Kết quả hình ảnh cho why poetry
(Ảnh Internet)
Tại sao lại là Thơ? Vâng, đúng vậy. Hầu như các cuốn sách về thơ bán được nhiều nhất khoảng hai ngàn bản. Vậy theo nghĩa định lượng, điều gì đã hỗ trợ thơ ca ra đời? Tiền bạc hay ý nghĩa? Giống như chuyện loài chim Ô tác ở Ấn Độ, một trong những loài chim nặng nhất đã giảm xuống hàng trăm cá thể, chúng ta sẽ tiếp tục tranh luận về việc có nên đầu tư vào những vấn đề đang nhạt nhòa dần như vậy hay sao?
Có lẽ vấn đề hệ trọng hơn chuyện số lượng các tập thơ được in mỗi năm. Đó là chuyện ngôn ngữ - ngôn ngữ của chúng ta. Liệu có phải nó cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một? Nếu coi ngôn ngữ dần bị giới hạn trong các email và đoạn văn bản trên Twitter là một vài dấu hiệu thì sau đó hẳn sẽ kéo theo tình cảnh thê lương của ngôn ngữ.
Tuy vậy, một câu hỏi tôi thường tự hỏi mình là tại sao rất nhiều người (và bây giờ chúng ta đang nói về hàng triệu người) chuyển qua việc làm thơ thay cho các văn bản trong các nghi lễ quan trọng - đám cưới, đám tang, lễ chúc mừng, chuyện bi kịch, điều văn, dịp sinh nhật,... Tại sao vậy? Bởi ngôn ngữ thơ thường tránh sử dụng những yếu tố đời thường. Nhưng tác phẩm thi ca vĩ đại lại thường biểu dương những điều bình dị. Câu từ tập trung vào những ý nghĩa thực sự và xúc cảm gợi lên trong không gian. Nhà thơ W.S. Merwin từng nói: “Thơ viết về những cá thể trong những khoảnh khắc thân tình gắn bó nhất lẫn riêng tư thầm kín nhất, sợ hãi nhất, và cả hân hoan nhất... Bởi vì hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào, nó đến gần hơn và mở ra những điều không thể nói. Ngay cả khi phơi bày những điều không thể phơi bày, thơ ca vẫn giữ được sự gắn kết chặt chẽ với ngôn ngữ đời thường.”
Tại sao lại là thơ ca? Tôi gửi một vài email để xem nhiều người sẽ nói gì. Nhà thơ Louise Glück, về chủ đề bán sách, đã hồi đáp: “Những cuốn sách có thể không bán, nhưng người ta cũng không đem cho hoặc vất bỏ chúng. Những cuốn sách ấy có xu hướng trở thành những cuốn sách chết ngay trong tay của kẻ sở hữu. Tôi không cho rằng có gì là tốt đẹp khi văn hóa hay kinh tế được phát triển trên một nền tảng trì trệ. Nhưng khi một cuốn sách được yêu thích theo cách này và được chuyển giao theo cách khác để an ủi hay kích thích sự tái tạo niềm hưng phấn, với tôi, ấy lại là một kỳ công.”
Nhà thơ Hy Lạp Yiannis Ritsos bị bỏ tù vì những lý do chính trị, đã viết những bài thơ của mình trên mặt giấy của điếu thuốc, nhét chúng vào phần lót của áo khoác, và khi ông được thả tự do, ông tự do cùng những vần thơ của chính mình. Chúng hầu hết đều là những sáng tác ngắn.
Nhà thơ người Ukraine Irina Ratushinskaya, khi ở trong tù, đã viết những bài thơ của mình trên những bánh xà phòng và chỉ rửa sạch chúng khi đã ghi nhớ chúng trong đầu.
Tiểu thuyết gia Richard Ford khác với các nhà thơ khác khi đứng trước câu hỏi trên. Với ông, câu hỏi “Tại sao lại là thơ ca?” không ngụ ý việc phân biệt thơ ca với các loại hình nghệ thuật khác; thơ ca thực chất có lẽ có chung nguồn gốc với hình thức thể hiện đặc trưng khác. Một góc khác thú vị hơn trong câu hỏi có lẽ là: “Bản chất của những cảm nghiệm là gì, đặc biệt là những cảm nghiệm trong sử dụng ngôn từ - điều làm nên sự lãng mạn hiện hữu trong thơ ca? Có những cảm nghiệm nào về những điều không thể diễn tả thành lời?”. Anh không thể khái quát hóa một cách hợp lý giá trị của thơ ca. Anh không thể quy bản chất ấy về một hạt nhân để rồi lấy đó làm nền tảng cho vô vàn sự hóa thân khác. Tôi đoán việc trò chuyện với tôi đây cho thấy rằng nếu anh không thể thành công trong việc tìm giải đáp cho câu hỏi “Tại sao lại là thơ?” thì đó là minh chứng sống động nhất cho việc thơ đang làm những gì mà nó cần làm. Nó đang kiến tạo những nhu cầu thiết yếu, và thỏa mãn nhu cầu ấy.”
Ảnh: Internet
Khi anh tìm kiếm một bài thơ để đọc tại một lễ tưởng niệm, anh đang thực sự tìm kiếm điều gì? Và tại sao anh lại tìm kiếm một bài thơ như thế? Anh có nghĩ rằng anh sẽ tìm thấy trong bài thơ ấy những tâm tư anh không thể tự nói ra hay chăng? Và khi anh tìm thấy một bài thơ, điều anh thực sự khám phá ra được là gì? Anh có nghe thấy gì không? Điều gì đã được giãi bày? Và anh tưởng tượng xem những người than khóc kia sẽ nghe thấy điều gì?
Tại sao chúng ta đọc thơ? Emily Dickinson viết, “Nếu tôi đọc một cuốn sách và nó có thể sưởi ấm cơ thể tưởng như không ngọn lửa nào có thể sưởi ấm cho tôi, thì tôi biết, đó là thơ. Và nếu tôi có cảm tưởng như cơ thể tôi, tâm trí tôi như vỡ òa thì tôi biết, đó là thơ. Đó là cách duy nhất tôi cảm nhận được thơ trong tôi. Liệu còn những cách nào khác không?”
Một lần nữa, “Tại sao cứ phải là thơ ca?” Robert Hass đã hồi đáp: “Thiên đường đã mất đã được biên tập thành dạng không quá 1500 bản và đã làm tiếng Anh có sự biến đổi lớn. Mất một khoảng thời gian, Wordsworth mới có những ý tưởng mới để viết về thiên nhiên. Thoreau đọc Wordsworth, Muir đọc Thoreau, Teddy Roosevelt đọc Muir [...]. Những điều thơ ca mang lại cho chúng ta là cả một sự bảo tồn, bảo tồn tất cả những gì con người đã từng suy tư và cảm nhận bởi những nghệ sĩ – những người yêu câu từ theo cách mà từ đó, họ có thể miệt mài tạo ra nhạc tình cho câu từ, để truyền tải trọn vẹn những cảm nghiệm trong anh.
Vì vậy, với câu hỏi trong tầm tay: Tại sao thơ ca lại cần được phát triển, những người trong chúng ta, những người tham gia vào quá trình xuất bản và duy trì chữ viết cần làm điều đó để đảm bảo rằng, ngôn ngữ thế hệ tương lai của chúng ta sử dụng sẽ được vẹn nguyên, bền bỉ và rồi sau cùng sẽ được đổi mới, có khả năng làm tốt vai trò của nó trong cả thời kỳ đầy biến động và cả thời kỳ huy hoàng.
Wallace Stevens đã viết rằng thiên chức của nhà thơ là “giúp con người sống được sống cuộc đời của chính mình”. Và vì anh ta vừa là một nhà kinh tế, vừa là một nhà thơ, anh ta đã viết “Money is a kind of Poetry”. Tôi xin đảo lại, thơ ca có lẽ mới là một loại giá trị. Như chính Stevens đã nói, trí tưởng tượng là sức mạnh của loài người để vượt qua vũ trụ.


Chú giải:
1. Daniel Halpern là một nhà thơ và Biên tập viên sáng lập Ecco. Với ông, viết thơ là việc lắng nghe ngôn ngữ. Chỉ một chút sự biến tấu trong ngắt câu, ngắt dòng cũng có thể đem đến sự thay đổi ý nghĩa lớn cho một bài thơ.
2. Bài viết được dịch từ 
A Few Questions for Poetry, The New York Times, 30/12/2016.

Hải Yến dịch.

"Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất", sự kiện thơ tại OKIA nhân sinh nhật nhà thơ Lưu Quang Vũ, cùng việc đã hoàn thành vài ba môn thi giữa kì trong tuần vừa rồi, là cơ sở để mình tìm kiếm tài liệu và dịch một bài về thơ. 
"Có những phút ngã lòng  
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy" 
- Lời thơ Phùng Quán cũng không phải không có ý nghĩa nhất định.