Mình nghĩ là rất nhiều bạn trẻ vẫn còn đang phân vân giữa đại học và cao đẳng khi đi du học. Thật ra là ở Việt Nam cũng có đại học và cao đẳng thôi, nhưng vì cao đẳng không phổ biến và vì ai cũng đề cao đại học nên cao đẳng dường như là học không giỏi mới vào. Còn ở nước ngoài thì thật ra cao đẳng hay đại học đều khá giống nhau và không có sự phân biệt lớn về mặt giỏi hay không giỏi.
Bỏ qua phân tích về sự khác và giống nhau giữa hai loại hình này, thì tụi mình nghĩ là thật ra học đại học hay cao đẳng đều không quan trọng. Vì quan trọng nhất là CHÚNG TA.
Học cái gì cũng được, chính chúng ta đang muốn học cái gì mới quan trọng. Lời khuyên chân thành của tụi mình là hãy bỏ qua việc chúng ta sẽ làm ngành nghề gì khi học đại học hoặc cao đẳng xong. Vì đó là câu trả lời ở thì tương lai, và rất có thể học xong bạn vẫn khăn gói đi làm một công việc gì đó chẳng liên quan. Nên nếu hiện tại bạn đang không biết học gì cả, làm gì cả thì khoan suy nghĩ đến ngành nghề, hãy suy nghĩ đến bản thân mình trước đã.
Đầu tiên thì hãy xác định xem, kĩ năng gì mình muốn học ở đại học và cao đẳng. Hãy tự hỏi bản thân mình là mình muốn cái gì ở môi trường giáo dục.
Những gì mình muốn phát triển ở tương lai là gì, tư duy phản biện, chiến lược bán hàng, hay kĩ năng vẽ và phối màu. Tất cả những gì mình muốn phát triển hãy liệt kê ra trước. Từ đó thì mới có thể thu nhỏ lại được những sự lựa chọn cho ngành mà mình muốn học.
Ngoài ra cũng sẽ giúp cho bạn đỡ có cảm giác vào học đại học hay cao đẳng mà chẳng biết mình đang học cái gì. Xác định trước sẽ giúp chúng ta dễ thở và tập trung vào những gì mà mình muốn hơn.Sau đó thì hãy xác định bản thân thích cái gì, và tính cách của mình như thế nào.
Chúng ta sẽ không thể nào học một cái gì đó mà mình không thích, và không hợp với tính cách. Ví dụ như bạn thích tỉ mỉ, chi tiết, và không muốn tiếp xúc với nhiều người nhưng lại lựa chọn học Marketing, Event, hay các ngành liên quan đến khách hàng nhiều thì chẳng khác gì bạn đang tự đẩy mình vào đường cùng vậy.
Có rất nhiều bài kiểm tra tích cách như Hexagon, 16 personalities, và my color… hãy lựa chọn một bài test để tìm hiểu về bản thân mình trước khi lựa chọn bất cứ thứ gì.
Quan trọng nhất vẫn là hiểu mình, nếu không thể tự hiểu thì chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào công cụ để hiểu.Khi đã có câu trả lời rõ ràng và cụ thể nhất là mình muốn học gì rồi, và tại sao mình lại muốn học cái đó thì bước tiếp theo mới là tìm hiểu về trường học.
Cao đẳng hay đại học thì đều có mặt lợi và hại khác nhau, không thể đem hai loại trường này lên bàn cân.Cao đẳng thì tập trung vào kĩ năng, nếu chúng ta chỉ muốn chú trọng trau dồi kĩ năng thì học thôi.Còn đại học thì phổ cập nhiều về tư duy và tăng cường nhiều mảng học thuật, nếu chúng ta cảm thấy nó phù hợp thì chọn thôi.Và mỗi một trường sẽ có một ngành dạy tốt khác nhau. Lấy ví dụ đơn giản thì Toronto Film School (một trường cao đẳng ở Toronto) rất mạnh về mảng sản xuất phim từ đạo diễn, diễn viên đến kĩ xảo. Nếu bạn muốn thành đạo diễn và đam mê quay chụp, bạn không thể chui vào đại học Toronto để học được, vì nó không đúng chuyên môn.
Nên thật ra đại học hay cao đẳng đều không quan trọng, chuyện cần làm nhất vẫn là xác định mình cần học gì. Đừng trói buộc bản thân vào quá nhiều điều kiện ở tương lai như ra trường thì kiếm được bao nhiêu tiền, học ra rồi làm gì hay học xong ra trường có kiếm được việc định cư không. Vì những câu trả lời đó sẽ tự khắc có khi mình đã xác định được bản thân và hướng đi ngay từ đầu.
Tóm lại,Bước đầu tiên vẫn là tìm hiểu bản thân và xác định những gì mình muốn học và muốn phát triển, cũng như đừng quá tham lam. Nếu bạn nghĩ là bạn có thể thử nhiều ngành, và làm nhiều thứ mới lạ hay không hợp với bản thân chỉ để biết thêm, và giỏi thêm ở mảng mình không giỏi thì hãy nhớ câu nói này của Sherlock Holmes:
“Việc trái đất quay quanh mặt trời hay mặt trời quay quanh trái đất đâu có liên quan gì đến tôi. Trí nhớ của anh như một căn phòng, anh càng vứt vào đó nhiều thứ vô dụng thì trong đó càng có ít thứ hữu dụng"
Nhưng nếu đã lỡ chọn sai ngành rồi, hãy ngừng ngay việc cứ ám ảnh việc đó trong đầu. Hãy nghĩ là ở ngành mình học thì mình vẫn sẽ học được những kiến thức mình cần. Nếu không thích ngành mình học và không thể đổi, hãy đơn giản hóa nó bằng cách là liệt kê những kĩ năng có thể học được từ ngành này để áp dụng vào ngành mà mình mong muốn. Bằng cách này thì tâm trí sẽ được thoải mái hơn, và lượng kiến thức mà mình học được sẽ nhiều hơn, đồng thời cũng tự tạo đam mê và hứng thú cho bản thân.
Quay lại với việc chọn trường, thì bước tiếp theo là hãy tìm hiểu thật kĩ các trường đại học và cao đẳng. Mỗi trường sẽ có thế mạnh riêng, chọn ngành rồi thì cứ tìm trường nào mạnh về ngành đó mà học. Tấm bằng cao đẳng hay đại học không thể hiện chúng ta thông minh, hay giỏi giang, cái thể hiện được chúng ta làm được gì nằm ở việc chúng ta học được gì từ ngôi trường đó.
Dù bạn có vào một ngôi trường đại học danh giá nhưng thái độ học hời hợt, và chẳng biết mình học để làm gì mà chỉ chăm chăm vào điểm số, thì ra trường bạn vẫn sẽ thất bại ở những buổi phỏng vấn với người đã biết là họ học cái gì và muốn làm gì thôi.
Và thật ra Trái Đất là phẳng vì không có gì gọi là đi đường vòng đến đích mình đến, dù thế nào thì cũng chỉ có đường thẳng đến tương lai. Không ai cấm chúng ta học nhiều ngành, cũng chẳng ai bắt chúng ta không được làm nhiều nghề.
Học đại học hay cao đẳng thì cũng là HỌC, cái cốt lõi vẫn là hãy để HỌC trở thành niềm vui khi chúng ta có thể phát triển bản thân nhiều và nhiều hơn nữa ở ngày hôm nay, và hiện tại, chứ không phải là cứ lo mãi ra trường rồi làm được gì mà bỏ quên mất hôm nay chúng ta cần phải nghĩ xem nên học gì.Chúc các bạn sẽ sớm tìm ra được ngành nghề và ngôi trường phù hợp với mình.
-Nomad’s Mind-