Mỗi nền văn hoá có quy định riêng về vấn đề đạo văn. Ở một số nước Châu Á và Trung Đông, sinh viên không nhất thiết phải dẫn nguồn khi trích dẫn những câu nói nổi tiếng thuộc lĩnh vực chính trị hoặc tôn giáo. Giảng viên được mặc định là phải biết những thông tin đó đến từ đâu. Ở các nước nói tiếng Anh, điển hình là Mỹ, đạo văn là chủ đề nghiêm túc, nó được giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch về nguồn và quyền tác giả.
Vậy đạo văn là gì? Đạo văn (tiếng Anh: plagiarism) được hiểu đơn giản là dùng ý tưởng, từ ngữ, hoặc công trình nghiên cứu của người khác một cách trái phép. Đạo văn được chia làm hai hình thức: một là cố tình gian lận và hai là sơ ý mắc phải.
Gian lận có chủ đích xảy ra khi một tác giả sử dụng kết quả nghiên cứu hoặc diễn ngôn của tác giả khác mà nhận là của mình. Hành vi này bao gồm sao chép toàn bộ văn bản; cắt, dán nội dung của người khác, liên kết nhiều nội dung gốc và ý tưởng của tác giả khác nhưng những nội dung đó không hề có liên quan đến bài viết của tác giả hoặc đơn giản chỉ thay đổi một vài từ ngữ trong bài viết gốc mà không dẫn nguồn. Đạo văn có chủ đích cũng bao gồm việc nguỵ tạo nguồn tài liệu.
Sơ ý đạo văn là việc sử dụng sai cách, dẫn sai nguồn, hay chiếm đoạt một cách ngẫu nhiên ý tưởng và tài liệu của người khác. Nguyên nhân có thể do thiếu hiểu biết về các quy ước trích dẫn tài liệu, hoặc đơn giản do lười biếng thực hiện, nhưng tác giả không hề muốn gian lận.
Thực tế tồn tại một số tranh cãi liên quan đến đạo văn, gọi là “điểm xám”. Điển hình như thông tin một tác giả thu thập được từ một cuộc trò chuyện, những thông tin đó không quá chính thống để dẫn nguồn. Những kiến thức được cho là phổ thông cũng rơi vào “điểm xám” này, vì để định nghĩa kiến thức nào là phổ thông thì không hề dễ. Ví dụ khi một tác giả đề cập: “Abraham Lincoln là Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ”, với hầu hết các độc giả, đây là kiến thức cơ bản, không cần dẫn nguồn, nhưng với số ít người khác, thông tin này cần được chứng thực.
Trong môi trường học thuật Mỹ, cái giá phải trả cho việc đạo văn là rất lớn. Một sinh viên bị phát hiện đạo văn có thể nhận mức hình phạt từ cảnh cáo, điểm F (trượt) môn học, cho đến đình chỉ học tập có thời hạn. Khắc khe hơn, hành vi này còn bị “in dấu” vĩnh viễn trong bảng điểm học tập của một sinh viên – việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của một cá nhân trong thị trường lao động và cộng đồng hàn lâm.
Đạo văn có thể bị phát hiện bằng nhiều cách. Một giảng viên có thâm niên sẽ dễ dàng nhận ra dấu hiệu đạo văn khi đọc một bài viết. Hơn nữa, hầu hết các trường học trên nước Mỹ đều trang bị hệ thống cơ sở dữ liệu để phát hiện đạo văn. Sau khi một tệp văn bản được tải lên, hệ thống sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu và báo cáo tệp tin đó có bao nhiêu phần trăm trùng lặp với những bài đang lưu trữ. Các phần trùng lặp đều được tô đậm, từ đó người ta dễ dàng biết được bài viết đang xem xét có đạt tiêu chí về tính minh bạch trong trình bài nội dung và thực hiện nghiên cứu hay không. Nếu một cá nhân bị phát hiện dính líu đến đạo văn thì ngay lập tức sẽ bị xử lý. Sự nghiệp, danh tiếng, và khả năng thăng tiến của cá nhân đó chắc chắn bị ảnh hưởng.
Đạo văn từ lâu đã là một thực trạng nhức nhối trong môi trường giáo dục Hoa Kì. Một nghiên cứu vào năm 1997 của Psychological Record cho thấy 36% sinh viên đại học Mỹ đã thừa nhận rằng họ có đạo văn trong các bài viết. Cũng theo công bố thuộc Đại học Rutgers, hơn 66% trong số 16,000 sinh viên (được khảo sát) đến từ 31 trường đại học danh tiếng trên khắp nước Mỹ đã đạo văn ít nhất một lần.
Trong những năm gần đây, đạo văn có chiều hướng gia tăng. Sau khi khảo sát 1,055 hiệu trưởng của các trường đại học và cao đẳng khắp nước Mỹ, trang nghiên cứu Pew Research Center chỉ ra rằng 55% trong số hiệu trưởng được hỏi cho biết rằng mười năm trở lại đây, tình trạng đạo văn đang tăng lên đáng kể. Gần 89% trong số họ khẳng định nguyên nhân cốt lõi là sự xuất hiện của máy tính và internet. Nhóm này nhận định  internet là công cụ khiến việc sao chép trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại, Whittaker, một chuyên gia bảo mật máy tính, cho rằng sự phát triển của công nghệ không phải là yếu tố làm giảm đi tính trung thực trong học thuật, mà con người mới là nhân tố quyết định.
Đối với giới khoa học hàn lâm, đạo văn được xem là chuyện không thể chấp nhận được vì nó gây nguy hại đến đạo đức học thuật. Nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều người giữ chức vụ và vị trí quan trọng dính líu đến vấn đề này, trong số đó bao gồm những học giả, nhà báo, giáo sư đại học và chính trị gia. Vào năm 2003, Văn phòng Thủ tướng Tony Blair (nước Anh) phải công khai xin lỗi trước báo giới vì bị phát hiện sao chép một đoạn báo cáo của Jane Information Group về tình hình Iraq mà không đưa ra bất kì nguồn tài liệu tham khảo nào.
Gần đây hơn, vào năm 2014, Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Mỹ - John Walsh, người từng được vinh danh là anh hùng ở chiến trường Iraq, có 33 năm phục vụ quân ngũ, đã bị tờ New York Times phát hiện hành vi đạo văn trong luận án Cao học tại Học Viện Chiến Tranh Lục Quân Hoa Kỳ với đề tài Chính sách Trung Đông của Mỹ. Theo New York Times, có ít nhất 25% luận án là sao chép từ các tác giả khác mà không ghi nguồn.
      Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Mỹ - John Walsh (ảnh: politicususa.com)
Luận án có phần nhan đề “The Case for Democracy as a Long Term National Strategy” (tạm dịch: “Dân chủ là một điển hình cho Chiến Lược Quốc Gia Dài Hạn”), Nghị sĩ Walsh đưa ra sáu đề xuất ở mục kết luận, mục này ông đã sao chép gần như từng chữ một (mà không dẫn nguồn) từ viện Carnegie Endowment for International Peace.
Rất ít người biết rằng cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama cũng dính líu đến bê bối đạo văn trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2008. Đối thủ chính trị Đảng Cộng Hòa, bà Hillary Clinton, lên tiếng cáo buộc ông về việc đánh cắp ý tưởng từ Thống đốc Deval Patrick cho bài phát biểu tại Wisconsin. Không giống như những vụ bê bối khác, vị Tổng thống da màu này đã công khai thừa nhận sai lầm và tuyên bố rằng ông nên dẫn lời của ông Patrick vào bài phát biểu của mình. Vị Thống đốc sau đó cũng đứng ra bảo vệ cho Obama. Rất may, biến cố này không làm tổn hại nhiều đến chiến dịch tranh cử Tổng thống. Nhưng với Obama và uỷ ban vận động tranh cử của ông lúc đó, đây là một kinh nghiệm nhớ đời.
Cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama (ảnh: biography.com)
Một trong những nguyên nhân  khiến đạo văn nóng lên trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp là hiện tượng sinh viên quốc tế (phần đông đến từ Đông Á, Đông Nam Á và Trung Đông) ồ ạt đổ về các nước nói tiếng Anh. Chính những thói quen và phong cách học tập được hình thành từ văn hóa bản địa đã gây ra không ít khó khăn cho họ khi bước đầu đối mặt với những vấn đề liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Toàn cầu hoá và sự bùng nổ của thông tin mở ra rất nhiều cơ hội cho những người làm nội dung, sinh viên, giới khoa học tiếp cận và chia sẻ tri thức, nhưng cũng chính vì vậy mà vấn đề sở hữu trí tuệ và gìn giữ tính chính trực hàn lâm được yêu cầu phải đặt lên hàng đầu. Sự tôn trọng tác quyền là yếu tố cốt lõi nhằm xây dựng một cộng đồng tri thức chất lượng. Với những người theo học và công tác tại các nước nói tiếng Anh, việc nắm vững các quy tắc trình bài và quy định học thuật là một tiêu chuẩn không thể xem nhẹ.
Hiện nay một số trường cao đẳng và đại học ở Việt Nam đang triển khai một số biện pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn vấn nạn này. Trong thời gian tới, vấn đề đạo văn trong sinh viên sẽ được siết chặt hơn. Để thành công trong môi trường học thuật, các bạn sinh viên trước hết phải tuân thủ các quy định của đơn vị mình đang theo học về phương pháp nguyên cứu khoa học, quy cách trình bài văn bản, thường xuyên tham gia các buổi seminar, tập huấn, hội thảo về nghiên cứu khoa học để nắm rõ hơn về yêu cầu của từng đơn vị. Với các bạn du học sinh, việc nắm rõ những quy định về tính minh bạch trong học thuật của trường là điều hết sức cần thiết. Tuy cùng một trường, nhưng mỗi giảng viên có thể quy định về kiểu trình bài khác nhau. Với văn bản viết, những kiểu trình bài phổ biến mà sinh viên cần nắm cơ bản là MLA, APA, Chicago, và Harvard (lưu ý là những kiểu này có thể được sữa đổi liên tục). Du học sinh nên liên hệ với cán bộ phụ trách nghiên cứu của thư viện (research librarian), trung tâm trợ giáo (tutoring service), hoặc trung tâm hỗ trợ viết (writing center) để được hướng dẫn.
_____
Anh Thợ Nail