả của quyển sách bán chạy nhất Platform: Get Noticed in a Noisy World theo tờ New York Times.
Theo Michael Hyatt, S.M.A.R.T Goal viết tắt cho:
S – Specific (cụ thể): 
Mục tiêu phải cụ thể, không được chung chung.  - Thay vì “Trở nên khỏe mạnh” thì nên “Hít đất 1000 cái trong tuần này”.  - Thay vì “Giảm cân cho đẹp” thì “Giảm 3 kg đến cuối tháng 4”.  - Thay vì “Trở nên kiên định hơn trong việc tập thể dục” thì hãy “Tập thể dục 2 lần mỗi ngày cho đến cuối tháng 6”.
M – Measurable (đo lường được): 
Khi bạn đo lường được mục tiêu thì bạn sẽ biết mình đã và đang ở đâu trên chặng đường chinh phục mục tiêu của mình. Do đó, để đo lường được thì mục tiêu cần có số liệu, giống như một vài mục tiêu ví dụ mà mình đã nêu bên trên mục Specific.
A – Action-oriented (định hướng kế hoạch):  
Có mục tiêu rồi thì phải có kế hoạch hành động thật cụ thể thì mới chinh phục được mục tiêu chứ nhỉ. Ví dụ như “Hít đất 1000 cái trong tuần”. Đương nhiên rằng chả ai hít luôn 1000 cái trong ngày đầu tiên cho xong cả. Mà ta phải chia mục tiêu ra thành nhiều mục tiêu nhỏ hơn: “Hít đất 150 cái mỗi ngày, liên tục trong 7 ngày”. Thậm chí là nhỏ hơn cho từng ngày: “50 cái buổi sáng, 50 cái buổi trưa, 50 cái buổi chiều”.
R – Realistic (Thực tế):
Mục tiêu phải thực tế... tức là mục tiêu không được phép viễn vông, ảo tưởng sức mạnh. Chẳng hạn như “Hít đất 1 tỉ cái trong vòng 7 ngày”, dĩ nhiên là không tài nào có thể thực hiện được rồi. Sức người có hạn, nên cái gì cũng phải thực tế nhé. T – Time-bound (Giới hạn thời gian): Bạn thiết lập mục tiêu “Đọc sách nhiều hơn” và rồi 10 năm nửa bạn rờ tới quyển sách thì cũng chẳng có gì sai cả. Cho nên, mục tiêu nào cũng phải có Deadline, Time-bound để giới hạn lại thời gian bạn hoàn thành mục tiêu nhé.
-----------------------------------
Tóm lại, mình chỉ trình bày một cách tổng quan nhất về SMART Goal để các bạn nắm được ý niệm chính mà thôi. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về kỹ năng đặt mục tiêu trên mạng, hoặc ngâm cứu thử đầu sách "The Best Year Ever: Kế hoạch 5 bước để đạt được mục tiêu" của tác giả Michael Hyatt nhé!
Song, lý thuyết chỉ là lý thuyết, khi thực hành mới biết thực sự ta vẫn còn gặp rất nhiều vấn đề cần để tâm!

2. Những vấn đề trong việc thiết lập và chinh phục mục tiêu


SMART Goal luôn là tài liệu quý để tham khảo. Tuy nhiên để các bạn thành công với phương pháp trên, thì hãy nên có một Mentor chỉ dẫn và hỗ trợ, giúp các bạn giải quyết những vẫn đề có thể xảy ra trong suốt quá trình thiết lập và thực hiện mục tiêu. Nếu bạn vẫn lỳ lợm muốn tự một mình nghiên cứu thì… sẽ là một chặng đường rất gian nan và khó khăn đó. Bạn sẽ luôn gặp vấn đề khiến cho bạn muốn bỏ quách đi cho rồi! 
Mình là một kẻ lúc nào cũng cặm cụi, tự nghiên cứu cái này cái kia, cho nên mình đã thất bại cả tỉ lần trong việc đặt mục tiêu, và nản đến nỗi méo muốn đặt thêm bất kỳ cái mục tiêu nào nữa. Cứ thả trôi cho cuộc đời quyết định và cố làm được cái gì thì hay cái nấy. Tuy nhiên cái gì cũng có lý do của nó, sau một thời gian nghiền ngẫm, mình phát hiện ra một số lý do khiến mình thất bại trong việc thiết lập cũng như chinh phục phục mục tiêu.

2.1. Lý thuyết thì nhiều, thực hành thì ít
Mình mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu SMART Goal, và cũng mất thêm cả khối thời gian nữa để ngồi đặt mục tiêu cho đúng. Cho đến khi bắt tay làm thì… chán nản, mệt mỏi, lười… Lúc đó chỉ đơn giản nghĩ bản thân mình là một thảm họa, phương pháp hay đến mấy cũng không cứu rỗi được tấm thân lười biếng này của mình… Vậy nên, mình mới nói các bạn nên cần 1 Mentor là vậy. Họ sẽ động viên bạn, giúp bạn nhìn nhận vấn đề, khắc phục nó và đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình chinh phục mục tiêu.


2.2. Đặt mục tiêu quá lớn so với nguồn lực 
Bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải theo đuổi mục tiêu của bạn, thì đó chính là DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG của việc MỤC TIÊU VƯỢT QUÁ NGUỒN LỰC. Chẳng hạn như, tôi muốn cuối tháng 10 tới được 7.0 Ielts… Và KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG duy nhất là lao vào học tiếng Anh 4 tiếng mỗi ngày; trong khi đó, bạn đã phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều rồi. Vài ngày đầu thì còn cố gắng chiến được, chứ về lâu về dài thì các bạn biết rồi đó, chỉ muốn nằm ườn ra ngủ một giấc cho nhanh. Sức người có hạn, cho nên bạn phải điều chỉnh lại mục tiêu sao cho vừa sức thôi nhé. Cố quá là quá cố đó!


2.3. Đặt mục tiêu quá thấp so với nguồn lực
“Thôi để lát nữa làm cũng được, việc này dễ mà!” Vậy đó, khi mà mục tiêu quá dễ dàng để chinh phục thì sự trì hoãn sẽ xuất hiện. Chơi game dễ hoài sao mà lên trình được bạn ơi, nó chỉ làm bạn chán nản và lười biếng hơn thôi. Cho bản thân mình chút thử thách đi nào. Nhớ bật qua Medium hoặc Difficult Mode nhé. Song, tránh chơi khó quá rồi lại than mệt mỏi!


2.4. Mục tiêu làm bạn chả thoải mái tí nào
Mỗi lần bắt tay vào thực hiện mục tiêu thì bắt đầu cơn lười xuất hiện. Vậy thì có nghĩa là bạn chả hứng thú gì với mục tiêu bạn đã đặt ra cả. Có những thứ khác hấp dẫn hơn, đang lôi kéo bạn đấy!  
Đồng ý rằng, không phải mục tiêu lúc nào cũng phải làm bạn thích đến điên lên, nhưng ít ra nó cũng phải làm các bạn thoải mái một chút, dễ chịu một chút trong suốt quá trình thực hiện. Có như vậy thì mới chiến đấu lâu dài được chứ!

Người ta có câu:  “Nếu chặng đường đi đến thành công không có hạnh phúc, thì sự thành công đó là thứ vứt đi”
Vậy nên ít ra, bạn không thích nó, thì mục tiêu đó cũng phải làm bạn thoải mái khi mà bắt tay vào thực hiện chứ! Đừng có như mấy bộ kiếm hiệp, luyện bí kíp võ công phải chặt 1 tay, chặt 1 chân, nhảy xuống vực, hay thậm chí là ăn rắn rết mỗi ngày. Mấy môn đó chả thoải mái chút nào hết nhen.

2.5. Không theo dõi được tiến độ
Nếu hôm nay mẹ nhờ bạn đi chợ, nhưng mà chợ ở xa v~ ra, bạn cứ đi, cứ đi hoài mà chả thấy tới nơi, vậy thì còn gì nản hơn. Nhưng thời nay khác rồi, Google map ra đời, nó sẽ cho bạn biết bạn còn chính xác bao nhiêu phút nữa thì tới chợ, thậm chí biết luôn từ đó đến chợ là bao nhiêu km nữa kìa.  
Việc đặt mục tiêu cũng vậy, bạn phải theo dõi được tiến độ thực hiện mục tiêu của mình, để thấy được những nỗ lực mình bỏ ra là đáng giá. Nó giúp bạn cảm nhận được rằng, bạn đang dần dần tiến đến mục tiêu, chứ không phải những nỗ lực bỏ ra là đang dậm chân tại chỗ.

Vậy cái bạn cần là một BẢNG THEO DÕI MỤC TIÊU. Đơn giản nhất là bạn chỉ cần dùng một quyển lịch bàn, ghi mục tiêu vào đó, và đánh dấu khi bạn đã thực hiện xong. Thế thôi!

Và còn ti tỉ những lý do khác nữa, các bạn có thể tự trải nghiệm và chia sẻ lại với mình. Để xem chúng ta có hướng giải quyết nào cho nhau không nhé.

3. Muốn đi xa thì đi ít nhất 2 mình…
Chinh phục được mục tiêu, cũng như thành thục được bộ môn nghệ thuật đặt mục tiêu là 2 thứ đã khó, nay bạn dường như còn phải làm 2 thứ cùng một lúc. Vậy nên tìm cho mình một Mentor là một điều mà mình rất khuyến khích các bạn luôn. 
Bạn đặt mục tiêu về thể hình thì hãy tìm một PT (Personal Trainer). Đặt mục tiêu giảm cân thì hãy tìm chuyên gia dinh dưỡng. Đặt mục tiêu cải thiện trình độ tiếng Anh thì hãy đi tìm đứa bạn nào giỏi tiếng Anh ấy, hoặc một giáo viên ưu tú nào đó chẳng hạn.  Có người đồng hành cùng bạn, bạn sẽ thấy mọi thứ bỗng nhiên trở dễ dàng đi phân nữa.


4. Tóm lại…
Để trở thành nghệ sĩ trong bộ môn nghệ thuật đặt mục tiêu thì bạn cần:  
1 - Tìm hiểu về S.M.A.R.T goal  
2 - Tìm hiểu, ghi nhận, và chấp nhận những vấn để thường gặp phải khi thiết lập và chinh phục mục tiêu.  
3 - Tốt nhất vẫn nên tìm một Mentor chỉ dẫn và đồng hành cùng bạn.

Nếu các bạn gặp bất kỳ trở ngại nào, hay bất cứ chia sẻ gì về chuyện đặt mục tiêu, thì cứ thoải mái để lại bình luận bên dưới nhé! Chúc các bạn thành công trong công cuộc thiết lập và chinh phục mục tiêu của mình.

HOÀNG PHÚC