Cường giả vi tôn?
Chủ nghĩa nhân tài không còn là một hệ thống giúp mọi người có cơ hội thăng tiến, mà là một cái bẫy, giam cầm cả người chiến thắng lẫn kẻ thua cuộc.

Michael Young, một nhà xã hội học người Anh, là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “meritocracy” trong cuốn sách The Rise of the Meritocracy (1958). Nhưng điều trớ trêu là ông không ca ngợi hệ thống này—ông cảnh báo về nó. Young mô tả một xã hội nơi những người giỏi nhất, thông minh nhất, và chăm chỉ nhất vươn lên nắm quyền, nhưng thay vì tạo ra một thế giới công bằng hơn, họ lại hình thành một tầng lớp tinh hoa khép kín, ngày càng xa rời phần còn lại của xã hội. Ban đầu, đó là một tác phẩm châm biếm, nhưng theo thời gian, meritocracy lại được xem như một lý tưởng, một giấc mơ Mỹ mở rộng ra toàn cầu. Có nhiều tranh luận và quan điểm về thực tài, khác với những ý nghĩa ở trên, trong nhiều hệ thống tổ chức có chính sách trọng người tài có thực lực thay vì các cá nhân vươn mình bằng những mối quan hệ cá nhân và gia đình.Hơn sáu thập kỷ sau, Daniel Markovits, giáo sư luật tại Yale và tác giả của The Meritocracy Trap, tuyên bố rằng điều Young cảnh báo đã trở thành hiện thực. Chủ nghĩa nhân tài không còn là một hệ thống giúp mọi người có cơ hội thăng tiến, mà là một cái bẫy, giam cầm cả người chiến thắng lẫn kẻ thua cuộc. Nó không phá bỏ đặc quyền, mà chỉ thay đổi cách đặc quyền được duy trì.Chúng ta thường tin rằng chủ nghĩa nhân tài là con đường công bằng nhất dẫn đến thành công: ai giỏi hơn, ai chăm chỉ hơn, người đó sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Nhưng Markovits lập luận rằng hệ thống này không tạo ra cơ hội như ta vẫn nghĩ. Thay vào đó, nó củng cố bất bình đẳng, tạo ra một vòng lặp mà trong đó cả kẻ thắng lẫn người thua đều phải trả giá đắt.Có thể nhiều người trong chúng ta đã nghe câu chuyện về một cậu bé nghèo học ngày học đêm, vượt qua mọi khó khăn để vào Harvard, rồi trở thành CEO. Nhưng đó là ngoại lệ, không phải quy luật. Trên thực tế, những tấm vé bước vào giới tinh hoa thường không được trao cho những ai thông minh nhất hay chăm chỉ nhất, mà cho những ai có xuất phát điểm tốt nhất. Con cái của những gia đình giàu có không chỉ được học ở những trường tốt nhất, mà còn có gia sư riêng, luyện thi SAT từ sớm, tham gia trại hè danh giá, và được chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chơi mà những người kém may mắn hơn không có cơ hội tham dự. Chủ nghĩa nhân tài không loại bỏ đặc quyền – nó chỉ thay đổi cách đặc quyền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.Nhưng ngay cả những người “thắng cuộc” trong hệ thống này cũng không hẳn là những người hạnh phúc. Nếu như tầng lớp quý tộc ngày xưa chỉ cần thừa hưởng tài sản, thì giới tinh hoa ngày nay phải lao động cật lực để giữ vững vị trí của mình. Các luật sư hàng đầu, bác sĩ giỏi nhất hay giám đốc ngân hàng đều làm việc 80 đến 100 giờ mỗi tuần, đánh đổi thời gian bên gia đình, sức khỏe và đam mê cá nhân để duy trì vị thế mà họ đã mất cả tuổi trẻ để đạt được. Cái giá của thành công, hóa ra, lại là sự kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.Trong khi đó, những người không có tấm bằng từ Ivy League hay Oxbridge lại ngày càng bị đẩy xa hơn khỏi các cơ hội kinh tế. Khi nhóm tinh hoa làm việc hiệu quả hơn, họ tự động hóa và tối ưu hóa mọi thứ, vô tình làm thu hẹp không gian dành cho tầng lớp trung lưu. Công việc có thu nhập ổn định ngày càng ít đi, trong khi khoảng cách giữa người thắng và kẻ thua ngày càng lớn. Chủ nghĩa nhân tài từng được ca ngợi là con đường dẫn đến sự công bằng, nhưng thực tế, nó lại làm cho nấc thang đi lên trở nên dốc hơn bao giờ hết.Markovits cho rằng đã đến lúc ta phải suy nghĩ lại. Thay vì tiếp tục thần thánh hóa bằng cấp danh giá, xã hội nên tìm kiếm những cách đánh giá tài năng và năng lực đa dạng hơn. Các công ty có thể tuyển dụng dựa trên kỹ năng thực tế thay vì chỉ nhìn vào trường đại học của ứng viên. Những cơ hội phát triển nên được mở rộng ngay trong nội bộ thay vì chỉ săn lùng nhân tài từ những tổ chức danh giá. Và quan trọng hơn hết, thay vì đẩy con người đến giới hạn kiệt sức, chúng ta cần một mô hình làm việc bền vững hơn, nơi thành công không đồng nghĩa với sự đánh đổi toàn bộ cuộc sống cá nhân.Daniel cho rằng có lẽ đã đến lúc chúng ta đặt câu hỏi: nếu chủ nghĩa nhân tài thực sự công bằng, tại sao con đường đi lên lại trở nên hẹp đến thế?Đấy là câu chuyện ở phía bên kia đại tây dương, còn một số nơi khác có lẽ việc quê bạn ở đâu vẫn là chủ đề được quan tâm nhiều nhất.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất