Đọc sách cũng giống như gặp gỡ một người vậy. Đều có một cái duyên nhất định với mỗi cuốn sách. Tôi có thói quen đọc sách cực ngẫu nhiên, gần như phụ thuộc vào cảm xúc của mình, đến với sách như vô tình mà cx như mong chờ. Cuốn theo chiều gió, tôi đọc nó vào lúc lớp 10, thời gian đã góp một phần khiến cuốn sách đó mãi về sau luôn đặc biệt trong cuộc đời tôi.

Tôi vẫn nhớ, thời gian đó ai ai cũng đổ xô đọc ngôn tình, cho dù rất hạn chế nhưng trước sau gì, với đủ loại tình yêu sến sẩm từ truyện đến phim, cái tôi lúc 16 tuổi ấy cũng nghĩ về tình yêu đầy thần thoại, cũng mơ về những con người không có thật, cũng vờ ngơ ngẩn chờ hoàng tử đến. Không hẳn chỉ là tình yêu, đây là thời gian mà mọi thứ đều mới với tôi, bạn bè, trường lớp và môi trường sống. Lần đầu tiên thật sự xa ba mẹ, sống ở một thành phố khác. Tôi không thể khẳng định là mình hoàn toàn ổn được, nếu không muốn nói là tôi đầy hỗn loạn trong mình. 

Tôi đọc nó chỉ như là một cách ngăn mình khỏi những suy nghĩ vẩn vơ. Nhưng rồi như không dứt nổi, cứ đọc, đọc hoài, rong ruổi phía sau Scarlett, Rhett, càng đọc càng thấy bản thân mình trong đó. Cứ ngỡ nghĩ ít đi nhưng có vẻ như ngược lại. Cuốn theo chiều gió không phải là một câu chuyện tình yêu tầm thường và càng không phái chuyện tình yêu diệu kỳ, cổ tích. 

Scarlett có ích kỷ có xấu xa, thậm chí còn cố tình lấy người yêu của chị mình, ngu ngốc đến không nhận ra đâu mới là tình yêu thật sự của đời mình. Thế nhưng cho đến cuối câu chuyện, tôi vẫn chẳng thể ghét nổi Scarlett. Scarlett mạnh mẽ đến đáng thương, Scarlett đầy quyết tâm, sẵn sàng thay đổi chính mình để thích nghi. Tôi vẫn nhớ rõ lúc cô ngồi sụp giữa ruộng rau xơ xác vì chiến tranh và không còn nô lệ làm việc, nước mắt giàn giụa mà tự hứa với chính mình sẽ không bao giờ để cả nhà phải đói, để mình phải nghèo. Tôi yêu cái cách cô tự lập, dẹp bỏ cái định kiến nữ nhi, tự quản lý cả một xưởng gỗ, tự sống theo lý tưởng của mình, tự có những suy nghĩ riêng mà gần như không bị xáo trộn bởi bất cứ ai. Nếu nói Scarlett là một bức tranh thì đó chắc hẳn là một bức tranh rõ nét, có độ tương phản cao và đẹp cuốn hút. Scarlett không phải là một nhân vật, đó là một con người.

Còn Rhett, tôi thương Rhett. Một người đàn ông mà người ta có thể gọi là play boy được đấy. Rhett giao du với gái điếm, Rhett làm đầu cơ, giàu có khi cả miền Nam nước Mỹ xơ xác vì thất trận, Rhett biết tất tần tật những suy nghĩ ích kỷ xấu xí của Scarlett, Rhett nhìn và cười vào cô, đứng trước Rhett, Scarlett như bị bóc trần, mọi toan tính tưởng rất gian xảo mà hóa ra lố bịch vô cùng. Thế nhưng Rhett rất lý trí, nhìn rõ sự thất bại không sớm thì muộn của miền Nam khi quân đội chỉ toàn là những quý ông cả đời chỉ biết cầm tay phụ nữ, quẩn quanh với những bữa tiệc, thú vui nhàn hạ. Rhett bị xem là kẻ phản bội nhưng lại đóng góp rất nhiều tiền của ủng hộ cho miền Nam. Rhett biết rõ Scarlett hơn ai hết, Rhett hiểu mọi tật xấu của cô nhưng vẫn yêu cô, yêu cô dai dẳng, nhìn cô lấy hết đời chồng này đến đời chồng khác, nhìn cô mê muội theo đuổi cái thứ chẳng hề hợp với mình. Rhett chấp nhận mọi yêu cầu của cô nhưng lại không hề quy lụy. Đó giống như một tình yêu của một kẻ trải đời, trưởng thành vậy. Rhett yêu và khẳng định rõ Anh chính là người phù hợp nhất với em. Rhett tự tin mà đáng thương đến lạ. Cái thứ tình yêu với Scarlett cx như với đất nước, chẳng cần được công nhận, đôi lúc tôi thấy cũng giống như trẻ con vậy, cứ vui vẻ cho đi, thế thôi.

Gần cuối câu chuyện, khi hai người đã trải qua biết bao biến cố, miền Nam nước Mỹ thật sự đã bại trận, hai người cuối cùng cũng lấy nhau, có con rồi mất con, Rhett đạt đến giới hạn của mình mà quyết định từ bỏ cô. Rhett bảo với Scarlett '' Tình yêu vĩ đại nhất cũng có thể bị lụi tàn'' Câu nói đó giúp tôi làm sáng tỏ rất nhiều thứ. À thì ra là đúng vậy. Câu nói đó không khiến t nghĩ tiêu cực rằng chẳng có tình yêu vĩnh viễn trong đời. Câu nói đó làm t hiểu ra, dù tình yêu đến từ trái tim, là thứ ta không điều khiển được nhưng để giữ được nó cũng cần sự cố gắng. Một tình yêu đâu có xây lên chỉ bằng cái duyên đâu, đâu có tự nhiên mà sống sót, đâu có cứ để yên thế rồi đâu sẽ vào đó. Tình yêu cần rất rất nhiều sự cố gắng từ cả hai phía. 

Câu chuyện kết thúc mở khi Rhett bỏ đi và Scarlett quyết định về lại nhà bố mẹ mình chờ Rhett. Ban đầu tôi nghĩ rằng Rhett sẽ chẳng bao giờ quay lại với Scarlett. Đây sẽ là sự báo ứng cho cách cô đối xử với Rhett và từ Rhett, nỗi đau đã quá sâu mà không thể nguôi ngoai nữa rồi. Nhưng dần dần, t lại nghĩ khác đi. Scarlett suốt một thời gian dài tự nghĩ là không hề yêu Rhett nhưng sự thực trái tim cô dựa dẫm vào Rhett rất nhiều, là thứ tình yêu vô cùng sâu đậm nên càng không dám nói ra vì sợ chính mình bị tổn thương. Và tôi hy vọng, Rhett sẽ quay về. Đúng là tình yêu có thể lụi tàn nhưng tôi nghĩ cảm xúc giành cho nhau vẫn còn vương vấn nhiều lắm.

Cuốn sách có rất nhiều tầng nghĩa, không hẳn chỉ có tình yêu nam nữ, mà còn là tình yêu quê hương, tình người, sự vươn lên chiến thắng số phận. Mặc dù tư tưởng chính trị của tác giả có phần sai lệch nhưng điều kỳ lạ là khi tôi đọc nó tôi lại rất ủng hộ bà và ủng hộ miền Nam nước Mỹ. Thế mới nói văn học có sức mạnh như thế nào. Gấp cuốn sách lại và trở về với thế giới thực, t mang cảm giác tiếc nuối mà đầy hân hoan. Tôi được tiếp thêm sức mạnh, tự cảm thấy cuộc đời mình còn rất suôn sẻ, tại sao lại u hoài vì những thứ cỏn con ??? Cho đến bây giờ, Scarlett đối với tôi là biểu tượng cho khả năng vô hạn của con người, chỉ cần miệt mài cố gắng, kiên trì đi theo mục đích của mình thì ắt sẽ đạt được. Và tình yêu, hãy cảm nhận bằng cả con tim và lí trí mình để nhận ra ai mới chính là người thật sự phù hợp. Và, hãy yêu khi còn có thể, bởi "Tình yêu vĩ đại nhất cũng có thể bị lụi tàn"