Khép lại trang cuối cùng của quyển sách vào lúc 4h30 sáng, phải mất một lúc lâu mình mới có thể “thoát vai” khỏi những nhân vật trong đó, nhận ra trời đã mờ sáng.
Những câu chuyện kể bởi những bạn trẻ phải chịu đựng những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà nguyên nhân phát xuất từ chính gia đình họ. Từng câu chuyện, trần trụi, rách toác, khắc nghiệt, và thật. Thật đến nỗi mình có thể cảm nhận được nỗi đau của Hòa, của Yến, của Trang, của Huy, của Hồng Long (những bạn trẻ trong sách),...  

Suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu mình là gì ấy hả?

“Ước gì Ba Mẹ mình đọc được. Ước gì tất cả các bậc phụ huynh đều đọc được. Ước gì những ai đã, đang, và sắp làm cha mẹ có thể đủ bình tâm để đón nhận những câu chuyện này, lắng nghe những tiếng lòng của các nhân vật trong sách này, để thôi nhầm lẫn giữa tình yêu thương lành mạnh và tình yêu bóp nghẹt, thôi không phân định được tình yêu thương bao dung nuôi dưỡng cảm xúc với tình thương ngục tù giết chết cảm xúc của con cái.”

Cảm xúc của mình khi đọc sách?

Mình không rõ! Đây có lẽ là cuốn sách khơi dậy nhiều cảm xúc tiêu cực nhất trong mình từ trước đến giờ. Dù đã 28 tuổi, và đây lại còn là một cuốn sách về tâm lý tuổi trưởng thành trên dưới 20, thế mà tưởng như mình đang lội bì bõm vào chính nội tâm của mình.
Những câu chuyện của các nhân vật mở đường cho mình can đảm bước vào lịch sử của chính mình. Đau vì nỗi đau rất thật của các nhân vật, đau vì đồng cảm, đau vì thấy bế tắc, đau vì hiểu được những nguyên do (có thể) khiến các phụ huynh đẩy con mình rơi vào tình trạng như vậy.
“Có thể, chính họ, các phụ huynh, cũng là những người cần được chữa lành.”
Thấy bản thân mình trong một số câu chuyện, vô thức bật khóc.
Phần sau của sách mang lại cảm giác nhẹ nhàng hơn và tươi sáng hơn với hành trình chữa lành của một số trường hợp. Tuy nhiên, vẫn không đủ để xoa dịu con sóng cảm xúc khắc nghiệt đã được “kích hoạt” ở phần trước. Trộm nghĩ, bất cứ ai có sự thấu cảm, hoặc nhìn thấy bản thân trong những câu chuyện ấy, đều ít nhiều có những cảm xúc như mình.

Sách giúp gì cho mình và (có thể) cho bạn?

Nội dung sách, với những câu chuyện, những lời kể từ chính các “nạn nhân”, lời trần thuật đầy trăn trở của một số phụ huynh của các “nạn nhân”, người thân “nạn nhân”, lời của tác giả, và phân tích của bác sĩ tâm lý, khơi dậy lòng trắc ẩn và giúp mình hiểu, đồng cảm với tất cả họ. Đồng thời, giúp mình có cái nhìn cảm thông hơn đối với những trường hợp mà nếu là trước khi đọc sách, có thể sẽ là cái nhìn khó chịu và có phần phán xét. 
Cũng nhờ những câu chuyện chất chứa nỗi đau ấy, mình có đủ can đảm để nhìn thẳng vào nội tâm mình, đủ dũng khí thừa nhận: nó đang tổn thương, và cần được chữa lành. Gia đình mình tất nhiên không giống bất cứ một gia đình cụ thể nào trong tất cả câu chuyện trong đó, nhưng nó tồn tại những vấn đề được đề cập. Chúng đã len lỏi sâu trong cuộc sống của gia đình, khiến mình, với cơ chế tự vệ mà bản thân tự xây dựng, nhắm mắt chấp nhận nó như điều phải-xảy-ra; “tự kỷ ám thị” chúng như là chuyện-bình-thường vì bế tắc, vì có cố gắng đến mấy cũng không thay đổi được. Huyễn hoặc bản thân đang làm rất tốt, nhưng thật ra đó chính “nội thương” - loại vết thương có khả năng phá hủy từ bên trong.
Đáng quý hơn, sách giúp mình có cái nhìn nhẹ nhàng hơn, cảm thông hơn, tất nhiên là với các bậc phụ huynh - những người đã vô tình bóp nghẹt con cái trong cái gọi là “vũ trụ tình thương bao la” của họ. Thật xấu hổ khi phải thừa nhận, mình đã từng có những lúc tự hỏi tại sao ba mẹ mình lại nói như này, như nọ, sao lại ép mình như kia; những lúc tinh thần khủng hoảng cùng cực, mình đã có lúc oán trách họ. Giờ đây, nhờ cuốn sách, mình hiểu rằng các bậc phụ huynh nói chung, và ba mẹ mình nói riêng, hẳn đã phải chịu đựng một khủng hoảng nào đó tương tự. Quá khứ của họ có lẽ cũng đầy đau thương, tâm lý của họ hẳn cũng từng bị tổn thương. Hoặc những trải nghiệm của họ ở gia đình thời thơ ấu đã ảnh hưởng đến cách họ yêu thương và nuôi dạy con cái hiện tại. Nhờ sự cảm thông đó, bây giờ mình thấy nhẹ hơn.
Những kiến thức về tâm lý học trong sách được tác giả lồng ghép phân tích, rất có ích với mình. Đồng thời, khơi dậy niềm hứng thú của mình với tâm lý học.

LỜI KẾT 

Tuy sách có các nhân vật ở độ tuổi trên dưới 20, nhưng với mình, đây là cuốn sách đáng đọc dành cho tất cả các bạn trẻ và tất cả những ai đã, đang cũng như sắp trở thành cha mẹ. Bạn trẻ đọc, để can đảm nhìn nhận vấn đề của mình, hiểu, thông cảm và hòa giải với cha mẹ, và có thể cùng nhau chữa lành. Phụ huynh, đọc để hiểu tâm lý con cái mình hơn, để biết lắng nghe, nuôi dưỡng và vun đắp không những đời sống vật chất mà còn đời sống tinh thần của con mình; đọc để có thể phân định giữa tình yêu thương lành mạnh và tình yêu thương ngục tù giam giữ tâm hồn, hạn chế khả năng phát triển bình thường của con cái. Từ đó, hiểu và đồng hành cùng con về mọi khía cạnh nhưng không kiểm soát đến mức bóp nghẹt con, tạo điều kiện cho con cái phát triển lành mạnh và cũng là tạo cơ hội chữa lành những thương tổn của chính mình.