Tôi được tiếp thu một cái nhìn rất hay, và rất tâm đắc. Rằng chúng ta sinh ra trên cõi đời này là để có cơ hội được va chạm và học hỏi.
Trước tiên, nếu chịu nhìn sâu, chúng ta sẽ thấy được rằng một sự việc xảy ra không phải chỉ bởi một nguyên nhân chủ yếu, mà còn có vô số những nguyên nhân khác đi kèm. Một bông hoa không phải chỉ do được tưới nước rồi sinh ra, mà còn do đất, nước, ánh sáng, côn trùng .v.v... cũng như vô số sự kiện từ vô thuỷ đến nay đã vận động để có thể tạo cơ sở cho sự kiện nở hoa đó. Có thể nói, cả vũ trụ đã vận hành theo cách của nó để chúng ta có được khoảnh khắc hiện tại lúc này.
Tôi không nói chúng ta sinh ra là với một mục đích nào đó, mà chúng ta sinh ra để có điều kiện trưởng thành. Chúng ta được trải qua vô số những sự kiện khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau, và qua đó để chúng ta có thể được tiếp xúc, được học hỏi, được thấu hiểu mọi sự, và thấu hiểu chính mình. Nhưng đó không phải là một con đường dễ dàng.
Bởi một bài học đáng giá, là bài học của sự thất bại, là bài học trong khổ đau. Bởi phải vấp ngã thì mới trưởng thành, phải ăn nhiều hành thì mới giác ngộ.  Chúng ta vật lộn với thất bại, cố gắng khước từ những nỗi đau, chúng ta trốn tránh bằng cách đi tìm cái đối nghịch với nó là hạnh phúc, niềm vui. Mặc dù, chúng ta có thể có rất nhiều niềm vui, nhưng không có cái gì là trường tồn mãi mãi. Và không tránh được, đau khổ luôn luôn quay trở lại.  Nhưng đau khổ thực chất có vai trò của nó.
Đau khổ là quá trình đầu tiên của trí tuệ, là những nhát búa cho sự rèn giũa con người. Và khi được tôi luyện nhiều, ngọc trong đá mới hiện ra. Nghĩa là khi người ta đủ đau khổ, ắt họ sẽ buông tay.
Buông tay với những sai lầm, buông tay với những mong cầu không cần thiết, và thậm chí, buông tay với những thứ mình đã từng trân trọng nhất. Bởi những sự nắm giữ, những sự bám víu, vào những thứ tai hại, vào những ý niệm không tốt, hay đôi khi là bám vào những cái đáng quý nhất, ... đều là những tác nhân của đau khổ.
Khi chúng ta đã chịu quá nhiều đau khổ, chúng ta truy cầu sự giải thoát, rồi khi chúng ta nhận ra được các nguyên nhân của khổ, khi chúng ta buông được chúng, thì khi đó, trí tuệ hình thành. Cuộc đời là một trường học to lớn, mà ở đó mỗi người sẽ có điều kiện để học những bài học của mình. Và ai ai cũng đang học cả.
Một kẻ thủ ác cũng đang học, bởi họ đã có những hoàn cảnh riêng biệt, những lựa chọn sai lầm, tất cả hợp lại để tạo ra cuộc đời họ, những quyết định thương tổn và gây khổ đau, cho chính họ và người khác. Và đó là những tiến trình đầu tiên cho sự giác ngộ sau này. Như thế, trải nghiệm càng nhiều, trí tuệ càng sâu xa.
Gần đây trên mạng xã hội xảy ra nhiều sự kiện, trong đây cũng nhiều cuộc tranh luận. Nhưng cá nhân tôi chỉ thấy đó cũng chỉ đơn thuần là những sự kiện. Ai cũng có cuộc đời của mình, và dù là thế nào đi nữa, ai cũng sẽ có những bài học cho riêng mình. Thời gian từ vô thủy đến nay, cũng là một chuỗi dài trùng trùng vô tận các sự kiện, cũng như trong cuộc đời của mỗi con người vậy. 
Cho nên, nếu ai làm điều xấu, cứ làm. Nếu ai đau khổ, cứ khổ. Nếu ai muốn đấu tranh, cứ đấu tranh. Và nếu ai muốn buông bỏ, rồi sẽ có thể buông bỏ được. Cuộc đời là trường học lớn, và ai cũng đang học điều gì đó thôi.