Cuộc cách mạng một cọng rơm là cuốn sách nổi tiếng nhất của cụ Masanobu Fukuoka (người Nhật, 1913 - 2008). Đây cũng là cuốn sách mà Veque.com.vn muốn giới thiệu đầu tiên trên chuyên mục Sách xanh, đồng thời là cuốn sách gợi mở nhiều suy nghĩ tích cực cho những ai muốn về quê sống với nghề nông.

cuoc cach mang mot cong rom

Cuốn sách xanh đầy thú vị của cụ Masanobu Fukuoka.

Cuộc cách mạng một cọng rơm - vì nền nông nghiệp thuận tự nhiên
Chúng ta những người sống trong thời đại mà dường như mọi thứ đang được gắn mác “sạch”: rau sạch, thịt sạch, môi trường sạch… Nhưng dường như những tấm phiếu được đóng dấu đó không làm chúng ta yên tâm. Ngược lại, quảng cáo càng nhiều càng khiến chúng ta sợ hãi. Và từ sợ hãi chúng ta không có một cuộc sống hạnh phúc.
Ngay cả những người nông dân hiện đại cũng thế. Họ làm nông, gần gũi với cỏ cây hoa lá nhưng họ cũng nặng nề muộn phiền. Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính là công cuộc làm nông của họ đang đi sai hướng: chạy theo hiện đại, làm đất bạc màu, phụ thuộc vào hóa chất.
Cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm ra đời trong bối cảnh không khác gì đó - ở thời điểm nước Nhật tham vọng trở thành cường quốc, chạy theo kỹ thuật nông nghiệp Tây phương. Và càng đặc biệt hơn, tác giả của nó, cụ Masanobu Fukuoka vốn là một kỹ sư nông nghiệp chuyên nghiên cứu các kỹ thuật cây trồng trong thời gian này. Cuối cùng, chính những hoài nghi, những câu hỏi về sự sống tự nhiên, nỗi trăn trở về các cánh đồng đầy hóa chất đã khiến cụ đi ngược lại khoa học: tìm về với thiên nhiên, làm nông thuật tự nhiên theo kiểu “vô canh”.
Vì thế, cuốn sách này không phải là bản báo cáo kết quả nghiên cứu trên giấy tờ hay máy tính. Mà cuốn sách là thành quả của những năm tháng theo đuổi triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên. Hơn hết cuốn sách này kể về cuộc đời làm nông nghiệp sạch của cụ Masanobu Fukuoka với những kết quả có thật - điều mà được tán dương trên khắp nước Nhật lẫn thế giới.
Với những người trẻ muốn bỏ phố về quê có lẽ cụ Masanobu Fukuoka là tấm gương đáng học hỏi nhất. Chính cụ là người đã từ bỏ công việc khoa học (vốn rất được xem trọng vào thời điểm đó) để đi tìm cuộc sống của chính mình. Sau một đêm lang thang, thức dậy với tiếng diệc bay đêm, cụ nhận ra con đường trở về quê nhà, bắt tay làm nông (qua nhiều lần thất bại) và gắn bó với nông trại sống với triết lý của mình suốt phần đời còn lại.
Triết lý làm nông của cụ có thể tóm tắt trong câu sau: Không cày xới đất, không dùng chất hóa học nào. Cụ để nông nghiệp thuận tự nhiên theo những tính toán cụ thể, và kết quả rất đáng kinh ngạc: nông trại của cụ luôn có sản lượng lẫn chất lượng vượt trội.
sach cuoc cach mang mot cong rom

Sách mang đến nhiều bài học quý giá.

Tự mình đi con đường của mình
Đọc Cuộc cách mạng một cọng rơm nhiều người dễ nhầm tưởng cách làm nông của tác giả chính là cách… làm biếng. Vì theo cụ Fukuoka, con người không một ai có thể làm nông tốt hơn tự nhiên cả. Làm nông không cày xới, làm cỏ, phun thuốc diệt côn trùng thì liệu có phải là phó mặc?
Nhưng thực chất, triết lý làm nông tự nhiên của cụ Fukuoka sâu sắc hơn thế. Theo cụ, một nhà nông nhàn rỗi không phải là không làm gì hay phó mặc, mà cần biết làm gì và biết cái gì để tự nhiên nó thực hiện. Và làm nông trước hết cần sự kiên nhẫn.
Cụ cũng nhắn nhủ rằng, chúng ta hãy thôi khẩu hiệu chinh phục thiên nhiên. Mà ngược lại, chúng ta hãy học hỏi từ thiên nhiên, vay mượn lương thực từ thiên nhiên rồi học cách trả lại cho tự nhiên để phát triển tiếp. Chúng ta cũng cần biết, mọi thứ đều có chu kỳ, giới hạn, vòng đời. Chúng ta phải đợi chờ, quan sát, chịu thất bại để hiểu rằng thuận tự nhiên có sức mạnh riêng của nó.
Một cọng rơm cũng có sức mạnh riêng của nó. Ví dụ trong việc trồng lúa, cụ Fukuoka không cày xới, mặt khác cụ trả rơm lại cho ruộng. Chính điều này (và một số điều khác như bón một ít phân gà, không dùng hóa chất) giúp ruộng của cụ luôn tươi tốt và đạt nông sản cao. Trong sách có đoạn cụ miêu tả cánh đồng lúa của cụ vào một sáng sớm đầy những sợi tơ nhện óng ánh rất đẹp và gợi mở nhiều điều đáng quý.
“Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hòa làm một với thượng đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình” - lời nhắc đó của cụ Fukuoka giúp chúng ta có một triết lý sống xứng đáng. Và cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm giúp những người sống ở quê tìm được bình yên và hạnh phúc với lựa chọn của mình.