*Tiêu đề do người dịch đặt
Lần đầu tôi chạm mặt Philippe Petit là vào năm 1971. Tôi ở Paris, đang bước đi ở đại lộ Montparnasse, thì gặp một đám đông lớn đứng yên lặng bên đường thành một vòng tròn lớn. Rõ là đang có gì đó xảy ra bên trong vòng tròn ấy, và tôi muốn biết coi đó là gì. Tôi chen qua ít người đang tò mò theo dõi, đứng nhón chân, thì nhìn thấy một chàng trai trẻ tuổi nhỏ con ở chính giữa vòng tròn. Mọi thứ người ấy vận đều màu đen: giày, quần, áo thun, kể cả chiếc nón lụa tả tơi đội trên đầu. Tóc chĩa ra từ dưới nón có màu vàng đỏ nhạt, và khuôn mặt bên dưới quá đỗi xanh xao, khuyết sắc, đến mức thoạt nhìn tôi nghĩ người ấy đang trang điểm bằng phấn trắng.
Chàng trai trẻ ấy tung hứng, đạp một chiếc xe một bánh, rồi trình diễn đôi chút trò ảo thuật. Anh ta tung hứng những quả bóng cao su, chùy gỗ, và những cây đuốc còn đang cháy, lúc vừa đứng trên mặt đất và lúc đang ngồi trên xe một bánh, đảo liên tục từ món này sang món khác không ngừng. Tôi ngạc nhiên khi mọi thứ này anh chàng đều thực hiện trong im lặng. Một vòng tròn vẽ bằng phấn đã được vạch ra trên lề đường, thận trọng giữ không cho bất kỳ vị khách thưởng ngoạn nào bước vào bên trong – bằng một cử chỉ thuyết phục của một diễn viên kịch câm – anh kinh qua toàn bộ tiết mục trình diễn bằng một sự ráo riết và trí thông minh khiến ta không thể nào cưỡng được cứ phải dõi theo.
Không giống các nghệ sĩ đường phố khác, anh không trình diễn cho đám đông. Trái lại, ở đây giống như thể anh cho phép người xem chia sẻ những vận hành trong ý nghĩ của mình, khiến chúng ta tò mò về một sự ám ảnh sâu kín, khó diễn đạt thành lời nằm ở bên trong anh. Ấy vậy mà những gì anh làm lại chẳng có chút gì trên mức riêng tư. Mọi thứ đều được phơi bày một cách ẩn dụ, như thể chúng độc lập với anh thông qua phương tiện là trình diễn. Anh tung hứng rất chính xác và chuyên chú, như một cuộc đối thoại anh đang mở chỉ với chính mình. Anh dày công khai triển những tổ hợp tung hứng phức tạp nhất, những phép toán tinh kỳ, những động tác nhào lộn đẹp đến phi lý, nhưng đồng thời vẫn giữ cho động tác của mình hết mực giản dị. Trong suốt màn trình diễn, anh tìm ra được cách tỏa lộ một nét quyến rũ mê hoặc, chuyển dịch giữa một bên là anh hề và bên còn lại là quỷ dữ. Chẳng ai nói lời nào. Cứ như thể sự im lặng của anh chính là mệnh lệnh cho người khác cũng im lặng theo. Đám đông theo dõi, và sau khi tiết mục kết thúc, ai cũng cho tiền vào nón. Tôi nhận thấy tôi chưa từng thấy điều gì như thế bao giờ.
Lần kế tiếp tôi bắt gặp Philippe Petit là ít tuần sau đó. Lúc đó là đêm muộn – chắc một hai giờ sáng – và tôi thì đang bước dọc một bãi thuyền ở dòng sông Seine cách Notre Dame không quá xa. Bất thình lình, bên kia đường, tôi nhìn thấy nhiều người trẻ tuổi đang di chuyển thật nhanh trong bóng tối. Họ đang mang theo dây thừng, dây cáp, đồ nghề và những chiếc túi nặng nề. Tò mò như thường tình, tôi bắt kịp vận tốc bọn họ từ phía bên đây đường và nhận ra một người trong số đó không ai khác chính là chàng tung hứng ở đại lộ Montparnasse. Ngay lập tức tôi biết có chuyện gì đó sắp sửa xảy ra. Nhưng tôi không thể hình dung được chuyện ấy sẽ là gì.
Ngày hôm sau, trên trang bìa tờ International Herald Tribune, tôi đã có câu trả lời. Một chàng trai trẻ đã giăng một sợi dây giữa hai tòa tháp Notre Dame và vừa bước vừa tung hứng vừa nhảy múa trên đó suốt ba giờ đồng hồ, khiến đám đông bên dưới kinh ngạc. Chẳng một ai biết làm thế nào anh chàng đã bắc được sợi dây hay làm sao anh chàng xoay sở thoát khỏi sự chú ý của người có chức năng. Ngay khi quay trở lại mặt đất, anh đã bị bắt, bị phát vì gây rối tri an và nhiều tội vặt vãnh khác. Chính từ bài báo này mà tôi lần đầu biết được tên anh chàng: Philippe Petit. Trong đầu tôi chẳng có lấy dù một mảy may nghi ngờ rằng anh chàng này với người nghệ sĩ tung hứng trước kia là một.
Pha trình diễn ngoạn mục tại Notre Dame này để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, và tôi cứ nghĩ mãi về chuyện này suốt nhiều năm sau. Mỗi lần bước qua Notre Dame, tôi cứ hình dung trở lại tấm ảnh chụp đã đăng trên tờ báo: một sợi dây gần như vô hình kéo giữa hai tòa tháp thánh đường khổng lồ, và ở đó, ngay chính giữa, như thể lửng lơ một cách thần diệu trên không gian, hình dáng con người nhỏ nhắn trong mọi hình dáng, một đốm cuộc sống nhỏ nhoi giữa bầu trời. Tôi không thể nào bỏ mất không thêm vào cái hình ảnh còn nhớ như in kia vào thánh đường thật trước mắt, như thể tòa công trình cổ kính của Paris, xây dựng từ rất lâu đời để vinh danh Chúa, đã biến thành một cái gì đó khác. Nhưng là gì mới được chứ? Tôi thấy rất khó lòng diễn đạt. Biến thành một cái gì đó con người hơn, có lẽ. Như thể những viên đá của nó giờ đây đã mang dấu nhấn con người. Và chưa hết, lại chẳng hề có dấu tích nào cả. Chính tôi bằng tâm trí của mình đã tạo nên dấu tích ấy, và giờ đây nó chỉ tồn tại trong ký ức. Ấy vậy mà, bằng chứng lại không thể nào chối bỏ được: cảm nhận của tôi về Paris đã thay đổi. Tôi không còn thấy về Paris như trước kia tôi từng cảm thấy.
Đương nhiên việc bước đi trên dây ở một nơi cao dường ấy so với mặt đất là một việc hết sức phi thường. Khi nhìn thấy ai đó làm điều như thế gây cho chúng ta một niềm háo hức gần như vô bờ. Thực sự là, giả như có đủ lòng can đảm và kỹ năng, cũng chỉ có ít ỏi một vài người từ chối làm điều tương tự. Ấy vậy mà, nghệ thuật đi trên dây chưa bao giờ được người ta coi trọng. Vì đi dây thường diễn ra tại gánh xiếc, người ta tự động gán cho nó một chỗ đứng bên lề. Gánh xiếc nói gì thì nói chỉ dành cho trẻ con, và trẻ con thì biết gì về nghệ thuật? Người lớn chúng ta có nhiều thứ hay ho hơn để ngẫm suy kia. Có nghệ thuật âm nhạc, vẽ tranh, điêu khắc, nghệ thuật thi ca, văn vần, nghệ thuật sân khấu, múa, nghệ thuật nấu nướng, nghệ thuật sống. Nhưng nghệ thuật đi dây thì sao? Nội cái định nghĩa không cũng đã thấy buồn cười. Nếu người ta dừng bước và dành chút gì đó nghĩ tới bộ môn này, họ thường sẽ xếp nó vào một bộ môn phụ, ngoài lề nào đó của thể thao.
Còn có cả vấn đề trình diễn nữa. Tôi muốn nói tới những màn chọc cười điên khùng, trò tự quảng bá thô tục, cơn đói khát được công chúng biết tới vốn ở xung quanh mỗi người chúng ta. Chúng ta đang sống giữa một thời buổi mà con người dường như sẵn lòng làm mọi thứ ngõ hầu nhận được một chút ít sự quan tâm. Và công chúng chấp nhận điều này, trao tai tiếng hay tên tuổi cho bất cứ kẻ nào đủ can đảm hay ngốc nghếch để thực hiện nó. Như một quy luật chung, trò càng nguy hiểm, người ta càng biết tới nhiều hơn. Băng đại dương bằng bồn tắm mà xem, và chắc chắn bạn sẽ lên báo, thậm chí có khi còn được phỏng vấn trên một talkshow truyền hình. Sự ngu dốt của những thói trò ấy rõ rành rành. Tôi thà dành thời gian xem con trai đạp xe, luyện bánh còn hơn.
Tuy vậy, hiểm nguy lại là một phần tất yếu của thuật đi dây. Khi một người bước trên dây cách mặt đất chỉ vài tấc, chúng ta không phản ứng với anh ta cùng cách phản ứng khi anh bước đi cách mặt đất 60 mét. Nhưng nguy hiểm chỉ mới là một nửa. Không giống diễn viên đóng thế, màn trình diễn của họ được tính toán cốt để nhấn mạnh mọi rủi ro dựng tóc gáy, khiến khán giả của họ thở hổn hển vì sợ và vì một sự háo hức gần tới mức ác tâm muốn chứng kiến thảm họa xảy ra, một người đi dây giỏi giang cố gắng làm sao cho khán giả của anh quên đi nguy hiểm, để dụ nó ra khỏi ý nghĩ về cái chết bằng chính vẻ đẹp của điều mà anh đang thực hiện trên dây. Lao động trong những hạn chế tối đa có thể có, trên một sân khấu bề ngang chưa đầy nửa tấc, công việc của người đi dây là tạo ra một cảm giác tự do vô bờ bến. Người tung hứng, vũ công, nhào lộn, anh trình diễn trên bầu trời những món mà kẻ khác hài lòng trình diễn trên mặt đất. Khát khao vừa khó thành nhưng cũng hoàn toàn tự nhiên, và nét quyến rũ của nó rốt cuộc lại nằm ở sự vô tác dụng hoàn toàn. Dường như với tôi chẳng có thứ nghệ thuật nào nhấn mạnh sự tự phát mỹ học sâu sắc trong tất cả chúng ta đến dường như vậy. Mỗi khi tôi nhìn thấy một người đi dây, một phần của chúng ta ở trên ấy với họ. Không như các tiết mục trình diễn thuộc các loại hình nghệ thuật khác, trải nghiệm đi dây vừa trực tiếp, đơn biệt, giản đơn, và chẳng cần một giải thích nào khác. Nghệ thuật nằm chính tại nó, một cuộc sống trong khắc họa trần trụi nhất của nó. Và nếu có ở đó một vẻ đẹp, nó do bởi vẻ đẹp mà chúng ta cảm nhận từ bên trong.
Còn một thành tố khác của cú đi dây băng qua Notre Dame khiến tôi thấy thuyết phục: nó hoàn toàn diễn ra trong bí mật. Bằng sự rốt ráo của một tay cướp ngân hàng chuẩn bị đột nhập, Philippe đã làm chuyện của mình trong im lặng. Không họp báo, không công bố, không đăng cáo nào. Sự trinh khiết của hành động ấy thật sự ấn tượng. Anh có thể hy vọng sẽ nhận được gì? Nếu dây đứt, nếu công tác chuẩn bị mắc sai lầm, anh đã có thể chết đi. Mặt khác, thành công mang tới điều gì? Rõ ràng anh ấy chẳng nhận đồng nào từ phi vụ này. Anh thậm chí còn không tìm cách tận dụng thời khắc vinh quang ấy để kiếm tiền nữa. Khi chuyện xong xuôi, kết quả hữu hình duy nhất là một chuyến vào khám ngắn ngày ở nhà tù Paris.
Vậy thì vì sao anh ấy lại làm chuyện đó? Tôi tin chẳng vì lý do nào khác nào chuyện làm cả thế gian thán phục trước những gì anh ấy có thể thực hiện. Là người đã chứng kiến tiết mục tung hứng lôi cuốn và sắc lẻm của anh trên phố, trực giác của tôi mách bảo rằng động cơ của anh chẳng là động cơ của kẻ khác – thậm chí chẳng phải của những tay nghệ sĩ khác. Với một tham vọng và một cơn kiêu ngạo đo bằng trời, và bằng cách đặt mình vào những đòi hỏi nội tại khe khắt nhất, đơn giản anh ta chỉ muốn làm điều anh có thể làm được.
Sau khi sống ở Pháp được bốn năm, tôi trở lại New York tháng Bảy năm 1974. Đã một lúc lâu tôi chẳng còn nghe gì về Philippe Petit, nhưng ký ức những gì đã xảy ra ở Paris vẫn còn tươi mới, một phần vĩnh cửu trong thần thoại cá nhân của riêng tôi. Nhưng rồi, chỉ một tháng sau khi tôi rời đi, Philippe lại xuất hiện trên báo – lần này ở ngay New York, với màn bước đi giờ đã trứ danh, giữa hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới. Thật hay khi biết rằng Philippe vẫn còn mơ giấc mơ của mình, và điều này làm tôi cảm thấy mình đã chọn đúng thời điểm trở về nhà. New York rộng lượng hơn Paris, và người ở đây đón nhận hồ hởi hết sức trước những gì anh đã làm. Tuy nhiên, như những gì xảy ra sau chuyến phiêu lưu ở Notre Dame, Philippe vẫn trung thành với những gì anh mơ ước. Anh không hề tìm cách hốt bạc bằng danh tiếng mới có của mình; anh tìm mọi cách cưỡng lại những cám dỗ ồn ả mà nước Mỹ quá đỗi sẵn lòng trao tay. Chẳng quyển sách nào xuất bản, chẳng bộ phim nào làm ra, chẳng một nhà khởi nghiệp nào dùng anh để đóng gói hàng hóa. Thực tế Trung tâm thương mại chẳng hề khiến cho anh giàu có, nó cũng kinh ngạc như chính sự kiện anh đã cất công thực hiện. Nhưng bằng chứng của nó vẫn ở rành rành đó cho mọi cư dân New York chứng kiến: Philippe tiếp tục sinh nhai bằng nghề tung hứng trên đường.
Đường phố là sân khấu đầu tiên của anh, và anh vẫn nghiêm túc trong các màn trình diễn của mình trên đường phố chẳng khác gì trên dây. Điều này đã bắt đầu từ rất sớm trong anh. Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Pháp năm 1949, anh tự dạy mình ảo thuật khi lên sáu, tung hứng khi mười hai, và đi dây chỉ ít năm sau đó. Trong thời điểm này, khi đắm chìm vào những hoạt động đa dạng như cưỡi ngựa, leo núi, nghệ thuật, đóng mộc, anh vẫn xoay sở để bị đuổi cổ khỏi chín ngôi trường. Ở tuổi 16, anh bắt đầu một giai đoạn du lịch vòng quanh thế giới không ngừng nghỉ, trình diễn như một nghệ sĩ tung hứng ở Tây Âu, Nga, Ấn, Úc và Mỹ. “Tôi học được cách sống bằng trí óc của mình,” anh nói về những năm tháng ấy. “Tôi cứ trình diễn tung hứng khắp mọi nơi cho tất cả mọi người – du lịch như một nghệ sĩ hát rong cùng chiếc giỏ bằng da cũ kỹ. Tôi học cách chạy trốn cảnh sát trên chiếc xe một bánh. Tôi đói như một con sói; tôi đã học cách kiểm soát cuộc đời mình.
Nhưng dây cao mới chính là nơi Philippe đã tập trung những tham vọng lớn nhất của mình. Năm 1973, chỉ hai năm sau cú đi băng qua Notre Dame, anh lại có một trình diễn bất chấp khác ở Sydney, Úc: giương dây giữa hai trụ phía bắc của Harbour Bridge, cây cầu vòm bằng thép lớn nhất trên thế giới. Sau lần băng qua tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, anh đã băng qua thác Paterson, New Jersey, xuất hiện trên truyền hình bởi một chuyến đi khác bắc qua hai chóp Thánh đường Laon, Pháp, và còn băng qua Superdome ở New Orleans trước sự chứng kiến của tám mươi ngàn người. Cú trình diễn này diễn ra chỉ chín tháng sau một cú ngã 40 mét từ một sợi dây, làm anh gãy một số xương sườn, vỡ phổi, gãy hông, và dập tụy.
Philippe cũng làm việc trong gánh xiếc. Trong một năm trời, anh chính là điểm thu hút khách tới Ringling Bros. và Barnum & Bailey, và hết lần này tới lần khác anh đóng vai nghệ sĩ trình diễn khách mời cho đoàn xiếc Big Apple ở New York. Thế nhưng xiếc truyền thống chưa từng là bến đậu cho tài năng của Philippe, và anh biết rõ điều này. Anh là kiểu nghệ sĩ quá cô độc và dị thường, không sao có thể khép mình vào những nghiêm ngặt bên trong chiếc lều tổng đầy thương mại. Với anh những thứ quan trọng hơn nhiều là những kế hoạch dành cho tương lai: băng qua thác Niagara; đi từ đỉnh nhà hát opera Sydney tới đỉnh cầu Harbour – một chặng đường dài hơn 800 mét. Như chính anh giải thích: “Nói về kỷ luật hay nói về rủi ro là chẳng hiểu tí gì về chuyện. Cả đời mình tôi vẫn luôn kiếm tìm những chốn tuyệt vời nhất để băng qua – núi non, thác nước, những công trình lớn. Và nếu những lần tuyệt mỹ nhất tình cờ cũng là những chặng dài nhất hay nguy hiểm nhất – vậy càng hay. Nhưng tôi không tự tìm tới điều đó ngay từ đầu. Điều tôi thích thú chính là tiết mục, là sự trình diễn, là động tác thể hiện ra có đẹp mắt hay không.”

Khi rốt cuộc rồi cũng diện kiến Philippe năm 1980, tôi nhận ra rằng tất cả những cảm xúc tôi có về anh đều đúng. Đây chẳng hề là một kẻ bất chấp tất cả, hay một diễn viên đóng thế làm trò, mà anh chỉ là một nghệ sĩ độc nhất có khả năng trình bày tác phẩm của mình một cách hài hước và khéo léo. Như anh nói với tôi hôm đó, anh chẳng muốn mọi người nghĩ về mình chỉ như “một nghệ sĩ nhào lộn ngốc nghếch” nào khác. Anh kể về một số những điều anh đã viết ra – thơ, chuyện kể về những chuyến phiêu lưu của anh ở Notre Dame, Tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, kịch bản phim, một quyển sách nhỏ về thuật đi dây – và tôi nói rất sẵn lòng được đọc những gì anh viết. Vài ngày sau, tôi nhận một kiện bản thảo đầy ứ qua bưu điện. Một ghi chú bao bên ngoài giải thích các bản thảo này đã bị mười tám nhà xuất bản ở Pháp và Mỹ từ chối. Tôi không xem đây là một cản trở. Tôi bảo Philippe tôi sẽ làm mọi cách có thể để tìm cho anh một nhà xuất bản và cũng hứa sẽ đóng vai trò dịch giả nếu cần thiết. Từ niềm khoan khoái mà tôi nhận được từ những màn trình diễn của anh trên đường và trên dây, dường như đó là điều tối thiểu mà tôi có thể đáp đền cho anh.
On the High Wire theo quan điểm của tôi là một quyển sách tuyệt vời. Đây không chỉ là tác phẩm nghiên cứu đầu tiên về thuật đi dây từng được viết ra, mà nó còn là một tuyên ngôn cá nhân của người nghệ sĩ. Người đọc sẽ học được từ quyển sách về nghệ thuật lẫn khoa học của thuật đi dây, về nét trữ tình lẫn những yêu cầu về kỹ thuật của bộ môn này. Đồng thời, ta cũng chớ nhầm lẫn đây là một quyển sách “hướng dẫn” hay một cẩm nang giảng dạy. Thuật đi dây không thể dạy được: đó là một cái ta phải tự mình học lấy. Và rõ ràng một quyển sách chính là thứ cuối cùng để tìm tới giả như ta thật sự nghiêm túc muốn thực hành thuật đi dây.
Vì lẽ đó, quyển sách cũng giống như một dụ ngôn, một hành trình tinh thần thể hiện dưới dạng một khế ước.  Thông qua nó, người đọc cảm nhận về sự hiện diện của chính Philippe: chính sợi dây của anh, nghệ thuật của anh, cá tính của anh là những thứ nêu ra toàn bộ vấn đề. Rốt cuộc, không một ai khác có nơi chốn trong đó. Đây có lẽ là bài học quan trọng nhất có thể học được từ quyển sách: nghệ thuật đi đây là một nghệ thuật của cô độc, một cách để nắm giữ lấy cuộc sống ở cái góc nẻo tăm tối, ẩn mật nhất của bản thân. Khi đọc cẩn thận, quyển sách sẽ hóa thành một câu chuyện kể về sứ mệnh, một chuyện kể tiêu biểu về hành trình tìm kiếm sự hoàn hảo của một cá nhân. Theo đó, quyển sách bàn nhiều về đời sống nội tâm hơn là về đi dây. Với tôi dường như ai đã từng cố gắng làm một điều gì đó, bất kỳ ai đã từng hy sinh chính mình cho một bộ môn nghệ thuật hay một ý tưởng, sẽ chẳng vấp phải chút khó khăn gì khi hiểu về nó.
Cho tới hai tháng trước, tôi vẫn chưa được thấy tận mắt Philippe trình diễn đi đây ngoài trời. Một hay hai lần trình diễn trong rạp xiếc, và đương nhiên phim và ảnh ghi lại những kỳ công của anh, nhưng tận mắt thì chưa. Cuối cùng tôi cũng có được dịp may này tại một lễ khánh thành mới đây tại Thánh đường Saint John the Divine tại New York. Sau vài thập kỷ tạm hoãn thi công, công trình bắt đầu trở lại từ tòa tháp. Như một bày tỏ tôn vinh dành cho những nghệ sĩ đi dây thời Trung Cổ - những jogler từ thời kỳ những thánh đường vĩ đại của nước Pháp – Philippe đã ấp ủ ra suy nghĩ giăng một cọng cáp bằng thép từ đỉnh một tòa nhà cao tầng trên Đại lộ Amsterdam tới đỉnh tháp bên kia đường – một chặng đi dài gần 100 thước. Anh sẽ đi từ đầu này sang đầu bên kia và rồi trao cho Giám mục New York một chiếc bay bạc, dụng cụ sẽ được dùng để lát viên đá biểu tượng đầu tiên của tòa tháp.
Những bài diễn thuyết khai mạc kéo dài lê thê. Hết người này tới người khác, các bậc chức sắc cứ đứng lên và nói về Thánh đường và thời khắc lịch sử trọng đại sắp sửa xảy ra. Các giáo sĩ, viên chức thành phố, cựu Bộ trưởng bộ ngoại giao Cyrus Vance – tất cả đều có bài diễn văn. Một đám đông đã tụ tập trên phố, hầu hết là học sinh và hàng xóm xung quanh, và rõ ràng phần đông họ đến đây để chứng kiến Philippe. Khi các diễn văn cứ tiếp diễn, trong đám đông vẫn cứ lao nhao và háo háo hức chờ đợi một thứ khác. Tiết cuối tháng Chín thật đáng sợ: bầu trời xám nhạt; gió bắt đầu nổi lên; mây đen đang đùn từ xa tới. Ai ai cũng mất kiên nhẫn. Nếu các bài diễn văn còn kéo dài thêm nữa, có lẽ màn đi đây sẽ buộc phải hủy mất.
May mắn thay, thời tiết vẫn giữ nguyên, và cuối cùng đã tới lượt của Philippe. Khu vực dưới cáp buộc phải không một bóng người, có nghĩa là những người mới vừa mới giữ vị trí trung tâm giờ buộc phải lùi sang một bên với tất cả chỗ chúng tôi. Sự dân chủ của việc này khiến tôi đẹp lòng. Tình cờ, tôi thấy mình đứng vai kề vai với ngài Cyrus Vance trước bậc thềm Thánh đường. Tôi, đang trong chiếc áo khoác da cũ sờn, còn ông trong bộ suit màu xanh dương không thể chê vào đâu được. Nhưng điều ấy dường như chẳng đáng bận tâm. Ông ấy cũng hào hứng hệt như tôi. Về sau tôi nhận rar rằng vào bất kỳ thời điểm nào khác, hẳn tôi đã bị nghẹn không thốt lên được gì giả như đứng cạnh một con người quan trọng dường ấy. Nhưng lần đó thì không. Bọn tôi nói về thuật đi dây và những nguy hiểm mà Philippe sắp phải đối mặt. Dường như ông ta thật sự kính sợ trước màn trình diễn này và cứ ngước nhìn sợi dây – giống như tôi, giống như hàng trăm đứa trẻ xung quanh bọn tôi. Chỉ khi đó tôi mới hiểu ra khía cạnh quan trọng nhất của thuật đi dây: nó quy đồng tất cả về mức con người. Một bộ trưởng ngoại giao, một nhà thơ, một đứa trẻ: chúng ta trở nên bình đẳng trong mắt nhau, và do đó trở thành một phần của nhau.
Một ban lễ nhạc kèn đồng trình diễn một tấu khúc Phục hưng từ một chốn đâu đó vô hình đằng sau mặt tiền Thánh đường, và Philippe xuất hiện từ mái nhà bên kia đường. Ông vận một trang phục trung cổ bằng vải satin trắng, chiếc bay bạc treo trên túi bên hông. Ông chào đám đông bằng một cử chỉ duyên dáng, tài tình, tay cầm gậy giữ thăng bằng thật chắc chắn, và bắt đầu bước dần theo sợi dây để đi xuống. Từng bước một, tôi cảm thấy như đang bước đi trên đó cùng với anh, và dần dần những chốn cao dường như trở nên gần gũi với con người, đầy ắp hạnh phúc. Anh khụy một gối xuống và lại chào đám đông lần nữa; anh giữ thăng bằng một chân; anh di chuyển đầy sự tự do, lộng lẫy, toát ra sự tự tin. Và rồi, bất thình lình, anh đi tới một đoạn dây vừa đủ xa so với điểm xuất phát, mà mắt tôi còn để ý gì nữa tới những thứ xung quanh: tòa nhà chung cư, con phố, những người khác. Anh gần như ngay trên đỉnh đầu khi ấy, và khi ngửa ra sau để chiêm ngưỡng, tôi chẳng thấy gì ngoài sợi dây, Philippe và bầu trời. Chẳng một thứ gì khác. Một cơ thể màu trắng giữa nền trời màu trắng, như thể đang tự do. Sự tinh khôi của hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm trí tôi, và tận ngày nay nó vẫn còn trọn vẹn.
Từ đầu tới cuối, không có dù chỉ một lần tôi dám nghĩ anh sẽ ngã. Rủi ro, nỗi sợ cái chết, tai nạn bất ngờ: chúng không phải một phần của tiết mục biểu diễn. Philippe đã có trách nhiệm trọn vẹn với những gì anh thực hiện, và tôi cảm thấy rằng không điều gì có thể lung lay quyết tâm ấy. Thuật đi dây không chỉ là một nghệ thuật có thể đưa tới cái chết, mà là một nghệ thuật tạo ra cuộc sống – một cuộc sống sống trọn vẹn tới tận cùng. Có nghĩa là, một cuộc sống không trốn tránh cái chết, mà là nhìn thẳng vào cái chết. Mỗi khi anh ấy đặt một bước lên dây, Philippe giữ lấy và sống tiếp cuộc sống ấy trong trọn vẹn sự nhất thời ăm ắp khoái cảm, trong trọn vẹn niềm vui kiêu hùng, có thể cảm nhận được trong từng bước chân của nó.
Chúc anh sống mãi.
Paul Auster là một nhà văn có nhiều tác phẩm đã dịch sang tiếng Việt. Bài viết này nằm trong tuyển tập những tác phẩm phi hư cấu của ông, tên gọi Talking to Strangers, vừa được Picador xuất bản.