Có phải Trung Đông là nơi mưa bom bão đạn??
"CON ĐƯỜNG HỒI GIÁO" - Nguyễn Phương Mai Một quyển sách du ký đáng để đọc “Trước mỗi lần lên đường, tôi đều trút bỏ mọi định...
"CON ĐƯỜNG HỒI GIÁO" - Nguyễn Phương Mai
“Trước mỗi lần lên đường, tôi đều trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở và trần trụi.
Tôi lên đường như một tờ giấy trắng, vơi niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy và được đổi thay”.
(Nguyễn Phương Mai)
Những trải lòng ở đầu quyển sách của tác giả đã thu hút và để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi về một con người, một lữ khách có niềm đam mê mãnh liệt với XÊ DỊCH, với độc hành. Đi là một cách giúp ta hiểu đất, hiểu người, đi là để trưởng thành hay tìm lại một phần bản ngã và hiểu chính mình, và trên hết đi là để viết nên những câu chuyện thú vị cho riêng mình. Điều đó sẽ càng đặc biệt hơn tất thảy khi ta chọn ĐI khi đã vứt bỏ sau lưng bao định kiến, bao đoán định, chỉ lên đường và vẽ nên bức tranh muôn sắc màu từ chất liệu trải nghiệm thực tế và trực quan của chính mình. Đó là "một tinh thần xê dịch đầy cởi mỡ" mà cô Phương Mai đã đem đến cho bạn đọc qua quyển sách "Con đường Hồi giáo".
Trung Đông, Hồi giáo – vùng đất, tôn giáo chỉ mới gọi tên thôi đã hiện ra trước mắt bao hình ảnh ghê rợn đến khủng khiếp khi được tô đậm với những mảng màu xám xịt và đen tối. Đó là những gam màu đầy chết chóc và đau thương của mưa bơm bão đạn, của sự phân biệt niềm tin, xung đột sắc tộc đến khủng bố diệt vong. Nơi mà tiếng súng lấn át cả tiếng cười, nơi mà bản tin chiến sự đã áp đảo cả bản tin thời sự, nơi mà con người như đu đưa trên sợi dây đầy mỏng manh giữa sự sống và cái chết…. Đó chỉ là phần nổi đầy ít ỏi mà chúng ta vẫn thường thấy về cái nôi ra đời Hồi giáo thông qua sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông đại chúng. Để rồi những hình ảnh không mấy tươi đẹp đó đã trở thành những định kiến ăn sâu bám rễ vào nhận thức của nhiều người khi ta bị truyền thông thâu tóm dẫn đến những cái nhìn sai lệch, một chiều về con người, văn hóa của Trung Đông. Bởi vì “Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có cả phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có cả dạ vũ hoan ca”. Những hình ảnh tươi sáng và rực rỡ đó như một minh chứng rõ nét của phần chìm đang nằm sâu trong hang tối, chúng lung linh và huyền ảo đang trực chờ mỗi lữ khách ngoại đạo đến khám phá và khai thông. Và chính tác giả là người tiên phong lên đường với một tinh thần rộng mở, không vướng bận, không định kiến, với một trái tim đầy trần trụi và căng tràn nhựa sống để chinh phục và khai phá bức màn đầy bí ẩn về vùng đất mang tên Trung Đông – Hồi giáo.
So với cuốn du ký “Tôi là một con lừa” trước đó đơn thuần là thuật lại những cuộc hành trình, trải nghiệm của tác giả khi đặt chân đến nhiều đất nước tươi đẹp đến kỳ vĩ ở các châu lục, thì đến cuốn “Con đường Hồi giáo” này đã có một bước tiến đầy đáng kể. Từng câu chuyện đến từng trải nghiệm được lồng ghép hài hòa với một lượng kiến thức và thông tin dồi dào được kể một cách đầy hấp dẫn và lôi cuốn. Từng vấn đề nhức nhối được đặt ra xoay quanh về sự bám chặt cội rễ tôn giáo vào đời sống văn hóa con người; và đặc biệt là lời cảm, lời bình của tác giả vừa sâu sắc vừa nhạy bén thông qua góc nhìn của một con người ngoại đạo đã đến tận mắt, chạm tận tay vào những đất nước, những con người không ngừng dậy sóng niềm tin tôn giáo muôn đời càng đem đến sự thuyết phục đến lòng ngưỡng mộ tâm hồn và tinh thần của một lữ khách.
Thông qua cuốn du ký này, bạn đọc sẽ cảm nhận mình như được đồng hành cùng tác giả để chinh phục một cuộc hành trình vạn dặm khi băng qua nhiều quốc gia Trung Đông giữa cơn sôi trào nóng bỏng của Mùa xuân Ả Rập, để có cái nhìn rõ nét về cuộc sống, về con người ở mọi đất nước, ngõ ngách mà từng ngọn gió thổi qua, từng lời nói thốt ra đều mang đậm niềm tin tôn giáo. Càng đắm chìm trong từng câu chuyện hấp dẫn của tác giả thì tôi càng vỡ vạc ra nhiều điều đến không ngờ về Hồi giáo ngay từ những buổi bình minh được sáng lập bởi Muhamad là một tôn giáo đã đi trước thời đại về việc bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ trong khi châu Âu vẫn chìm trong làn sương giăng mịt mờ của đêm trường Trung Cổ. Một tôn giáo đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và sự ảnh hưởng ghê gớm đến những vùng đất và quốc gia lân cận lúc bấy giờ. Tuy nhiên theo thời gian, niềm tin tôn giáo tốt đẹp ấy đã bị biến tướng và xoắn vặn một cách đầy đáng sợ và đó cũng là khởi nguồn cho sự bùng nổ và lớn mạnh của sự phân biệt con người đến sắc tộc, của khủng bố và diệt vong. Và như lời thốt lên của chính tác giả “nếu Muhammad sống lại, tôi chắc hẳn, ông sẽ vô cùng bàng hoàng trước sự méo mó của di sản mà ông đã đổ tâm dốc sức gây dựng.”
Tác giả đã đưa độc giả vượt cả không gian và thời gian xuyên qua 13 quốc gia Trung Đông với từng đất nước đã qua, từng con người gặp gỡ, từng khoảnh khắc nắm bắt thông qua lăng kính trải nghiệm đầy dũng cảm đến nghẹt thở của tác giả tại những địa điểm luôn trào dâng mạnh mẽ của niềm tôn giáo với con người và văn hóa đã đem đến cho độc giả nhiều góc nhìn mới mẻ hơn, trực quan sơn, sinh động hơn và tinh tế hơn trong việc thay đổi cái nhìn của mình về Hồi giáo nói riêng đến những tôn giáo hay các vấn đề khác nói chung. Từ đó biết nhìn con người, mọi vật từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau, luôn xuất phát từ sự quan sát, tìm hiểu, tiếp xúc và trải nghiệm chúng để thấu hiểu chúng thay vì ta luôn quy chụp và đưa ra lời phán xét đầy chủ quan, thiển cận, có phần sai lệch về tôn giáo, về con người, về văn hóa khi sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông đã chi phối và che đậy đi những ẩn khuất đầy tươi đẹp và tích cực về cái nôi của tôn giáo.
Hơn thế nữa, hãy luôn biết tôn trọng sự đa dạng, khác biệt thay vì tỏ thái độ dè bỉu và phê phán với những người khác tôn giáo mình; hãy biết tôn trọng các quan niệm sống, gốc rễ văn hóa và cách nhìn nhận vấn đề của những người khác tôn giáo, khác dân tộc đối với mình. Bởi vì bản chất của mỗi con người đều là sự ích kỷ, đố kỵ và lòng ích kỷ đó càng trở thành món quà xa xỉ hơn khi con người hiếm khi học cách chấp nhận sự khác biệt. Vì thể hãy “Bớt cái tôi vị kỷ lại mà bồi đắp nên lòng vị tha”, hãy học cách mở lòng mình một chút, bao dung một chút, nhìn nhận mọi thứ với đôi mắt rộng mở không toan tính, không định kiến, không phán xét thì ta sẽ thấy cuộc đời này, con người này tươi đẹp và thú vị xiết bao. Một câu kết của tác giả trong cuốn du ký này làm tôi rất tâm đắc: “Thế giới không có trắng đen rạch ròi, không có người tốt hoàn toàn mà cũng không có người xấu hoàn toàn. Chỉ có người tốt ít hay tốt nhiều, xấu ít hay xấu nhiều mà thôi.”
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất