Trước tôi đọc một câu của một nhà văn thế này: “”Để viết được một quyển sách tốt thì bạn phải đọc thật nhiều sách và trải nghiệm quan sát thực tế xung quanh rất nhiều mới có thể viết được". Trong rất nhiều quyển sách được xuất bản mỗi năm, quyển sách nào làm bạn thay đổi cuộc đời? 

Bạn có thể chia sẻ thói quen đọc sách của mình?

Tôi có một nguyên tắc đọc sách cũng có thể gọi là thói quen đó là nguyên tắc 10 trang. Khi tôi mở bất kỳ quyển sách nào ra mà tôi đọc một lèo qua 10 trang đầu tức tôi sẽ nên đọc tiếp quyển sách đó, còn nếu không thì có thể quyển sách đó không phù hợp để tôi đọc tiếp. Tôi có thể chia thói quen đọc sách của tôi thành 3 giai đoạn: giai đoạn đầu trước khi đọc sách, giai đoạn thứ hai là đọc thật nhiều thể loại sách và cuối cùng là đọc sâu thể loại mình yêu thích. 

Giai đoạn đầu: trước khi làm quen với sách.

Từ lớp một chúng ta đã được làm quen với Sách giáo khoa do cha mẹ mua để học tập trên lớp. Sách giáo khoa với đủ các môn là sách bắt buộc khi chúng ta đi học, đó là tài liệu chính thống đã được biên soạn bởi những thầy cô giáo giỏi trong ngành. Giai đoạn này dù có đọc nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo, văn thơ các kiểu nhưng là do người khác cung cấp cho chứ chúng ta không chủ động tìm kiếm sách để đọc. 
Lúc này nếu có tìm kiếm sách đọc thì tôi chỉ mua truyện tranh các thể loại như Doremon, Thuỷ thủ mặt trăng, Bảy viên ngọc rồng, Nữ hoàng Ai cập….và các loại báo như Mực Tím, Hoa học trò, Nhi Đồng, Khăn quàng đỏ. À, nếu nói về sách chữ thì thời tôi có bộ sách rất nổi tiếng là Harry Potter chắc hiện giờ bạn nào cũng biết. Giai đoạn trước khi làm quen với sách này kéo dài tới 30 năm đầu đời của tôi.

Giai đoạn thứ hai: đọc thật nhiều thể loại sách.

Bắt đầu từ khi có con đầu lòng, tôi cảm thấy kiến thức làm mẹ, kiến thức tự nhiên xã hội của mình không đủ tự tin để dạy con mình nên tôi đã mua kệ sách và bắt đầu mua sách. 
Đầu tiên, tôi mua đủ các thể loại sách đang là top 100 người mua nhiều nhất trên Tiki. Tôi mua đủ các thể loại sách chính luận, lịch sử, tiểu thuyết truyện dài, thơ, hồi ký, ký sự, sách nuôi dạy con, tâm lý trẻ em theo từng lứa tuổi, sách dạy con kiểu Nhật, dạy con kiểu Do Thái….
Tiếp đến tôi đi hội chợ sách, đi nhà sách, đi đường sách để trực tiếp lựa mua sách. Nhà sách mà tôi hay vào xem là Fahasa, Nhã Nam, Kim Đồng. Thậm chí khi ra nước ngoài đi du lịch tôi cũng chui vào nhà sách để xem nhà sách bên đó thế nào rồi khuân sách thiếu nhi bên đó về làm quà thay vì mua quà lưu niệm. 
Sau khi mua sách cho tôi, tôi mua sách thiếu nhi cho hai con tôi. Tôi thậm chí còn mua một kệ sách riêng chuyên dùng để sách thiếu nhi sau khi thấy kiểu kệ sách vậy trong thư viện của nhà thiếu nhi quận Tân Phú. 
Để lấp đầy những khoảng trống trên các kệ sách tôi đặt mục tiêu phải mua bao nhiêu quyển sách một tháng và dành tiền riêng cho khoản mua sách mỗi tháng đó. Hiện giờ sau nhiều năm mua sách, có một số sách tôi còn chưa mở bao nilon, còn mới nguyên trên kệ. Nhiều cuốn sách thiếu nhi con tôi không thích, không xem một lần nào và tôi phải gửi tặng cho bạn tôi ở xa không có điều kiện mua sách cho con. Đó là một sự lãng phí vô cùng mà tôi đã kịp nhận ra.

Giai đoạn thứ ba: đọc sâu thể loại sách mình yêu thích.

Sau nhiều năm lãng phí tiền bạc mua đủ loại sách, có một số sách còn nguyên bọc nilon chưa được tôi đọc tới thì tôi đã may mắn nhận ra tôi thích đọc thể loại sách nào nhờ nguyên tắc 10 trang. Tôi không ép mình phải đọc những quyển sách đang bán chạy trên thị trường nữa. Nếu một cuốn sách mà tôi đọc được hơn 10 trang thì tôi nghĩ mình nên dành thời gian đọc tiếp còn không thì tôi sẽ cho qua quyển sách đó không đọc nữa. Còn sách thiếu nhi thì tôi sẽ hỏi con tôi trước khi mua, con có thích đọc sách này không, có muốn mua sách này không rồi mới quyết định cùng mua với con.
Hiện tại, tôi hầu như không mua sách mới hằng tháng như hồi trước mà tôi dành thời gian đọc chậm lại những quyển sách tôi đang có trên kệ sách. Những cuốn sách mà trước đây tôi chưa có thời gian đọc sâu để nhớ lâu dù nó phù hợp với tôi. 

