Đào, Phở và Piano - nguồn ảnh: <a href="https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2024/02/26/16_2-1708921303576.jpg">Link</a>
Đào, Phở và Piano - nguồn ảnh: Link
Có lẽ không cần phải tranh cãi gì khi Đào, Phở và Piano là bộ phim được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây. Đó là một điều rất đặc biệt, chưa từng xảy ra với dòng phim tuyên truyền của chúng ta xưa nay, phần lớn bắt đầu từ truyền miệng, rồi sau đó lan tỏa qua các phương tiện truyền thông xã hội và tạo nên những hiệu ứng vô cùng tích cực.
Đây là một bộ phim tuyệt vời, về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta nói chung, và của con người Hà Nội nói riêng thời kỳ đó; vì vậy đây sẽ là một bài viết chi tiết tương đối dài của mình.
Trước tiên, mình sẽ thay đổi một chút trong cách gọi tên bộ phim này, bằng việc viết hoa Đào, Phở và Piano; bởi đó không chỉ là “đào”, là “phở, là “piano” mà còn là những điều cốt lõi thật sự mà bộ phim muốn lột tả và truyền tải đến chúng ta.

VỀ THỂ LOẠI CỦA BỘ PHIM

Đào, Phở và Piano là một bộ phim điện ảnh chiến tranh tuyên truyền Việt Nam, thuộc thể loại sử thi lãng mạn do Đạo diễn Phi Tiến Sơn làm biên kịch, đạo diễn. Phim thực hiện bởi Công ty Cổ phần Phim truyện I theo đơn đặt hàng từ Nhà nước.
Phim tuyên truyền được làm với mục đích minh họa cho một số vấn đề nhất định, trọng tâm nhấn mạnh về các sự kiện thực tế, nên thường sẽ mang xu hướng phóng đại trong dựng phim. Cũng chính vì thế, người xem không nên khắt khe với tính logic mà chỉ nên cảm nhận cảm xúc mà bộ phim cố gắng mang đến mà thôi.
Đào, Phở và Piano được phát hành vào ngày 29 Âm Lịch, như một cách để tưởng nhớ đến ngày kết thúc chiến dịch 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô (27 Âm lịch, 17/2/1947) – bối cảnh trong phim.
Me xừ Phán và những khúc hát ca trù - nguồn ảnh: <a href="https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/480/471584752817336320/2024/3/2/z5183167676324-2e2cfe8594c814144815177ea12d97b6-1-8019-17093740335702088721354.jpg">Link</a>
Me xừ Phán và những khúc hát ca trù - nguồn ảnh: Link
Trước tiên, để hiểu rõ hơn về Đào, Phở và Piano, chúng ta hãy cùng nhìn lại giai đoạn lịch sử hào hùng đó trong các mốc sự kiện chính.

Giai đoạn lịch sử - Trận Hà Nội 1946-1947

Trận Hà Nội đông xuân 1946-1947 là sự kiện khởi động Chiến tranh Đông Dương giữa các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Minh) và tập đoàn quân viễn chinh Pháp từ đêm 19/12/1946 đến trưa 18/2/1947.
Trận Hà Nội là một trong những trận đánh có ý nghĩa đặc biệt nhất xuyên suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta (1945-1954) – mở đầu bằng việc Pháp bất ngờ tấn công trụ sở Lâm ủy Nam Bộ (23/09/1945) và kết thúc hoàn toàn khi Thủ đô được giải phóng (10/10/1954).
- Ngày 28/2/1946, Tưởng Giới Thạch ký với thực dân Pháp một hiệp ước cho quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng, tạo điều kiện cho thực dân Pháp đưa quân ra miền Bắc.
- Ngày 18/3/1946, theo nội dung Hiệp định sơ bộ, 1.200 quân Pháp được phép vào Hà Nội và đóng ở những vị trí đã quy định.
- Ngày 5/12/1946, Khu ủy khu XI nhân danh Thành bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân Thủ đô tích cực chuẩn bị kháng chiến, sẵn sàng đợi lệnh.
- Ngày 17/12/1946, Pháp tấn công tự vệ, tàn sát nhân dân ở phố Hàng Bún, Yên Ninh.
- Ngày 18/12/1946, Pháp hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ, hẹn trong 24 giờ nếu ta không chấp nhận thì chúng sẽ hành động.
- Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hà Nội chính thức bước vào cuộc kháng chiến 60 ngày đêm.
- Ngày 6/1/1947, chính thức thành lập Trung đoàn Liên khu phố 1 (các phố cổ thuộc trung tâm Thủ đô), lấy Tiểu đoàn 101 Vệ quốc quân làm nòng cốt. Chiến lược của ta là: “không đánh trận địa với địch, không thủ hiểm ở chỗ nào lâu…”, sau khi chặn đánh địch quyết liệt, chủ động rút lui, không để cho địch thực hiện được ý đồ của chúng.

Tương quan lực lượng của đôi bên là vô cùng chênh lệch.

Trang bị vũ khí của bộ đội còn thô sơ, chỉ có hầu hết là súng trường bắn phát một với rất ít đạn. Trung bình hai người mới có một quả lựu đạn. Các đơn vị dân quân tự vệ trang bị còn thiếu hơn nữa, chủ yếu phải dùng vũ khí thô sơ như giáo mác, cung tên, mã tấu. Ta hầu như không có nguồn cung súng đạn nào ngoại trừ tịch thu từ xác địch.
Trong khi đó, Quân Pháp gồm có một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng, thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một bộ phận biệt kích, một bộ phận dù, cùng với không quân và thủy quân, tổng cộng 6.500 lính chính quy cùng 7.000 kiều dân vũ trang Pháp. Trang bị của phía Pháp gồm 5.000 súng trường, 600 súng máy, 42 đại bác, 22 xe tăng, 40 xe bọc thép, 30 máy bay.
Trước sự áp đảo hoàn toàn về nhân lực, khí tài, quân và dân Hà Nội đã chọn chiến lược đánh tiêu hao trên diện rộng.
Hai bên đường, nhà cửa đóng kín, nhưng bên trong nhà, ban công, cửa sổ những mái nhà bằng đều trở thành vị trí chiến đấu. Tường trong nhà, ngoài sân, trên gác, đều đã được đục thành lỗ giao thông, mở đường đi từ buồng này sang buồng khác, nhà này sang nhà khác, đi suốt dãy phố dọc, luồn sang dãy phố ngang, tạo thành một trận địa chiến đấu liên hoàn. Đâu đâu cũng xuất hiện những dòng khẩu hiệu viết trên cửa, trên tường: "Sống chết với thủ đô", "Thanh niên thề sống chết với thành Hoàng Diệu", "Thà chết không chịu trở lại kiếp nô lệ". Đây là điều mà bộ phim đã lột tả rất tốt: Từ cách ta tổ chức kháng chiến, đến các phương tiện khí tài được tận dụng tối đa để cầm chân địch (bom xăng, mìn nồi đất, hay cả súng giả nghi binh bằng pháo Tết…).
Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến tranh xâm lược của Pháp. Vì vậy, mục đích ban đầu của chiến dịch là cầm chân Pháp trong khoảng 1 tháng, tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não của ta rút đi, củng cố lực lượng tại các địa phương, tại An toàn khu, thiết lập thế kháng chiến lâu dài và chiến tranh toàn dân. Thế nhưng, với sự kiên cường, bất khuất tận cùng, quân và dân Hà Nội đã giữ được trận địa trong 2 tháng trước khi buộc phải rút lui vì cạn kiệt khí tài.
- Ngày 15/2/1947, Hồ Chủ tịch chuyển tới cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lời khen ngợi: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay, giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.
- Đêm 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô chia làm nhiều bộ phận rút quân, để lại một bộ phận hoạt động quấy rối nghi binh rút sau cùng. Trung đoàn được lệnh chỉ giữ lại 500 người, còn đưa hết ra vùng tự do để chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, nhiều người đã xung phong ở lại tiếp tục chiến đấu. Nhiều người trong danh sách phải rút ra, đã làm thủ tục "chào tạm biệt", nhưng rồi lẻn ở lại. Khi trung đoàn kiểm tra người ở lại, thì số quân là 1.200, chỉ chuyển ra vùng tự do khoảng 2.000 người.
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng - Chính Hữu, Ngày về

NỘI DUNG BỘ PHIM

Bộ phim của chúng ta gói gọn trong 2 ngày, bắt đầu vào buổi sáng ngày 16/2/1947 và kết thúc vào trưa 18/2/1947, tại một chiến lũy trong phố cổ, ngày cuối cùng của 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô.
Đào, Phở và Piano không có nhiều nhân vật mà thay vào đó, bộ phim tập trung khai thác sâu về cảm xúc, suy nghĩ của từng người, gắn liền với những ngày khốc liệt cuối cùng tại Thủ đô.
nguồn ảnh: <a href="https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2024/2/19/img1159-1-1708349805520998412534.jpg">Link</a>
nguồn ảnh: Link
Đó là chàng thanh niên Vệ quốc quân (Doãn Quốc Đam) nóng nảy nhưng kiên định, bất khuất.
Đó là cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh) với tâm hồn thuần khiết, với khát vọng hạnh phúc phải đối diện với thực tại cuộc chiến quá tàn nhẫn.
Đó là ông họa sĩ già (NSND Trần Lực) với khắc khoải vẽ được một bức tranh về Chiến tranh mà không nhắc đến súng đạn.
Đó là người linh mục (NSND Trung Hiếu) chỉ muốn được yên bình, với lòng yêu nước thấm trong huyết quản.
Đó là vợ chồng người bán phở (Anh Tuấn – Nguyệt Hằng), chỉ mong làm được bát phở đúng nghĩa, bán cho người được ăn no.
Đó là chú bé đánh giày (Thiện Hùng) với ước mơ được trở thành Vệ quốc quân.
Đó là me xừ Phán (Tuấn Hưng), đam mê ca trù nhưng cũng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc…
Đó là những mảnh đời trong vô số mảnh đời xuyên suốt thời kỳ bom đạn đó ở Hà Nội.
Đó là những con người đã từng sống, từng thở, là những “linh hồn từng biết yêu thương”.
Có những người con Hà Nội như thế…
Một trong những điều đặc biệt nhất của bộ phim, đó là Đào, Phở và Piano đã làm nổi bật lên cá tính đặc trưng của đất và người Hà Nội ngay cả trong giai đoạn chiến tranh ác liệt đó: Sự lãng mạn, vô tư, yêu nghệ thuật và cảm xúc sâu nặng vô bờ bến với mảnh đất này.
Ngay từ cảnh quay đầu tiên, giai điệu bài hát “La Vie en rose” cất lên nhẹ nhàng, trong khung cảnh tân hôn giữa chàng Vệ quốc quân và cô gái Hà thành. La Vie en rose là bài hát rất nổi tiếng, được phổ biến khắp Thế giới vào những năm 1946-1947, trùng hợp với đúng khoảng thời gian diễn ra chiến dịch 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Bài hát mang ý nghĩa “Cuộc sống màu hồng”, dù thực tại có thế nào chăng nữa, thì cuộc sống vẫn có thể đậm thi vị và “màu hồng” theo một cách nào đó, ít nhất là trong tâm tưởng của chúng ta.
Đây, có chăng chính là ý đồ của Đạo diễn Phi Tiến Sơn, khi sử dụng một bài tình ca Pháp làm nhạc nền trong một bộ phim về chiến tranh chống Pháp, với mong muốn truyền tải cái chất lãng mạn và thi vị điển hình của người Hà Nội, cho dù có nằm dưới màn bom lửa tàn khốc đến tuột cùng.
Không chỉ dừng tại đó, bộ phim còn tiến xa hơn khi Me xừ Phán ngắm bức tranh “Nữ thần Tự do trên chiến lũy” trong căn biệt thự của mình. Họa sĩ Eugene Delacroix là thủ lĩnh của trường phái hội họa lãng mạn thế kỷ XVIII, đã vẽ bức tranh này trong giai đoạn Cách mạng Pháp 1789 như lời hiệu triệu các tầng lớp thống khổ trong xã hội nước Pháp lúc bấy giờ đứng lên cầm vũ khí để giành lại quyền tự do cho chính mình. Oái oăm thay, hơn 150 năm sau, chính nước Pháp lại đang xâm lược một đất nước yếu thế hơn nó rất nhiều là Việt Nam. Cái thở dài của ông Phán như xé lòng từng người trong chúng ta: “Madam này thật tuyệt vời, nhưng lưỡi gươm của nàng ở xứ này thật khốn nạn”.

Đào, Phở và Piano

Đào, Phở và Piano với mạch phim phi tuyến tính, đan xen giữa thực tại những ngày khói lửa với những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi của từng nhân vật, khiến người xem được trôi trong những mảnh cảm xúc hỗn tạp đến bồi hồi.

Đào

Hà Nội là mảnh đất của lịch sử, của hoài niệm và cả của sự lãng mạn, bất kể trong giai đoạn nào của lịch sử. Người Hà Nội cũng vì thế mà ai cũng mang trong lòng một phần của tình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp và yêu văn hóa. Người Hà Nội vô cùng coi trọng cái Tết cổ truyền. Tết là dịp để đoàn viên, để có những phút giây hiếm hoi hạnh phúc trọn vẹn suốt dòng đời tất bật. Vì vậy, có thế nào chăng nữa thì với người Hà Nội, cái Tết vẫn thuần khiết và ấm áp lạ lùng. Cái Tết đó sẽ được báo hiệu bởi những cành đào hé nụ trên những mảnh vườn Nhật Tân, Quảng Bá.
Chàng vệ quốc quân Dân trở về đêm 17/2/1947 - nguồn ảnh: <a href="https://image.nhandan.vn/1200x630/Uploaded/2024/genaghlrgybna/2024_02_19/daopho6-1225.jpg.webp">Link</a>
Chàng vệ quốc quân Dân trở về đêm 17/2/1947 - nguồn ảnh: Link
Thấy hoa đào là thấy Tết. Tết chỉ được trọn vẹn khi có Đào. Có lẽ mỗi người Hà Nội từ sâu thẳm trong trái tim mình, đều muốn nhìn thấy một nhành đào mỗi đợt xuân về. Với những người con đang chiến đấu tại Hà Nội những năm 1947 cũng vậy, “ngoài chiến lũy cũng thèm một cành đào đẹp”. Cành đào đại diện cho cái Tết, nhưng trên tất cả, nó là mong mỏi về nguồn sống tương lai chắc chắn sẽ được trổ bông.
Đào” của Đạo diễn Phi Tiến Sơn, đó chính là hi vọng. Hi vọng về hòa bình, về độc lập, về tự do của Hà Nội trong thời kỳ đau thương đó.

Phở

Sẽ thật là thiếu sót lớn nếu nhắc đến Hà Nội mà không nhắc đến Phở. Phở là thứ quà có thể ăn mọi lúc trong ngày, có thể bắt gặp được ở bất cứ nơi nào tại Hà Nội.
Bát phở xưa kỳ công lắm, phải đầy đủ các giai đoạn vô cùng công phu.
Bát phở Hà Nội xưa phải được ninh thật lâu từ xương ống bò, phải bỏ vào miếng nạm, tôm he cho ngọt dịu. Gia vị không thể thiếu ngũ vị hương, hành khô, gừng, hành tươi, chanh ớt, và đặc biệt là sá sùng khô và rễ rau mùi. Bát phở được nêm nếm với nước mắm ngon, ăn kèm húng quế, chanh, ớt và lá mùi nữa. Như cách nói của ông bán phở (Anh Tuấn) thì nước dùng không được nóng quá sẽ làm mất vị ngọt, càng không thể nguội quá làm mất vị thanh của bát phở.
Vợ chồng ông bà bán phở - nguồn ảnh: <a href="https://xdcs.cdnchinhphu.vn/446259493575335936/2024/2/24/dao-pho-aa-17085941684381001078000-1708648887413-17086488876621484292247-1708747404622-170874740485790028739.jpg">Link</a>
Vợ chồng ông bà bán phở - nguồn ảnh: Link
Nếu như Đào, Phở và Piano khai thác tập trung về cuộc chiến thì nhân vật vợ chồng ông bà bán phở được đưa vào phim như một trong những tuyến nhân vật quan trọng nhất – người lao động lúc bấy giờ.
Cuộc đời có lẽ là như vậy, có chém giết, cũng có sinh tồn; có chà đạp, cũng có bình yên. Ước mơ của ông bà bán phở chỉ đơn giản là có đủ hành, mùi để nấu được bát phở trọn vị. Để rồi khi có được nồi phở ưng ý, ông vẫn quảy gánh ra bán cho dù biết đó là ngày mà Pháp sẽ đánh vào Hà Nội. Bởi chiến tranh thì vẫn cứ là chiến tranh, nhưng với niềm tin của ông bán phở thì “Tây nó cũng thích ăn ngon, bắn chết tôi rồi lấy ai nấu ăn cho chúng nó nữa”. Đó là sự lạc quan thuần khiết của người Hà Nội.
Đó cũng chính là Phở của Đạo diễn Phi Tiến Sơn.

và Piano

Nếu như đã có lạc quan, đã có hi vọng, thì chất xúc tác đẩy cao cảm xúc của người xem chính là những bản nhạc sâu lắng được lồng ghép xuyên suốt cả bộ phim.
Đời sống tinh thần luôn là cái gì đó đặc biệt quan trọng với người Hà Nội, thấm vào từng ngóc ngách của mảnh đất cổ kính này.  Âm nhạc trong bộ phim được sử dụng như lời bộc bạch của các tuyến nhân vật, các mảnh đời khác nhau nhưng lại được chạm vào nhau trong những ngày lửa đạn đó.
OST của Đào, Phở và Piano không chỉ là sự đan xen giữa âm nhạc cổ như ca trù "Chí làm trai" (thơ Nguyễn Công Trứ), "Đời đáng chán" (thơ Tản Đà) với tân thời "Hồn tử sỹ " (Lưu Hữu Phước), "Du kích ca" (Đỗ Nhuận), "Suối mơ" (Văn Cao). Bên cạnh đó, đạo diễn Phi Tiến Sơn còn sử dụng chất liệu nhạc cổ điển để phác họa tâm lý nhân vật.
Điển hình cho điều này chính là bản Liebestraum của nhà soạn nhạc bậc thầy của chủ nghĩa lãng mạn người Hungary Franz Liszt.
Liebestraum (Giấc mơ tình yêu) là một bản độc tấu piano gồm ba chương nói về tình yêu.
- Chương một “Tình yêu cao thượng” - nói về niềm vui linh thiêng của một người “vui vẻ từ bỏ niềm vui của nhân gian” để hướng tới “bờ cõi tốt đẹp”.  Những nốt nhạc trầm ngâm được kéo dài trong khi các hợp âm rải nhiều lớp và các nốt thăng dần gợi nhắc tới “thiên đàng phía trên” đã “rời xa”.
- Chương hai “Cái chết ngọt ngào” - gợi lên một cao trào kịch tính, rồi cuối cùng tiến tới một kết thúc đột ngột có phần ảm đạm, như các trải nghiệm thể xác, tình yêu này không thể tồn tại mãi.
- Chương ba “Hỡi tình yêu, miễn là người còn có thể” - nhắc nhở chúng ta hãy yêu những người thân thương đi bởi vì “sẽ có một lúc” chúng ta sẽ không còn họ nữa. Mặc dù những người thân yêu ra đi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục tìm kiếm “tình yêu cao cả” mà Đấng linh thiêng mới có thể ban tặng, như tình yêu quê hương, đất nước mà thôi.
Ba chương của Liebestraum như lời cô đọng nhất về tình yêu của đôi vợ chồng trẻ Dân – Hương cưới vội trong đêm trước ngày địch tấn công, dù biết khi bình minh hé rạng là cái chết sẽ chia lìa hai ngả. Đó cũng là lúc mà tình yêu đất nước vượt trên cả tình yêu lứa đôi.
Niềm hạnh phúc chỉ còn trong giấc mơ của đôi vợ chồng cưới vội - nguồn ảnh: <a href="https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202402/medium/2183582_4f992624245f8ab66127f0d315ce0b75.jpg">Link</a>
Niềm hạnh phúc chỉ còn trong giấc mơ của đôi vợ chồng cưới vội - nguồn ảnh: Link
Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn, là tâm hồn của người Hà Nội, mộc mạc, lãng mạn, trữ tình mà sâu lắng đến nghẹn lòng.
Đào, Phở và Piano, cũng vì thế mà được viết hoa.

TẠM THAY CHO LỜI KẾT

Cuộc chiến đấu anh dũng suốt 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô có ý nghĩa rất to lớn. Nhờ sự cầm cự trong suốt khoảng thời gian đó mà các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn rút ra khỏi Hà Nội lên chiến khu tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Ta giữ chân địch 60 ngày trong thành phố, vượt mức thời gian dự kiến ban đầu, bảo đảm để các địa phương có thời gian huy động lực lượng đối phó với địch khi chúng đánh rộng ra, từ đó tạo tiền đề chắc chắn cho cuộc kháng chiến trường kỳ tiếp theo.
Quân và dân Hà Nội rời đi đêm 17/2/1947, và chỉ được thực sự trở về với mảnh đất này mãi đến 10/10/1954 – ngày giải phóng Thủ đô.
nguồn ảnh: <a href="https://2sao.vietnamnetjsc.vn/images/2024/02/24/01/20/dao-pho-va-piano-3.jpg">Link</a>
nguồn ảnh: Link
Đào, Phở và Piano đã làm rất tốt điều nó muốn làm, đó là kể lại những năm tháng oanh liệt đó, kể về những người con Hà Nội chẳng ai nhớ mặt gọi tên đó, kể về ký ức đau buồn đã qua, để thế hệ ngày nay cảm thấy biết ơn hơn vì công lao những người đã nằm xuống. Bộ phim đã khơi dậy tinh thần yêu nước luôn tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt Nam chúng ta, cho dù có trong bất cứ thời kỳ nào.
Cảm ơn các anh, các chị, các cha ông chúng ta đã hi sinh anh dũng đến thế, để rồi hôm nay hòa bình đã được trải dài từ Bắc chí Nam, như ước nguyện của những con người năm đó…
Nguồn tham khảo cho bài viết: