Không dài dòng, người viết bài này muốn nhắn gửi đôi lời tới những vị phụ huynh vừa có con biết kết quả thi đại học, và đặc biệt là những phụ huynh còn có những bất đồng đối với con cái mình.
    Với những vị phụ huynh như vậy, người viết mong họ có thể lắng nghe vế thứ nhất của câu chuyện: Cha mẹ và Con cái. Những lí do mà những cha mẹ này đưa ra thường là lí do muôn thuở: “mày học cái trường đấy/cái ngành đấy sau này ra mày định làm cái gì?”. Dễ hiểu là họ lo cho con cái họ nên họ mới nói như vậy, nhưng dường như họ quên mất một điều rằng họ chưa bao giờ đặt mình vào hay lắng nghe tiếng nói của con cái mình một cách nghiêm túc. Họ cho rằng là con – với cái tầm tuổi đấy thì biết cái gì mà nói, biết cái gì về đời mà dám quyết định hay nói lại cha mẹ. Ơ hay, thế các vị cũng đã từng là con cơ mà, các vị cũng ở tầm tuổi đấy các vị có dám chắc mình không bao giờ có những ý kiến trái chiều với cha mẹ mình không? Tại sao các vị không chịu lắng nghe con mình dù chỉ một lần? nếu con cái chúng có sai ở đâu thì các vị là những người già cả hơn thì có thể chỉ ra chỗ nào chưa hợp chỗ nào chưa đúng mà? Tại sao lại không chịu hiểu cho con cái mình rồi cuối cùng khi chúng bày tỏ rất lịch sự quan điểm cá nhân của chúng thì lại nổi đóa lên? Các vị phụ huynh ạ, người lớn từng là trẻ em nhưng trẻ em thì chưa từng là người lớn đâu, các vị lo cho con các vị, điều đó không sai, nhưng các vị không hiểu con của các vị thì đó hoàn toàn là lỗi của các vị. Tại sao các vị không ngồi xuống và để hai bên cùng trao đổi thẳng thắn một lần và làm ơn đừng có nổi cơn tam bành khi nghe những thứ trái với suy nghĩ của mình. Vì nói thật, chẳng ai suy nghĩ đúng được 100% bao giờ cả, các vị cũng vậy thôi.
Tiếp theo, các vị cho rằng con cái đi theo những gì mà mình nói thì sẽ “ổn”. Thật lạ lùng, cái cảm giác “ổn” đó của cha mẹ có hơn gì ngoài một cảm giác sinh ra trong não bộ không? còn thực tế thì sao, các vị thấy ổn trong đầu và các vị cho rằng thực tế cũng ổn như suy nghĩ của các vị? Thật lạ lùng, nói thẳng một lời: nếu các vị là những phụ huynh có “tiềm năng ẩn”, có “ô dù” hay “vị trí” chắc chắn không thể thay đổi thì lúc đó hãy nghĩ đến chuyện hướng con mình vào những chỗ mà mình muốn. Vì lúc đó với ưu thế trong tay, các vị sẽ thực sự giúp được con mình và sẽ hoàn toàn “ổn”. Còn nếu các vị chỉ là những cha mẹ bình thường, tầm trung và cơ may xin xỏ cho con các vị khó khăn hơn thì tốt nhất là các vị nên ngừng ngay cái suy nghĩ đó lại và lắng nghe con của các vị đi! Tôi không phản đối ý tưởng (có vẻ) “tốt” mà các vị dành cho con mình nhưng nếu các vị thực sự không phải vị thế “ăn trên ngồi trốc” hay độ “xin xỏ” thành công đến 95% kết quả thì thôi, làm ơn dừng ngay trước khi quá muộn. 

Xin nhắc lại, cái cảm giác mà các vị cho là “ổn” ấy nó ĐƠN THUẦN CHỈ LÀ CẢM GIÁC TRONG NÃO BỘ MÀ THÔI, NÓ KHÔNG PHẢI HIỆN THỰC.

Còn đối với ngành/trường mà con các vị chọn. Các vị nghe lạ lắm phải không? đúng rồi đấy, các vị hay thế hệ các vị thì những ngành nghề ấy đâu có phổ biến, thậm chí các vị còn chưa từng nghe, chưa từng thấy, chưa từng thử, chưa từng biết nên các vị thấy khó mà đặt niềm tin. Vậy còn cái ngành/trường mà các vị định cho con mình đi thì sao? Các vị có công tác hay trải nghiệm một ngày nào chưa? Các vị biết gì về ngành đó? Các vị biết gì về những thay đổi của ngành đó trong suốt hàng chục năm qua chưa? Các vị nắm rõ được trong lòng bàn tay của các vị không hay chỉ vì lời lẽ của một kẻ thứ 3 “tư vấn giúp” các vị? Các vị thấy khó đặt niềm tin vào con mình, nhưng các vị lại chẳng biết RÕ một tí gì về cái ngành mà các vị “bắt” con mình vào? Vậy thì ai hơn ai? Con các vị với mạng xã hội, với những người trong ngành đó mà nó biết, nó hỏi. Còn các vị thì đã không biết gì, lại nghe theo những lời của một kẻ thứ 3 thay vì nghe con cái của mình ư? Vậy khác nào các vị để người đó quyết định cho con mình? Hay đấy là cách các vị lo cho con mình đó sao? Nghe có mỉa mai không!
Có một sự thật là rất nhiều sinh viên ra trường chưa/không kiếm được việc làm, các vị nghe vậy và cũng sợ chứ gì? Vậy thì các vị thật dễ bị báo chí dắt mũi một chiều. Các vị có biết vì sao các sinh viên kia không tìm được việc làm không? Các vị biết vì sao không, hay các vị chỉ nghĩ đó là vì họ “không xin được” vào làm chỗ này chỗ kia , đúng không? Các vị nghĩ rộng hơn đi, các vị có biết được bao nhiêu người làm trái ngành hay đúng ngành không? không lẽ các sinh viên kia ngồi đấy chờ chết đói sao, họ có thể làm nhiều thứ khác chứ có phải là học gì nhất nhất ra làm nấy đâu. Hơn nữa trong thời buổi bây giờ, ngoại ngữ và khả năng ứng biến mới thực sự quan trọng, nó đủ để cho một sinh viên có thể vào bất cứ một chỗ làm nào và kiếm ra tiền nuôi sống bản thân, kể cả họ có đi làm công nhân hay không. Nếu các vị thực sự suy nghĩ cho con mình thì tại sao các vị không để con mình tự chịu trách nhiệm với phần đời sau khi ra trường? Lúc ấy các vị nghĩ con mình sẽ còn ngây thơ mà không biết tìm chỗ làm hay sao? Chỉ cần chúng nó có việc làm, kiếm ra tiền và không trái pháp luật là được. Chả lẽ các vị còn chê tiền con mình làm ra một cách chân chính hay sao? Làm ơn đừng bảo bọc con quá đáng khi chúng đã nhận thức được cái chúng muốn và chúng hoàn toàn chịu trách nhiệm được. Học là con các vị học hay là các vị học? Đời là đời của các vị hay của con các vị? Các vị có đi theo con các vị suốt đời được không? Các vị luôn mong muốn con các vị sống tốt được với đời, làm ra của cải, chịu được áp lực xã hội nhưng các vị lại bắt chúng phải làm theo ý các vị chỉ vì một cái cảm giác “ổn” mơ hồ nào đấy trong tâm lí các vị ư? Nghe thôi cũng đã thấy vô lí chứ chưa nói gì đến thực tế. Nếu con các vị có đi sai đường đi chăng nữa thì các vị cũng chỉ động viên tinh thần được thôi chứ các vị có đi giúp con mình được đâu (kể cả tiền các vị có chất đầy nhà như núi cũng vậy thôi), vậy tại sao không để con các vị đi theo con đường nó lựa chọn, các vị từ chối gay gắt để thấy con các vị ủ rũ sao? Các vị cứ cho là đúng nhưng thực ra là các vị chẳng biết cái gì cả, các vị chỉ làm thỏa mãn được não bộ của các vị thôi chứ không có một tác dụng thực tế nào đâu, xin nhớ giúp cho.
Cách tốt nhất để giúp con mình là hãy để cho nó đi vào xã hội, để cho nó “thấm”, nếu sai nó sẽ chẳng ngu để mà đâm đầu vào tiếp. Thay vì tạo áp lực cho con thì tại sao các vị không ủng hộ tinh thần cho con nhỉ? Không tin tưởng con, không đặt niềm tin vào con cái một lần nào cả thì làm sao con các vị nó có động lực để hoàn thành tốt được. Đại học đâu phải chỉ học lí thuyết, nó là trường đời thu nhỏ để con các vị khôn ra cơ mà, các vị ngại ngần để làm cái gì khi mà ngoài sự bảo thủ vô căn cứ ra các vị chẳng tìm được cái lí do thuyết phục nào hơn. Hay là vì kẻ thứ 3 chứ gì? 
Đọc đến đây chắc nhiều phụ huynh cũng chẳng nhận thức được kẻ thứ 3 là ai đâu, vì nó nhiều khi chính là người quen biết hay họ hàng nào đó của các vị cũng nên ấy chứ. Người thứ 3 này có thể có cái vai xã hội là người làm trong nghề/ngành đó rồi “tư vấn” cho các vị về con các vị. Ô hô, các vị lại thêm một lần nữa dễ bị lừa phỉnh rồi. Các vị cho rằng kẻ đó ở trong ngành nên sẽ biết nhiều thứ, sẽ có quan hệ này kia sao? Nếu quả thực người đó đủ giàu đến mức lo thêm được cho người khác thì hãy để tâm, còn nếu không thì bớt nghe lại đi các vị phụ huynh ạ. Các vị nghĩ người đó THỰC SỰ quan tâm đến con các vị sao? Người đó thật sự biết con các vị như thế nào không mà chĩa mồm vào can dự? Kẻ đó có biết về cái ngành mà con các vị chọn như thế nào không mà can dự? Kẻ đó có biết gì về sự thay đổi của xã hội thời đại Internet này không? Nếu kẻ đó không biết thì lời của kẻ đó chẳng hơn gì ngoài lời mớm vào đầu các vị. Tại sao các vị có thể đi nghe một kẻ chẳng biết gì về thực tế xã hội bây giờ rồi đi từ chối con mình, trong khi kẻ đó chẳng biết cái quái gì về con các vị cả? Chỉ vì kẻ đó làm trong cái ngành đó mà các vị tin ư, người đó là tép riu trong ngành hay có máu mặt trong ngành? Nếu kẻ đó là tép riu và còn có chuyện bản thân chưa lo xong thì các vị chẳng có lí do thuyết phục nào để phải nghe cả. Một kẻ không biết gì, chỉ là một chức quèn trong ngành, bản thân còn chưa lo xong mà lại còn dám đi “tỏ vẻ tư vấn, tỏ vẻ quan tâm, tỏ vẻ mình có nhiều quan hệ (dù chẳng có cái gì) ư?
Là phụ huynh thì hãy là người phụ huynh biết tâm lí, vì thời đại bây giờ biến đổi nhanh chóng lắm, tư duy mà không thay đổi để tốt hơn thì sẽ chẳng giải quyết được cái gì cả, chắc các vị không muốn con mình trở thành một đứa mù xã hội đâu nhỉ? Nó sẽ mù thật khi mà các vị cứ muốn “ổn” đấy. Nhắc lại là cái ổn đó là do tâm trí các vị tự nghĩ ra chứ chẳng có thực tế nào ở đây hết, xin nhớ cho. Còn những kẻ thứ 3 nếu đã thực sự không biết gì thì nên ngậm cái mỏ lại, ngoài ngồi lê đôi mách và lắm chuyện ra thì đừng làm thêm chuyện gì khác, nhất là khi chuyện đó ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người khác.
Chúng tôi không chắc là có những vị phụ huynh nào sẽ có những suy nghĩ lại trong tâm trí mình nhưng qua bài viết này, chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp rằng: hãy hiểu cho con các vị và đừng để kẻ thứ 3 thiếu hiểu biết thay cho các vị quyết định những gì mà con các vị tự chịu trách nhiệm được: đừng làm một phụ huynh bị mớm lời!. Và đặc biệt, cái cảm giác “ổn” mà phụ huynh nghĩ trong đầu HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI LÀ THỰC TẾ XÃ HỘI.