-----------------------
Những ngày tháng bỏ cả chơi game và cắm đầu học của nó đã có tác dụng. Nó vào được lớp chọn.
Trường này phân ra hai ban, tự nhiên và xã hội. Mỗi ban một nửa số lớp theo thứ tự, nửa đầu là tự nhiên, nửa sau là xã hội. Thực chất là sự phân lớp theo năng lực (điểm số) của học sinh. Tự nhiên là những lớp chọn, xã hội là những lớp cơ bản, tùy vào điểm số bài thi đầu vào của học sinh mà xếp từ trên xuống dưới, nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ. Con giáo viên, con nhà có điều kiện, con nhà mặt phố bố làm quan cũng được xếp vào những lớp trên ấy. Bới trường để những lớp trên có giáo viên giỏi, những lớp dưới làm sao cho chúng nó đỗ tốt nghiệp là được, nhưng vẫn nhắm đến vào được đại một cái trường đại học tiêu chuẩn thấp nào đấy.
Nó vào được cái lớp trên ấy, bạn bè nó đều nể, vì chúng nó chỉ vào được lớp giữa hoặc dưới. Nó bị ông bà dọa, tiếp cận được ít nguồn tin, nó đâm ra sợ, chịu khó học. Bọn kia thì vốn học khá, bạn bè lớp trên, anh chị lại trấn an chúng nó, chúng nó đâm ra chủ quan, chúng nó chẳng buồn học, chúng nó lại nửa lêu lổng, ham chơi, chả mục tiêu cao lớn gì, chẳng có lí do để chúng nó học. Nó thực ra cũng chẳng vì mục tiêu to lớn, nó chỉ muốn không rớt cấp ba. Không biết giới hạn của mình tới đâu, nó làm hết những gì có thể. Và bằng phép màu nào đó, nó nghĩ, nó vào được lớp chọn.
*
Lớp mới, lại bạn mới, bè mới. Có điều bây giờ khác. Bọn này lớp chọn, ngoài con ông cháu cha hay hi hữu như nó thì toàn thành phần hay học. Những thành phần bị cha mẹ bắt ép học. Chúng nó học để làm vui lòng cha mẹ. Cha mẹ vui, cha mẹ khen chúng nó khi được điểm tốt, và chúng nó hiểu đó là cách để lấy được tình thương từ họ. Chúng nó tập trung vào việc học chỉ để làm vui lòng cha mẹ, chọn nghề cũng theo ý cha mẹ chúng. Một đám thú cưng không hơn. Bọn này coi việc học là ý nghĩa cuộc sống của chúng. Chúng nó bị cha mẹ điều hướng thay vì bản năng, bị những trò vui lôi kéo. Chúng nó luôn bị nhét vào cùng một chuồng, nơi mà có đồng loại của chúng, những đứa cũng bị cha mẹ điều hướng vào việc học. Xung quanh chúng nó ai cũng học, tạo ra tâm lý đám đông, chúng nó coi học giỏi là một việc mang lại giá trị, vì đứa nào điểm cao hơn thì có vị trí cao hơn, và lại có thêm một mục tiêu khác ngoài để làm vui lòng cha mẹ chúng.
Chỉ có việc học mới mang lại giá trị. Nó không thể dùng mấy câu đùa hay sex joke để thu hút người khác. Dù thực tế ra chúng vẫn có tác dụng, nghiêm túc thì nghiêm túc chứ chúng nó chưa phải những cỗ máy, nhưng ngoài mấy câu như “kì thi đầu vào mày được mấy điểm?”,“học thuộc lòng chưa? Nay cô trả bài đó”,“đơn vị cái này là cm hay mm vậy mày?”, chúng nó chẳng mấy khi nói gì khác. Nó chẳng tìm được cơ hội để thể hiện mình.
Bởi thế, thời gian đầu nó ở ngoài nhiều hơn trong lớp. Nghỉ giữa giờ là nó phóng ra ngoài, ra chơi là nó phóng ra ngoài, xuống mấy lớp dưới, gặp lại đám bạn cũ, tám chuyện. Nhưng họ hàng xa thì không bằng láng giềng gần. Nó chỉ chưa có cơ hội hòa nhập mà thôi.
Bình thường nó trầm lặng. Nó không quen đi bắt chuyện, xía mũi vào cuộc nói chuyện của người khác, như một thứ hậu quả từ thời cấp một. Bọn này lại toàn nói về việc học, tuy là những việc với nó cũng không mấy xa lạ, nhưng không gần gũi bằng game hay mấy câu đùa. Nếu có, có khi nó đã chịu bắt chuyện, buột miệng tham gia một cuộc nói chuyện có chủ đề mà nó biết rõ, dù chỉ với một hai câu. Vậy nên nó thấy mình lạc lõng ở đây, nó chẳng dám bắt chuyện với ai.
Thời cấp hai thực ra cũng là do bạn nó chịu bắt chuyện với nó. Bạn nó biết nó mất gia đình, đủ ý thức để biết rằng đấy là chuyện đáng tội nghiệp, thấy nó tội nghiệp, chẳng nói chuyện với ai, nên đến bắt chuyện. Ban đầu chỉ là mấy câu xã giao giả tạo, nhưng chúng nó mau chóng tìm được điểm chung, vì chơi cùng một game, thực chất là cái game duy nhất mà chúng nó đang chơi, phổ biến đến mức ai cũng biết là trò gì. Chúng nó bàn tán về game đó, kết bạn ảo với nhau, rủ rê, lôi kéo nó vào chơi chung phòng với mình, lôi nó ra khỏi cái kén mà nó buộc phải ở trong, sau thì cho nhau niềm vui bằng những câu truyện cười, những câu đùa, và dần trở nên thân. Có điều chẳng đến mức thân thiết.
Bọn này thì chẳng bắt chuyện với nó. Chúng nó biết nhà nó mất cả, nhưng điều đó không làm chúng nó quá thương cảm. Bởi nhà chúng nó đầy đủ (không thì đã chẳng thành ra một đám vật nuôi), chúng nó chẳng biết cảm giác mất gia đình là như nào. Nhà chúng nó lại thờ ơ, tất nhiên rồi, chúng nó phải giao dịch tình thương, chúng nó chẳng hiểu nỗi cái gọi là tình cảm gia đình, nên cũng chẳng biết quý trọng nó. Kể cả khi tưởng tượng cảm giác mất đi gia đình, chúng nó cũng chả cảm thấy gì tệ lắm.
Hoàn cảnh của nó không đủ gợi sự thương cảm trong chúng. Lòng tốt, chúng nó chẳng được dạy. Chúng nó chỉ được giáo dục lí thuyết và bị dạy là phải ngoan. Ngoan đây tức là vâng lời. Tất nhiên chúng nó vẫn học được những việc tốt từ xã hội, một trong những mặt tốt của việc dạy dỗ để trở nên ngoan ngoãn là chúng nó ít tiếp thu những cái xấu (theo quan điểm của cha mẹ chúng), nhưng lòng tốt lại không được khen ngợi, trả lại tiền nhặt được không quan trọng bằng việc chúng nó được điểm 10. Lòng tốt không được cộng hưởng để hình thành nhân cách chúng nó. Chúng nó chẳng việc gì phải sống tốt, chẳng việc gì phải làm người tốt và đi bắt chuyện với một thằng mất cha mất mẹ để nó đỡ cô đơn. Học hành tốt là đủ rồi, ngoan là đủ rồi.
Và lí do cuối cùng: chúng nó không dám mạo hiểm. Sống trong sự bao bọc, điều khiển, được dạy rằng phải ngoan, chúng nó quen với sự an toàn. Nó trầm lặng, ít nói, ít thể hiện bản thân, chẳng có bạn bè để chúng nó thăm dò qua cuộc nói chuyện (thực ra không phải nó không có bạn bè, mà bọn đấy chẳng biết bạn bè nó là ai. Thậm chí nó đi đâu giữa giờ nghỉ chúng còn chẳng biết. Bởi chúng thật ra không có nhu cầu kết bạn với nó, chẳng việc gì phải bỏ công tìm hiểu), khiến chúng cảm thấy nó dị thường, khác biệt với chúng nó. Xã hội không hay tồn tại những thằng như thế. Đa phần là phải nói nhiều, hòa đồng, giỏi giang, hướng ngoại, dù chỉ là giả tạo. Người ta thường quen thuộc với những thằng như thế, đến chúng nó cũng hiểu, gần gũi được. Nhưng thằng này thì không. Nó dị thường, bọn này không dám mạo hiểm, kết cục chẳng đứa nào bắt chuyện với nó.
Nhưng cơ hội rồi cũng đến. Giáo viên thấy nó ít nói, biết hoàn cảnh nó, muốn lôi nó ra, họ gọi nó lên trả lời thường xuyên. Không phải khi không mà vào được cái lớp này, nó trả lời đúng đa phần, lại hay được gọi, và bọn kia nghĩ rằng nó giỏi. Nó đáp ứng được cái tiêu chí giá trị quan trọng nhất của cái lớp này: học giỏi, và bọn kia đã có thứ quen thuộc để làm chủ đề, thế là chúng đến bắt chuyện. Đầu tiên là những đứa ngồi cạnh. Chúng nó quay xuống, quay ngang, khều lên hỏi bài, dù chỉ nặn óc ra tí là chúng nó giải được. Nó trả lời được, thế là bọn đấy hỏi nhiều hơn, từ môn tự nhiên đến môn xã hội, sau là tới những thứ khác ngoài việc học. Bọn này chưa phải cỗ máy, chúng nó vẫn có cuộc sống đời thường. Có điều vừa ít ỏi, vừa nhạt nhẽo. Đa phần cuộc sống chúng nó vẫn là học. Vậy nên mấy câu đùa của nó cũng làm chúng thích thú.
Nó làm người khác cười, nó có được cảm giác vị trí, nó dần cởi mở hơn với cái lớp này, và cái lớp này cũng chú ý đến sự tồn tại của nó nhiều hơn.
*
Nó lại có bạn, nhưng vẫn xuống lớp dưới thường xuyên. Nó học chỉ để không rớt cấp ba, nó không biến việc học thành mục tiêu, nó vẫn giữ những niềm vui lêu lổng cũ. Chúng nó vẫn rủ nhau đi chơi game. Nhu cầu tìm vui của nó vẫn lớn hơn những thứ khác, lại không có mục tiêu gì, nên tất nhiên, nó học bết bát dần.
Thời gian đầu vẫn ổn, lớp 10 chưa khó lắm, nó lại có nền tảng từ khi học thi đầu vào. Có điều, nó học vẹt, nó học mẹo, nó học cái bề mặt thay vì từ những thứ cơ bản, nó không có nền tảng kiến thức vững vàng, bởi trước đó nó chẳng chịu học hành gì. Từ từ là nó lộ cái yếu điểm ra ngay. Giờ thì chưa, nên bọn kia vẫn gần nó. Hoàn cảnh đặc biệt khiến chúng thận trọng, nhưng một khi hiểu hơn về nó, chúng có thể thoải mái tiếp cận, trò chuyện, và tâng bốc. Tuy nhiên, đó lại là cái thòng lọng đang siết chặt cổ nó, bởi đấy toàn những thứ giả tạo.
Được bạn bè vây quanh, tâng bốc, nó thành ra chịu sự kì vọng, áp lực. Thứ áp lực đó chỉ có trên lớp, ở nhà nó không phải chịu, nên xõa, để rồi khi lên lớp thì lại càng trầm trọng hơn. Nó áp lực khi giáo viên gọi trả lời câu hỏi, khi bạn bè hỏi bài, nó chịu bao nhiêu thứ ánh mắt trông chờ, như bao nhiêu lưỡi dao nhăm nhe nó. Nó xõa ở nhà, để rồi áp lực trên lớp. Nó học bết bát dần, nên cũng ít trả lời đúng hơn, mỗi lần như thế nó lại câm như hến.
Rồi cái gì đến thì cũng đến. Kết quả thi đã có, thứ mà học sinh dùng để “đánh giá năng lực của bản thân”, giáo viên cứ thế đọc cả điểm tổng kết từng môn của từng đứa ngay trên lớp. Nhưng may cho nó, giáo viên cho nó một lối thoát, để nó không bay thẳng xuống vực. Họ nói nó càng ngày càng lười học. Thế là nó dựa vào đó, để người khác không biết mình vốn dốt, để bọn kia không xa lánh nó. Nhưng nó nhầm, bọn đấy vẫn không còn nói chuyện với nó nhiều như trước nữa. Chúng tiếp cận nó vì nó giỏi, chúng chẳng quan tâm nó vốn giỏi hay dở, hay quan tâm đến con người nó. Bởi thành tích mới là thứ quyết định giá trị. Nó không còn giỏi, chúng chẳng việc gì phải quan tâm nhiều như trước.
Không còn sự giỏi giang, nó chỉ còn những câu đùa. Sự giỏi giang giúp nó hòa nhập được với cái lớp lấy việc học làm lẽ sống này, giúp nó không còn bị cô lập, giúp nó có thể lên tiếng, thậm chí tạo vị trí cho nó trong lớp. Nhưng những câu đùa thì không, chúng chỉ có thể dựa trên sự tự tin mà sự giỏi giang để lại để thể hiện mình. Việc chính của cái lớp này là học, những câu đùa không thể giúp nó có thêm sự chú ý. Giờ chẳng còn ai đến bắt chuyện với nó nữa, những câu đùa chỉ xuất hiện được khi có đứa nói gì đó liên quan, nhờ vào sự tự tin có được khi còn giỏi giang mà dám lên tiếng, để thu hút sự chú ý, nhưng vô ích. Hồi đầu nó còn đùa nhiều, sau ít dần. Và rồi nó biết mình không thể dựa vào những câu đùa để thu hút sự chú ý nữa, nó thôi đùa đi. Nó chuyển sang hòa nhập với cái lớp này. Nó học.
Nhưng rõ ràng, thế mạnh của nó không phải học. Nó không có những nền tảng vững chắc, nó chẳng phải thiên tài, nó ham chơi nhiều hơn ham học, như một hậu quả của sự thiếu thốn tình thương và những tháng ngày bị cô lập hồi cấp một. Giờ vẫn chưa thoát ra được, nó lại bị bạn bè cũ lôi kéo, vừa để nó tìm kiếm niềm vui, vừa để nó không bị mất bạn. Để không bị mất, không phải để không làm mất những người thấu hiểu nó, quan trọng với nó. Bới thế mà những gì nó làm chỉ là đi chơi game, tán nhảm. Chuyện gia đình chẳng bao giờ lọt vào nổi, dự định tương lai cũng chỉ là nói chơi, chẳng tư vấn nhau được câu nào. Trước giờ vẫn thế.
Nó học, phần vì để vào đại học. Không phải vì nó chọn học đại học, mà vì đó là con đường duy nhất mà nó biết. Nó vẫn chưa dự tính về tương lai, thành ra chẳng biết gì. Nó sống trong sự bao bọc của ông bà, chẳng phải làm gì để kiếm tiền phụ giúp họ, ông bà cũng chẳng bảo nó giúp, vì thấy tội nó. Ông bà chẳng giàu, nhưng cũng chả ham hố gì những cái cao sang, chỉ muốn sống an nhàn, tự tại. Con ông bà có việc cả rồi, chẳng phải lo chúng nó, nó thì có đất bố nó để lại lo, ông bà chẳng phải vất vả thêm vì nó. Ông bà cứ thế sống an nhàn, và ảnh hưởng tới nó, vì họ không gieo vào đầu nó cái tư tưởng cơm áo gạo tiền hay thú vui giàu sang. Thế nên nó chỉ việc chọn thứ mà người ta ai cũng chọn: vào đại học.
Nó chẳng có dự định gì cho tương lai. Hoàn cảnh hiện tại không gì tệ hại nhưng quá khứ thì bi kịch, nó phải liên tục tìm kiếm niềm vui, và giờ thì vẫn giữ cái thói quen đó. Nó chẳng bao giờ đối diện với cuộc đời mình, nó không quen nghĩ đến những thứ khiến nó bất an, và cứ liên tục trốn tránh. Nó đành xuôi theo những gì người ta dẫn dắt.
Ông bà bảo nó học đại học, vì ai cũng thế, xã hội ít có ai nghĩ đến con đường nào khác ngoài đại học. Ông bà cũng chẳng có lam lũ gì, chẳng phải bảo nó mơ lớn hay gì đó. Cơ mà có lam lũ thì nó cũng chả có lệ thuộc vào ông bà, nó lại là con người ta, ông bà chẳng bảo nó theo nghiệp mình hay cái nghiệp bình thường nào khác. Nó có điều kiện, ông bà bảo nó vào đại học.
Bạn bè cùng lớp nó cũng vào đại học. Bọn này thì khỏi cần nói về lí do. Chúng nó bị cha mẹ điều hướng, có muốn làm cái khác cũng không được. Gần hết lớp là như thế.
Nó học theo phong trào. Người ta bảo nó học, bạn bè nó đều học, để vào đại học. Nó phải học để không bị cô lập trong cái lớp này, chủ yếu là thế. Giờ thì nó chịu ngồi nhà học, ít đi chơi game hơn. Phần vì nó ngày càng xa cách đám bạn hồi cấp hai.
Cái gì không được nuôi dưỡng thường xuyên thì dễ sụp. Chỉ đi chơi game lâu lâu một lần, và càng ngày càng ít đi, không đủ để giữ chúng nó thân thiết. Mấy câu tán nhảm, chuyện đùa ngày càng ít xuất hiện hơn, tỉ lệ thuận với số lần gặp nhau, vì đôi khi chúng nó phải học trong giờ ra chơi, để lên trả bài, kiểm tra tiết tới. Và vầng, đứa nào cũng có bạn bè mới, kể cả nó, dù chỉ là mấy đứa ngồi gần bàn. Ngồi gần bàn, có muốn im lặng cũng không được, thế là phải cố tỏ ra thân một cách giả tạo khi bị nó bắt chuyện, chúng là bọn trước kia tâng bốc nó nhiều nhất. Nhưng dần thì nó không bắt chuyện nữa. Bạn bè trong lớp không thân, nó vẫn phải xuống mấy lớp dưới. Cơ mà bạn bè cũ đều đã có bạn mới, thường xuyên chen vào cuộc nói chuyện của nó. Nó không quen kết bạn, nên không hòa nhập được với cuộc nói chuyện của bọn kia, thời gian nó im lặng nhìn bọn đấy nói chuyện với nhau ngày càng tăng, nó thấy lạc lõng, và về lớp. Dù trong lớp cũng chẳng khá hơn, nhưng sân nhà quen hơn sân khách, ít nhất nó quen mặt bọn ở đây hơn lớp dưới.
Nó học, nhưng vẫn bết bát so với cái lớp này. Nó chỉ học để không bị cô lập, hay ít nhất là nó nghĩ thế, nó chỉ học để không phải đứng top lớp từ dưới đếm lên. Đại học, nó chẳng thật sự lo lắng. Nó chẳng mục tiêu gì lớn, cơ mà gần như là chẳng mục tiêu gì. Ông bà chỉ bảo nó vào đại học, thế thì đại học gì cũng được, cứ có bằng đại học là được. Nó như bao đứa, quan niệm đại học chỉ là đại học, nó không gắn đại học với một ngành nghề cụ thể nào để theo đuổi, bởi nó chẳng hề dự tính đến tương lai. Nó chẳng việc gì phải tập trung học, nó lại cắm mặt vào những trò vui, những thứ khiến nó trốn tránh cuộc đời. Smartphone, Facebook, Tik Tok, những liều thuốc kích thích dopamine rẻ tiền tới mức chỉ có tác dụng giết thời gian, nhưng với những đứa như nó lại là phương tiện chính.
Nó học không giỏi, những trò đùa ít tác dụng, nó chỉ có thể đú theo người khác, cố gắng hòa nhập với chúng. Nó so điểm bài kiểm tra, với những bài điểm cao, điểm thấp thì thường là giấu đi, được hỏi mới trả lời, rồi đánh trống lảng, chống chế, “sáng nay tao chưa học bài, hôm qua mệt quá”, kiểu vậy. Nó theo bọn kia lên bảng làm bài. Nó phải lên bảng giải bài, vì bọn kia ai cũng thế, tất nhiên nó chỉ làm những câu dễ. Nó đi theo đứa cùng bàn sang hỏi bài lớp trưởng, lớp trưởng giảng, chả hiểu gì, nó quay sang chép của đứa cùng bàn.
Giờ thì nó chỉ còn biết đú theo bạn bè, còn tệ hơn hồi cấp hai, lúc mà ít nhất nó vẫn còn vị trí. Nhưng con người ta chỉ có thể thấy mình tồn tại khi thể hiện bản thân, cố hòa nhập chỉ giúp họ không bị lạc lõng, cô lập. Vậy nên những câu đùa không mấy tác dụng, nhưng nó vẫn dùng. Những câu đùa của nó, đa phần là sex joke, đùa nhảm, toàn những thứ chỉ làm người khác cười, nếu xuất phát từ một đứa vui tính, năng nổ. Nên nó cố tỏ ra như vậy, cố tỏ ra năng nổ, để bù vào phần giá trị bị thiếu của những câu đùa. Người ta năng nổ được nhờ có điểm mạnh nào đó, nó năng nổ để tạo ra điểm mạnh, để khiến người khác thấy mình vui tính. Do đó cái sự năng nổ của nó nom giả tạo đến sởn cả gai ốc, thậm chí bọn này cũng thấy được thế. Những đứa ngồi xa, chúng nó bàn tán, cười cợt nó, tất nhiên không để nó biết. Những đứa ngồi gần vì phải cố tỏ ra tử tế, chúng nó cười nói với nhau một cách giả tạo, người tinh ý sẽ nhận ra ngay.
Nó năng nổ giả tạo, lúc nào cũng thấy nó cười cười, cả bọn này nữa. Nhưng sự năng nổ giả tạo rất dễ sụp. Nó không năng nổ khi bị gọi lên trả bài, không thuộc, và bị ăn con 0, ghi thẳng vào sổ, nó về chỗ, rồi im luôn đấy. Việc chính của cái lớp này là học, học quyết định vị thế trong cái lớp này. Học không được, lộ cái điểm yếu ra, và sự tự ti lấp mất năng nổ của nó.
Nó không năng nổ khi không có mấy đứa gần bàn xung quanh, những đứa duy nhất mà nó “thân”. Ngồi giữa những người xa lạ, dù thực ra chúng cùng lớp, chỉ là ngồi xa nhau, nó chẳng làm gì ngoài lướt điện thoại, chơi game một mình, không thì ngủ. Nó cũng không năng nổ khi ở nhà. Nó không thể cố hòa nhập khi chẳng có ai, nó không thể lấy vị thế với ai khi ở nhà một mình. Ở nhà nó chỉ có ăn, xem tivi, lướt điện thoại, chơi game, ngủ trưa. Nó ngủ ngày phải cỡ 4 tiếng. Ăn cơm xong, lướt điện thoại, buồn ngủ, nó ngủ đến 5h chiều. Chiều tối lại ăn cơm, xong xem tivi, rồi vào phòng, lướt điện thoại, chơi game. Trưa ngủ nhiều, ít nhất phải nửa đêm nó mới ngủ. Ngày của nó cứ lặp đi lặp lại như thế.
Nó chẳng mấy khi học ở nhà, trừ khi bị cô bắt chép phạt, hôm sau đến lượt nó trả bài, có bài kiểm tra. Không làm những cái đấy, vi phạm nội quy, cô bắt nó trực nhật, tái phạm thì gọi về gia đình, mời ông hoặc bà lên mắng vốn, ông bà bận, cô về đến tận nhà mà làm việc. Giữa việc bỏ ít thời gian mà về bản chất là rảnh rỗi ra với bị chửi, nó thừa biết nên chọn cái nào. Nhưng hầu hết là trì hoãn, nó cứ thôi để mai làm, để rồi vắt chân lên cổ mà làm cho xong, để rồi chỉ đạt được kết quả nửa vời.
*
Không mục tiêu, không lẽ sống, không ai thúc ép, chẳng người thân thích, chả ai quan trọng, đến tôn giáo cũng chỉ là niềm tin. Nó cứ sống dật dờ như một cái xác như thế. Như một con người, nhưng theo nghĩa tự nhiên, một loài linh trưởng có bộ não phát triển hơn tất cả loài khác trên trái đất, có điều nó chỉ dùng bộ não đó để sinh tồn tốt hơn. Bởi nó chẳng hề suy ngẫm về cuộc đời, về lẽ sống của mình. Chỉ biết tuân theo những gì mà hoàn cảnh của nó sắp đặt. Làm theo những gì người khác làm, tin những gì người khác tin. Quan hệ bạn bè một cách giả tạo. Không chính kiến, chẳng có cái cá nhân. Không chịu suy ngẫm, nghi ngờ cái cuộc sống của mình. Lười biếng, chỉ biết thỏa mãn bản thân một cách nhất thời, bằng những phương tiện sinh ra để làm điều đó. Bởi nó chỉ cần những niềm vui nửa vời, vì đó là kiểu niềm vui duy nhất nó biết. Hiểu biết ít ỏi, không biết thứ gì mới thật sự là có giá trị với bản thân, chẳng mang lí tưởng, nó cứ sống bằng bản năng, để mặc người khác dẫn dắt.
Bạn bè nó cũng chẳng khá hơn. Những con thú cưng, chỉ biết học và sống theo sự sắp đặt của kẻ khác, bị gieo vào đầu những lẽ sống nửa vời. Quan hệ với nhau cũng nửa vời, giả tạo, nhờ đó cũng chẳng có mâu thuẫn gì, những cũng chả gắn bó, an ủi được những nỗi buồn cho nhau, chẳng bao giờ trở nên thật sự quan trọng với nhau. Chúng nó quen với sự an toàn, nên chẳng dám động đến nỗi buồn của người khác, lắng nghe nỗi buồn của họ, phần bởi chúng cũng chẳng bao giờ được lắng nghe, do đó cũng không biết cách lắng nghe. Cơ mà chúng nó cũng chẳng có nỗi buồn. Thực ra là có, nhưng chả bao giờ nhận ra, rằng mình đang bị kìm kẹp, sống trong lồng. Bởi hiểu biết của chúng quá ít ỏi để biết ghê tởm cái hoàn cảnh của mình. Chúng nó học giỏi, nhưng lại ngu dốt về tư tưởng. Trớ trêu thay, vì thế mà chúng hạnh phúc. Không hẳn. Chỉ là không đau khổ. Chính xác là chưa đau khổ. Một lúc nào đó khi đã đủ vốn sống, chịu khó ngồi lại để nhìn nhận bản thân, chúng nó sẽ nhận ra, chúng nó sẽ đau khổ. Hoặc không. Hoặc là chúng nó lại tiếp tục bị kìm kẹp bởi những tư tưởng, trào lưu nửa vời khác của xã hội, tiếp tục ngu dốt, và hạnh phúc.
(Còn tiếp)