“ Cuộc chiến gấu mèo” : Bộ phim cũ nhưng câu chuyện luôn nóng
Cừu dạo này Lười quá nên cái góc nhỏ của Cừu sắp mọc mạng nhện giăng khắp lối rồi =( Nay lại tiếp tục với chuyên mục review...
Cừu dạo này Lười quá nên cái góc nhỏ của Cừu sắp mọc mạng nhện giăng khắp lối rồi =(
Nay lại tiếp tục với chuyên mục review những bộ phim hay trong cái tủ phim nhỏ nhắn của Cừu tôi nha =)
Cảnh báo phía trước có những chi tiết spoil để phục vụ cho quá trình phân tích, nên nếu bạn đã xem phim rồi thì hãy lướt tiếp nha, còn nếu không thì hoàn toàn vẫn có thể tìm phim sau khi đọc bài viết của mình cũng được, do mình vẫn còn để ngỏ rất nhiều chi tiết hay trong phim, để giúp các bạn dù bị spoil trước nhưng vẫn có thể cảm nhận một cách toàn vẹn nhất tác phẩm mà mình sắp giới thiệu dưới đây.
Lâu không đăng bài nên nói nhiều quá =) thôi không dài dòng nữa, mình vào nội dung chính của bài viết thôi.
►Đôi dòng tản mạn bên lề:
“Miyazaki lại khác, ông thường dựa trên những câu chuyện bắt nguồn từ đời thực và tạo ra các nhân vật mới lạ trong phim của mình.”
“Hãng phim Ghibli do hai đạo diễn, họa sĩ hoạt hình lừng danh Nhật Bản là Hayao Miyazaki và Takahata Isao sáng lập năm 1985. Ghibli được coi là cánh chim đầu đàn của ngành sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản. Các bộ phim của hãng có giá trị cao về nghệ thuật, truyền tải thông điệp có ý nghĩa sâu sắc. Những phim của đạo diễn Miyazaki đề cập đến môi trường sinh thái, hậu quả của công nghiệp hóa, sự tham tham và tàn nhẫn giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, đề cao vai trò của phụ nữ…”
Nguồn: VNExpress
Bản thân tôi không có quá nhiều am hiểu về Ghibli cũng như những bộ phim của hãng nên xin mạn phép dùng đôi dòng văn mượn từ một cây bút khác để mở đầu bài viết này.
Tôi biết đến hoạt hình của Ghibli từ khi còn là một cậu nhóc mười tuổi, cái thời mà bố tôi mới dành dụm sắm được cho cả nhà một chiếc tivi màu và cái đầu thu kĩ thuật số, thời mà mấy kênh VTC còn là kênh giải trí hàng đầu cho tụi nhóc đam mê phim hoạt hình, ngày nào cũng canh đồng hồ đợi đến giờ để xem cho trọn Hồng Mao Thất Kiếm, Siêu Nhân Lợn... Tôi cũng không còn nhớ được bộ phim Ghibli đầu tiên ngầy ấy tôi xem là gì, nhưng khác chắc một điều là những bộ phim ngày ấy tôi xem đều là những tác phẩm đỉnh cao nhất của Ghibli như Vùng Đất Linh Hồn, Lâu Đài Laputa, Công Chúa Mononoke,... Những bộ phim sau này tự bản thân tôi mày mò ra thêm được chỉ đếm vỏn vẹn trên đầu ngón tay, và cũng không tạo được nhiều cảm xúc như những bộ trước. Có lẽ một phần lý do là tại lúc ấy tôi chưa trưởng thành được như bây giờ nên không thấu được hết ý nghĩa của chúng.
Gần đây, tôi vô tình tìm lại được một phim của Ghibli mà ngày trước đang xem dở, tiêu đề là “PomPoko” – Cuộc Chiến Gấu Mèo. Sản xuất năm 1994, mang đậm hơi thở đặc trưng của Ghibli trong những khung hình vẽ tay được chau chuốt tỉ mỉ và câu chuyện tuy không mới nhưng mang hơi thở mạnh mẽ của thời đại, ngay tại thời điểm đó, cũng như cho hiện tại và có lẽ là cả tương lai.
►Vài nét sơ lược về nội dung phim
Bộ phim kể về cuộc đối đầu của loài chó gấu trúc ở khu đồi Tama và con người khi việc mở rộng đô thị của họ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng. Xoay quanh hai tuyến nhân vật chính là lũ chồn, đóng vai trò đại diện cho tự nhiên, là tuyến chính diện và con người, kẻ đang phá hoại tự nhiên, có thể coi là phe phản diện. Sao lại là “có thể coi...” ? Thực chất khái niệm chính, phản diện trong bộ phim, nhìn từ góc độ chủ quan mà nói, không thể phân biệt rõ ràng được. Với lũ chồn, với tự nhiên, con người là kẻ đang tàn phá đi màu xanh, tàn phá môi trường, đúng chất là một thế lực phản diện đe dọa cuộc sống đang an yên của chúng. Nhưng đối với con người, đô thị hóa là một phần tất yếu, không thể tránh khỏi của cuộc sống hiện đại, với họ, phá rừng, đắp dất, trồng thêm những tòa bê tông chọc trời thay cho cây xanh, âu cũng là hợp lí trong cái bối cảnh những thành phố lớn ngày càng trở nên ngột ngạt, bức bối. Với con người, lũ chồn cũng chia được làm hai loại. Bên “chính diện” hoà hoãn với những Ponkichi, chỉ muốn dùng biện pháp nhẹ nhàng xua đuổi con người ra khỏi khu vực sống của chúng, thậm chí một số coifn có thể chấp nhận việc chung sống hòa bình bên cạnh con người. Bên “phản diện”, với đại diện tiêu biểu là Gonza, lại quả quyết dùng vũ lực để đẩy lui những “kẻ xâm lăng”, bất chấp tính mạng của cả bản thân và của phe địch.
Ngoài ra, bộ phim còn một tuyến nhân vật, hay chính xác hơn là một nhân vật, khác; tuy ít đất diễn nhưng có thể nói là đã góp phần tạo điểm nhấn, làm nên chuyển biến cho cái kết của bộ phim.
Được sử dụng xuyên suốt và cũng là chi tiết tất yếu để tạo nên những tình huống cao trào trong mạch phim – lũ chồn sở hữu và thành thục “thuật hoán dạng” – môn phép thuật giúp chúng thay đổi hình dạng bên ngoài theo ý muốn. Nhưng chúng chủ yếu sử dụng thuật hoán dạng để đối phó với con người: phe hào hoãn của Ponkichi và các vị trưởng lão thì sử dụng chúng đơn giản chỉ để biến ma háo quỷ dọa nạt những người công nhân sống quanh đó để họ nản chí mà rời đi, còn bạo lực hơn như Gonza có lúc đã tấn công cả con người, thậm chí làm cho một vài người mất mạng; và đó hoàn toàn là chủ đích của gã ta. Dù là theo phương cách hay trên mặt trận nào, nhờ độ tinh quái và thuật biến hình mà lũ chồn đã giành được những chiến thắng bước đầu, xua đuổi được đám công nhân ở các khu công trường xung quanh và làm chậm tiến độ của các công trình ở khu vực đồi Tama. Tuy nhiên, những chiến thắng ấy chỉ mang tính tạm thời, và không đánh gục được tham vọng của con người. Như chính lời dẫn một chú chồn nào đó: “...đoàn người này rời đi thì lại có những chuyến xe đưa những đoàn người khác đến. Dường như, nguồn cung con người là vô tận!”. Lũ chồn ở đồi Tama như bị dồn vào chân tường, không gian sống ngày càng bị thu hẹp mà số lượng cá thể trong đàn ngày một tăng khiến cho lương thực khan hiếm, những con phải liều mình lẻn vào khu dân cư kiếm miếng ăn về cho gia đình thì nhiều phen một đi không trở lại, không bị bẫy gài thì cũng chịu cảnh xe tông, chó rượt... Cùng đường, chúng đành phải cầu cạnh đến sự giúp đỡ của các vị đại sư hoán dạng ở những vùng đất xa xôi. Vậy là hai chú chồn được giao cho sứ mệnh cao cả, một con lên núi, một con ra đảo; hẹn đến kì trăng sau sẽ trở về.
Có một lưu ý nhỏ mà bản thân tôi cảm thấy nên đề cập đến ở đây, đó là bộ phim được dựng từ góc nhìn và quan điểm của con người, và đưa vào trong thế giới quan của loài chồn. Nên xuyên suốt bộ phim, dù ta vẫn cảm nhận được sự đơn thuần trong lối suy nghĩ của loài vật; nhưng cũng thấy rất nhiều hành động của chúng được xây dựng như con người.
Thời gian thấm thoát trôi, kì hạn mùa trăng đã đến. Trong khi một chú chồn vẫn đang miệt mài lang thang kiếm tìm trên những cánh đồng xa, chú chồn còn lại đã yên bề gia thất, có vợ đẹp con xinh, bắt đầu xuất hiện những tranh đấu tư tưởng, giữa việc đi và ở; trách nhiệm và hạnh phúc của bản thân.
Giữa lúc ở đồi Tama đang xảy ra lục đục nội bộ, chú chồn từ đảo trở về mời theo ba vị đại sư. Và lần này lũ chồn quyết định chơi lớn một phen, sử dụng thuật hoán dạng tạo ra một cảnh “Bách Quỷ Dạ Hành”, gây xôn xao dư luận một hồi, với mục đích cho con người xem trọng sự tồn tại của chúng hơn và dừng việc tàn phá khu đồi lại. Tuy nhiên, chúng “thành công nhưng không thành danh”, trước khi con người kịp biết được lũ chồn mới là những kẻ tạo ra cơn náo loạn kia, một kẻ khác đã xuất hiện nẫng đi hết sự chú ý của dư luận về phía mình, tự nhận là đã tạo ra sự việc kia để quảng bá cho công viên của hắn. Đau đớn, Giận dữ, Uất ức khi tất cả những sự cố gắng, bao mồ hôi công sức, và thậm chí là hi sinh xương máu của chúng đổ sông đổ bể, lũ chồn chìm vào tuyệt vọng! Chính trong lúc này, từ phương xa trở về một hình bóng quen thuộc, chính là chú chồn được cử lên núi ngày trước. Vui mừng chưa tày gang, lũ chồn nhanh chóng buồn rầu khi biết được tin thực ra lâu nay chú chồn kia chỉ đang theo đuổi một bóng ma – vị đại sư chồn kia đã bị một người thợ săn bắn chết từ lâu. Tin tức như giáng một đòn chí mạng cuối cùng dập tắt hoàn toàn mọi hy vọng của chúng, mặc dù những tia hy vọng le lói ấy vốn đã tắt từ trước rồi.
Và trong cơn tuyệt vọng ấy, chúng quyết định thực hiện thuật hoán dạng lần cuối. Lần này không còn là ma quỷ yêu quái, không còn là dọa nạt lọc lừa gì nữa, mà đơn giản là, chúng chỉ muốn ngắm nhìn lại khu đồi Tama ngày trước một lần cuối cùng. Tất cả cùng nắm chặt tay nhau, vận sức biến hóa, một màu xanh dần dần trải lại trên những khu công trường còn đang dang dở, những cây đại thụ đã bị chặt nay đâm rễ vươn cành trồi lên, những mái nhà tranh xưa lại bốc khói nghi ngút, và có cả hình ảnh của những con người trước đó từng sinh sống ở đây, tất cả được tái hiện lại qua trí nhớ của lũ chồn. Trong khung cảnh xưa cũ ấy, những người hiện đang sống ở khu đồi Tama nhận ra một phần tuổi thơ/ một phần quá khứ của mình, và tựa hồ trong cơn vui sướng, họ chạy theo cố níu lấy những hình ảnh ấy. Có lẽ, trước đây, họ cũng từng là những người con của mảnh đất Tama, nay lại trở về sinh sống ở dây khi quê hương đã phát triển. Còn với lũ chồn thì sao? Chúng cũng thấy lại được những tháng ngày yên bình, đuổi bướm bắt hoa, rong ruổi trên khắp các con đường thôn quê. Trong cơn xúc động, Ponkichi gào lên tên của những người bạn cũ, rồi phá vòng lao ra, đuổi theo những hình bóng mơ hồ kia. Nhưng ảo ảnh tan biến, bỏ lại cậu và những người bạn thẫn thờ, nuối tiếc.
►Cái kết buồn khép lại cuộc chiến của bầy chồn.
Lũ chồn chấp nhận cách sống mà trước đây những con cáo từng đề cập đến với chúng: sử dụng thuật hoán dạng để trà trộn, làm đủ mọi công việc có thể và tồn tại giữa con người. Và chúng cũng cay đắng khi nhận ra một vài con trong số chúng cũng bắt đầu trở nên giống như những kẻ mà chúng từng đối đầu: lừa lọc, giả dối, trộm cắp, có con còn dấn thân vào ngành bất động sản, tự tay bán đi những mảnh đất, mảnh rừng từng là nơi chúng sinh sống. Còn những con chồn khác, tư chất không đủ để sử dụng thuật hoán dạng, vẫn phải ở trong rừng núi, sống dựa vào nguồn lương thực tự nhiên và cả từ những đồ ăn thừa của con người. Về phần con người, họ cố gắng sống hòa hợp với thiên nhiên, xây dựng nhiều khu công viên hơn trong các khu đô thị, bảo vệ các loài thú hoang,...
Cảnh kết phim, Ponkichi theo chân một chú chồn, được trở về trong vòng tay yêu thương, vui mừng của bạn bè; cảnh quay chuyền dần lên trên, với hình ảnh khu rừng đêm, xa xa là thành phố đèn xe lấp lánh như muôn vạn ánh sao trời.....
►Tạm kết
Bộ phim thực chất mượn vấn đề môi trường trong nhịp sống đô thị đương thời để đặt ra những câu hỏi mang tính vĩ mô hơn về trách nhiệm của con người đối với tự nhiên, với đất mẹ. Gắn liền với sự phát triển của cuộc sống, kéo theo vô vàn vấn đề khác mà điển hình như là đô thị hóa, biến đổi khí hậu, thiên tai gia tăng,... môi trường đã và luôn là vấn đề nóng bỏng, và sẽ luôn như vậy. Không khó để nhìn thấy xung quanh chúng ta, trong chính cuộc sống hàng ngày, con người luôn sẵn sàng phạt đi cả khu rừng để xây lên những tòa nhà hơn là trồng thêm một cây xanh, hô hào bảo vệ môi trường nhưng ngay từ những hành động nhỏ nhất cũng chưa có ý thức! Và khi nhận ra con người vốn không thể sống thiếu tự nhiên, lại tìm cách vãn hồi bằng những biện pháp như “xây dựng những khu đô thị xanh”, “xu hướng xanh, mở rộng diện tích xanh trong lòng thành phố”,... nói sao thì cũng chỉ là những giải pháp muộn màng, đối phó tình thế. “Cuộc chiến gấu mèo” dù là một bộ phim đã cũ, nhưng tôi tin chắc rằng mang nó ra đặt vào bất kì một thời đại nào, nó cũng sẽ khiến con người ta phải chững lại đôi phút, suy ngẫm về cái cách mà chúng ta hiện nay đang đối xử với mẹ thiên nhiên, với cái di sản mà sau này chính con cháu chúng ta sẽ là những người thừa hưởng nó, và như ông bà ta vẫn hay nói “ Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, đừng để cho những gì con cháu chúng ta sau này được thừa hưởng lại là một bầu không khí ô nhiễm, những dòng nước đục ngầu, và một thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất