-----------------------
Bả bán hàng ngoài chợ.
Chợ này vốn đã đời. Trước nó nằm cách đây một cây cầu. Chợ này dời, để một tập đoàn phát triển khu đô thị. Khu này trước khỉ ho cò gáy, chợ dời về đây, người ta sẽ tập trung ở đây. Ngay cả chính quyền cũng vướng mắc khu chợ này, cũng muốn cho dời từ lâu, nhưng chưa có điều kiện. Chợ cũ vốn đã tấp nập rồi, lại lâu đời, xuống cấp, dễ cháy lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chợ dời về đây, vừa phát triển dân cư, vừa khang trang, an toàn.
Lợi cả đống bên, thế là người ta xây nên cả một khu chợ, rồi yêu cầu tiểu thương dời về đây. Xem ra hợp lí, có vẻ sáng suốt. Có điều, ý tưởng hay ho, cứ gật gù như thế, còn làm ra sao, hậu quả như nào, và bao nhiêu uẩn khúc. Kệ. Hay ít nhất những gì đã xảy ra cũng nói lên như thế.
*
Chính sách ngay từ đầu đã có vấn đề. Khu này khỉ ho cò gáy, bắt tiểu thương dời về đây, để ăn cám à? Nên là người ta phản đối. Chợ dời về đây, mấy hàng quần áo, giày dép, mĩ phẩm, văn phòng phẩm các thứ ven quốc lộ nó ăn hết.
Chợ cũ nằm ngay khu dân cư, trước mặt là quốc lộ. Đầu tiên chỉ là cái nhà lồng chợ, hai tầng, tầng dưới bán, tầng trên ở. Trước là nhà lồng chợ của nhà nước, người ta không bán nữa, rời đi, cho tiểu thương thuê bán. Dần dần, khu vực xung quanh cũng thành chợ. Phía trước thành chợ, người ta xây kiốt từ hai bên cửa nhà lồng, kéo ra tận quốc lộ, sân trước giờ chỉ còn là một con đường nhỏ dẫn vào nhà lồng với hai hàng kiốt hai bên, thực ra là ba, hai bên hông chợ cũng có đường, làm đường phụ. Hai dãy kiốt mới mọc ấy, người ta chia làm hai mặt, một hướng vào đường chính, một hướng ra đường phụ, kiốt sát quốc lộ được thêm một mặt nữa. Cái đường phụ ấy, dẫn ra đằng sau nhà lồng, một khu dân cư. Nhưng người ta thấy chợ mọc, nhà nào mặt tiền hướng ra hẻm đều mở sạp bán, khu đó cũng thành cái chợ. Ngoài ra ở bên trái khu dân cư, nơi có con sông chảy qua, cũng biến thành chợ, ở đó người ta bán thịt, bán rau, củ, quả, cá, nhờ có đường thủy.
Khu dân cư có thêm cái chợ mới rõ quy mô, lại còn quốc lộ chạy ngang trước mặt, người ta kéo về ngày một đông, ngày tết là khỏi đi lại.
Nhưng khu này khỉ ho cò gáy từ đầu. Chợ trước còn nằm cạnh quốc lộ, chợ này nằm tít ở trong, ở đúng cái chỗ vắng người nhất, giữa ruộng. Nghe đâu trước còn có cái nghĩa địa tự phát. Chợ trước vừa hình thành, người ta kéo về ầm ầm. Chợ này chẳng ma nào đến. Kể cả có khuyến khích cho ai đặt chỗ trước, người ta cũng chẳng thèm quan tâm. Người ta cũng chẳng ai tin là chợ này phải dời.
Dân không quan tâm, không chợ này thì đi chợ khác, chỗ khác. Tiểu thương thì họ phản đối như gì. Người ta lại đông. Dù chỉ di dời khu nhà lồng, vì đó là chợ nhà nước, có quyền dời. Nhưng chợ chính mất, xây thành cái công viên, khu chợ sau nhỏ hơn, lại nằm ở trong, từ quốc lộ thì nhận ra cái chợ đó bằng mắt. Dân người ta đi chợ mới, kiểu gì khu chợ cũ cũng sập, nên cả chợ phản đối. Chợ này có hơn chục năm, nên người ta đông như kiến vậy. Người ta không đi, làm gì nhau? Chợ mới kiểu gì cũng nát.
Người ta không dời, không chỉ vì khu chợ mới vắng. Người ta bán ở đây cả chục năm, cố định một chỗ, khách quen nhiều, ngày tết thì đó là thu nhập chính. Người khác thì họ đến sớm, họ giành được chỗ ngon, chỗ đẹp, sang chợ mới phải bốc thăm xếp lại, đời nào người ta chịu? Chợ mới khang trang, an toàn, nhưng lối đi thì hẹp, chẳng lối nào rộng bằng đường phụ chợ cũ, đủ cho hàng ngang 4 người, đường chính thì 6, đường bằng như vậy ở chợ mới chỉ dành cho xe cộ và nằm ở ngoài.
Rồi thì cái kinh khủng nhất. Kiốt chợ mới chỉ lớn hơn một nửa chợ cũ, nhìn kiểu gì cũng bất lợi trong buôn bán hơn, thế mà giá một kiốt, so cùng diện tích, tiền thuê lại phải hơn gấp đôi. Chưa hết, họ bắt đóng trước 5 năm, để nhanh thu hồi vốn. Chỉ cho tiểu thương miễn tiền thuê 6 tháng, chẳng đền bù gì, thực ra là có, nhưng nếu so với những gì người ta phải bỏ, chẳng khác nào không có gì.
Qua đó vừa mất chỗ, vừa mất khách. Được miễn tiền thuê 6 tháng, nhưng phải đóng liền 5 năm sau đó trong một lần, tiền thuê một tháng tính ra bằng hai tháng ở đây. Có ngu hay loạn thần kinh may ra mới đồng ý. Nếu có ai dửng dưng trước vụ này nhất, chắc đó là mấy bà bán rau, vì ngồi đâu cũng được. Vốn đã chẳng có chỗ, dời đi cũng chả hề gì. Nhưng thời gian sau, người ngu hay loạn thần kinh, hóa ra lại là những người nói câu đó.
Chợ nhận được “tối hậu thư”, nếu không di dời, sẽ cưỡng chế di dời. Lúc đó người ta mới tỉnh ra. Trước cứ như không có gì xảy ra, giờ xôn xao hơn chút. Đã có vài mầm mống chấp nhận thỏa hiệp, những người chống đối bảo thế. Họ họp bàn, nếu nó chèn ép, thì ta nổi dậy, chả sao cả. Nhưng đó là kịch bản sau cùng, họ đi khiếu nại trước.
Họ lên huyện khiếu nại. Gặp ngay phó chủ tịch, mà một trong những chức năng chính là đứng mũi chịu sào. Chuyện bé thì trả lời qua loa, chuyện lớn thì không đủ thẩm quyền trả lời. Chẳng đi đến đâu. Dù vậy, vẫn có lí do đủ thuyết phục. Trả lời khiếu nại, chủ yếu là nguy cơ an toàn. Người ta bảo chợ đông, nằm sát sàn sạt, nguy cơ cháy rất cao. Cái này thì khó cãi, có cãi cũng thành cùn, vì rõ ràng là như thế.
Chợ này gần như tự phát, đến cái bình chữa cháy cũng chỉ vài người có. Buôn bán thì hổ lốn thứ, toàn những thứ dễ cháy, lại còn sát nhau, chẳng ai quản lí hoạt động. Đã vậy chợ này đã mấy chục năm tuổi. Cái cớ duy nhất, những người phản đối chỉ có thể dựa vào đó, lấp lửng, không đúng cũng chẳng sai, là chợ này từng ấy năm vẫn chưa cháy, rằng ý thức người dân rất cao. Còn không thì tất cả cùng góp tiền lắp đặt hệ thống chữa cháy, nhưng là cho cái chợ đã mấy chục năm, kiến trúc chẳng biết đường nào mà lần, đã vậy người ta còn bày hàng la liệt, mua bán đã tấp nập chứ đừng nói hoạt động chữa cháy.
Lí do bắt di dời quả không thể thuyết phục hơn. Chính những người trong chợ cũng thấy rõ nguy cơ đó. Chợ mới khang trang, an toàn, hệ thống chữa cháy rõ ăn đứt chợ cũ mà gần như là chẳng có gì ấy, lại còn có người quản lí đàng hoàng, ban quản lí thấy ai nấu ăn trong chợ là dẹp ngay, còn đi thị sát cách người ta bày hàng, gần đường dây điện hay có nguy cơ thì cất. Giờ giấc sinh hoạt cũng quy củ, trước người ta đi về lúc nào cũng được, giờ cố định, nhất là không bán buổi tối trừ tết.
Người ta không xấu, rõ là không. Chắc vậy. Đấy là lí do không thể thuyết phục hơn. Có điều, động tới kế sinh nhai, mưu sinh duy nhất của bao người mà không tính toán kĩ càng, đấy là cái vấn đề. Xây chợ chỉ thấy thông báo nhỏ, xây xong mới thông báo lớn, người ta trở tay không kịp. Thương lượng giá thì bên kia rõ là kiên quyết. Được chính sách di dời vì an toàn của chính quyền chống lưng, họ đâm ra lì lợm.
Ban đầu tiểu thương phản đối rất đông, nhưng khi nghe đến cưỡng chế, đã lịm mất mấy phần, chủ yếu là những người có điều kiện. Những người ít điều kiện hơn, với họ chưa đủ đô, họ vẫn hy vọng sẽ phản đối được. Vậy nên khi nguy cơ ngày một rõ ràng, người ta cũng dần rút hơn nửa. Không phải ai cũng dời, có người họ chuyển về nhà bán, không đông khách bằng ở chợ, nhưng làm quái gì có tiền để mà dời? Những người còn lại, chủ yếu là những người mà kế sinh nhai của họ gắn chặt với chợ, những người có quá nhiều lợi ích để mất, những người gắn bó lâu năm với chợ, và những người cơ hội, gió chiều nào theo chiều ấy, họ mất quá nhiều khi dời, nhưng ở lại chống đối thì cũng y như vậy. Tuy nhiên, cũng đến hơn trăm người.
Họ quyết định chuẩn bị kháng chiến. Chợ đã mất nhiều so với trước, quân số còn nửa, nhưng họ vẫn kháng chiến. Họ tổng động viên tinh thần người ở lại, đọc hịch các thứ. Họ lập đàn thờ một ông từ tận hồi chống Pháp mà đình thần ông nằm ngay cuối chợ, dù chỉ là cái bàn với đống lễ vật, hương khói, và ảnh thờ. Họ mua quan tài đặt trước cổng chợ. Phải, mua hẳn quan tài, để khủng bố tinh thần địch. Căng băng rôn, biểu ngữ. Và vô số những cách phản đối kiểu vậy. Tất nhiên, là không bạo lực. Có điên mới dùng bạo lực, vì họ biết mình yếu hơn, dù thực ra lực lượng chức năng cũng chẳng dám dùng bạo lực mạnh tay với họ. Họ buôn bán như bình thường, như thể trời có sập thì chợ này cũng chẳng dời được. Tinh thần bất bình càng lên cao hơn, vì chợ phải dời ngay dịp tết, thời điểm người ta buôn bán để mà còn có cái ăn tết với con cháu, và là lúc bán chạy nhất năm. Người ta chẳng tin, thế là cứ nhập hàng về, ai ngờ dời trước tết hai tuần. Thế là vừa mất tết, vừa mất vốn, nên tinh thần chống đối lên đến cực điểm, chỉ đợi ngày cưỡng chế là bùng nổ.
Rồi ngày cưỡng chế đến. Noi gương Lý Thường Kiệt, lực lượng chức năng đánh phủ đầu. Họ đến từ khi mặt trời còn chẳng thấy đâu. Chợ chỉ lác đác chục người. Họ chủ quan, nên bị đánh phủ đầu. Công an vào trước, chặn đường, chặn ngõ. Đến sáng cuộc chiến mới thật sự bắt đầu.
Vừa đầu trận, hai cái quan tài đã bị chở đi. Thấy mặt công an, những người cơ hội biết không chống được thật, vội dọn đồ. Những người chở đồ đi cũng góp phần vào cái cảnh tượng hỗn loạn ấy. Công an dọn từ ngoài vào trong, dọn đồ của người chống đối đi, rồi dẹp sạp. Họ làm bài bản, khác hẳn với những người vẫn còn bảo nhau phản bội, chửi rủa võ mồm, và chiến đấu bằng niềm tin ấy. Người dân hiếu kì đến xem, quay phim, chụp ảnh, hỏi nhau xem đang xảy ra chuyện gì, bám kín cả đường quốc lộ, và công an lại phải thêm việc, vài ngày sau là trên mặt trận internet với mấy con kền kền phản động. Tiểu thương lại đến ngày một đông hơn, chính quyền phải điều thêm cả cảnh sát cơ động để trấn áp. Tình trạng hỗn loạn đến mức suýt thì có bạo lực ở nhiều nơi. Tiểu thương định ném đá, CSCĐ tý nữa trấn áp quá đá.
Nhờ đánh phủ đầu và bài bản, lực lượng chính quyền tuy ít hơn, đã cưỡng chế dời chợ thành công. Nói là ít, nhưng tổng số cũng mấy chục người, làm vô cùng quyết liệt. Chẳng biết có lợi ích kép gì không mà quyết liệt thế? Tiền đâu ra mà trả cho đông thế? Người ta giờ vẫn bảo vậy.
Sau cùng, chỉ còn nghe được tiếng hờ khóc, tiếng người ta ủi an nhau, tiếng xe máy chạy đi vì chẳng sơ múi được gì nữa, tiếng phương tiện giao thông qua quốc lộ kéo dài vì chạy chậm lại xem đống hoang tàn.
Chợ kiểu gì cũng phải dời, người ta bắt đầu chẳng biết mình chống đối để làm gì. Nhưng lại lần nữa hiểu ra khi sang chợ mới: Nó bắt đóng liền 5 năm, 6 tháng miễn vất. Tiền thuê giờ tăng gấp đôi. Tiền thuê kiốt theo quy định pháp luật chỉ ở một khung nhất định, nó lấy giá cao nhất được phép.
Sao lại như thế? Người ta chửi.
Năm trước xây xong chợ bảo qua sớm không qua, giờ mới qua, chịu đi. Trước người khác thầu, giờ người mới mua lại dự án, người ta bắt giá đó, chịu đi. Nó trả lời.
Nói vậy chứ ai cũng hiểu. Giá yêu cầu khác, giá cưỡng chế nó phải khác. Giờ người ta chẳng còn đường nào để đi, nó muốn chèn ép đến cùng. Việc này là của tư nhân, không liên quan chính quyền. Chắc vậy. Chính quyền di dời vì an toàn, tư nhân nó kinh doanh. Chúng nó lại làm theo quy định, có tố cáo cũng chẳng được. Cũng không có khiếu nại, chỉ có thương lượng, không được thì biến.
Sau một hồi cãi vã, những người chiến sĩ kháng chiến vốn đã tan rã ấy giờ lại tan rã thêm. Người thì cắn răng chịu, xin được khất một năm, mà thực ra là họ sẽ khất đến khi nào không khất được nữa thì thôi. Người đi, đa phần chẳng về nơi nào, họ ra sao, chả ai biết.
*
Và đó là chuyện đã kết được mấy năm. Chợ mới nay đã tấp nập người, tuy không đông bằng chợ cũ. Khu đô thị có chợ, trước chỉ là cái đất hoang, giờ nhà mọc lên như nấm, vừa để ở vừa để kinh doanh. Giá đất lên vù vù, người tiếc nhỏ dãi vì ở ngay cạnh mà ngu không mua sớm một miếng đầy. Tiểu thương cũng đã ổn định, dù nghe cái điệp khúc đòi nợ suốt. Những câu càm ràm tết này bán tệ hẳn mấy tết trước cũng giảm dần qua từng năm, vì khách quen đã tìm lại. Câu quen thuộc nhất nghe được giờ phải là “Ủa chị bán ở đây hả?”.
Khu nhà lồng chợ cũ giờ thành cái công viên, rõ lác đác người. Khu chợ sau mất chợ chính, người ta dời gần hết đi, bán, hoặc chuyển lại thành nhà ở, không thì kinh doanh thứ khác ngoài đồ phổ biến trong chợ. Tạp hóa, đồ gia dụng, tiệm cà phê, chẳng hạn. Chẳng ai tin chỗ này từng là chợ.
Trong tổng số những người dời đi ở cả cái chợ này mà không sang chợ mới, người thì về nhà bán, người bỏ đi chỗ khác làm ăn, người tha hương. Số còn lại, chẳng ai biết ra sao.
(Còn tiếp)