Thói quen đọc sách đã giúp ích gì cho cuộc đời bạn?

Khi mua sách, tiếp xúc nhiều với sách thì tôi mới nhận ra là mình thích đọc sách nhiều thế nào. Tôi có thể dành hàng giờ tập trung  đọc quyển sách mà mình yêu thích. Đọc chậm, đọc sâu, ghi chú lại những câu mình thích, đôi khi tôi còn đối thoại với tác giả bằng những ghi chú riêng của mình. 
Lúc trước khi hai con chưa biết đọc chữ, mỗi tối tôi còn dành thời gian trước khi đi ngủ để đọc sách cho hai con nghe. Ba mẹ con quấn quýt với nhau sau một ngày dài nó thật sự là những phút giây hạnh phúc quý giá đáng nhớ của cuộc đời tôi. Bây giờ các bé đã biết tự đọc nên tôi không còn phải đọc cho các bé nghe nữa, vì thói quen đọc sách đã được hình thành từ lâu trong các bé nên các bé rất thích đọc sách, đọc truyện. Tôi không thể ép các con mình đọc sách nếu bản thân mình không thích đọc sách. Một cách tự nhiên khi thấy mẹ cầm quyển sách đọc thì các con tôi cũng sẽ làm thế. Tôi đang đợi các bé lớn hơn một tí để cùng phân tích những quyển sách hay với nhau. Điều đó thật sự rất thú vị.
Đọc sách nhất là những quyển sách hồi ký, sách tâm lý giúp tôi nhìn thấu được cuộc đời mình nhờ những trải nghiệm, những đúc kết quý giá của các tác giả sách. Nhiều khi bắt đầu đọc một quyển sách tôi cảm giác như bước vào một mảnh đời, một câu chuyện và khi kết thúc, tôi không muốn bước ra khỏi trang sách nữa.
Đọc sách giúp ích rất nhiều điều cho cuộc sống của tôi và các con tôi. Tôi trở nên dễ chịu, cởi mở hơn, nhìn sự việc, sự vật xa hơn hiện tại. Tôi trở nên khách quan hơn, chấp nhận nhiều quan điểm đối lập với chứ không khư khư bảo thủ như trước. Tôi đối thoại với con nhiều hơn, lắng nghe con nhiều hơn. Tôi biết có nhiều thứ trên đời là hữu hạn nhưng nếu tôi để lại cho đời một cuốn sách hay, một di sản nào đó có ích là nó còn tồn tại mãi mãi. Và tôi bắt đầu viết thay vì chỉ đọc.

Cuốn sách nào khiến cuộc đời bạn thay đổi?

Cuốn sách thay đổi cuộc đời là cuốn sách tôi được một chị đồng nghiệp cũ tặng năm tôi mới sinh em bé đầu lòng, năm tôi 30 tuổi. Đó là cuốn sách Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con của tác giả Ibuka Masaru người Nhật Bản. Nếu không có quyển sách đó thì tôi đã nuôi dạy con theo bản năng người mẹ với vô số thông tin mịt mờ trên Google mà hở rảnh là tôi Google. Vì sinh con đầu lòng khi đã tưởng mình hiếm muộn nên ai chỉ gì tôi cũng tin, ai nói gì tôi cũng nghe làm theo cho đến khi tôi được tặng quyển sách trên. Quyển sách trình bày rất khoa học từng mục phát triển của trẻ nhỏ từ 0-3 tuổi về trí não, về tâm lý hành vi, sự phát triển ngôn ngữ, sự phát triển vận động tay chân mắt mũi. 
Trước đây do sống cùng với ông bà ngoại nên tôi ỷ lại dựa hết vào ông bà nhờ chăm sóc con vì nghĩ mình còn phải làm việc kiếm tiền nuôi con. Nhưng khi đọc xong quyển sách đó tôi biết mình phải lên chiến lược để nuôi con, mình phải có trách nhiệm với cuộc đời con mình. Không được lấy lý do làm việc, kiếm tiền mà phó thác việc nuôi dạy con cái cho ai khác dù là mẹ mình đi nữa. Không được nghĩ trẻ nhỏ không biết gì, tôn trọng hoàn toàn đứa bé dù nó mới ra đời. Tôi chủ động từ chối một số dự án thiết kế lớn để có thời gian chăm con dù tiền có ít lại. 
Tôi biết những năm đầu đời của con rất quan trọng nên tôi phải là người trực tiếp chăm sóc con mình. Tôi mua thêm sách, mua giáo cụ học tập để cùng học, cùng chơi với con tại nhà. Sau đó vì một vài lý do tôi đã không gửi con đi học mẫu giáo lúc 3 tuổi mà tiếp tục chăm sóc, dạy dỗ con tại nhà đến 6 tuổi mới đi học lớp 1. Nhiều người biết chuyện ngạc nhiên khi tôi cho con tự học tại nhà, họ sợ bé không hòa nhập được môi trường học đường khi chưa từng đi học. Dù có nhiều ý kiến, thắc mắc của nhiều người nhưng tôi vẫn kiên định với chiến lược của tôi. Tôi hạnh phúc với điều mình đang làm.
Tôi phải cảm ơn chị đồng nghiệp cũ đã tặng tôi quyển sách đó, nó thật sự đã thay đổi cuộc đời tôi và các con tôi. Tôi luôn thấy may mắn vì mình có công việc chủ động thời gian để được toàn thời gian bên con lúc ấu thơ. Được học hỏi, lớn lên cùng con thật sự là trải nghiệm không thể nào quên dù có đánh đổi bao nhiêu tiền bạc đi nữa.