Cuộc đời là chuỗi những huyền thoại chăng?
CẢM NHẬN VỀ SÁCH: *Sapiens – lược sử loài người bằng tranh (Tập 2)*...
CẢM NHẬN VỀ SÁCH: *Sapiens – lược sử loài người bằng tranh (Tập 2)*
Tôi bắt đầu đọc cuốn sách chữ “Sapiens – lược sử loài người” với tâm thế: tìm hiểu tâm lí xã hội loài người đã phát triển như thế nào. Nhưng, tôi đã phải há hốc miệng với những phát kiến mới của tác giả Yuval Noah Harari, và điều tuyệt vời nhất là tôi ngộ ra được sự phát triển tâm lí của mỗi cá nhân qua từng thời kì cơ. Nên tôi gọi anh Harari là nhà triết học chứ không chỉ là nhà sử học. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu sinh học nữa.
Tôi yêu cuốn sách này đến nỗi phải có cho mình thêm cuốn sách tranh tập 1. May mắn làm sao tôi lại được Omega Plus tặng tập 2. Yeah!
Mọi người tin được không? “Cách mạng Nông nghiệp là sự lừa dối lớn nhất của lịch sử!” Nào, hãy cùng đọc sách!
* Về cách đọc sách:
Mặc dù sách tranh giữ được linh hồn chung với sách chữ, song 2 phiên bản lại tương hỗ cho nhau cực tốt. Tôi đã đọc độc lập 2 phiên bản, sau đó vừa đọc lại bản sách chữ vừa đối chiếu với sách tranh, hoặc ngược lại. Wow, sách tranh trực quan hoá, bổ sung, cập nhật một số chi tiết khác với sách chữ, khiến cho hiểu biết của mình sâu rộng hơn về một vấn đề (VD: sách chữ nói các vị vua, triết gia tạo cho mình phong cách người chăn cừu, sách tranh vẽ hình Chúa Jesus bế cừu, vì thế tôi hiểu vì sao người theo đạo Thiên Chúa được gọi là “con chiên của Chúa”). Nhưng có những vấn đề mà khi đọc sách chữ ta sẽ hiểu biết tường tận hơn (VD: về một số phương pháp thuần hoá động vật, ta thấy được con người đã thực sự tàn nhẫn với động vật ra sao trong sách chữ). Có lẽ vì là dạng truyện tranh và dành cho cả trẻ em nên sách tranh phải viết ngắn gọn hơn.
* Về cách xây dựng câu chuyện:
Khối kiến thức lịch sử khổng lồ không trình bày theo trình tự thời gian đơn thuần, từ những hiện tượng nảy sinh lần lượt trong quá khứ, anh Harari liên hệ tới hiện tại nó đã phát triển thế nào để chúng ta dễ hình dung hơn. Các hiện tượng đó xen kẽ, tác động và thúc đẩy lẫn nhau.
Thú thật, đọc vài chục trang đầu của tập 1, tôi nghĩ thầm: “Thôi chết rồi, nó không hay như mình kì vọng”. Nhưng không, càng về sau, câu chuyện càng hay hơn và đến đoạn cuối thì tôi đọc một mạch hết luôn. Sang tập 2, mọi thứ lôi cuốn ngay từ đầu, và nó đúng nghĩa là một câu chuyện hay ho: thoắt cái nhân vật này kể chuyện, thoắt cái lại đến một không gian, mốc thời gian khác, xen vào đó là những cuộc phỏng vấn, tour du lịch hay tin tức trên một tờ báo nào đó. Cứ như ta đang xem Táo quân vậy. Và cách diễn đạt trong tập 2 cũng có vẻ dí dỏm hơn so với tập 1.
* Về nội dung: một số vấn đề chính là:
(1) Cách mạng Nông nghiệp → hình thành nên làng mạc
(2) Những huyền thoại chung
(3) Chữ viết ra đời
(4) Bộ máy hành chính
(5) Chế độ đẳng cấp – Hệ thống phân tầng: gốc rễ gây nên phân biệt chủng tộc/ tôn giáo/ giàu nghèo, bất bình đẳng giới,…
((2) + (3) + (4): hình thành nên thành quốc, vương quốc, đế chế)
* Về thông điệp:
Anh Harari nhận định trong cuốn *Sapiens* này và khẳng định rõ hơn trong cuốn *Homo Deus*: “Mọi phát kiến, đến cuối cùng đều đi chệch hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu”. Cho nên, những câu chuyện chỉ là công cụ do chúng ta tạo ra để giúp mọi người. Nếu chúng gây hại nhiều hơn là có lợi, chúng ta có thể và nên thay đổi chúng, trong hoà bình.
Cuối cùng, nếu bạn hỏi tôi thích phiên bản *Lược sử loài người* nào hơn thì câu trả lời là “sách chữ”. Nhưng tôi sẽ đọc sách tranh nhiều lần hơn vì nó dễ nhớ hơn và tiết kiệm thời gian cho tôi. Thế đấy, cuộc sống vẫn luôn hối hả. Ta không có cách nào quay lại thời kì săn bắt hái lượm. Quy luật tiến hoá thật khắc nghiệt: nếu ta không vươn lên đứng đầu chuỗi thức ăn thì ta dễ bị tiêu diệt. Tiến hoá không có chỗ cho kẻ yếu. Mà con người lại luôn muốn nhiều hơn và nhiều hơn. Biết là thật khó để hài lòng với cuộc sống, nhưng tôi chọn cách tiêu dùng ít hơn một chút để bớt vất vả kiếm tiền đi một chút (phần lớn tiền chi trả cho những nhu cầu giải trí nhằm xả stress); ham muốn ít hơn một chút để bớt đau khổ đi một chút.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất