Dưới cái nắng trưa nóng nực của một ngày hè năm 2022, mình vừa đọc xong trang cuối cùng của cuốn "Cuộc sống bí mật của các nhà văn". Gấp lại quyển sách, trong lòng mình vẫn còn nhiều dư ba sống động, lưu luyến và yêu mến...
Mình mua cuốn sách từ khoảng hai năm trước, nhưng vì tất cả những lý do mà chúng ta có thể bịa ra: học hành vất vả, phấn đấu vào đại học, thi học sinh giỏi, bận xem phim, ăn chơi, đọc những cuốn sách khác ít tính giải trí hơn... mình đã trì hoãn việc đọc nó cho đến tận đầu tháng Bảy năm nay, vài ngày sau khi mình thi tốt nghiệp xong. Thú thật, việc trì hoãn này làm mình cảm thấy hơi tiếc. Bởi lẽ, nó xứng đáng được chúng ta biết đến từ sớm hơn, rộng rãi hơn. Tuy thế, mình tin rằng bây giờ vẫn chưa quá muộn. Vì những giá trị mà cuốn sách mang lại không dễ dàng bị đàn áp trước sự tàn bạo của thời gian.
Có thể nói, đọc "Cuộc sống bí mật của các nhà văn" làm mình không thể ngừng liên tưởng tới "Cô gái trong trang sách" - một cuốn sách cùng tên khác của Musso. Cả 2 cuốn sách đều xoay quanh câu chuyện kể về các nhà văn: họ không thể tìm được cảm hứng trong sáng tác, họ gặp phải một biến cố khủng khiếp trong đời để rồi mãi mãi bỏ lại con đường văn chương đằng sau quá khứ. Sử dụng nhiều chất liệu văn chương, nghệ thuật (các trích dẫn từ các nhà văn lớn, những lời bộc bạch về văn chương, những chia sẻ thẳng thắn về người viết, cách viết, quá trình sáng tác...) khiến cho mỗi độc giả khi thưởng thức hai tác phẩm trên đều như đang trở thành một nhà văn thực thụ, dấn thân vào thế giới của các nhà văn. Điểm độc đáo trong những sáng tác của Guillaume Musso nằm ở đó: giúp người đọc hóa thân thành tác giả, hiểu rõ hơn tâm thế của tác giả khi cầm bút, và dễ dàng bộc lộ quan điểm nghệ thuật của mình một cách tự nhiên. Đúng như những lời được viết trên bìa sau của cuốn sách:
Thông điệp từ "Cuộc sống bí mật của các nhà văn" chắc chắn là lời tỏ tình tuyệt đẹp mà Musso dành cho việc đọc, và cả việc viết.
Điều làm nên điểm khác biệt cả cuốn tiểu thuyết này so với "Cô gái trong trang sách" chính là cốt truyện. Lần này, dường như Guillaume Musso đã xử lý cốt truyện mốt cách rất khéo léo: ông vừa kể một câu chuyện trinh thám đặc sắc mà ở đó cuộc đời của Nathan Fawles, Mathilde Monney lẫn những khám phá của Raphael đan chéo vào nhau một cách hoàn hảo, vừa giấu đằng sau câu chuyện ấy những tâm sự chân thành của một người làm nghề cầm bút. Cuốn sách vì vậy không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết trinh thám, không chỉ đơn thuần là lời tự thuật của một nhà văn. Không đầy rẫy những tình tiết giật gân nhưng được tiết chế ở các chi tiết cao trào rất vừa vặn, đủ khiến cho chúng ta khó lòng mà bỏ cuốn sách xuống được vì sự kịch tính đầy lôi cuốn, không tràn đầy các lời bộc bạch sến sẩm mà được đan cài vô cùng khéo léo. Tất cả đã biến "Cuộc sống bí mật của các nhà văn" trở thành một cuốn sách vừa có thể chiều lòng những độc giả mong muốn tìm kiếm một cuốn tiểu thuyết có chiều sâu, song vẫn không quá nặng nề, hàn lâm mà vẫn gọn gàng nằm trong tầm đón nhận đại chúng.
Một điểm khác làm nên thành công của cuốn tiểu thuyết có lẽ là cách xây dựng các nhân vật. Với mình, Nathan Fawles là một nhân vật rất đời, không bị tiểu-thuyết-hóa. Cả câu chuyện về Nathan cũng làm mình thấy rất hợp lí, ấn tượng và cũng có thể nói một phần nào đó là đồng cảm nữa. Guillaume Musso quả thực đã dựng nên một nhân vật có chiều sâu: đủ mạnh để nâng đỡ cốt truyện, đủ linh hoạt để hóa thân vào các plot twist và cũng đủ phù hợp để giúp tác giả cất lên tiếng lòng mình. Bên cạnh Nathan Fawles, nhà văn cũng đã xây dựng nên các nhân vật khác mà mình tin rằng, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống này dưới những dáng hình khác, giọng nói khác, phong cách khác nhưng nhìn về sâu xa, là cùng một bản chất. Hãy đọc "Cuộc sống bí mật của các nhà văn" không chỉ bằng lòng hiếu kỳ muốn khám phá cho bằng hết cốt truyện đặc sắc, mà còn bằng một tâm thế sẵn sàng thâm nhập vào từng ngõ ngách trong tâm hồn của nhân vật, sẵn sàng đón nhận từng thông điệp sâu sắc ẩn giấu trong từng câu chữ, để thấy Musso đã dày công viết nên cuốn tiểu thuyết này thế nào. Đó cũng là điểm mình yêu thích khi đọc những cuốn sách khác của ông.
Tuy vậy, "Cuộc sống bí mật của các nhà văn" nhìn chung, vẫn chưa đủ nặng đô đối với mình. Nếu như những tác phẩm đầy tính suy niệm, tính biểu tượng, tính triết lý đến từ Milan Kundera, Albert Camus, Haruki Murakami hay thậm chí là tính hoài nghi về thế giới của Franz Kafka khiến cho người đọc không khỏi đau đầu và đòi hỏi độc giả ở một tầm tiếp nhận cao hơn, thì những cuốn sách của Guillaume Musso vẫn còn nuông chiều bạn đọc nhiều. Bởi thế, hãy đọc cuốn sách này trong một ngày chiều rảnh rỗi của mùa hè, bằng một tâm trí thoáng đãng và một tâm hồn nhất cởi mở nhất có thể nhé. Mình tin rằng đây sẽ là một lựa chọn không tồi đâu.
Một vài đoạn trích mà mình khá thích từ cuốn sách:
Và đó chẳng phải chính là điều mà ông đã khuyên tôi sao: đưa tính tiểu thuyết vào cuộc đời mình - và đưa cuộc đời bào việc viết? Tôi đã nghiền những khoảnh khắc khi mà hư cấu nhiễm sang cuộc đời. Tôi thích đọc đến vậy cũng một phần là vì thế. Không phải để trốn chạy đời thực quay sang một thế giới tưởng tượng, mà là để trở lại với thế giới đã biến đổi nhờ những gì tôi đọc được. Giàu có hơn nhờ những chuyến du hành và gặp gỡ trong hư cấu và ao ước được tái đầu tư chúng vào thực tại. "Sách vở mà để làm gì, nếu chúng không đưa ta trở lại với cuộc sống, nếu chúng không thể khiến ta uống say cuộc sống với nhiều mê đắm hơn?" Henry Miller từng thắc mắc.
Cô biết khái niệm kairos trong tiếng Hy Lạp không? Đó làm giây phút quyết định mà ta không nên để trôi qua. Trong mỗi cuộc đừi, ngay cả những cuộc đời tồi tệ nhất, Chúa Trời vẫn cho cô, ít nhất một lần, một cơ hội đúng nghĩa để lật ngược số phận của cô. Kairos, đó là khả năng biết nắm bắt cây sào mà cuộc đời chìa cho cô. Nhưng thời điểm thường vô cùng ngắn ngửi. Và cuộc đời thì không dọn lại món.
Cảm ơn vì đã đọc đến đây. Chúc bạn một ngày tốt lành!