ĐA CẤP - Đôi điều cảm nhận!
Gần đây, dư luận trong nước đang dành sự quan tâm lớn đến một loại hình "vừa quen vừa lạ", đó là Kinh doanh đa cấp. Thực tế, đủ các...
Gần đây, dư luận trong nước đang dành sự quan tâm lớn đến một loại hình "vừa quen vừa lạ", đó là Kinh doanh đa cấp.
Thực tế, đủ các hỉ nộ ái ố xoay quanh lĩnh vực này cũng đã ít nhiều len lỏi trong dư luận khoảng chục năm trở lại đây, nhưng cho đến thời gian gần đây, nhất là sau một loạt phóng sự của VTV về một "đơn vị" gì đó có dính líu đến "kinh doanh đa cấp" thì những quan tâm về đề tài này mới lại nóng lên trông thấy! Vậy Kinh doanh đa cấp có phải là điều gì xấu, xấu đến kinh khủng khiếp? Hay xoay quanh nó có những nội dung gì mà khiến cho dư luận, từ nông thôn tới thành thị đều nháo nhào lên như vậy??? Mình không phải là một nhà kinh tế học, không phải một bộ óc giỏi kinh doanh, lại càng không phải là người am hiểu gì về kinh tế vĩ mô, vi mô. Nhưng dưới góc độ là MỘT NGƯỜI ĐÃ TỪNG tham gia kinh doanh đa cấp, xin có một đôi điều chia sẻ (dưới dạng kinh nghiệm và ý hiểu của bản thân) về lĩnh vực còn gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam này!
Trước tiên phải nói qua đôi chút về quá trình mình biết đến loại hình này! Đó là khoảng năm 2005-2006, cái ngày mà Tiên Sư, Sinh Lời... còn đang thịnh hành, mình đã được dự những buổi tư vấn của Sinh Lời (sau này đổi tên là Thiên Ngọc MU) và được đọc qua tài liệu hoạt động của Tiên Sư. Với một cậu thanh niên vừa học xong cấp III ở "Khu vực 2 - Nông thôn" như mình, những gì mà người ta diễn thuyết quả thực là những kiến thức lạ lẫm và thu hút, nhất là cái khoản hoa hồng kiếm được. Tuy sự tính toán về tiền bạc còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng "nôm na" lại là số tiền lương mà họ gieo vào trong đầu mỗi người bấy giờ đủ để người nghe định hình rằng "ăn đứt" mấy ông giám đốc hay quan chức cỡ bự trong nhà nước! Và quả thực mình cũng rất chia sẻ với những người nông dân hiện tại trong những đoạn phim được đăng tải trên các phương tiện truyền thông vừa rồi! Khi mà người ta quen với cái vất vả thường nhật thì một chút mầm hi vọng về một mức tiền lương khủng và công việc nhàn hạ có thể đủ sức quyến rũ để họ chỉ biết tin và hành động quyết liệt!
Sinh Lời hồi đó được biết đến là một doanh nghiệp đến từ Đài Loan, "bộ xậu" giám đốc là người Đài Loan và một vài người CÓ VẺ GIÀU ở Việt Nam. Sản phẩm mà họ quảng cáo thì nhiều nhưng nổi bật là những sản phẩm nhà bếp và chăm sóc sức khỏe, trong đó có máy sục Ozon là được mang ra quảng cáo nhiều nhất. Nhưng về sản phẩm xin phép được trình bày ở một phần khác, ở đây chỉ điểm qua một chút về cách thức kinh doanh để hiểu vì sao người ta lại gọi đây là một công ty kinh doanh đa cấp.
Kinh doanh đa cấp tốt hay xấu?
Trong kinh doanh thông thường, người ta kiếm tiền bằng cách làm các đại lý phân phối cho nhà sản xuất, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng và ăn hoa hồng (gọi là tiền lãi). Và có nhiều đại lý kiểu này ở nhiều cấp, mỗi cấp sẽ nâng giá tiền sản phẩm lên một chút và kiếm ăn từ chênh lệch đó. Như thế, mỗi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng sẽ đội giá tiền lên nhiều so với giá trị xuất xưởng, chưa kể còn cộng thêm cả chi phí vận chuyển, quảng cáo, in ấn bao bì... Sinh Lời (SL) lý giải điều đó cho người nghe và khẳng định cách làm của họ khác. Thay vì phải qua nhiều đại lý, nhiều khâu quảng cáo, vận chuyển lằng nhằng, mất tiền oan, người tiêu dùng đến với SL, sẽ được mua sản phẩm với giá xuất xưởng. Các chi phí đáng lẽ chi cho quảng cáo, in ấn, vận chuyển và qua các cấp đại lý kia, sẽ được chia cho người mua. Như vậy, đến với SL, mọi người sẽ được mua hàng với giá gốc và được chia hoa hồng (hay phí môi giới giống như bây giờ nhiều anh em làm các loại "cò" đều có) nếu giới thiệu người khác mua cùng. Và cái cách chia hoa hồng là theo hình thức đa cấp. A giới thiệu trực tiếp cho B mua sản phẩm, A sẽ được hưởng 30%, B giới thiệu trực tiếp cho C thì B sẽ được 30% còn A sẽ được 15% phí môi giới gián tiếp cho mỗi sản phẩm... Và cứ thế, phần trăm hoa hồng giảm đi nhưng số lượng người tăng lên theo cấp số nhân. Mô hình chia sẻ lợi nhuận này được gọi là "đa cấp". Và đây cũng là mô hình chung của tất cả các doanh nghiệp được liệt vào diện "kinh doanh đa cấp" này.
Như vậy, nếu chỉ xét dưới góc độ "chia sẻ lợi nhuận", tức là một doanh nghiệp đứng ra bán thẳng sản phẩm cho khách hàng, số tiền đáng lẽ đầu tư chi cho quảng cáo, truyền thông, PR, chia cho đại lý... thì được chia đều cho khách hàng có công giới thiệu bán sản phẩm cho công ty, thì kinh doanh đa cấp phải là một hình thức kinh doanh tiến bộ. Nhưng tại sao trong thực tế nó lại trở thành đề tài bị chỉ trích và chê bai nhiều vậy?
Dưới cái nhìn và kinh nghiệm của bản thân, một người đã từng tham gia hoạt động trong một mạng lưới đa cấp, không phải ở SL mà là ở GSÔ - một công ty đa cấp với mô hình dành cho những người trẻ - mình thấy mô hình chia sẻ lợi nhuận theo hình thức đa cấp là một mô hình khá hay. Nếu được áp dụng một cách khéo léo và hợp lý, sẽ phát huy tác dụng và góp phần kích thích sự phát triển của bất cứ một loại hình kinh doanh, một loại hình doanh nghiệp nào. Tuy vậy, thực tế thì các doanh nghiệp đa cấp bị chỉ trích thường làm biến tướng mô hình này đi và khiến nó trở nên xấu xí. Đó cũng là lý do vì sao mình quyết tâm rời bỏ nó, coi đó là một "quả đắng đầu đời".
Vì sao ư?
Đây, ví dụ như SL. Sản phẩm mà họ bán ra không phải là cái gì mới mẻ, một phát minh vĩ đại, có công năng đặc biệt tốt với cộng đồng. Nó chỉ đặc biệt ở chỗ nó có một cái tên không đụng hàng với các đồ dùng trên thị trường, còn giá trị sử dụng thì như nhau trong khi hàng hóa khác có giá rẻ hơn nhiều lần. Hồi 2005-2006, mỗi người muốn hoạt động ở SL để được hưởng cái chia sẻ lợi nhuận đa cấp như đã nói ở trên phải bỏ ra số tiền tối thiểu khoảng 3,6 triệu để mua một máy sục Ozon hoặc bộ sản phẩm nào đó giá trị tương đương. Đối với một người có ý định kinh doanh, xác định đó là tiền vốn đầu tư ban đầu thì không phải là nhiều. Nhưng nếu bình tĩnh suy nghĩ, nhất là đối với người nông dân còn ít va chạm và kinh nghiệm, đó quả là một vấn đề. Trong khi đến thời điểm hiện tại, nếu như những thông tin mà báo chí thời gian vừa qua đưa là đúng, thì số tiền họ phải bỏ ra ban đầu để được tham gia kinh doanh và nuôi hệ thống của mình phát triển lên đến cả tiền tỷ, thậm chí gần chục tỷ. Bằng cách tác động vào đầu óc, vào tư duy còn nửa vời của những người lao động qua nhiều chiêu trò quảng cáo, lôi kéo, những doanh nghiệp kiểu này đã đẩy khách hàng vào một mê cung của những tham vọng mù quáng. Cái hoa hồng mà họ được nhận kia hóa ra không phải tích lũy từ tiết kiệm chi phí quảng cáo, đại lý, pr, in ấn gì đó... mà lại chính là từ cái tiền lãi vượt trội mà các doanh nghiệp bắt họ phải trả cho những sản phẩm có giá trị thông thường, nếu không muốn nói là thấp kém.
Hay một ví dụ nữa là GSÔ - nơi mình từng hoạt động. Cách thức kinh doanh của họ hơi khác so với các công ty đa cấp khác. Nếu các công ty khác kinh doanh bằng việc bán sản phẩm, tức là họ bán đồ họ sản xuất ra hoặc bán theo kiểu đại lý cấp I độc quyền phân phối thì GSÔ bán dịch vụ. Nghĩa là GSÔ cung cấp một website bán hàng, ở đó chứa đựng một cộng đồng người hàng ngày lướt web để đọc quảng cáo giống như hàng ngày chúng ta vào google hay yahoo trước đây. Hiểu nôm na thì GSÔ giống như một doanh nghiệp cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Một bên muốn bán thì đăng quảng cáo lên GSÔ để tiếp cận đến số đông những người (cả có nhu cầu và không có nhu cầu mua) đang hàng ngày đọc quảng cáo. Chính vì mô hình này mà GSÔ đã thu hút được nhiều người, trong đó có mình bởi một triết lý đơn giản, khi nào doanh nghiệp còn cần bán và người tiêu dùng còn cần mua thì GSÔ còn tồn tại và phát triển. Và quả thực, điều này đã thu hút được rất nhiều người, cả những giới có đầu óc về kinh doanh. Nếu như ở hình thức đa cấp khác, họ nhận ra rằng sản phẩm đang được bán với giá trị cao hơn rất nhiều so với giá trị thực, thì ở đây không có điều đó xảy ra. GSÔ không bán sản phẩm nên rất "yên tâm", không có chuyện ai đó bị "lừa" vì phải mua cái gì cả. Nguồn tiền mà GSÔ dùng để chia sẻ lợi nhuận cho các thành viên trong cộng đồng chính là từ phí quảng cáo thu được từ các doanh nghiệp, và hình thức trả hoa hồng cũng là mô hình đa cấp như đã nói ở trên. Mỗi cá nhân muốn tham gia để trở thành thành viên của mạng lưới này chỉ phải đóng một mức phí khá rẻ ở thời điểm đó là 100USD, tương đương khoảng 1 triệu 6. Đây là số tiền mà theo như GSÔ thì nó giống như khoản phí duy trì tài khoản, tiền đặt cọc cũng như để đầu tư cơ sở vật chất cho thành viên. Thêm vào đó, mỗi thành viên sẽ được một tài khoản miễn phí để quảng cáo trên trang cho doanh nghiệp mình (hiểu nôm na là vào chợ sẽ nghiễm nhiên có một kiod miễn phí mà bán hàng). Nghe cũng thật quá bùi tai và hợp lý. Nhưng vấn đề cũng chính ở chỗ đó. Nếu bình tĩnh cân nhắc thì sẽ hiểu ra rằng thực chất số tiền mà ta được trả hoa hồng là do chính bạn bè, người thân mà ta giới thiệu mang lại. Mỗi khi giới thiệu một người (trực tiếp hay gián tiếp), ta được trả hoa hồng cho số tiền mà họ nộp vào để hoạt động. Nếu như họ không mời thêm được ai, số tiền 100USD đó coi như rơi vào hư vô, tất cả những gì họ nhận lại chẳng là gì cả (như ở SL hay những công ty đa cấp khác, chí ít họ còn có một sản phẩm mang về, dù là mua đắt). Và đó cũng là lý do nhiều người thức tỉnh, trong đó có mình, rằng việc cùng nhau lôi kéo người thân, bạn bè mình vào một cộng đồng tù mù như thế là nhẫn tâm. Số tiền góp vào đó chẳng khác nào một hình thức góp vốn cục bộ mà kẻ được hưởng lợi chính là "bộ xậu" lãnh đạo của doanh nghiệp, còn thành viên tham gia giống như đang cấu xé một tí tẹo của nhau.
Hãy thức tỉnh khi còn chưa muộn
Như thế, có thể thấy mô hình của các công ty đa cấp hiện tại, dù có nói xuôi nói ngược, văn hoa, hay ho cỡ nào thì theo mình cũng chỉ có hai hình thức trên, một là bán sản phẩm, hai là bán dịch vụ. Bán sản phẩm thì một là tự sản xuất được, bằng những cách đầu tư rẻ và chất lượng sản phẩm không tốt, bán với giá trên trời; hai là nhập độc quyền của một nhà sản xuất nào đó, bán độc quyền với những quảng cáo trên trời và tất nhiên cũng với giá "thiên thượng" như thế. Thứ hai, nếu bán dịch vụ thì là dịch vụ quảng cáo. Thu phí của doanh nghiệp và thu phí của thành viên tham gia, thuê đâu đó một trụ sở, đầu tư một chút cho máy móc, nhân viên tư vấn và cứ thể tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn thuyết để thu hút người ta đến, nghe, tin, tham và theo... Để rồi tất cả cùng nhau lao vào một phi vụ làm ăn nghe có vẻ hoành tráng với thu nhập khủng khiếp mà nhàn hạ. Nhưng sự thực, chỉ những người làm chủ cuộc chơi mới là những người hưởng lợi.
Qua những gì đã trải nghiệm, mình không phê phán mô hình chia sẻ lợi nhuận đa cấp và không phê phán các doanh nghiệp đang áp dụng mô hình này một cách uyển chuyển. Chỉ mong muốn một điều là những ai đang u mê cho rằng tham gia vào kinh doanh đa cấp để phất lên làm giàu nhanh chóng thì hãy thức tỉnh càng sớm càng tốt. Thực tế đã chứng minh, mọi thành công trong kinh doanh đều phải trải qua những vất vả, khó khăn, va đập và khắc nghiệt chứ không hề dễ dàng và thương trường cũng là nơi nghiệt ngã chứ không phải chỉ đơn giản là thuyết phục vài người thân quen rồi cứ thế ngồi cả tháng không phải làm gì cũng tiền tự nó sinh ra.
Cuộc chơi của các doanh nghiệp đa cấp là cuộc chơi của một vài cá nhân có đầu óc. Họ nghĩ ra cách thức để chiêu dụ đánh vào lòng tham của mọi người bằng việc áp dụng hình thức chia sẻ lợi nhuận đa cấp, nhưng thực tế thì chủ yếu vẫn là mọi người trong cộng đồng tự "nuôi" nhau bằng chính tiền của mình, kiểu "mỡ nó rán nó". Còn công việc của những kẻ có đầu óc kia là làm sao tạo ra một môi trường mà những người tham gia vừa sướng, vừa tham, vừa ham lại vừa không biết rằng mình đang u muội trong cái tham vọng kiếm bộn tiền với công việc nhàn hạ "mời người khác cùng tham gia". Để làm được điều này, hãy để ý mà xem, công ty đa cấp nào cũng tổ chức hội thảo, tập huấn hay nói chung là những buổi chia sẻ. Ở đó họ có đội ngũ nhân viên PR khá chuyên nghiệp, dẻo mỏ chuyên làm công việc truyền cảm hứng. Họ có thêm một vài "tấm gương" điển hình, đã thành công và có vẻ giàu sụ và quyền lực. Ở đó họ cũng có thêm các khách mời, các diễn giả là những người nổi tiếng. Và thêm vào đó, họ cũng chú trọng đến tổ chức các hội nghị vinh danh, những buổi dã ngoại, du lịch, sinh hoạt cộng đồng, tặng quà, sinh nhật, từ thiện... Tất cả tạo nên một hình ảnh rất bảnh, rất hoành tráng và uy tín. Đó cũng chính là liên hoàn kế mà những người có đầu óc nghĩ ra nhằm thu hút và thuyết phục mọi người...
P/s: Tâm sự lúc nửa đêm nên còn nhiều điều lủng củng. Tên doanh nghiệp đã được thay đổi!!!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất