-----------------------
Bả sống sót qua cái sự kiện ấy. Kinh qua đủ thứ gian khổ mà cuộc sống mưu sinh mang lại. Cơ mà bây giờ cũng chẳng khá hơn.
Bả bán buôn quần quật cả ngày. Sáng vừa ngủ dậy đã phải sửa soạn, đi bán cùng giờ học của tụi học sinh, thay vì công nhân viên. “Dân buôn bán, làm ăn thế thì chết đói à?”. Bán đến tận khi đám học sinh đi học thêm buổi tối mới về đến nhà, tức 6 giờ, trước chợ cũ thì phải hơn. Về nhà rồi cũng chẳng được nghỉ. Việc nó đeo từ chợ về đến nhà, và, vầng, như bao người phụ nữ khác dưới này, cả việc nhà nữa. Chẳng có lấy ngày nghỉ, trừ khi bắt buộc, lễ kiêng việc chẳng hạn.
Nhà bả cũng chẳng hạnh phúc gì, về bản chất. Đám con bả thì kiểu, không có gì đủ để cha mẹ tự hào, còn buồn rầu, tất nhiên rồi. Kể cả khi không có gì tệ hại, chỉ cần đem ra so sánh với con-nhà-người-ta-mà-chẳng-ai-biết-là-ai ấy, kiểu gì cũng có chuyện để phiền. Chồng bả sống rất được trong mắt người ngoài, với gia đình thì không. Như rất nhiều người thôi, nhậu suốt tuần. Ra đường thì vui vẻ sởi lởi, về nhà chửi bới vợ con. Ổng không bạo hành vợ, hẳn rồi, ai cũng thế thì xã hội loạn mất, nhưng đánh vợ thì vẫn có. Cơ mà như thế cũng bị tính là bạo hành.
Chẳng mấy ai biết điều đó, trừ mấy bà đồng cảnh ngộ, gia đình, chị em, những người mà hoàn cảnh cũng chả khá hơn. Làm gì có ai chịu giữ nỗi khổ trong mình, trừ khi chẳng có ai để chia sẻ, nên bả tâm sự tất. Nhưng buồn cười thay, ai cũng thích đi ăn mày tình thương của người khác, trừ những người có lòng tự trọng cao. Nói ra thì hơi tàn nhẫn với những người thật sự cần tình thương, nhưng sự thật là như thế. Cứ một câu “nhìn nhà bà mà tôi rầu chảy nước mắt” thì một câu “nhà tôi hơn gì bà ơi”. Ai cũng muốn mình khổ hơn để thu được nhiều tình thương, thứ làm họ có vị trí để nói chuyện trong mấy cái chủ đề này. Dù vậy, vẫn có những việc người ta không muốn nói ra. Những sự phàn nàn về hoàn cảnh mình, thực chất chỉ là để giải tỏa bức bối trong lòng nhờ đem kể cho người khác, để thu về đồng cảm, nhưng nếu đào sâu hơn, sẽ chỉ xảy ra những việc tồi tệ. Họ sẽ mất vị trí trong xã hội, bị người đời dèm pha, bị mang tiếng xấu. Xã hội vẫn chưa thoát ra khỏi những tư tưởng cổ hủ, nên những việc đó sẽ xảy ra, nếu bả kể sự thật về nhà mình. Hay ít nhất là bả nghĩ thế.
*
Chồng bả đi nhậu suốt tuần, chẳng mấy ngày bỏ, nhưng làm thì lười. Hồi ở chợ cũ, ổng bả bán cùng sạp. May phước, cái mồm ổng hóa ra cũng có ích, vì là buôn bán, cơ mà tùy tâm trạng. Lúc vui ổng bán hàng rất mát lưỡi, lúc buồn thì không. Lúc buồn, giời mới biết vì cái gì đấy, hồi đầu bả bảo. Thực ra là vì hôm đó có đám nhậu, mà giờ thì vẫn ở đây. “Ơ hay, buôn bán không lo mà lo đi nhậu là sao?”. Bả càm ràm bao lần, nhưng ổng trừng mắt, bả lại thôi. Bả cũng như bao người, chẳng dám cãi, vì kiểu gì cũng nghe “tôi đi nhậu mặc xác tôi!”. Còn cãi sâu nữa thì vêu mồm. Mấy lần rồi, bả chẳng cãi nữa.
Rồi thì ổng đang ngủ, khách lại vào. Buôn bán cấm kị ngủ trưa, có ngủ thì chỉ nên chợp mắt, vì đố ai biết khách vào lúc nào, và vì phải coi hàng, có đứa nào đi ngang thó phát là mất vốn. Ổng thì ngủ tiếng hơn, lúc đó toàn bả tự bán. Nhưng nếu khách đông, mình bả không lo được, nên phải đánh thức ổng. Ngủ trưa mất giấc, bực cũng là chuyện thường, nhưng đây là buôn bán, ngủ trưa đã không được phép, đã vậy ổng còn trút cái bực lên mặt khách. Thực ra ổng không làm thế, ai lại làm thế bao giờ? Cơ mà ổng tiếp người ta với cái mặt kiểu quăng vào nồi nấu cháo thịt thì ngon hết xảy. Hầm hầm. Có chó nó mua.
 Khi ổng chơi game trên điện thoại cũng thế. Chả hiểu kiểu gì, phí hoài tuổi trẻ vào cái đấy chưa đủ hay sao mà giờ vẫn chưa chừa. Dính phải trận thua, đồng đội chơi ngu, bài được chia xấu, ổng chửi tục. Lúc đấy ai mà vào mua hàng thì vô phước. Ổng tiếp người ta với cái mặt y chang mất giấc ngủ trưa. Và vô vàn kiểu bán hàng tùy tâm trạng như thế.
Lười ở đây không chỉ là không chịu làm việc, mà làm việc như thể người ta mới là người phải đem tiền dâng cho mình. Làm ăn như thế thì chết đói, bả bảo. Nói không được, hết cách, bán chung có khi lại mang tiếng xấu lây, bả ổng tách ra hai sạp riêng. Làm ăn không đàng hoàng thì há họng, khỏi nói nhiều. Cơ mà bán buôn tách ra, nhưng túi tiền thì xài chung. Cũng chả khác mấy.
Trước lúc cưới, bả khá là mơ mộng về đời sống vợ chồng hòa hợp, chí thú làm ăn, kiếm tìm hạnh phúc, thứ hạnh phúc nói chung chẳng khác gì bao người. Xui xẻo thế nào, bả vớ ngay lão này, miệng lưỡi dẻo như cao su. Còn là người ngoài thì sởi lởi, lấy về rồi coi không ra gì. Cái lưỡi ổng làm sự mơ mộng nâng cấp thành ảo tưởng. Bả với ổng gộp chung vốn, xài chung túi tiền. Bả tưởng ổng chí thú làm ăn. Nhưng không. Làm thì ít, ăn thì rất nhiều. Làm không được, vẫn ăn như thường, ăn của bả. Ổng mở két sắt lấy tiền vô tư, bả hỏi mới nhận là lấy. Suốt một thời gian dài như thế. Bực mình, thấy như vầy không ổn, bả tách riêng ra luôn. Tiền ai nấy xài.
Giờ mới đến cái lúc ổng lộ hẳn cái mặt khốn nạn ra. Túi tiền bị tách, ổng giở đủ chiêu trò để moi tiền.
Bả là thu nhập chính. Hàng hóa bán đa dạng, lại bán buôn đàng hoàng, không như ổng, nên nhiều người mua. Ổng thì chỉ bán vài loại hàng, để gặp ít loại khách, loại khách ổng thích tiếp, loại khách dễ tính, cơ mà vẫn cái thái độ cũ. Thế thì tiền đâu ra? Đúng thế, ổng chẳng có tiền. Đã vậy tiền bán được bao nhiêu, mâm nhậu của ổng ăn gần hết, còn lại là chi tiêu lặt vặt, cà phê, thuốc lá, cây cảnh các thứ. Nhưng đấy chỉ mới là chi tiêu bên lề, những thứ mà lẽ ra người ta không cần chi tiêu. Những thứ thật sự cần thì là, nợ, tất nhiên rồi. Tiền hàng, tiền thuê và sau là mua nhà. Cơ mà tiền không có, trả kiểu gì? Ổng đi mượn. Vầng, mượn nợ chỗ này để trả nợ chỗ kia. Có điều, nợ chỗ này không phải trả. Vì đấy là vợ ổng.
Ổng bả vẫn đi lấy hàng chung. Thì phải thế. Hai người đi cùng một chuyến, đỡ tốn tiền xăng. Không có tiền lấy hàng, nợ, ổng quay sang mượn vợ, bảo bán hàng có tiền sẽ trả. Nhưng rồi quỵt. “Ô hay, bao giờ trả tiền hàng cho tôi?” bả hỏi. “Chưa có tiền!” ổng gắt trả lời. Nom chẳng biết ai mới là người nợ. Cơ mà ổng cứ khất mãi như thế. đến khi ăn hết tiền để lấy hàng chuyến sau, ổng lại quay sang mượn. Như thể tiền nợ chuyến trước chưa hề tồn tại. Nói ra thì cơn cơn cái mặt lên, rôi bảo cứ cộng dồn vào, lúc đấy tiền nợ trước mới xuất hiện trở lại. Nhưng ổng cứ làm thế, đến khi mất hẳn. Nhắc đến thì nghe chửi, gắt lên thì vỡ mồm.
Ổng mang cái thái độ nực cười như thế. Sống thì rõ là ăn bám, nhưng vị trí thì ở bề trên. Nói thì cãi, động đến tự ái thì tát người ta vêu mồm, dù ổng sai rành rành ra, bởi thể mới gọi là tự ái.
Bạn bè ổng chẳng ai biết mấy chuyện này, chẳng ai nói gì ổng. Chả ai bao giờ hỏi ổng ăn nhậu thế thì tiền đâu ra. Bởi họ thực ra chỉ là một đám bè bạn không hơn. Bố mẹ thì bênh ổng. Bả gọi về nhà mách tội ổng, cả nhà ổng lẫn nhà bả. Nhà ba má bả thì vẫn cái điệp khúc “làm dâu thì chịu đi con”, nhà ổng thì như thế, lại còn mách lẻo.
*
Vừa tối đi nhậu về, ổng ra khóa cửa, kêu bả đến, giọng điềm tĩnh, có giời mới biết chuyện gì. Rồi ổng vào ngay vấn đề. “Cô gọi về nhà bố mẹ tôi hả?”. Bả, lẽ ra chẳng có gì phải sợ, cây ngay không sợ chết đứng. Nhưng như con chó bị chủ đánh lâu ngày, bả run, bả biết rõ chuyện gì. Thay vì thẳng lưng lên nói chuyện, vì rõ bả chẳng mách lố cái gì, bả quay sang trách ba má, chửi bố mẹ, bất kì ai mách lẻo ngược cho ổng, làm cái việc chính bả làm với họ. Tuy nhiên, biết mình đúng, bả vẫn đáp lại. “Ờ”.
Giờ thì ổng nói tiếp, kể tội, giọng lúc trầm lúc bổng, lên cao xuống thấp, nhấn nhá đúng gần hết từ cần thiết, trọng tâm. Lời nói không có vẻ gì là say, dù đã nốc cả đống bia rượu, chỉ ngà ngà, nhưng kể cả có tỏ giọng say, nó cũng biến thành âm điệu, làm đanh thép thêm lời nói, vì người say thường dữ, cái sự dữ của người say ăn sâu vào tiềm thức con người ta. Câu từ thì chẳng biết có soạn sẵn hay không, nói vanh vách, không nghĩ ra từ để nói thì lặp lại từ cuối cùng, đến khi nghĩ ra cái để nói tiếp, nhưng không kéo dài quá lâu, để tránh làm chuối cái lí lẽ vốn đã sai nhưng được lối diễn đạt nâng cấp thành đúng ấy. Ngoài ra còn dùng những câu không đúng, cũng chẳng sai, hoặc sai phần đầu, đúng phần sau, để người ta định cãi, nhưng vướng lí lẽ đúng, rồi quên luôn định cãi cái gì. Còn chỉ ra cái sai, thì ổng vặn vào phần đúng mà nói, giọng hùng hổ để lấp cái sai đi. Kết hợp cả cử chỉ bàn tay, nét mặt. Kĩ năng điêu luyện đến mức mấy cuốn sách self help marketing, giao tiếp, thuyết phục phải gọi bằng cụ. Tất nhiên, lí lẽ, vô lí tất.
“Cô có biết là cô đang bôi tro trát trấu vào mặt tôi không? Hả?!”
Ơ hay, nó đen sẵn rồi mà? Phải gọi là đập nát cái lớp trang điểm trắng bóc, dày cộp ấy ra mới đúng.
“Cô nói như thể tôi ngồi không cả ngày vậy.”
Bả không hề nói thế, ổng mới là người nói thế, để có lí lẽ mà chửi người ta, để trách móc người khác bêu xấu mình. Người điềm tĩnh đối mặt sẽ thấy ổng như thằng ngu vậy. Nhưng giọng điệu cốt để lấn át cái đó đi. Ổng không ngồi không, nhưng chỉ có bấm điện thoại đến khi khách vào mới bán thì chẳng khác gì. Đúng không đúng, sai cũng không sai, chẳng cãi được. Nghĩ lại thì chẳng hề ngu chút nào. Ổng khôn, có điều khôn lỏi.
“Tôi đi nhậu để giao du với người ta, chứ có đúm đàn ăn chơi không đâu.” “Tôi đi làm cả ngày, phải cho tôi nghỉ ngơi chứ.” “Tôi ăn của người ta chứ có ăn của nhà đâu.”
Giá như ổng giao du để làm ăn. Mà như thế không ăn chơi đúm đàn thì là gì? Cũng đều là không lo làm chỉ lo chơi. Lúc không có tiền thì ăn bám.
Đi làm cả ngày cơ đấy. Ổng nói với ai thì được, chứ rõ là không có tư cách nói với bả câu đó. Cái cả ngày của ổng chỉ có từ sáng đến chiều, còn chẳng phải đi làm, ngồi mát há mồm chờ sung thì đúng hơn, nếu đem so với bả. Nghỉ ngơi? Người ta ở nhà nghỉ ngơi với vợ, với con. Ổng toàn đi nhậu với bạn bè. Tuần chẳng được mấy ngày ở nhà.
Ăn của người ta? Nhưng tiền mình trả, không bia thì cũng đồ nhậu. Ra quán nhiều khi còn bao luôn chầu. Cái thói thích thể hiện nó thế, bao người ta để tỏ ra mình hào phóng, để được người ta tôn trọng. Ai cũng giành trả. Bởi thế mới không có tiền, rồi túng thiếu lại đè túi tiền vợ ra mà lấy.
Nói nghe cứ như thật. Dù tất cả đều cãi được, dối trá nghe có thuyết phục cỡ nào cũng không thể hoàn toàn chính xác. Kiểu ngụy biện này khó phá ở chỗ là chỉ cần một chút lí lẽ đúng, kết hợp với thái độ hùng hổ, lấn át người khác, nó sẽ thành sự thật. Muốn cãi, cần có một ý chí và tâm lý vững vàng. Nhưng trong trường hợp giữa chủ và chó, còn khuya mới bật được. Bả còn chẳng nghĩ được lí lẽ để mà bật lại. Phần vì bị đàn áp tâm lý, bị sợi xích tròng vào cổ, bả chẳng quen cãi. Phần vì bị mấy chiêu trò ngụy biện lí lẽ làm cho không bật lại được. Bả chỉ còn biết chịu trận. Cơ mà con người ta ai cũng có não, cộng thêm bị xúc phạm lòng tự trọng nặng nề, tìm ra lí lẽ đáp trả, bả cãi ngay, dù yếu ớt, vậy nên ổng cứ thế mà dùng cái giọng hùng hổ, vị trí bề trên, và điềm nhiên thành người đúng. Có điều, những thứ vô lí ổng thốt ra nhiều đến mức lí trí người ta không tiêu hóa nổi, nó lấn át cả nỗi sợ bản năng, nên dù sợ, bả vẫn cãi, một câu, rồi hai câu, ba câu. Bả cãi ngày một nhiều hơn, càng ngày càng hăng hơn. Phần nào giành lại được vị trí, bả tự tin hơn nhiều.
Cho đến khi, BỐP!, một cái tát. “Mày thích cãi không?!”. Ổng sưng xỉa nói. Đây không phải lần đầu bả trải qua những cuộc cãi vã với kịch bản như thế này, nhưng vẫn tức. Như rất nhiều người phụ nữ khác, bả bị lép vế vị trí, vì những áp lực tư tưởng xã hội. Dù vậy, bả là thu nhập chính. Những thứ phải chi trả sau lưng ổng, bả biết nó nhiều như nào, bả biết mình mới là người trả chúng. Ổng tiêu xài chẳng đếm xỉa bả, bả trả nợ thì không kể lể ổng, vì không kể lể được. Bả không coi những gì mình phải làm là bổn phận, bả biết đó là những gì mình làm được, bả có lòng tự trọng, vậy nên bả tức. Bị ăn tát, tức, máu dồn lên não, tâm lý bị lấn át không cản được bả, bả chửi vào mặt ổng. Bả kể hết tật xấu của ổng ra, bả chỉ cho ổng thấy ổng khốn nạn như nào, bả kể lể hết những gì bả phải chịu đựng, bả phải làm cho ổng. Bả chửi vào mặt ổng. Bả chửi tục, bả chửi tục cực, dân bán ngoài chợ với đủ loại người nó thế. Bả chửi tục, như một cách làm thuyết phục thêm lời nói, dù chúng chẳng cần thêm tục từ vào cũng đã đủ quật chết mớ lí lẽ cùn của ổng. Bởi rõ là bả không quen cãi với cái lưỡi cao su.
Nhưng những lời đó không lọt tai ổng. Thực tế là có, có điều không làm ổng tỉnh ra. Cái tỉnh ra, chỉ có lòng tự ái của ổng. Ổng lại “Mày thích cái không?!”, rồi vớ ngay bất cứ cái gì có thể ném được gần đó. Hộp thuốc, cái quạt, cái ghế nhựa, thậm chí cái chén. May thay, không có con dao nào. Không phải vì không ở gần, mà có ở gần ổng cũng chẳng dám ném. Không phải ai cũng mất tự chủ như thế, nhưng vẫn có, bởi thế vẫn có những vụ án mạng xảy ra. Cơ mà nếu ổng say tí nữa, bả chửi gắt tí nữa, biết đâu đấy. Ổng đã có máu đánh người, nghĩa là ổng sẵn sàng làm đến cùng. Đây không phải lần đầu tiên ổng đánh bả, kể cả khi không say. Vậy mà vẫn thốt lên câu “Mẹ! Đã thế hôm nay tao xả láng luôn!” tỉnh bơ.
Ổng ném đồ xong, chuyển sang đập phá đồ đạc. Cứ giận lên là ổng đập. Tivi, nồi cơm điện, bếp ga, chén dĩa, cứ cái gì đập được là ổng đập. Những cái đó, sau cùng là bả phải mua đắp lại, ổng chẳng phải bỏ đồng nào. Chúng đều là những cái dùng chung, bả là người lép vế, nên phải mua. Trừ cái gì mà chỉ mình ổng xài, bả để ổng tự mua lấy. Cái TV treo trên trần, tưởng chỉ để cho gọn, hóa ra lại có ích, vì nằm ngoài tầm với của của ổng, như thể người ta để đồ nguy hiểm khỏi tầm tay trẻ con, dù ổng là người lớn. À mà không hẳn.
Ổng đập phá đồ đạc, để giải tỏa bực tức. Tưởng chừng là để ổng không phải động tay động chân với người khác. Bởi cuối cùng ổng vẫn làm thế.
Bả thấy ổng đập đồ. Cái kẻ không làm ra thứ gì sẽ chẳng bao giờ biết quý trọng thứ đó, lại thêm bực, vậy nên ổng tha hồ đập, nhưng bả thì xót của. Lại tức lên. Bả làm ra những thứ đó, ổng thì đập vô tư, ổng lại coi bả chẳng ra cái gì. Tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng, bả vẫn sợ. Người bị đánh nhiều, chỉ cần giơ tay lên họ cũng co rúm lại vì phản xạ có điều kiện. Dù vậy, bả vẫn chửi. Bả biết mình phải trả cho ổng những gì, sẽ phải trả những gì. Vậy mà ổng vẫn coi bả không ra cái gì. Bả tức nhiều hơn là sợ. Bả chửi.
Ổng đang đập đồ, mồm chửi tục chẳng thua gì bả. Nghe tiếng chửi, ổng quay sang, mắt đỏ ngầu, tự ái lại nổi lên. Ổng bước nhanh tới.”Mẹ. Mày lại thích cãi không?!”. Bả thấy ổng bước tới, chạy lùi lại, xoay người, nhưng ổng bắt kịp, ổng nắm lấy tóc, bả chỉ kịp “Á” một tiếng. Rồi cứ thế, ổng tát. “Mày thích cãi không? Thích nói không?!”. Rồi lại tát. Bả bị tát, co rúm người lại, đưa tay lên mặt đỡ, miệng vẫn chửi, lòng tự trọng vẫn lớn hơn nỗi sợ. Ổng lại tát, bả co rúm người lại, dựa vào tường, trượt xuống sàn, ổng vẫn tát, nom như đánh thì đúng hơn, cả vào mặt, vào đầu, vào cái tay đỡ, vào má.
Bầy con bả, nghe tiếng xô xát, rúc cả vào trong chăn. Chẳng đứa nào dám lên tiếng, phát ra tiếng động cũng sợ. Đứa thì khóc, đứa thì cầu nguyện. Nó cầu nguyện với Chúa, nó hứa hy sinh đủ thứ cho Chúa để đổi lấy cái bình yên mà về bản chất là tan nát cho gia đình nó. Nó tự vấn tội lỗi mình, xem tại sao Chúa lại phạt nó, phạt gia đình nó. Nó xét mình, tội nào nó thấy cũng có khả năng, nó nghĩ chắc vì tất cả những tội đó.
Bả bị đánh, lúc đầu chửi, lúc sau thì van xin. Nhưng rõ là bả chẳng có tội gì với ổng. Như bao người, chỉ có “chừa rồi, chừa rồi”. Rồi như sực nhớ ra, bả bảo không nói ổng vậy nữa. Đấy là cái tội? Vầng. Bả nhận sai. Bả nói, bằng giọng bấn loạn vì bị đánh, nom rõ là thành tâm. Có điều không phải với ai để ý tới lí lẽ.
Nhưng ổng vẫn nắm tóc, tát, như đánh. Ổng tát, bả đã đo đất, vẫn tát. Rồi ổng nắm tay, nắm chân, đẩy bả ra, kéo lại, dọng vào tường. Đầu gối, khuỷu tay bị đập vào tường, vì co rúm người lại, bả đau, còn tiếng thì lan khắp nhà, tướng chừng đến hàng xóm cũng nghe. Cơ mà dù có nghe, người ta cũng im lặng đấy. Trừ khi sang tận nơi gõ cửa cầu cứu, hoặc ổng bả kéo nhau ra đường. Hàng xóm họ im lặng, như đám con bả vậy. Tiếng dọng người vào tường làm họ sợ, họ cũng thường trải qua những việc như thế này, nên họ sợ, họ lo không biết có xảy ra cái gì không, nhưng họ vẫn im đấy. Một tiếng động không đủ để đánh động họ. Người xấu tính hơn thì bảo giờ này rồi còn làm ồn. Nhưng họ sợ tiếng động, không bằng đám con bả. Tiếng động làm rung màng nhĩ lẫn người chúng. Chúng sợ hơn bất cứ ai, vì là người liên quan tới cái nhà này nhất.
Dọng bả vào tường xong, thoải mái, ổng ngừng lại. Chi “Mẹ” một tiếng, rồi bỏ vào phòng, khóa trái cửa lại. Bả nghe tiếng chìa khóa, bả nghe tiếng núm mật khẩu vặn, cạch, bả nghe tiếng cửa két sắt mở. Bả biết ngay chuyện gì. Nhưng xông vào vô ích, bả nằm đấy, nằm cho đỡ ê ẩm, nằm cho bớt đau. Cơ mà vẫn thấp thỏm, nhổm dậy, vì bả biết sắp có chuyện gì. Rồi giờ là tiếng tủ đồ mở, tiếng móc phơi quần áo va vào nhau, tiếng khóa kéo vali, tiếng bánh xe vali kêu lạch cạch.
Cửa mở, ổng bước ra, mất gần 15 phút. Đồ đi chơi mặc sẵn, diện đẹp, áo gió đen khoác ngoài, tay kéo nguyên cái vali. Ổng bước qua bả, bả nhìn vô phòng, nhìn cái két sắt trước tiên. Trống trơn. Ổng chẳng thèm khóa két sắt lại. Còn gì để mà khóa? Giấy tờ ít ai trộm, chẳng có vàng bạc gì. Bả nhớ sơ mất mấy chục triệu. Ổng bả vẫn có khoản chung, đa phần bả cất riêng, nhưng cũng phải mấy chục triệu trong đấy.
Biết mất tiền, bả bước vội ra, nắm lấy tay cầm vali của ổng, van xin. Rằng đấy là tiền trả nợ, để lấy hàng, để sắm sửa các thứ cho gia đình gì đấy. Bả van ổng đừng lấy. Bả van trước cả khi bả van ổng ở nhà đừng đi. Không có tiền thì đi bằng mắt à? Ổng giựt tay ra. Bả lại nắm kéo về. Van. Bả vòi tiền còn nhiều hơn vòi ổng. “Buông ra!”, ổng bảo. Bả lại nắm, cứ giằng co mãi như thế. Ổng giơ nắm đấm ra dọa, bả đưa tay đỡ, tay kia vẫn nắm chặt. Ổng gỡ tay ra, bả nắm cả tay còn lại. Ổng đẩy bả, giựt tay ra, tay vừa giựt được, bả nắm lấy vali. Lại giằng co. “Mày buông ra không!!!”, ổng rống. Bả lại van. Giằng co chỉ làm ổng hăng máu thêm, tiếng van chẳng có tí cân nặng nào, lại còn phản tác dụng, nâng vị thế ổng lên, ổng càng quyết tâm hơn. Có ôm cũng vô ích.
Cuối cùng, ổng vẫn chạy xe máy đi mất, sau một hồi giằng co y như với cái vali, nhưng căng thẳng hơn, vì phải bảo vệ cả cái chía khóa, lại thêm tiết mục giấu chìa khóa xe, lục vali, lấy tiền, rồi bị giằng lại. Giờ chỉ còn tiếng xe máy khuất dần.
Bà nhìn về hướng ổng đi, chết lặng, thẩn thờ. Rồi cũng vào khóa cửa lại, cố làm ra tiếng động để người ta nghe được, trước khi hàng xóm biết bả vẫn còn ở ngoài, sau là ra an ủi. Bả chẳng mặt mũi đâu mà gặp người ta. Bả vào trong nhà, khóa két lại, dọn dẹp đống hổ lốn thủy tinh, mảnh nhựa, gốm ổng bày ra. Nom nhà rộng rãi hẳn sau đó. Rồi bả vào phòng, chui vô giường. Con bé giả vờ ngủ, thấy mẹ vào nằm, quay sang ôm mẹ nó, nức nở. Mẹ nó biết, hiểu, cũng ôm nó mà ngủ.
*
Bả có giận không? Có. Tất nhiên rồi. Nhưng biểu hiện lại nói lên điều trái ngược. Bả nhớ ổng. Mấy ngày đầu còn giận, còn càm ràm, nhưng mấy ngày sau, chỉ còn nỗi nhớ.
Nguyên nhân đầu tiên, phải nói đến những người xung quanh. Mấy bà bán ngoài chợ, đồng nghiệp, bạn bè, và cả người nhà bả. Họ, những người hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn, những người cũng giống bả, chọn chịu đựng, tự lừa dối bản thân, lười biếng nghi ngờ hoàn cảnh của chính mình, hoặc không đủ dũng khi để đối mặt với nó, vì dù sao họ cũng chẳng thoát ra được. Nhưng điều tệ hại nhất, họ lan truyền cái tư tưởng, lối sống ấy ra cho người khác. Họ cố coi những gì mình đang chịu đựng là lẽ thường tình, họ bảo người khác như thế. Họ lừa người khác bằng những gì họ dùng để tự lừa mình. Bởi nếu người khác cũng sống như vậy, thì hoàn cảnh của họ cũng là chuyện bình thường. Họ bắt người khác cũng phải chịu nỗi khổ như mình, để không thấy rằng mình đang cùng cực hơn người khác, rằng hoàn cảnh của mình thực ra là cùng cực. Họ làm việc đó một cách vô thức. Kẻ khác thì vì họ chỉ thích thể hiện cái tôi của mình. “Nhà tôi thì hơn gì bà ôi”. Họ than rằng mình có hoàn cảnh đau khổ hơn, để thể hiện mình là người giỏi chịu đựng, họ dùng cái vị thế vô nghĩa ấy để áp đặt lên người khác. Họ không muốn tìm cách giúp người khác thoát ra, họ muốn người người khác cũng phải chịu đựng cái hoàn cảnh như mình, để người khác ngược lại, thông cảm cho họ, đảo nghịch lí do người khác tìm đến họ.
Những người có hoàn cảnh thật sự ổn cũng chẳng khá hơn. Người sung sướng mấy khi biết người đau khổ ra sao. Họ hời hợt, họ cũng thích thể hiện cái tôi của mình. Họ kể lể những nỗi khổ mà người khổ hơn họ chả hiểu tại sao họ khổ. Họ đưa ra những lời khuyên ai cũng nói được, những giải pháp mà đa phần người ta mỗi khi nghĩ đến vấn đề đều chọn nó đầu tiên. Vì nó giữ cho lối sống, tư tưởng của họ là thứ đẹp đẽ. Họ đem những tiêu chuẩn tốt đẹp mà chỉ thiểu số hưởng được áp đặt lên mọi người xung quanh họ, mà không hề biết thực tế người ta chịu đựng nhiều hơn là tận hưởng nó, người ta phải theo đuổi bất chấp hoàn cảnh của mình ra sao.
Những người tốt thật sự, có tâm, từng trải và đủ thân thích, chịu khó thông cảm cho người khác, nhìn ra hoàn cảnh của họ, đủ hiểu biết để giúp họ ngộ ra con đường đúng đắn, cách làm đúng. Không phải ai cũng gặp được. Nếu gặp được, có lẽ bả đã chẳng khổ đến thế. Và đã chẳng có gì để nói. Cơ mà như người ta nói, hoàn cảnh không quan trọng. Đổ lỗi hoàn cảnh cho những nỗi khổ của mình, thật chẳng ra làm sao. Dù thật ra không hoàn toàn là như thế. Những người bị hoàn cảnh, số phận đẩy tới bước đường cùng là có thật, chứ không chỉ tồn tại trong văn học. Nhưng phần lớn trường hợp, con người tạo ra hoàn cảnh của họ, con người quyết định hoàn cảnh của mình. Như bả chẳng hạn.
 Những lời người khác nói, thuyết phục cỡ nào, cũng chỉ là lời khuyên. Bản thân mới là người quyết định đời mình. Dùng suy nghĩ, áp dụng những lời khuyên đó vào hoàn cảnh của mình, tìm ra cái nào đúng đắn, rồi hãy làm theo. Bả thì không làm được vậy. Tư tưởng khiến bả ít có cái cá nhân. Ai ra sao mình vậy, người ta chịu được thì mình cũng chịu được. Người khác không hoàn toàn hiểu hoàn cảnh của bả, những kẻ ra vẻ mình hiểu người khác, cho rằng bả giống mình, bảo bả chịu đi. Bả cũng tưởng người khác giống mình, nên cũng chịu như người ta. Bởi mặt khác, bả còn chẳng nhìn ra hoàn cảnh của mình.
Bả cũng như bao người, bị tư tưởng hạn chế lối thoát, phải chịu đựng bất công cùng cực, chẳng có ai bên cạnh, có, nhưng họ chẳng xoa dịu được cái gì. Để tự cứu mình, bả phải trốn tránh, bả phải ảo tưởng. Dần dần, bả quên mất thực tế. Bị ổng đánh, bả sực hiểu ra, bả giận giữ, nhưng quen lối suy nghĩ, bả quên ngay mấy phần chỉ sau một đêm, chỉ còn nhớ được những thứ chung chung, chỉ còn kể được vài thứ rời rạc, không đủ diễn tả đầy đủ những bất công. Để rồi tưởng hoàn cảnh của mình giống họ, tưởng những người ra vẻ mình hiểu người khác nói đúng, bả làm theo.
“Xời, dăm ba cái tính xấu. Chồng con nào chả vậy.”
“Vợ chồng mà, tính toán gì tiền bạc. Thôi nhịn đi cho êm cửa êm nhà.”
“Đúng đó. Nó giận nó đi mấy ngày là về, chứ có đi luôn với con nào đâu. Chừng nào nó đi với bồ hẵng tính.”
Thế là bả tha thứ hết cho ổng. Không nói gì đến ĐỐNG tiền ổng cướp đi, cái thái độ khốn nạn của ổng. Tiếp tục chịu đựng, làm lơ những tính xấu, làm lơ những bất công, tiếp tục ảo tưởng, phóng đại tính tốt của ổng lên. Và cứ thế sống tiếp.
Rồi thì ổng khốn nạn thế đấy, nhưng bỏ ổng thì con cái mình ra sao? Bỏ ổng đi, chúng nó mang tiếng không cha, gia đình li dị, một mình mình không nuôi dưỡng, dạy dỗ được, chúng nó thiếu tình thương, các thứ. Người ta bảo thể, bả nghe thế, ảo tưởng là như thế. Bả đi theo những biện pháp an toàn, một khi đã chọn theo nó, não bả sẽ tự điều chỉnh lời người khác và thực tế để bả có thể đi con đường đó. Thực tế thì sao? Con bả có cần một người cha như thế hay không ?
Cách ổng đối xử với con cái, không xấu, theo tiêu chuẩn chung của xã hội. Ổng không đến mức bạo hành con cái, chẳng cưỡng bức lao động, bóc lột công sức gì. Ổng không đặt kì vọng quá cao, không gây áp lực, khuôn ép con cái trong học hành, đến mức biến chúng thành những cỗ máy. Nhưng thực ra cũng chẳng gì hay ho.
Ổng cũng như bả, người khác làm thế nào, ổng làm thế ấy. Người ta đánh con, ổng đánh con. Bắt con quỳ giữa nhà, ổng cũng vậy, dù người ta chỉ nói vui trên bàn nhậu, cơ mà chạy trên đường rồi nhìn vào nhà người nào đó chẳng biết kiểu gì lại bắt gặp một đứa đang quỳ ở trong, rõ người ta không coi đấy là chuyện vui. Người ta tát con, ổng cũng tát con, khi mà nó chẳng đọc nổi thành tiếng một đoạn tiếng Anh. (Dù thực ra vì nó ngại với cái cách phát âm bập bẹ của mình. Ổng thì không nghĩ thế. Chủ yếu do bực bội cái bảng điểm tiếng Anh lẹt đẹt ấy. Cô giáo mới nhắc nhở thôi, nhắc với bả và bả mách ổng. Đấy còn chẳng phải môn chính của cấp một, nhưng với cái lòng “tự trọng” cao bằng trời thì ổng chỉ biết giải quyết nỗi bực trước rồi tính).
Người ta chia lớp học ra, ai cũng ngầm hiểu mấy lớp đầu là lớp tốt. Bả nói ổng, và ổng chạy cho con vào đấy, nhờ mấy mối quan hệ. (Dù thực ra lớp nào cũng như nhau, nhưng vì tâm lý, cha mẹ mang tâm lý, mặc cảm con mình không vào được lớp tốt, chẳng kì vọng gì, nên cũng chẳng động viên, khuyến khích, khen ngợi lấy một câu, còn áp đặt suy nghĩ rằng con mình dốt nát lên đầu chúng, và con cái họ thật sự dốt. Người ta thấy thế, thấy những đứa bị cái suy nghĩ không tin tưởng của cha mẹ chúng nó áp đặt lên và thật sự dốt nát, hư hỏng ở lớp dưới, họ quay sang nghĩ do lớp dưới không ổn, rồi tránh nó như tránh hủi. Ai không thành công trong cái cuộc chạy đua vào lớp trên ấy, họ lại quay sang mất kì vọng, áp đặt suy nghĩ lên con cái, chúng dốt, và họ lại nghĩ là do lớp). Con nhà người ta ra sao, con mình cũng phải như vậy. Cơ mà thực ra ổng đẩy con vào lớp trên chủ yếu bởi: “Con người ta toàn lớp trên mà con mình lớp dưới. Con người ta học giỏi mà con mình dốt nát, mặt mũi đâu gặp người ta trên bàn nhậu?”. Cứ như thế ổng đưa con mình vào cái vòng xoáy áp lực học hành, thứ mà đầy người vẫn xem nhẹ. Cái vụ tiếng Anh cũng như thế. Học thêm cũng vậy, chẳng cần thiết, nhưng cũng phải cho con mình học thêm cho bằng với người ta. Và hàng loạt những ví dụ như thế.
Ổng chẳng quan tâm con cái mình ra sao, ổng chỉ làm theo những gì mà người khác làm. Ổng không coi con cái như một thứ mang lại giá trị tinh thần, có, nhưng là để khoe với người ta, nâng vị thế mình lên. Con cái với ổng chỉ như một thứ công cụ, một thứ trang sức, vị thế xã hội mới là thứ ổng quan tâm. Ổng khuôn mẫu con cái mình cho giống con nhà người ta, để được khen ngợi. Ổng dạy dỗ con cái theo cách xã hội làm với con họ. Người ta đánh, ổng đánh, người ta bảo xấu, ổng tát, để không bị khiển trách.
Không chỉ ổng, xã hội cũng đầy những người như thế, những người phụ huynh. Những người coi con mình còn chẳng thật sự là con cái. Họ chẳng quan tâm. Họ không xem bản thân con mình mới là thứ mang lại hạnh phúc cho họ, họ chỉ coi chúng như những món hàng, dùng để trao đổi lấy vị thế trong xã hội, thứ họ thật sự quan tâm. Việc mà họ làm, không phải là định hướng cho con mình trưởng thành, hạnh phúc, mà là uốn gấp chúng cho thành hình dạng xã hội mong muốn, để lấy về sự tôn trọng.
Đó là sự thờ ơ, đó là ổng. Tình thương chẳng ai trong gia đình ổng được hưởng. Bạn bè, họ hàng, vị thế xã hội mới là thứ ông quan tâm. Tiền bạc cũng vậy, đem cho chẳng tiếc, đến vợ con thì càm ràm, thế mà cãi lộn lại cứ vác câu “cô có biết tôi cống hiến cho cái nhà này bao nhiêu không?” mà nói, trong khi tiền ổng cướp của bả phải ăn đứt cái đống đấy.
Thằng chồng, thằng cha. Suy cho cùng cũng chỉ là cái mác của ổng. Bả nhận ra chứ đâu phải không. Nhưng bả vẫn không li dị ổng. Vì bả nghe lời người khác, và tự lừa mình, vì lời người khác chính là định kiến xã hội. Làm trái với họ, đồng nghĩa với khiến bản thân bị kì thị. Bả sợ con mình mang định kiến, và cả bả nữa. Ai nói sao, bả nghe vậy, để không mang định kiến. Dù chúng vốn phi thực tế, nhưng sợ hãi định kiến xã hội, bả bẻ cong hoàn cảnh bản thân, tự lừa mình để dễ sống hơn, bằng cách này hay cách khác. Bả chọn lựa con đường an toàn, không dám tự mình nhìn ra cái gì mới là tốt, là xấu. Bả tin tưởng tuyệt đối người khác, bả lệ thuộc người khác, không tin vào bản thân, trong khi bả mới là người biết rõ về gia đình mình nhất.
Nhưng bả chọn đi con đường an toàn, kết cục lại thành ra quay sang càm ràm, chửi bới, làm khổ hơn chính con cái mình.
Không có ổng tiếp giúp, cả việc nhà lẫn buôn bán. Ổng lấy đi bao nhiêu, bả phải làm quần quật để bù lại bấy nhiêu. Mệt mỏi, lại buồn rầu về ổng, bả đổ hết cái buồn lên đầu con cái. Thật buồn cười. Con người ta không được trút giận vào người này, họ sẽ quay sang trút giận vào người khác, dù người đó ít tội hơn, cơ mà mức độ chửi vẫn vậy, hoặc mang tội khác nhưng vẫn sẽ bị chửi như thế nếu, dù chỉ có chút liên quan. Vì đó là người duy nhất họ được chửi, người dưới quyền họ. Họ không chửi để giải quyết vấn đề, họ chửi để xả stress. Vẫn đề ở chỗ đó lại là con bả.
Bả chứi đám con bả là một lũ chỉ biết ăn mà không biết làm, một lũ không làm mà đòi có ăn, bả kể lể mình quần quật ngoài chợ như thế nào mà chúng nó thì chả thèm giúp việc nhà. Ổng thì bả chẳng chửi thế bao giờ, chẳng dám chửi, trừ lúc cãi lộn. Trong khi đó mới là người mà bả nên chửi.
Như việc rửa chén chẳng hạn. Cùng lắm, bả cũng chỉ nhắc ổng ở nhà rửa chén, vì ổng bán ở nhà. Ổng nghe thế, ừ qua loa, rồi đến trưa thì bắt đám con vừa đi học về làm. Chúng nó trốn, không làm, ổng chửi, dùng cũng mấy câu bả dùng với đám con bả. Bả thì dùng được, chứ ổng thì rõ là không.
Thực tế ra ổng chỉ nằm ghế bố chơi điện thoại là nhiều, hoặc lướt face, những trò phí đời như thế. Nhà kiêm cửa hàng vắng như cái chùa bà đanh, lác đác khách. Người quen, bạn bè đến chơi, ổng mới quay sang phủi bụi, kiểm tra, sắp xếp lại hàng hóa. Người ta đi, ổng lại dán lưng vào cái ghế bố. Tối đến thì đi nhậu. 2-3 tháng thì kéo đám con tổng lau dọn, sắp xếp lại hàng hóa, việc mà nếu ổng làm hằng ngày thì chẳng mất đến hơn tuần và chả cần đến ai, và là việc lẽ ra ổng phải làm hằng ngày. Khách vào mua hàng có khi người ta còn thấy nguyên cái tổ tò vò bám vào, người ta bỏ hàng lại, rồi bỏ đi luôn. Thế mà chửi như đúng rồi khi đám con không chịu làm.
Đám con ổng bị chửi, tức, cơ mà kết cục vẫn phải làm. Nhưng thực ra chúng nó không tức vì phải làm việc, chúng nó tức vì nhục.
Ngoài những thứ buộc phải trả cho con cái như học phí, ở trường hoặc lớp học thêm, thứ mà cũng lúc ổng trả, lúc bả trả, ổng chẳng bao giờ mua cho chúng nó cái gì ngoài đồ ăn vặt rẻ tiền mà chỉ khi xin ổng mới cho mua, lắm khi còn bị chửi lên chửi xuống, bắt phải làm việc mới cho tiền. Dạy cho chúng nó biết quý trọng đồng tiền, có làm mới có ăn chỉ là cái cớ, cứ nhìn ổng là rõ. Nhưng đa phần đồ ăn vặt vẫn là chúng nó xin mẹ, mẹ chúng nó nó dễ hơn, cũng cho mua đồ chơi hay những thứ khác, cơ mà càm ràm thì thôi rồi. Những thứ đó dần đọng lại, và chúng nó chẳng dám xin nữa. Chúng nó cũng biết bả phải quần quật như nào, phải chi cho chúng nó và cái nhà này những gì, cả cho ổng, phần nhiều nhờ mấy câu chửi. Toàn bộ những thứ ổng mua cho gia đình cộng lại cũng không bằng một góc số tiền ổng cướp của bả, nên tính ra cũng là bả mua tất. Muốn mua gì, chúng nó phải tự kiếm tiền lấy. Nhịn ăn sáng, xin tiền nhưng không ăn vặt, thậm chí làm thêm. Chủ yếu là ra chợ giúp bả rồi xin lương, ở nhà chả có gì để làm ra tiền, lại còn bị bóc lột với danh nghĩa “phụ giúp công việc”.
Có thể kiếm tiền để mua thứ mình muốn, dù chả bao nhiêu, nhưng chúng nó làm được việc mà những đứa đang tuổi lao động nhẹ khác chẳng chịu làm, nhờ đó chúng nó có lòng tự trọng.
Mỗi khi ổng bả cãi lộn, bả lại tâm sự, đúng hơn là trút bực lên đầu chúng nó. Bả chửi ổng, nhưng đám con bả là người chịu trận, nhờ đó chúng nó biết bố mình sống như nào, là người khốn nạn ra sao. Bả sau đó lại quên mất, nhưng chúng nó thì không. Chúng nó không phải trốn tránh, ảo tưởng để rồi quên luôn những sự vô lí của ổng. Bả bị kìm kẹp bởi định kiến, chúng nó thì không.
Bị người như ổng chửi, bằng những câu mà lẽ ra nên dùng cho ổng, mà cãi thì không được. Chúng nó thấy nhục nhiều hơn là tức, và sau đó là tức vì nhục, cái đó còn kinh khủng hơn.
Chúng nó chẳng dám bật lại, phần vì biết tính ổng, cái loại sẵn sàng nói những câu vô lí không ngượng miệng ấy, bù đắp bằng sự hùng hổ chả biết lấy đâu ra. Chúng nó cãi không được, và cũng chẳng dám cãi. Chó mẹ và bầy chó con, cũng như nhau cả. “Mày thích cãi không?”. Chúng nó bị nhiều rồi, ăn sâu vào tiềm thức. Chúng nó nhìn bả, và biết kết cục chẳng hơn gì. Đành im lặng.
Nhưng thực ra còn một cách khác.
Chỉ cần phơi bày, đúng hơn là nhắc lại cái sự khốn nạn của ổng với bả, và chúng nó đã có thể bảo bả li dị ổng. Ổng không còn là cha chúng nó, chúng nó chẳng phải kiêng dè gì, chúng nó tha hồ trút hết những bất mãn vào mặt ổng.
Phải, chúng nó thất sự muốn bả li dị ổng. Cái loại cha như thế, chúng nó không cần.
Cha thì sao? Chỉ mất mấy phút cuộc đời sung sướng, để tạo ra một đứa con. Không mang nặng, không đẻ đau, chả phải bỏ tiền, công sức nuôi dưỡng, vắt óc ra giáo dục cho đúng cách, chỉ áp đặt nhân cách để nó làm đẹp mặt mình với người ta. Lớn lên thì bắt nó quay về phụng dưỡng. Bằng cái danh nghĩa “cha” ?
Cho người khác mạng sống, đồng nghĩa với thích làm gì thì làm? Kể cả nô dịch họ? Không! Cái loại đấy ta không nên gọi là cha.
Đến cả tư cách làm một thằng đàn ông ổng còn chẳng có, ở đó đòi làm cha. Lại còn bị loại như thế chửi, ngồi lên đầu. Nhưng lực bất tòng tâm, vì chúng nó biết tính bả. Cái người bị đối xử thậm tệ đến nhường ấy vẫn không chịu vứt phứt ổng đi cho xong. Chúng nó không tin tưởng bả. Chúng nó vốn cũng đã mất lòng tin:
Số lần bả nuốt lời hứa với chúng nó, như bao người, cũng nhiều như số chén cơm bả nuốt vào bụng vậy.
Con nít cái gì cũng muốn, ngồi cạnh chúng nó lúc xem TV mà gặp mục quảng cáo thì chẳng khác gì địa ngục. “Ngày mai mẹ mua cho con cái này. Ngày mai mẹ mua cho con cái kia”. Thay vì giải thích tại sao không được mua, bả ừ đấy, đút muỗng cơm, rồi hôm sau quỵt. Con nít lẽ ra quên nhanh lắm, nhưng mấy sản phẩm quảng cáo đó lại bán đầy ngoài tạp hóa. Quên, không có nghĩa là kí ức biến mất luôn, xin, và kết cục là bị chửi vào mặt. Nó tuy nhỏ nhặt, nhưng là ấn tượng đầu đời. Coi thường nó chỉ tổ chuốc lấy hậu quả.
Rồi thì bả bán ngoài chợ, tối mịt mới về, lại luôn về cuối cùng trong chợ. Nuôi một thằng ăn cướp với đám con nó thế. Mấy người trong chợ thấy vậy, khen bả không ngớt. Siêng làm là một giá trị rất lớn mang lại vị thế, chợ nó vậy. Người ta đi ngang, lúc nào cũng bảo “Nay lại bao chợ nữa rồi ha”, “Vầng”, bả trả lời, cười cười, tự hào. Được khen, thích thú, bả càng có động lực ở lại hơn. Vừa để kiếm tiền, vừa được hãnh diện với người ta.
Bả về cuối cùng ở chợ, tự hào về điều đó. Trong khi đàn con ở nhà đang ngóng mẹ chúng nó về.
Bả có biết điều đó không? Có chứ. Trẻ con có giấu tình cảm bao giờ, chúng nó nói tất. “Mai mẹ về sớm với con nha”.”Tao không đi làm thì chúng mày chết đói à?”, bả chửi vào mặt chúng.
(Chết đói thế nào được? Bả nói quá thế thôi. Bả chẳng cần bán đến tối mịt thì nhà nãy vẫn dư sống. Đó là nếu không có ổng. Về bản chất, bả làm quần quật, sự thật chủ yếu là để phục vụ ổng. Tiền ổng để ăn nhậu, không lo cho gia đình, bả phải lo tất. Ổng bả cãi lộn, ổng cướp cả tiền để trả nợ hàng của bả rồi bỏ nhà đi, đi chơi, để thõa mãn cái danh dự thực chất là như cứt của ổng, bả phải làm quần quật để bù lại. Dù là vậy, bả vẫn kiếm đủ tiền để mua nhà. Thế mới nói chết đói chỉ là điêu. Nhưng nhà là của bả, theo lí, ai trả tiền là của người đó, ai làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để kiếm tiền trả nợ là của người đó. Cơ mà người được hưởng lại là ổng. Tên trên giấy tờ ổng đứng, vì "ai đi làm nấy đứng cho tiện", bởi bả còn bận bán ngoài chợ. Nhà ra sao, trang trí thế nào, ổng quyết định tất, chẳng hỏi ý kiến bả lấy một câu. Người ta vào nhà, khen nhà đẹp, khang trang. Người ta khen, ổng nhận. Ừ thì thế, ổng quyết định thiết kế mà, nhưng trong cái câu khen đó còn mang hàm ý rằng gia chủ đã làm việc vất vả mới có được căn nhà như này. Chẳng ai nói ra, chỉ khen nhà, khen ổng. Ổng nhận lời nói, nhận luôn cả hàm ý. Ổng được người ta tôn trọng, vị thế ổng được nâng lên, người ta xây nhà xây cửa phần nhiều chỉ để được thế. Còn bả thì cắm mặt ngoài chợ. Chả được ai khen, chỉ có nhà ba má bả biết. Nhưng người nhà ai đi nói xấu nhau bao giờ? Thế là bả chỉ có mỗi việc làm.)
Vậy đấy. Bả chọn trốn tránh cái định kiến vô hình, vô nghĩa, ảo tưởng để dễ sống. Bả chấp nhận chịu đựng, cắm mặt làm quần quật ngoài chợ, mặc đàn con đang trông ngóng ở nhà. Dần dần, chúng nó thôi không trông đợi mẹ mình nữa, và dù sao thì bả về cũng chả chơi với chúng, chỉ cắm mặt vào mớ việc vác từ chợ về. Chúng nó dần xa cách bả. Và rất nhiều những sự bội tin như thế.
Những thứ đó, một cách vô hình, đã hình thành cái tâm lý không tin tưởng vào bả ở chúng nó sau này. Chúng nó phải suy tính nhiều hơn mỗi khi có việc liên quan đến bả. Và li dị là việc tối quan trọng. Việc càng hệ trọng bao nhiêu, càng phải dè chừng bấy nhiêu, nhất là việc này lệ thuộc vào người mà chúng nó vốn không tin tưởng. Chúng nó suy nghĩ, tính toán, cố thử và rồi bỏ cuộc:
Bả càm ràm chúng nó. Ngoài chuyện ổng thì bả chẳng có mấy việc để càm ràm. Hoặc chuyện mà nguyên nhân chính là do ổng. Chỉ cần bỏ ổng đi, đã chẳng có chuyện gì. Như dọn hàng sáng tối chẳng hạn. Bả bảo mình làm quần quật, dọn mấy thứ này ra nặng nề, mà chúng nó thì chẳng thèm giúp. Trong khi nếu về nhà bán thì bả chẳng phải dọn cái gì, như ổng. Sáng ổng chỉ phải mở cửa ra mà bán, sướng như vâm. Cơ mà bán buôn chả ra cái gì. Phí cả cái cửa hàng nằm ngay cổng chợ.
Bỏ không bỏ thì chịu đi, càm ràm cái gì? Đã vậy còn đổ lên đầu người khác. Ngứa tai, chúng nó bật lại bả. Chúng nó gợi ý bả việc li dị. Chúng nó nhắc lại cái sự khốn nạn của ổng, chúng nó thể hiện thái độ bất mãn. Để rồi nghe đáp lại: “Đời nó phức tạp lắm con à.”
Vầng. Câu nói trứ danh của bả. Câu nói trả lời cho câu hỏi tại sao bả phải chịu đựng như này.
Đời, người ta, định kiến. Đó là cái thế lực vô hình. Chính vì vô hình, nó mới đáng sợ. Vì nó vô hình, người ta phải mường tượng nó. Tùy vào thái độ, người ta sẽ thấy nó ở những dạng khác nhau. Với bả là sợ hãi. Định kiến, sự căm ghét của người đời, với bả là thứ gì đó rất đáng sợ.
Từ nhỏ bả đã bị lép vế trong gia đình. Giờ vẫn thế. Ba má bắt bả bỏ học sớm, bả và chị bả, để đàn em được đi học. Nhưng thực ra chỉ có bả, chị bả được bà cô giấu cho đi học. Chị cả trong nhà, lại hay qua chơi, tiếp giúp, nên bà cô thương chị bả lắm. Dù vậy cũng chỉ học gần hết cấp ba. Bả thì chẳng được ai thương, ba bả lại gia trưởng. Dần dần, nó hình thành cái tâm lý tự ti, mặc cảm. Ai bảo gì, bả cũng chỉ biết làm nấy, chẳng dám cãi. Chính vì sống xuôi theo người khác như thế, bả lệ thuộc vào người khác, lệ thuộc vào những nhận xét, góc nhìn của người khác. Bả không có cái cá nhân, bả ít khi tin vào chính mình. Bả lấy cái cớ rằng mình không được ăn học đàng hoàng để không tin vào chính mình, nghĩ mình ngu dốt, không biết được cách giải quyết vấn đề, để rồi không chịu suy nghĩ. Cái cớ, vì ai cũng biết giáo dục chỉ dạy lý thuyết, chứ chẳng dạy con người ta cách sống.
Đến khi lớn lên, bả nhìn chị em mình. Chị bả cũng như bả, nhưng may thế nào, lấy được ông chồng giàu, giàu nhờ biết làm ăn chứ chả hưởng của ai cả. Đàn em đứa nào cũng vào đại học, có công ăn việc làm. Không đến mức cao sang, nhưng ít nhất vẫn hơn bả.
Bả nhìn chị em mình, bả hận đời. Cơ mà ai đánh được đời? Đời là một cái gì đó vượt quá tầm với. Bả chỉ còn biết cam chịu, bả càng tự ti, mặc cảm hơn, lại còn lấy phải thằng chồng gia trưởng.
Cứ thế, để rồi đến khi phần nào lấy lại được vị thế, nhờ việc là trụ cột kinh tế chính trong gia đình, và nhờ ổng chỉ gia trưởng chứ không đến mức bạo hành, chèn ép vị thế bả đến mức thấp kém, bả vẫn chẳng có đủ cái tôi để tin vào chính mình. Định kiến xã hội vẫn hơn cái tôi của bả, vậy nên bả sợ nó. Bả vốn quen sống lệ thuộc vào ý kiến, góc nhìn của người khác, cả gia đình và người ngoài, thay vì chính mình. Vậy nên bả sợ.
Cơ mà thực ra. Con người ta sợ thứ mà họ không hiểu rõ, vì họ không biết mức độ nguy hiểm của nó, rằng nó có thế đáng sợ như nào. Nhưng ở hướng ngược lại, nó có thể không đáng sợ như nào? Và có những thứ quan trọng hơn cái nỗi sợ đó. Chính vì thế tìm hiểu rõ là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, bả vốn không tin vào chính mình, bả không quen suy nghĩ, bả quen trốn tránh vì cho rằng đó là việc vô ích. Bả bấm vào câu “đời nó phức tạp lắm”, và trốn tránh.
Bả phán câu đó ra, chúng nó chẳng cãi nữa. Người lớn thường cho rằng mình đúng, người bé thường cho rằng người lớn đúng. Nhưng sự phản kháng của chúng nó lại có tác dụng. Bả quay sang chửi cái lối sống khốn nạn của ổng, thay vì chỉ càm ràm mấy thứ vớ vẩn.
Chúng nó nghe thể, cũng hùa theo, thích thú, hy vọng. Để rồi lúc về nhà bả lại quay sang ôm ổng. Ôm rồi phán mấy câu sến súa chết đi được, theo quan điểm của dân quê. Ôm xong, chúng nó lườm bả. Bả nhìn chúng, cười cười, ra vẻ như chỉ đang giả tạo với ổng. Nhưng không. Đó là cách mà bả ảo tưởng để dễ sống hơn.
Bả ôm ổng, hy vọng rằng ổng vẫn còn thương mình, hy vọng ổng sẽ quay sang ôm bả. Và ổng làm thế thật, có điều không phải với tình thương. Có đấy. Có cái cù loi ấy. Có trong suy nghĩ của ổng, nhưng thực ra thì không. Ổng ôm bả, nghĩ rằng mình đang thể hiện tình thương, nghĩ rằng mình thương bả, nhưng thực chất là không. Đó chỉ là cách ổng tự lừa mình để bản thân ổng không suy nghĩ theo hướng mình là thằng khốn nạn mà thôi. Có ngu mới đi tin vào điều đó. Và đó là bả. Bả được ôm, nói mấy lời sến súa, ổng ậm ừ, tinh thần bả được thõa mãn. “Đấy thấy chưa, ổng có xấu đâu, ổng vẫn thương mình này”. Bả quên mất mọi sự khốn nạn của ổng, ảo tưởng với mớ ngọt ngào nửa vời, bấu víu vào nó, nâng nó lên thành mật. Rồi tiếp tục sống.
Cứ như thế, đám con bả hoàn toàn bỏ cuộc, ngán ngẩm, chỉ còn biết chịu đựng, chịu nhục. Bả lựa chọn con đường an toàn, bả bảo rằng đấy là vì con, vì cái. Bả không li dị chồng, để chúng nó được hạnh phúc. Nhưng những gì chúng nó nhận được chỉ có khổ sở và nhục nhã.
Nhưng điều tồi tệ nhất, bả không hề nghi ngờ quyết định của mình. Bả chưa bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của con cái. Ngay cả bả cũng áp đặt suy nghĩ của mình lên chúng. Bả yêu thương chúng, thật sự yêu thương chúng, nhưng lại ném chúng vào vạc dầu sôi, chỉ vì người ta bảo thế. Sự ngu dốt sẽ giết chết chính những thứ mà con người ta cố bảo vệ, bả là một ví dụ.
Bả cố gắng làm hết những gì bả cho là bổn phận của mình, những gì bả cần làm, thay vì nên làm, và lại đi mong đợi người khác công nhận việc đó. Tất nhiên, còn lâu. Chúng nó ghét bả, ghét cái sự nhu nhược, ngu dốt của bả. Chúng nó chọn mặc kệ. Ngu thì chết chứ khóc lóc cái gì. Sớm muộn gì chúng nó cũng rời khỏi cái nhà này. Nhưng giờ thì chưa. Ổng còn khiến bả bực, bả còn càm ràm lên đầu chúng nó, càm ràm những thứ vô nghĩa hết sức, chúng nó vẫn còn lên máu. Con người ta thường sống bằng cảm xúc trước. Chúng nó bất mãn ra mặt, tỏ rõ thái độ, có khi đến mức cãi nhau với bả, có điều những cuộc cãi nhau đó giờ đã không còn nhắc gì đến ổng.
Bả thấy chúng nó không ngoan, bả bảo chúng nó bất hiếu, bả bảo chúng nó mất dạy. Bả chỉ nghĩ đơn giản là chúng nó không ngoan, chúng nó bất hiếu, chúng nó mất dạy, là do chúng nó, là do mình không nghiêm khắc với chúng nó. Bả chửi chúng nó nặng hơn, bả kéo cả ổng, nguyên nhân của những việc này vào mà chửi phụ, rồi thành chính, ra oai với chúng nó. Chúng nó bị ổng chửi, con chó bị đánh lâu ngày thấy chủ, chúng nó sợ, bằng cả bản năng, rồi im đấy, chịu trận, bỏ đi. Và bả thì lại ảo tưởng.“Đấy, phải có ổng chúng nó mới chịu vâng lời, chúng nó mới chịu nghe, nhà không có đàn ông là không được”. Cơ mà thực ra chẳng có gì thay đổi, thậm chí còn tệ hơn, còn đổ thêm dầu vào lửa. Bả lôi nguyên nhân của sự bất mãn ra mà đáp trả cái sự bất mãn của chúng nó. Kết cục nó thành cái vòng lặp, châm thêm thuốc nổ vào quả bom nổ chậm, chỉ chực chờ đến ngày nổ một phát thật to. Và người chết, chỉ có chúng nó:
Chúng nó cãi lại ổng, chúng nó chỉ ra cái sự khốn nạn của ổng. Tự ái nổi lên, ổng chửi chúng nó mất dạy, chửi chúng nó bất hiếu. Bả bấu víu vào ổng, phải hùa theo ổng, phải bao che cho ổng, cũng bảo chúng nó bất hiếu. Dù mấy câu chúng nó chửi ổng chẳng có gì là sai, cái sự nghe theo tư tưởng hơn lí lẽ nó khốn nạn thế. Và từ đó chúng nó càng khó sống hơn. Chúng nó nhìn ra cái lối sống khốn nạn của ổng, ổng dè chừng chúng, căm ghét chúng, thù chúng nó. Mọi việc bả làm đều phải xin ý kiến ổng, buồn cười thế, ổng không ưa, không chấp nhận những quyết định hệ trọng của đời chúng, thế là chúng nó chết thảm. Chết cột, chết xích, chết nhục. Kiểu gì cũng chết.
Đó thực ra chỉ là một cái kịch bản, thứ chúng tự bảo mình để không nổi xung lên, nhưng cũng là một khả năng.
Còn bả, như thể chưa đủ thảm hại. Gia đình xào xáo, bả đã làm tất cả những gì bả nghĩ là mình cần làm, nhưng nó vẫn thế. Bả không nghĩ ra được nguyên do. Bả mặc định là nó vốn thế, và rồi đi cầu nguyện với Chúa.
Bả cầu cho gia đình mình được hạnh phúc. Cho chồng con bớt đi nhậu đi, cho chồng con yêu thương con hơn, cho con cái con ngoan ngoãn, vâng lời, học giỏi, biết yêu thương cha mẹ, nên người, thành tài. Xin Chúa cho con buôn may, bán đắt, làm ăn phát đạt, trúng đất, trúng số gì đấy, cho đời con bớt cực, bớt lam lũ, làm quần quật như trâu.
Bả vốn theo đạo, đây không phải lần đầu bả cầu nguyện những thứ vớ vẩn như thế. Nhưng con cái càng lớn, càng khôn ra, càng phản kháng, càng khiến bả nhận ra nhà mình nó tan nát thế nào. Không nghĩ ra được nguyên nhân, người ta lại gieo vào đầu bả những tư tưởng nửa vời, kìm kẹp bả trong những định kiến, không cho bả thoát ra. Bả quay sang cầu Chúa. Càng ngày càng sùng đạo hơn, càng ngày càng cầu nguyện những thứ vô nghĩa hơn, nhiều hơn.
*
Giờ thì đến ổng, con người của sự vô lí nhưng vẫn tồn tại được. Muốn ăn, nhưng không muốn làm, mà vẫn có ăn. Làm thì ít, ăn thì rất nhiều, ăn của bả. Ăn của bả, nhưng vị trí thì ở trên đầu, được quyền chửi bả, bằng toàn những thứ vô lí để bảo vệ tự ái bản thân, thậm chí còn tát vào mặt bả. Ai cho tiền kẻ khác để nó chửi, nó tát vào mặt mình bao giờ? Nhưng bả vẫn phải cho. Đó là ăn cướp, về bản chất là ăn cướp. Cơ mà ổng không chỉ ăn cướp theo cách đó, trắng trợn cũng có luôn. Ăn cướp để bỏ đi chơi, như kiểu con cái bỏ nhà đi để phản kháng cha mẹ, để bảo vệ lòng tự trọng của chúng. Về hình thức là như vậy, nhưng bản chất thì khác một trời một vực. Cái ổng bảo vệ là tự ái, không phải tự trọng. Vài ngày sau thì trở về với tư thế của người đúng.
Thực ra ổng không cố tình làm thế, ổng không cố ý làm những việc xấu xa. Ổng làm những việc xấu, mà không hề nghĩ đó là xấu. Tất nhiên ổng biết đó là xấu, nhưng chưa bao giờ nhận thức, thừa nhận rằng mình đang làm việc xấu, và bản thân mình là kẻ khốn nạn. Đấy là vấn đề.
Tại sao một kẻ sống chẳng ra gì lại vẫn có thể to tiếng, đanh thép, bề trên? Ổng không thấy chút mâu thuẫn nào hay sao? Tất nhiên là, không. Chính vì to tiếng, đanh thép, bề trên như thế, ổng không thấy chút mâu thuẫn nào. Và những lí lẽ về bản chất là vô lí của ổng, những lí lẽ đúng không đúng, sai cũng không sai, dùng khi cãi lộn với bả, không chỉ để lừa người khác, mà còn để lừa chính mình.
*
Hồi nhỏ ổng chẳng sung sướng gì. Bố ổng rất nghiêm, xưa đi lính, chịu kỉ luật quân đội, lại từng phải vào tù. Ổng hoàn toàn chẳng có chút vai vế, tiếng nói gì trong nhà. 8, 9 tuổi đã phải theo bố đi đào ao, làm ruộng, đủ thứ việc mà mấy đứa nhóc chỉ biết cắm mặt vào youtube bây giờ có mà khóc thét lên. Gia đình phong kiến ít khi dành tình thương cho con cái, lại bắt ổng lao động cực nhọc, không làm thì ăn roi, bỏ đói, ổng phải tìm tình thương ở nơi khác. Đầu tiên là họ hàng. Người ta quý ổng, vì ổng là thằng con trai, con trai trưởng trong nhà, đít tôn, nối dõi. Rồi người ta khen ổng giỏi, biết làm lụng, dù thực ra ổng bị bắt làm. Con thì họ chẳng khen thế bao giờ, dù cũng y hệt.
Ổng được người ta quý, được người ta khen, chẳng ưa những gì mình phải làm, nhưng là việc đã làm được, ổng coi đó là điểm mạnh, là điểm đáng tự hào, ổng dần hướng ngoại.
Đến khi đi học, ổng lập băng, lập nhóm, đi phá làng phá xóm. Băng toàn những thằng như ổng, những thằng thiếu thốn tình thương từ cha mẹ nên phải tìm kiếm ở ngoài, những thằng đâm ra quậy phá để thu hút sự chú ý. Tất nhiên, chẳng ai ưa chúng nó, chẳng ai thương chúng nó, chúng nó phải thương lấy nhau. Có bạn có bè, tụ họp, đi phá làng phá xóm, chính chúng nó mới mang lại niềm vui cho nhau chứ chẳng phải ai khác. Vậy nên ổng quý trọng bạn bè. Xã hội người ta lại ưa những thằng hướng ngoại, lắm bạn nhiều bè. Bạn bè mới là lẽ sống của ổng, đến tận khi lớn lên, đến tận bây giờ.
Bạn bè, họ hàng, vị thế, thõa mãn tư tưởng, trào lưu xã hội mới là những thứ ổng quan tâm, mọi thứ khác chỉ là phụ trợ cho nó, cả vợ cả con. Bởi thế, ổng lấy bả, chẳng có chút gì gọi là tình yêu trong đó, như bao người, có chăng chỉ ổng tự lừa mình như thế.
Lúc ổng bả quen nhau, cái thói trăng hoa, thích thể hiện, ổng chọc ghẹo bả. Bả thấy ổng vui vui, lắm bạn nhiều bè, hướng ngoại, toàn những thứ xã hội ưa thích ở một người, lao đầu vào làm quen, như con thiêu thân không biết đống lửa nguy hiểm. Rồi thì nói chuyện, ổng bả thấy nhau được được, bạn bè chọc ghẹo, khích đểu, cha mẹ đưa đẩy, ổng bả lại đang tuổi xã hội ai cũng bảo đến lúc cập kê, có người lấy nhau còn từ sớm hơn cơ. Thế là họ lấy nhau. Họ chẳng bao giờ bảo lấy nhau vì tình yêu, ngại chết, người ta không quen nói chuyện sến súa. Họ mặc định là như thế. Cơ mà sự thật chả có cái đó. Nhìn những sự sau này, chó nó tin.
Con cái với ổng cũng chẳng hơn. Của nợ. Ngoài để đẹp mặt với họ hàng thì chẳng có tác dụng gì. Ai đẻ con ra mà chẳng thương? Chả có đâu. Với bả thì có, bả đẻ ra chúng, đó là cái gắn kết bả với con, nền tảng căn bản là bản năng, trừ khi cái sự căm ghét lấn át cả bản năng lẫn tư tưởng. Ổng thì chẳng mang bầu ngày nào.
Thứ duy nhất gắn kết ổng với con, và cũng là thứ lừa bả, khiến bả nghĩ rằng ổng thương con, là con ổng là con trai, cháu đít tôn, người nối dõi. Nhà ổng phong kiến, họ nhà ổng phong kiến, bạn bè ổng phong kiến. Có đứa con trai như có được cục vàng. Đẻ được nó, cả họ khen ổng, bạn bè mừng ổng, ổng được khen vì đứa con, ổng mới nâng niu nó, như kiểu người ta quý con chó giống hiếm trong nhà vậy. Về bản chất ổng chẳng yêu thương gì. Có chăng thì cũng như với bả, tự lừa mình rằng bản thân yêu thương con cái, bởi định kiến xã hội bảo như thế, cha mẹ phải yêu thương con cái. Ổng phải tự lừa mình để không thấy bản thân là một thằng khốn nạn. Và vì là tự lừa mình, ổng chỉ yêu thương ở chừng mực khiến ổng thoải mái, nghĩa là hy sinh ít nhất có thể.
Ổng không hề tốt đẹp, có chăng chỉ ổng nghĩ mình tốt đẹp, những kẻ thực ra chẳng biết gì về ổng nghĩ ổng tốt đẹp, bả phải ảo tưởng để dễ sống hơn nên nghĩ ổng tốt đẹp. Ổng không hề tốt, thậm chí ngay cả bản thân ổng cũng không cho rằng mình xấu xa.
Lòng “tự trọng” khiến ổng không nghĩ mình là thằng khốn nạn. Lòng “tự trọng” sinh ra trên bàn nhậu. Người ta tâng bốc ổng. Ổng tốt với họ hàng, bè bạn. Đám nhậu nào cũng có ổng, tiệc chung vui nào ổng cũng góp mặt. Chỉ có như thế, và người ta cho rằng ổng tốt, người ta nghĩ theo hướng ổng tốt, người ta tâng bốc ổng. Ổng tử tế, thảo mai, thành ra che mắt bạn bè về những thứ khốn nạn xảy ra sau lưng ổng, thành ra chẳng ai biết, người ta cũng chả thật sự quan tâm. Mặt khác, ít ai nghĩ sự khốn nạn tột cùng lại ở ngay bên cạnh mình, họ không suy nghĩ theo hướng đó, nên chẳng bao giờ nhìn ra những mâu thuẫn và vạch trần được bộ mặt xấu xa ra.
Trong mắt bạn bè, ổng là người tốt. 90% thời gian tiếp xúc với người khác của ổng là ở với bè bạn, người ngoài. Người ta tâng bốc ổng, tâng tốc những mặt tốt của ổng. Mặt xấu nhẹ thì cười cười, coi như chuyện đùa, mặt xấu nặng thì chả ai biết, chả ai động tới. Và thế là ổng cho rằng mình là người tốt. Ổng suy nghĩ, tư tưởng theo hướng mình là tốt đẹp. Vậy nên ổng làm ngơ những phần xấu của mình, tâng bốc những mặt tốt để lấp liếm đi.
Bạn bè không biết, không động tới những tính xấu, khiến ổng không suy nghĩ về những việc xấu mình làm. Người ta gieo vào đầu ổng những mặt tốt, không đá động gì mặt tiêu cực, ổng cũng suy nghĩ theo hướng như thế. Con người ta chỉ tự nghi ngờ hành động của mình khi gặp những thứ trái chiều. Ổng thì chẳng bao giờ gặp. Đấy mới là vấn đề. Ổng có thể khốn nạn, ổng được những kẻ mù tâng bốc, ổng suy nghĩ theo hướng mình là kẻ tốt đẹp, tự tâng bốc những mặt tốt của mình và lờ đi những mặt xấu. Đấy là một chuyện. Chuyện còn lại, chẳng ai đi chửi vào mặt ổng. Cơ mà thực tế ra chẳng ai chửi được vào mặt ổng. Đám bạn chẳng ai đi chửi ổng, chỉ có người nhà biết mặt khốn nạn của ổng, nhưng lại là những người không bao giờ chửi được ổng, đem những thứ trái chiều vào đầu để khiến ổng suy nghĩ lại về bản thân mình, vì dù có nghe những ý kiến trái chiều, cái thói tự ái của ổng cũng làm nó phải câm họng.
Bả chẳng bao giờ chỉ ra cái sự khốn nạn của ổng, ổng cứ thế tin vào lời bè bạn, vào những lời tự tâng bốc mình của ổng mà không chút nghi ngờ. Ổng thậm chí đem những lời đó ra mà thốt vào mặt bả, như thể đó là điều đúng. Não con người ta dù hay trốn tránh và ảo tưởng cũng chỉ có thể chịu đựng sự vô lí đến một giới hạn nào đó, bả lại đang bực ổng. Điên máu, bả lôi những thứ về ổng mà bả luôn cố trốn tránh ra mà chửi.
Bả nhắc đến đống tiền lấy hàng, bả lôi cái sự thật là số tiền ổng lo cho gia đình không bằng một góc đống đấy. Cơm canh, lí lẽ mà ổng luôn bấu víu vào để khẳng định vị trí của mình, vì ổng bán ở nhà, ổng phải nấu cơm rồi kêu đám con đem ra chợ cho bả, thứ mà ổng vặn vào cũng chỉ nhờ câu từ: "tao nuôi ăn lũ chúng mày", bả bảo ổng thực chất chỉ có việc nấu. Gạo bả mua, mắm muối bột ngọt hạt nêm bả mua, đồ để nấu cũng bữa bả mua bữa ổng mua. Đến cả chai dầu ăn ổng cũng chẳng bao giờ mua nổi chai 5 lít, 1 lít là tối đa, để bả mua.
Vợ con thực chất chỉ được hưởng ké những gì ổng hưởng, ổng chẳng bao giờ hy sinh toàn vẹn cho cái nhà này lấy một thứ. Rồi thì bả nhắc đến căn nhà, và bị ăn tát.”Mày thích cãi không?”, ổng chửi bả, ổng cố trốn tránh những lí lẽ làm hại cái tôi của ổng đi, ổng bắt những lí lẽ đó phải câm họng.
Ổng chẳng bao giờ nhắc đến căn nhà lúc cãi lộn với bả, cái căn nhà mà ổng hưởng hết danh tiếng ấy, trong khi người trả tiền đất lẫn xây nhà là bả. Vậy mà lúc chửi đám con thì lắm khi còn lôi câu “mày biến khỏi nhà tao” tỉnh bơ. Lúc đó chúng nó vừa thấy nhục lại vừa khinh rẻ. Đơn giản vì chúng nó dưới quyền ổng, vì ổng đẻ ra chúng nó, ổng nuôi nấng chúng nó (theo góc nhìn của ổng). Ổng có bảo chúng nó đi chết đi cũng được. Chẳng cần quan tâm tới lí lẽ làm gì. Vì đó là tư tưởng. Nhưng khi nói chuyện với bả, ổng phải dùng lí lẽ, nên phải tránh những lí lẽ làm hại ổng đi. Ổng chẳng bao giờ nhắc đến căn nhà, căn nhà là lí lẽ gây hại cho ổng nhất. Vậy nên căn nhà luôn là điểm cuối cùng của cuộc cãi vã. Ổng tát vào mặt bả, “Mày thích cãi không?!”, xong, hết chuyện. Ổng luôn phải giấu lí lẽ về căn nhà đi, cả trong suy nghĩ của ổng, trốn tránh nó, cả lúc bình thường, vì nó sẽ khiến ổng suy nghĩ về mình, vì nó sẽ biến ổng thành kẻ khốn nạn, và ổng thì không thừa nhận điều đó. Bởi lòng tự ái của ổng cao ngất trời. Ổng luôn cho rằng mình là kẻ tốt đẹp, là người tốt, là người đáng được tôn trọng.
Cái tôi quá cao, lại chưa từng nghe ý kiến trái chiều, lại còn bị đập thẳng vào mặt những thứ sẽ hủy diệt hoàn toàn cái tôi của ổng. Ổng không chấp nhận nổi nó, ổng bắt nó phải câm họng. Quen thói rồi. Đàn con không vâng lời là ổng đánh, làm trái ý là ổng đánh. Vợ cũng vậy. Ổng đánh để bắt nó phải vâng lời, phải theo ý ổng. Ổng tiếp tục tự lừa mình, như ổng vẫn làm, để bảo vệ cái tôi của ổng. Ổng quên những cái khốn nạn bả chỉ ra nãy giờ đi, không cho nó nhắc lại nữa, lấp liếm chúng. Bằng thái độ hùng hổ, ổng không chỉ lừa người khác, mà còn tự lừa chính mình.
“Mày có biết tao hy sinh cho cái nhà này bao nhiêu không?”. Ổng tự tâng bốc những hy sinh mà ổng còn chẳng nhớ rõ là bao nhiêu. Không nhớ rõ. À, chắc nó nhiều lắm.“NÓ NHIỀU LẮM!”, “Tao hy sinh cho cái nhà này nhiều lắm!”.
Bả thì nằm bẹp ra như con chó bị chủ đánh, chẳng thể lên tiếng, chẳng thể chỉ ra chính xác những “hy sinh” của ổng, những “hy sinh” mà ổng chẳng bao giờ không có phần lợi ở trong, chẳng thể kể ra những hy sinh thậm chí còn gấp trăm lần ổng của bả. Con chó bị chủ đánh, bả chỉ còn biết van, van những lời làm thỏa mãn ổng. Không thừa nhận những gì ổng nói, nhưng cũng chẳng phản bác chúng. Cơ mà thực chất bả còn chẳng nghĩ được gì khác ngoài van xin.
Bả câm họng, nhưng ổng vẫn còn bực. Rồi ổng đi vào phòng, mở két sắt lấy tiền đi chơi. Không một chút chùn tay. Miệng vừa phủ nhận công lao của người khác mà lại đi lấy tiền của họ, nhưng ổng vẫn không chùn tay.“Nó xúc phạm danh dự mình, mình phải lấy tiền bồi thường”. Ổng tự bảo mình thế.
*
Còn đối với đàn con, cũng chẳng khá hơn. Thực tế cũng chẳng có gì để mà nói. Chúng nó không có vị thế như mẹ chúng nó (dù thực ra bả cũng chẳng có vị thế gì). Cuộc vãi vả của ổng với chúng nó kết thúc nhanh như thời gian khi ổng suy nghĩ về sự khốn nạn của mình vậy. Thực ra cũng chẳng có gì.
“Chúng mày ăn cơm của cha mẹ mà nhờ có tí việc chúng mày cũng không làm !”
Ổng thêm cha vào danh sách những người có công, vì ổng là người nấu cơm, và ổng cho rằng chúng nó ăn của mình. Ổng kéo bả về phía ổng, ổng dám coi bả là đồng minh trong khi dối xử với bả chẳng ra gì. Ổng bắt chúng nó phải làm việc, cụ thể là rửa chén, trong khi ổng là người bày ra. Mâm rồi chén rồi tô đựng canh, đựng cá, bày vẽ, để chơi cái trò gia đình của ổng, vì đám con kiểu gì cũng phải ăn chung một chén, lỡ xin tiền mẹ ăn sáng no rồi cũng phải ngồi vào mâm ăn thêm cho ra cái nhà, phải có quy củ, các thứ. Lâu lâu thì kéo đám bạn về, ăn nhậu cho đã, rồi bày đống hổ lốn ra đấy cho chúng nó. Và ổng thì nằm lướt điện thoại. Tương tự với vụ lau dọn hàng hóa.
Mức độ vô lí của ổng khi nói chuyện với chúng nó còn phải gấp mấy lần bả. Chỉ cần một chút công lao là đủ, thiếu gì thì “Tao đẻ chúng mày ra”. Vầng, ổng đẻ bằng cái của gia bảo nhà ổng. Bởi lẽ câu đó được chống lưng bởi tư tưởng xã hội, thứ mà con người ta thường tin với không một câu hỏi tại sao, tin như thể chân lí, chẳng cần tranh luận, phản biện gì. Như kiểu người ta dùng tôn giáo để đi giết nhau vậy. Vì thần linh muốn thế.
Còn những sự vô lí, những sự vô lí dư sức quật chết cái phần đúng của lí lẽ, chúng nó dựa vào đó mà bật. Bị một đám con vô dụng, chẳng gì làm cha mẹ tự hào, một đám bị chửi đến vô dụng, bị chửi đến lúc nào cũng cụp đuôi trước mặt ổng bật lại, ổng không quen. “Mày thích cãi không!?”. Xong, hết chuyện.
Con chó bị chủ đánh lâu ngày, chỉ cần nghe có thế, và chúng nó chỉ còn biết câm họng. Chẳng có gì để nói.
(Còn tiếp)