Chimera Ants Arc
Chimera Ants Arc
Melbourne - Mar 05 2022 | DUC
Hunter x Hunter (HxH) được sáng tác bởi tác giả truyện tranh người Nhật Bản Yoshihiro Togashi được giới phê bình và độc giả đánh giá là một trong những chuỗi truyện tranh hay nhất mọi thời đại, tuy vẫn chưa đến hồi kết. Dù chưa phải là series phổ biến nhất so với các bộ truyện khác cùng thể loại, HxH ngày càng được biết đến rộng rãi và bàn luận sôi nổi xuyên suốt một thập niên vừa qua nhờ vào bản chuyển thể hoạt hình được làm mới của nhà sản xuất Madhouse (2011). Đây là một bước đi đầy thành công nhưng khá dễ hiểu của Madhouse bởi vì HxH là một bộ truyện đầy sức sáng tạo, rất phong phú và đa dạng ý tưởng, đi cùng những trận chiến và kỹ năng võ thuật kỳ diệu. Một điểm rất đặc sắc của HxH chính là sự sâu sắc và phức tạp trong việc phát triển nội tâm và tính cách nhân vật, mà đỉnh cao của nó phải kể đến cung truyện về một giống sinh vật dị thường với tên gọi là kiến Chimera.
Kiến Chimera được miêu tả có ngoại hình, khuynh hướng tổ chức và cấu trúc xã hội đặc trưng của loài kiến. Điểm đáng sợ của loài này chính là kích thước to lớn như loài người (và cũng tàn ác không kém), cùng với đặc tính sinh sản quái dị giúp chúng có khả năng sinh tồn và phát triển đến phần đỉnh của cây tiến hoá: đó chính là khả năng hấp thụ những đặc tính vượt trội trong hệ gen của các loài sinh vật khác bằng cách ăn thịt chúng (phagogenesis). Trong đó, kiến chúa (the Queen) giữ vai trò trung tâm trong việc hấp thụ thức ăn và sinh sản các thế hệ kiến chiến binh tiếp theo mà lớp sau đặc biệt không những kế thừa mà còn luôn thông minh, mạnh mẽ và tàn ác hơn lớp trước. Với những đặc tính này, không khó để hình dung ra việc con người - giống loài được cho là thông minh nhất trên trái đất - sẽ là nguồn thức ăn đầy dinh dưỡng cho loài kiến Chimera này. Thực vậy, tham vọng của the Queen chính là sản sanh ra những con kiến vua (the King) với năng lực vô hạn để thống trị thế giới. Để đảm bảo cho việc chinh phục và cai trị muôn loài, trước khi the King ra đời, the Queen sẽ cho ra đời một đội kiến cận vệ hoàng gia (the Royal Guards) gồm ba thành viên được giao phó cho nhiệm vụ tiêu diệt mọi kẻ thù của nhà vua, bảo vệ và hỗ trợ nhà vua trở thành chúa tể các loài.
The Queen mang thai the King
The Queen mang thai the King
Với sự lồng ghép tài tình của tác giả, các cung truyện trong HxH chất chứa đa tầng lớp ý nghĩa và những giá trị nhân văn ẩn sau những tình tiết cũng như từng nhân vật với xuất thân và những câu chuyện khác nhau, mà chúng không thể được diễn giải chỉ trong một vài trang giấy. Cho nên, trong phần tiếp theo đây, bỏ qua hầu hết những nhân vật chính của bộ truyện, tôi sẽ chỉ phân tích và diễn giải cách nhìn nhận của cá nhân tôi về những giá trị hình tượng của năm nhân vật kiến Chimera, bao gồm the Queen, the King, và bộ ba cận vệ the Royal Guards. Theo đó, tôi cho rằng, bên cạnh cuộc chiến giành sự thống trị tối thượng giữa các giống loài có thể dễ dàng nhận thấy, năm nhân vật này còn đại diện cho một cuộc chiến khác khơi nguồn từ những khác biệt giữa các thế hệ về những giá trị nhân sinh, mà cụ thể ở đây chính là cuộc chiến giữa the Queen và the King. Theo một góc độ nào đó, đây cũng chính là cuộc chiến của mỗi con người chúng ta nói riêng và cả nhân loại nói chung.
The Queen, sau khi được nghe lời thỉnh cầu từ những tướng lĩnh quân đoàn kiến về việc được phép chọn cho mình một cái tên gọi như loài người, cũng tự mình đặt tên cho bộ ba cận vệ hoàng gia, ra đời lần lượt là Neferpitou (aka Pitou), Shaiapouf (aka Pouf), và Menthuthuyoupi (aka Youpi). Mặc dù được sanh ra bởi the Queen, bộ ba the Royal Guards chỉ mang trong mình một mệnh lệnh tối thượng: phục vụ the King. Chúng thờ ơ với tất cả mọi sự không liên quan đến the King, kể cả sự sống chết của the Queen. Và chúng được lập trình để tư vấn và hỗ trợ the King hoàn thành cái ý nguyện được trao cho nhà vua bởi người mẹ của mình. Vậy nên, the King ngoài việc được kế thừa năng lực siêu nhiên nhờ vào khả năng di truyền khác thường của loài kiến Chimera, the Queen còn để lại ý nguyện của mình thông qua the Royal Guards. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình thực thi cái sứ mệnh chinh phạt mà có vẻ được tạo hoá  đôn đẩy, những giá trị mỗi tuyến nhân vật đại diện trong mình bị thử thách, bị lung lay, bị xoay chuyển, để rồi dẫn đến những xung đột. Đây chính là điểm then chốt mà tôi muốn đề cập về sự đối chọi giữa những giá trị hoặc ý thức hệ khác biệt mà luôn đi cùng nó chính là những hệ luỵ của sự hỗn loạn, bạo lực, và chém giết.
The King muốn thống trị thế giới bằng bạo lực
The King muốn thống trị thế giới bằng bạo lực
Có thể thấy được rằng cái ý nguyện thống trị của the Queen dường như được thúc đẩy một cách tự nhiên, thông qua quá trình tiến hoá sinh học. Theo quy luật của thiên nhiên hoang dã, chẳng phải kẻ mạnh là kẻ thống trị hay sao!? Một điều mà the Queen có lẽ không ngờ đến khi hấp thụ hệ gen của loài người, loài kiến Chimera cũng dần mang tính cách con người nhiều hơn. Có tên hung bạo hơn, nhưng cũng có kẻ nhân từ hơn. Với việc xây dựng hình ảnh loài kiến Chimera, Togashi như muốn nói với độc giả rằng: nằm sâu trong mỗi con người chúng ta, bên cạnh phần ‘người,’ vẫn còn một nửa phần ‘con.’ Đặc biệt hơn, cũng giống như loài người, tâm tính loài kiến Chimera cũng phát triển dần theo thời gian, thông qua việc trải nghiệm cuộc sống, tiếp xúc với môi trường và những giống loài khác. Khi đó những xung đột về giá trị giữa phần ‘người’ và phần ‘con’ bắt đầu xuất hiện, và the King cũng không ngoại lệ. Thực vậy, trong cung truyện HxH, một tình tiết mà ít được chú ý chính là việc cả ba nhân vật Pitou, Pouf, và Youpi đều đã bị lãnh đòn từ nhà vua. Điều này thể hiện sự kháng cự đối với ý chí của the Queen, trỗi dậy ngày một mạnh mẽ hơn trong tâm trí the King. Có thể thấy rõ hơn điều này ở tình tiết khi mà the King tiếp xúc với con người, cái ý niệm về kẻ mạnh đã bị thử thách khi mà nhà vua không thể tự lý giải vì sao trong xã hội loài người, kẻ lãnh đạo lại không hẳn là kẻ có sức mạnh thể chất vượt trội nhất. 
Chưa hết, những sự đối lập về giá trị này còn được biểu hiện bằng chính sự thay đổi trong tâm lý của the Royal Guards qua từng trận chiến. Cả ba tên cận vệ được trao cho nhà vua với sự tận tuỵ, cống hiến, và trung thành tuyệt đối. Thoạt đầu, dù mang trong mình những vai trò khác nhau đối với nhà vua, hình ảnh đội cận vệ hoàng gia được dựng lên bằng một điểm chung, đó là sự thiếu vắng tính nhân văn và sự trưởng thành của một con người. Mỗi nhân vật dường như  ban đầu tượng trưng cho sự bảo vệ tự nhiên của con thú mẹ dành cho con thú con vừa chào đời. Cụ thể, Pitou mang lại sự tin tưởng và an toàn cần thiết, Pouf đem đến sự tinh ranh và lọc lõi, còn Youpi đại diện cho bản năng và sức bùng nổ của loài vật. Và cũng không ít lần sự xả thân the Royal Guards cho the King được Togashi ví như tình mẫu tử thiêng liêng, một thứ tình cảm vô điều kiện. Điều này được khắc hoạ vô cùng rõ nét khi thân thể của the Royal Guards được ví như dòng sữa mẹ để hồi sinh nhà vua đang hấp hối. Để rồi sau đó trong từng trận chiến the Royal Guards đã tích tụ được nhiều phần người hơn, khi mà Pitou biết đồng cảm với nỗi đau của Gon, Youpi biết tự chủ được bản thân và cảm thấy biết ơn chính kẻ thù, và Pouf cũng đã phải chấp nhận sự thật rằng lòng kiêu hãnh của hắn và niềm tin về một the King bạo chúa là không tồn tại, dù có hơi muộn màng.
Hình ảnh the Royal Guards và bức hoạ “The coronation of the Virgin” của Diego Velázquez
Hình ảnh the Royal Guards và bức hoạ “The coronation of the Virgin” của Diego Velázquez
Một mặt, bộ ba cận vệ dường như được coi như một phước lành được trao từ the Queen mang đến những sự hỗ trợ đắc lực cho the King trên con đường thống trị bằng bạo lực. Mặt khác, bọn chúng cũng có thể được coi như những lời nguyền lên chính cuộc đời của the King khi chúng chỉ thúc đẩy sự giết chóc và huỷ diệt, gián tiếp đưa the King và thế giới đến bờ vực diệt vong. Bởi vì the King đã thay đổi, hắn băn khoăn về nhân dạng của mình và muốn tìm ra được cái lý lẽ thực sự đứng sau cái sự tồn tại của hắn trên cõi đời này. Có lẽ hắn đã nghĩ: kẻ mạnh không hẳn là kẻ nắm quyền sinh sát, sinh ra là nhà vua không có nghĩa là phải thống trị muôn loài, và ý nguyện của the Queen không nhất thiết phải là con đường của the King. Sau cùng, the King cũng đã làm được, hắn đã thấy được ý nghĩa của cuộc đời mình - tình yêu
Meruem và Komugi chơi cờ Shogi
Meruem và Komugi chơi cờ Shogi
Tôi không biết phải gọi cái tình yêu của nhà vua đối với Komugi là loại tình cảm gì. Nó không đơn giản chỉ là tình yêu nam nữ bởi the King và Komugi thuộc hai giống loài khác nhau, và tình cảm của hai nhân vật này lại nằm ở trên bàn cờ. Phải chăng đây là một thứ tình cảm vượt ra khỏi mọi ranh giới mà chúng ta có thể mường tượng được. Tôi không biết nữa, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng thứ tình cảm này chính là chân ái! Chỉ có chân ái mới xoá nhoà được những định kiến, những khác biệt về lý tưởng và những giá trị được theo đuổi. Trên hết, chỉ có chân ái mới có thể trường tồn và nó sẽ giúp cho thế giới này thoát khỏi sự diệt vong. Trước lúc lâm chung, lời trăn trối của the Queen trao lại cho the King một cái tên: Meruem - ánh sáng soi chiếu muôn nơi. Thứ ánh sáng mà the Queen mong mỏi Meruem có thể đạt được chính là thứ ánh sáng của quyền lực, của sự toàn trị. Trớ trêu thay cho the Queen, cái ánh sáng mà Meruem đạt được, lại là ánh sáng của tình yêu, của sự tự do. Và vì thế, nằm ở phần ngọn của cây tiến hoá, sức mạnh mà Meruem nhận được không phải là sự huỷ diệt của bạo lực, mà chính là sự kiến tạo của tình yêu.
Đến đây, lời nhắn gửi của tác giả Togashi đối với độc giả, theo tôi nghĩ, là rất rõ ràng: thế giới của loài người chúng ta luôn luôn bị chi phối bởi sự hình thành của những giá trị đối nghịch, và cũng từ những mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ bé đó dần dà sẽ trở thành những xung đột căng thẳng. Mặc cho cái kết cục sau cùng không thể tránh khỏi của những cuộc xung đột giá trị này chính là sự huỷ diệt tiềm tàng, bất kể là đại diện cho chánh nghĩa hay cường bạo, những cuộc chiến mới vẫn liên tục nổ ra và không bao giờ có hồi kết. Dầu vậy, hãy nhớ rằng mỗi con người chúng ta đều có quyền được lựa chọn cách nghĩ và hành động của bản thân, để có thể dựng nên một thực tại tràn đầy ánh sáng của sự yêu thương, của sự kết nối muôn loài.
Ta hãy thử đặt tay lên trán, suy ngẫm thật lâu về cung truyện này trong HxH. Ví như câu hỏi mà tác giả Togashi đặt ra cho chúng ta rằng: liệu giữa loài kiến Chimera và nhân loại, giống loài nào nhiều tính ‘người’ hơn? Giống loài nào tàn ác hơn? Tôi cho rằng đây là những câu hỏi tu từ, bởi vì, kiến Chimera chính là chúng ta, và chúng ta chính là kiến Chimera!
Togashi đã khép lại cuộc chiến của Meruem mà ẩn sau nó chính là cuộc chiến của loài người chúng ta trong Hunter x Hunter bằng lời thơ của Masao Kikuchi, được dấy lên một cách sắc sảo và thấm đượm suy tư, viết cho “thứ sinh vật được gọi là ‘người’ này.”
This creature called man
“Come, let us raise a glass.
Let us drink… to this creature called man.
Good and evil repeat in an endless cycle…
…on the spiral of time, where a lifetime is 
far too long for peace, yet too short for war.
That is why they yearn.
That is why they foster.
If only they knew…
…that all one needs in life is
the sun, the soil, and poetry”.
Dịch thơ:
Chúng được gọi là ‘người’
“Nào đến đây cùng chúng ta nâng ly.
Hãy uống đi vì thứ sinh vật ta gọi là ‘người.’
Vẫn là thiện ác tái hiện trong một vòng bất tận…
…tiếp nối theo thời gian, 
ở nơi mà đời người như dằng dặc, mòn mỏi đợi bình an,
chẳng mấy chốc lại nhuốm màu tang tóc.
Vậy nên chúng khao khát.
Vậy nên chúng ấp ủ.
Giá như mà chúng biết rằng…
…mọi thứ một người cần trên đời, tất thảy,
là trời, là đất, và thi thơ”.
Ở ngoài kia, ranh giới của thiện và ác là rất mờ nhạt, và chúng vẫn luôn đổi vai, chỉ có máu người là vẫn không ngừng chảy. Tôi bỗng giật mình, chợt nhớ đến lời cuối cùng của ông Netero trước khi kích hoạt quả bom nguyên tử the Poor Man’s Rose nhằm tiêu diệt Meruem:
“…Đừng bao giờ xem thường dã tâm vô tận của loài người!”
Netero trước khi tự sát
Netero trước khi tự sát