Đại Dương Đen là cuốn sách thứ năm của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Chủ đề nói về bệnh trầm cảm ở Việt Nam. Sách được chia làm hai phần chính: phần một kể chuyện người thật việc thật và phần hai nêu các kiến thức chuyên môn về bệnh trầm cảm.
Phần một bao gồm mười ba câu chuyện của người trầm cảm, được kể lại bằng giọng văn của tác giả. Tác giả từng nói chuyện trên Vietecera, ông không chỉ gặp gỡ mười ba người bệnh mà số trường hợp được phỏng vấn lớn hơn rất nhiều. Những chuyện được đưa vào sách là những người có thể nói chuyện đủ rõ ràng, đủ chi tiết, có thể vẽ một bức tranh về cuộc đời họ. Hơn nữa, mỗi chuyện đều được bố cục lại theo lối viết cá nhân của tác giả chứ không phải chép nguyên văn hay chấp bút thay người kể. Điều này đã được người kể cho phép. Những người kể chuyện thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, khác biệt về tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp,... Điểm chung duy nhất là bệnh trầm cảm, thứ đã phá hủy cuộc sống của họ một cách toàn diện: gia đình, bạn bè, học tập, công việc. Tất cả phải vùng vẫy trong một đại dương tăm tối và trống rỗng. Đó là một cuộc chiến lâu dài, có lẽ sẽ đeo bám suốt cuộc đời. Có người tìm được nơi chốn bình an, có người chìm sâu mãi mãi. Những câu chuyện gây ấn tượng cho người đọc về một căn bệnh quái ác, không thể chữa khỏi.
Kế đó, các kiến thức chuyên môn trong phần hai sẽ cho ta những nhận thức mang tính khoa học về bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, trong giới hạn của cuốn sách, chúng chỉ là những điều cơ bản nhất. Các nội dung chủ yếu bao gồm nguyên nhân gây bệnh, các liệu pháp điều trị, các hành vi biểu hiện và cách phòng ngừa.
Tôi cho rằng người đang ở trạng thái bình thường nên chú trọng đến nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh. Nguyên nhân được liệt kê thành hai nhóm tác nhân chính: tác nhân sinh học và tác nhân môi trường. Tác nhân sinh học là ảnh hưởng của gene còn tác nhân môi trường là các tác động của gia đình, giáo dục, công việc. Các nhóm tác nhân không tồn tại độc lập mà có sự tương tác qua lại. Trong nhiều trường hợp được nêu ở phần một, gia đình có tiền sử trầm cảm thì thế hệ sau cũng có nguy cơ cao bị trầm cảm. Đặc biệt những đứa trẻ phải chứng kiến bạo hành gia đình, chịu bạo hành hoặc lạm dụng tình dục. Hoặc trong gia đình có người bị trầm cảm, những thành viên khác phải chịu áp lực của việc chăm sóc, dẫn đến kiệt quệ sức khỏe, tài chính cũng dễ bị trầm cảm. Tác động từ gene rất khó xác thực, có lẽ những người bị bệnh thường có giới hạn chịu đựng stress thấp.
Bởi tác nhân từ gene là không thể kiểm soát, chúng ta chủ yếu phòng ngừa bệnh từ các tác nhân môi trường sống. Ta sẽ chia hành động phòng ngừa vào hai nhóm đối tượng. Thứ nhất là bản thân mỗi người phải xây dựng lối sống lành mạnh: rèn luyện thể chất, biết quản lý cảm xúc, tránh lạm dụng các chất kích thích, có các mối quan hệ tích cực. Thứ hai với các thành viên khác trong gia đình, chúng ta cố gắng tạo bầu không khí nhẹ nhàng, ít áp lực, có sự tôn trọng giữa các thành viên, tránh lan tỏa các cảm xúc tiêu cực. Những người cần được chú ý là trẻ em, phụ nữ trong thời kì thai sản (cả trước và sau sinh), người già.
Vào thời điểm dịch Covid bùng nổ, nhiều người buộc phải nghỉ làm, nghỉ học ở nhà trong thời gian dài. Đây là lúc mâu thuẫn gia đình tăng cao do áp lực bệnh tật, tiền bạc, thậm chí thói quen sống. Nó đòi hỏi mỗi người phải cởi mở hơn với chính những người chung mái nhà, tìm những hoạt động mang cảm xúc tích cực.
Chúc mọi người vui vẻ vượt qua lần giãn cách thứ n+1!