Dạo này khi viết về Thập tự chinh, đặc biệt với hai bài trước về Cuộc Thập tự chinh của nhân dân và Cuộc thập tự chinh lần IV với màu sắc cực kỳ... hài hước, bởi vì chúng giống như những màn tấu hài thật. Nhìn lại một số bài cũ tôi viết về lịch sử, tôi cảm thấy mình như... hai con người hoàn toàn khác nhau vậy, khi ngày trước tôi viết sử với một văn phong nghiêm trang bao nhiêu, thì ngày nay (nhất là từ The Winter War) tôi lại viết theo kiểu "bất cần" bấy nhiêu (Và tôi cũng chẳng biết điều đó là xấu hay tốt nữa). Thế nên, để tổng hòa cho cả hai phong cách trên, tôi sẽ tiếp tục kể cho mọi người nghe về sequel/ hay hậu bản của Cuộc thập tự chinh của nhân dân là Cuộc thập tự chinh của các ông hoàng/ The Prince's Crusade, hay còn được biết đến là Cuộc thập tự chinh lần đầu thật sự.
 *Đây chỉ là bài tóm tắt khái quát và có thể sẽ có những tài liệu không chính xác, mong các nhện có thể giúp đỡ thêm... Và đây sẽ là một bài dài, dài rất dài, có lẽ là dài nhất trên Spiderum của tôi*
Chiếm lại thành Jerusalem
Thật ra khi đó thì cũng (lại) nhờ Extra Credit kể thêm (Bài viết trước về Cuộc thập tự chinh nhân dân chỉ là phần đầu của toàn bộ cuộc TTC đầu tiên) mà tôi cũng có biết qua, và có đọc sơ về nó từ khá lâu trước rồi. Và lúc đầu tôi cũng không muốn kể về nó lắm vì nó khá là nặng cả về chính sử, quân sự lẫn kết thúc trong một nốt trầm lịch sử là trận chiếm đoạt Jerusalem với con số người chết lên đến cả chục ngàn người- đa phần là người vô tội. Tuy nhiên ngẫm lại và đọc kỹ hơn, xen lẫn những điều nặng nề đó lại là những tình huống... buồn cười không thể đỡ nổi, và cả ở comment có một vài bạn rất hóng về Cuộc thập tự chinh này nên... Triển thôi.

Những “Ông Hoàng” của Thập Tự Chinh
Nhắc lại nhẹ nhàng tinh tế: Cuộc TTC vốn là do Giáo Hoàng Urban II kêu gọi quân đến để giúp đỡ Byzantine do lời cầu cứu của Vua Alexios I Kommenos, từ đó tiến đến đánh chiếm lại lãnh thổ cho Thiên Chúa Giáo sau vài trăm năm bị người đạo Hồi xâm chiếm. Cuộc TTC lần đầu chỉ thật sự chính thức diễn ra, ý là những tay quý tộc- lãnh chúa với quân đội chính quy thật sự với sự "ban phước" chính thức của Giáo Hoàng Urban II vào mùa thu năm 1096. Nhưng thật ra đó không hề là một đội quân mà là đến 5 cánh quân khác nhau lần lượt đến Constantinople (Đại chiến năm cánh quân... Hiểu chứ các Tolkienist?).
Những "ông hoàng"
 Thật ra họ tổng cộng là 7 cánh quân, nhưng Extra Credit đã tóm gọn họ lại vì có 1 số người là liên minh với nhau khá chặt chẽ nên xem như gộp vào chung thành những đạo quân lớn hơn. 5 cánh quân lớn đó bao gồm những nhân vật nổi bật sau:
Hugh xứ Vermandois
Hugh xứ Vermandois: Ông này là người đến Constantinople đầu tiên. Ông là em của vị vua nước Pháp Philips I- điều buồn cười là ông vua này vốn đã bị vạ tuyệt thông bởi Giáo Hoàng (do tội... "ăn chả" với vợ của một công tước khác) nên xét ra "không có quyền" tham gia TTC. Dưới trướng Hugh có quân đội của 19 quý tộc khác nhau của Pháp, và vì là vị hoàng tộc với tước vị cao nhất trong cả TTC nên ông này thì khá là.... chảnh. Ông ta đúng nghĩa là bắt Alexios phải trải thảm đỏ chào đón mình vì, dịch theo thư của ông gửi cho Alexios, "Hỡi Hoàng Đế kia, Ta là Vua của các vua, là quân vương vĩ đại nhất cõi trần. Ta phải được trịnh trọng đón tiếp với một nghi lễ xứng tầm với tước vị của ta.”
Bổ sung: Ông này quyết định tham gia TTC âu cũng chỉ do vô tình nhìn thấy... nguyệt thực vào một đêm tháng 2 năm 1096 và cho rằng đó là ý chúa kêu gọi.

Godfrey xứ Bouilon
Godfrey xứ Bouillon: Ông này đã gần như bán cả đất đai của mình để chiêu hiền mộ sĩ. Tuy nhiên, ông này lại là một trong những nhân vật trung thành nhất của Vua Heinrich IV của Đế quốc La Mã Thần Thánh chống đối Giáo Hoàng Gregory IV, và cũng xem như một tay góp phần giúp cho chế độ Ngụy Giáo Hoàng chiếm lấy Rome. Nói cách khác, sau này Giáo hoàng Urban II bị "đá" ra khỏi Rome và sống ở Pháp, "phải" làm ra TTC để lấy lại quyền lực là nhờ ơn Godfrey. 
Baldwin xứ Boulonge
Người em của ông, Baldwin xứ Boulonge có tham gia vào đội quân của ông sau này chính là một trong những nhân vật quan trọng bậc nhất lịch sử của thời TTC. Nếu ai có hiểu biết rõ về thời TTC, có lẽ đã biết ông Baldwin này là ai.

Bohemond xứ Taranto
Bohemond xứ Taranto: đây có thể nói là nhân vật đáng ghét nhất và bị dè chừng nhất bởi các thủ lĩnh lớn trong các cánh quân. Tuy nhiên ông ta sau này mới là người được tôn lên làm lãnh đạo của các cánh quân bởi chính quân lính và những thủ lĩnh nhỏ khác, một phần vì ông ta có đội quân người Normans cực kỳ thiện chiến. Ông này thì, mỉa mai thay, từng tham gia trong trận Dyrrhachium năm 1081 chiến đấu chống lại... chính Byzantine, và bây giờ ông ta là lãnh đạo một đội quân có nhiệm vụ giải cứu Byzantine. Và quân của ông này thì cướp bóc trên đường cũng hơi nhiều do họ vốn có thù với Byzantine từ trước. Không cần phải nói, vua Alexios I Kommenos ghét ông này thôi rồi.
Tancred nhà Hauteville
Trong đội quân của Bohemond có cả người cháu của ông là Tancred với một cánh quân nhỏ. 

Raymond IV xứ Toulouse
Raymond IV xứ Toulouse: ông này nổi danh là Hạ Hầu Đôn, à không ý tôi là "độc nhãn long" vì ông bị đồn là mất một mắt khi đánh nhau với một gã giữ cửa tại Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem. Ông ta có thể được xem là người tín ngưỡng nhất, già dặn kinh nghiệm nhất (khoảng 55 tuổi lúc TTC diễn ra), giàu có nhất và có đội quân lớn nhất cả TTC (Khoảng 10.000 người). 
Giám mục Adhemar tỉnh Le Puy
Đi theo ông này còn có Giám mục Adhemar của tỉnh Le Puy- người đại diện của Giáo Hoàng (Tôi nghĩ ông này cứ như mấy lão priest wololo trong Age of Empires ấy). Ở lâu lên lão làng, lại có đại diện Giáo Hoàng với mình, Raymond từ lúc này lẫn về sau đều luôn kiểu muốn là thủ lĩnh chính thức của quân thập tự. 

Robert II xứ Flanders
Robert II xứ Flanders, ông này gần như là người không có cái gì oái ăm lắm trong “bảng thành tích” của mình, thậm chí ông ta còn có quan hệ khá tốt với Byzantine cả trước lẫn về sau này hậu TTC. Trong đội quân của ông này còn có "liên minh" với quân của con trai của William Nhà chinh phạt/ William The Conqueror- Vua nước Anh, cũng tên Robert nhưng là Robert Curthose xứ Normandy có danh là nghèo tới mức... không ra khỏi giường nhiều do không có đủ quần áo mà mặc. Tuy nhiên, quân của 2 ông Robert này là đội quân duy nhất đi đến Constantinople trong ôn hòa mà không có chút "đồ sát" gì cả.
Godfrey, Baldwin, Hugh, Raymond, Robert, Bohemond, Tancred, Adehemar. Ráng nhớ hết mấy cái tên này nhé mọi người. Rồi sẽ loạn lắm luôn.

Điều buồn cười nhất là, một số đội quân này phần thì di chuyển qua đường biển, phần thì đi theo chính con đường gần như y chang của Peter The Hermit để đến... Hungary và sau đó đến Belgrade, chỉ để Vua Kolomon I của Hungary suýt xua quân đuổi đi vì ông ta "quá sợ" cái lũ quân thập tự rồi (Nếu bạn còn nhớ, ông ta từng đập tan cả quân của Emicho nước Đức do quậy quá quậy), may là do Godfrey để lại cả gia đình người em Baldwin làm con tin (Baldwin sau đó được thả ra và đến Constantinople muộn một chút) mà đến được Belgrade với ý muốn xin tiếp tế, nhưng cũng chỉ để thấy nó cháy rụi do "công" của... quân Peter trước đó.
Tổng cộng số lượng quân đội của 5 cánh quân này lên đến gần 30.000 người, bao gồm xấp xỉ 25.000 bộ binh và 4000 kỵ sĩ (Những số liệu trong bài này chỉ là ước đoán từ nhiều nguồn khác nhau, vì có một số sử liệu thường được viết rất phóng đại để tuyên truyền hay drama hóa nghe cho dữ dội), đa phần là người Pháp nên còn được gọi là The Franks. Dù sao, có thể thấy đây là một đội quân với cả số lượng lẫn chất lượng đều hơn rất nhiều với 30.000 quân ô hợp của TTC Nhân dân. Nhưng nếu như bọn dân quân kia thì loạn về... mọi thứ, thì đạo quân của các ông hoàng này lại có những sự “loạn” hơn về mặt tư tưởng và mục đích, và đó mới là điều Alexios lo lắng thật sự. 

Vậy nên Alexios đã bắt tất cả những tướng lĩnh quan trọng phải lặp một lời thề, đại khái là dẫu cho họ có chiếm được thành trì hay khu vực nào đi nữa, chúng đều phải được trả về cho Byzantine, vì dẫu sao vùng Tiểu Á(Anatolia) cũng vốn là lãnh thổ của Đế Quốc Byzantine. Và điều khôi hài nữa diễn ra ở đây là trong suốt mấy tháng trời ở Constantinople, Alexios đúng nghĩa đã phải hối lộ cho chính mấy vị tướng lĩnh này để thề lời thề trên, nhưng dẫu có vậy thì không phải ai cũng chịu nghe:
- Alexios đã phải dọa Hugh là sẽ không cho tàu thuyền đi đâu hết nếu không thề (vì Alexios biết quân đội Hugh nhỏ). Hugh buộc phải đồng ý vì quá muốn đi Thánh chiến.
- Godfrey thì cho rằng lão vua này cần mình giúp chứ mình không việc gì phải thề với thốt, nên chả thèm đến hầu triều. Alexios nhờ Hugh nói giúp mình, chỉ để Hugh bị chửi là "Ngươi từ bậc quân vương để bây giờ thành một thứ nô lệ hèn hạ (của Alexios)". Alexios sau đó cắt nguồn cung lương thực quân Godfrey, khiến Godfrey nổi loạn nhẹ trước khi bị đàn áp và bị ép phải thề rồi bị tống khứ khỏi Constantinople gấp.
- Bohemond thì kiểu, dẫu ông ta đã được "bầu" làm lãnh đạo rồi, nhưng có những kẻ vẫn bất phục (Raymond, dĩ nhiên), nên ông ta giao kèo với Alexios là nếu được chính thức tuyên là lãnh đạo rồi thì ông ta sẽ thề. Alexios tuy không tin Bohemond, nhưng vẫn bảo Bohemond "có thể" có chức vị đó nếu không bày trò và trung thành tuyệt đối. Bohemond sau đó lôi kéo rất nhiều người khác thề với Alexios, trừ... chính cháu mình là Tancred (Bổ sung: do Tancred suýt trễ chuyến tàu, đua một mạch đua thẳng lên tàu sẽ rời bến ngay hôm sau). Có cả câu chuyện kể, để Bohemond chịu thề lẫn giúp mình lôi kéo người khác, Alexios đã dẫn Bohemond đến cả một căn phòng đầy ắp vàng bạc đá quý và kiểu “thề đi thì số này là của anh”, sẵn tính tham lam, Bohemond thề ngay.
- Raymond thì chả thèm thề, nhưng ổng lại được Alexios bảo là hãy cùng nhau lập nên Bro Code (thật, hai ông làm cái trò gì mà tuyên thệ làm bạn mãi mãi) và hợp tác giúp nhau mà trừ khử con cáo Bohemond mọi khi có thể. Vốn ghét Bohemond "giật" cái chức lãnh đạo mình xứng đáng, Raymond đồng ý (nhưng vẫn chẳng thề cái lời thề kia).
- Có lẽ Robert xứ Flanders là ổn nhất, vì ông này đồng ý tắp lự, được thưởng nhiều vàng nhất và về sau ông ta rất giữ lời.
Và trước khi mọi người lên đường, có cả một nhúm quân nhỏ nữa tham gia cùng họ... Đó là Peter The Hermit sau khi đã trở về từ Tiểu Á khi chứng kiến bọn dân quân kia quậy quá. Ngoài ra còn có hai tướng lĩnh Byzantine và một đạo quân Byzantine nhỏ đi cùng họ. 
Phù, cuối cùng cũng đã xong phần dạo đầu. Lên đường đi Thánh Chiến thôi nào. DEUS VULT!

Cuộc vây hãm thành Nicaea và cú twist độc đáo
 Vào khoảng tháng 5 năm 1097, đa số quân Byzantine cùng 5 cánh quân kia đã vượt biển Bosporus đến Tiểu Á và họ... không gặp bất kỳ một vật cản nào cả. Lí do cho việc này, may thay, là do Sultan Kilij Arslan I đã đập tan bọn TTC Nhân Dân kia rồi, nên khi ông ta nghe lại có quân TTC đến, ông ta đã rất khinh thường và lo ở mặt trận phía đông để dẹp loạn sự nổi dậy của các bộ tộc khác nhau còn hơn là mấy thứ TTC. Nắm thời cơ, quân TTC nhanh chóng di chuyển đến thủ phủ vùng này là thành Nicaea. Vốn dĩ Nicaea là thành trì của Byzantine, nơi đã lập ra Công đồng Nicaea I ngày nào dưới quyền Constantine I với ý đồ thống nhất Kitô Giáo, dân trong thành đa số là người Hy Lạp, đây còn là nơi mà Kilij Arslan cất giữ châu báu và để gia đình ông sinh sống, vì vậy Byzantine rất muốn chiếm lại nơi này để giành lại lãnh thổ lẫn đánh gục tinh thần quân Turk và nâng cao sĩ khí. Chưa kể, Nicaea là một nút thắt giao thông có vị trí chiến lược quan trọng và có thể dẫn đến Jerusalem. Thế là ngày 14/5/1097, quân TTC bắt đầu vây thành Nicaea.

Một trong những điều... quái nhất về cuộc vây thành này, chính là cuộc chi viện của người Turk đấu với quân TTC. Một nhóm quân Turks gửi tin đến cho Arslan rằng Nicaea đã bị vây hãm. Arslan tức tốc dẫn một đạo quân đến để chi viện ngay. Quân TTC do bắt được gián điệp Turk nên đã chờ sẵn với dàn quân đông kịt của Raymond và Baldwin tiếp đón. Quân Turk lao vào theo phong cách "Wakanda Forever" chuẩn bị giáp lá cà, chỉ để phát hiện ra quân số của quân TTC là quá khủng, và ngay lập tức "Wakanda Vọt Lẹ" khi quân TTC kéo kỵ sĩ ra chiến đấu. Tuy nhiên tổn thất quân Turk không nhiều, lí do là vì... ngựa của người Turk trang bị nhẹ hơn với vốn đa số là cung thủ và ngựa yên da, còn quân TTC thì toàn ngựa bọc giáp sắt và cưỡi trên mình các hiệp sĩ cũng "dày cui" không kém nên... rượt không kịp, và thêm phần là do trời tối dần.
Quân TTC lại tiếp tục vây hãm Nicaea gần cả tháng, công thành bằng đủ mọi cách lẫn công nghệ nhưng không thành công, do Nicaea có cả một mặt thành hướng Tây Bắc là giáp hồ Iznik và có trợ cấp đường thuỷ rất tốt, họ rất thoải mái phòng thủ còn quân TTC ngày càng sốt ruột. Lúc này, quân Byzantine với hai tướng lĩnh Butumites và Tatikios dẫn 2000 quân theo sự chỉ đạo của Alexios đã dùng tàu đi theo đường biển, leo vào thành nhưng lại không hề gây một tổn hại gì. Họ hứa sẽ cho quân Turk rút lui, bảo vệ gia đình Arslan và nói chung là những điều tốt đẹp hơn hẳn những gì mà lũ TTC tham lam tàn ác kia có thể sẽ làm. Và thêm nữa, Alexios chẳng phải lo gì bọn tráo trở ấy phản bội lời thề vì xét ra chả ai trong chúng chiếm được Nicaea cả. Khi cờ Byzantine được kéo lên ở Nicaea vào ngày 18/6/1097, tất cả quân TTC đều vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Alexios cho hai tướng của mình nắm giữ chức vụ chỉ huy ngay tại thành, và sau đó "áp tải" từng 10 người một vào thành để chia của cải, xoa dịu kiểu "Mấy ông không ở mặt trước sao tôi xâm nhập mặt sau được?", lẫn nhắc lại "Nhớ không em lời hứa ngày xưa" với họ.

Bức tường sắt tại Dorylaeum
 Khoảng một tuần sau khi chiếm lại Nicaea, quân TTC chia ra hai đội tiến đến Antioch.
- Đội 1 với Bohemond, Tancred, 2 Robert, và tướng Tatikios của Byzantine đi tiên phong. 
- Đội 2 gồm Baldwin, Raymond và Hugh cùng các tướng lĩnh nhỏ khác đi bọc hậu. 
Kilij Arslan đã biết họ sẽ tiến đến Antioch, và chắc chắn họ sẽ phải đi qua Dorylaeum. Bohemond cho lập trại để quân nghỉ ngơi sau 3 ngày hành quân ngay một sườn núi ở đấy. Sáng ngày 1/7/1097, quân Turks với đa số là cung thủ bao vây quân của Bohemond, tất cả đều bị bất ngờ và quân Turk rất nhanh chóng giết rất nhiều những quân lính đang hoảng loạn. Bohemond tuy nhiên vẫn bình tĩnh và ra lệnh cho tất cả những người lính đã trang bị đầy đủ giáp và khiên co cụm lại với nhau theo hình tròn trở thành một khối khiên di động, bảo vệ những người bị thương và cả dân thường đi theo họ ở bên trong. Các cung thủ Turk, lên đến khoảng 8000 người, liên tục rút tên và thúc ngựa đến gần bắn vào khối khiên ấy, có cả những bộ binh Turk xông vào thay phiên nhau từng đợt một, cung tên rồi lại đao kiếm rồi lại tên. Theo miêu tả là cơn mưa tên của người Turk mỗi lần bắn dày đến nỗi, cả ánh nắng nóng gay gắt của vùng Tiểu Á cũng bị hàng ngàn mũi tên che đi làm cho bầu trời tối mù mịt như ban đêm. Thế nhưng, dù có bị thương do những mũi tên xuyên qua các kẽ hở bắn trúng, hoặc có người gục ngã vì những gã kỵ binh hay bộ binh chém trúng giữa những đợt mưa tên, những chiến binh Norman lừng danh vẫn đứng vững. 

Dần dần, viện binh kéo đến. Godfrey, Hugh và một phần quân Raymond chém giết để cố tiến được đến vị trí của Bohemond và Tancred, và tạo thêm những lớp khiên ngày một dày đặc. Họ bị đẩy lùi về phía bờ sông gần đó, những người phụ nữ bên trong vòng tròn bắt đầu len lỏi bên trong các hiệp sĩ để tiếp nước cho họ, dẫu phải hy sinh vì tên lạc. Các tu sĩ bắt đầu hát vang lên những bản thánh ca như tiếng vọng của Chúa đang ủng hộ và che chở họ, những người dân khác cũng bắt đầu hát theo... Tiếng thánh ca, tiếng kim loại rung lên vì những va chạm, tiếng vó ngựa, tiếng tên xé không trung, tiếng hò hét lẫn kêu la của những người lính từ hai bên tạo thành một bản hợp âm hỗn loạn ngay tại Dorylaeum. Các hiệp sĩ TTC vẫn đứng vững, chịu đòn mưa tên bão đạn suốt 7 tiếng đồng hồ trong nhiệt độ kinh hoàng của mùa hè tại Tiểu Á.  Đến cả những người lính Turk ngay trong trận cũng phải nể phục và gọi họ là The Men of Iron.

Cuối cùng, đội kỵ binh chính quân của Raymond có mặt, đánh úp sườn quân Turk trong sự bất ngờ. Đội kỵ binh Raymond thúc ngựa như một máy phá thành sống với những con ngựa nặng nề giáp sắt và xé đội hình kỵ binh cung thủ "nhẹ cân" của người Turk. 
Biết rằng cơ hội phản công đã đến, Bohemond và Godfrey cho tất cả những người lính mệt mỏi bỏ khiên xuống, tạo thành 3 hướng quân tổng phản công với một khẩu lệnh hùng hồn:
"Hodie omnes divites si Deo placet effecti eritis"
Tiếng Latin nhìn và đọc nghe có vẻ hay ho nhỉ, nhưng nghĩa của nó là: 
"Hôm nay nếu chúng ta làm vừa lòng Chúa, chúng ta sẽ giàu to."
... Giống hệt như một phim có diễn biến cực hay và có một kết thúc lẫn ý nghĩa không ra gì ấy nhỉ? Thế nhưng, câu kêu gọi đó lại tác động cực lớn đến các hiệp sĩ đã mệt mỏi cùng với viện binh phản công một cách cực kỳ dữ dội khiến quân Turks phải rút lui. Thế nhưng khi quân Turk rút về trại của mình thì họ phát hiện ra một đạo quân dẫn dắt bởi... Giám mục Adhemar đã tập kích và đốt trại của họ, rồi "kẹp bánh mì" họ vào giữa một đội quân TTC đang mệt mỏi nhưng tinh thần lên cao. Quân Turks đại bại hoàn toàn và Kilij Arslan lừng danh phải tháo chạy. Con đường đến Antioch rộng mở trước mắt.

Con đường đến Antioch và số phận Baldwin
Thế nhưng không, Kilij Arslan biết rằng dẫu có chạy cũng phải không thể để bọn TTC di chuyển dễ dàng. Ông ta cho đốt và cướp hết toàn bộ làng mạc trên đường tháo chạy, cũng như ra lệnh phá hủy hết những khu vực lân cận để quân TTC không thể có thêm tiếp tế lương thực, nhất là nước. Suốt một tháng trời, quân TTC như những con ma đói khát lê lết qua khỏi vùng Tiểu Á, cho đến khi Godfrey chiếm được Iconium để họ có thể tiếp tế quân lương với số lượng tối thiểu. Thế mới thấy số vàng từ Alexios hay kho báu Arslan chả có giá trị gì lúc này. 

Bọn họ bắt đầu tiếp tục chia hai đường từ Heraclea để đến Antioch. Lúc này thì xảy ra khá nhiều chuyện bi hài xoay quanh Tancred và Baldwin. Hai người này chọn một con đường hiểm trở hơn, nhưng Tancred cầm 100 quân đi trước và chiếm được một thành tên Tarsus vào ngày 10/9/1097. Tancred dụ được cho quân Turk trong thành phải bỏ chạy trước cả khi viện binh từ chú của mình đến và, vì hắn không thề thốt gì vụ trả đất cho Byzantine, nên tự phong mình là lãnh chúa nơi này. Nhưng Baldwin sau đó đến nơi và kiểu, "Tao có 2000 quân đấy, bây giờ đánh hay dâng thành?", và thế là Tancred phải bỏ thành mà đi khi làm lãnh chúa còn chưa đến một ngày. Quân viện binh của Bohemond đến Tarsus, bị Baldwin xua đuổi phải ngủ ngoài thành và bị bọn Turk bỏ chạy kia quay lại giết sạch. Baldwin bị quân và dân trong thành bóc phốt dữ dội, đến nỗi phải bế quan tỏa cảng để khỏi bị ăn chửi trước khi để người lại trấn giữ mà đi tiếp. Sau đó, Tancred chiếm được thành Mamistra và Baldwin lại... giở trò. Lần này, Tancred đã thủ sẵn, tống khứ được cả Baldwin sau khi em họ của Tancred xông ra đánh nhau với Baldwin một trận sống mái để "trả thù" vụ Tarsus. 
Baldwin đến Edessa
Baldwin bỏ đi, và sau đó đến Edessa, xem như bỏ luôn vụ TTC này để mà đến đó làm "người giải phóng" Edessa của người Armenia, được Thoros người trị vì nơi này nhận làm con nuôi, rồi sau này... lập mưu ám sát ổng và lên ngôi Công tước Edessa vào tháng 3 năm 1098. Đây chính là vùng đất của quân Thập tự đầu tiên trong lịch sử. Và cũng dĩ nhiên, còn lâu Baldwin mới trả lại cho Byzantine, dẫu cho ông có thề.

Lịch sử tái diễn tại Antioch và Mũi Giáo Thiêng
Khi đa số cùng nhau hội quân ở Antioch vào khoảng ngày 20/10/1097, bọn họ gần như... nản hoàn toàn. Antioch, một thành trì được lập nên từ thời Alexander Đại Đế và gia cố thời Justinian I của Byzantine, quá rộng lớn và có một hệ thống phòng thủ với tường thành vững chãi, xung quanh lại là địa thế hiểm trở của thung lũng Orontes. Quân TTC biết rằng họ không thể nào mà đủ quân để bao vây cả Antioch (Phần chết quá nhiều trong cuộc hành quân kéo dài 3 tháng), họ chỉ có thể trấn giữ từng... cổng thành một, mà thậm chí có như vậy thì họ cũng chẳng thể nào chặn đủ các cổng thành.
Vào mùa đông, lương thực dần cạn kiệt, làng mạc xung quanh cũng đã bị quân TTC đánh cướp tan tành chẳng còn gì, thế là Bohemond và Robert dẫn quân đi săn bắt hái lượm lẫn đánh cướp ở thượng nguồn khu vực thung lũng... Đang trên đường tìm kiếm được ít lương thực, họ vô tình gặp một toán quân Turk ở làng Albara vào ngày 31(21!?)/12/1097. Đó là quân của tướng Turk tên Duqaq đang muốn đến giải phóng Antioch. Thế nhưng họ cũng chẳng ngờ là sẽ gặp quân TTC ngay tại một chốn... cũng khá xa so với vị trí của Antioch. Sau một lúc, quân Robert "cảm tử" lao vào đánh quân Turk, trước khi Bohemond chi viện kịp để đánh đuổi quân Duqaq bỏ chạy... Và may sao, Duqaq bỏ đi luôn và không bao giờ quay lại Antioch để chi viện, chắc do hắn tưởng nhầm quân TTC đông đến nỗi trải dài đầy ra cả Orontes nên sợ mà chạy, chứ nếu không hắn sẽ chỉ gặp toàn quân đang đói khát è cổ ra mà giữ mấy cổng thành. Cứ bảy người, sẽ có một người chết đói. Đã thế, khu vực này nổi tiếng là hay có động đất, và (lại là) Peter The Hermit đã làm lòng ba quân còn rối bời hơn khi bảo rằng đó là điềm báo của Chúa, là cơn thịnh nộ của người đang giáng xuống khiến cho kha khá quân TTC muốn bỏ chạy, trong đó có cả chính Peter, nhưng cuộc đào ngũ này đã bị chặn lại ngay sau đó bởi Giám mục Adhemar.

Vào mùa xuân, Peter The Hermit lại một lần nữa muốn bỏ trốn nhưng đã bị Tancred lúc đó mới đến bắt lại. Tháng 2, một cuộc giải phóng Antioch khác dẫn dắt bởi Ridwan xứ Aleppo đánh quân thập tự và cũng lại bị thất bại với tổn thất nặng nề. Nhưng đây sẽ không phải lần cuối cùng quân chi viện đến, vì tất cả hay tin sẽ có một đội quân lớn hơn nữa đến, và Antioch cần phải được chiếm ngay nếu họ không muốn bị ép ở giữa hai trận địa. Ấy là còn chưa kể lúc này bắt đầu có sự lủng củng nội bộ giữa Godfrey, Bohemond và Raymond. Chưa hết, một trong số những tướng là Stephen xứ Blois đã bỏ trốn khỏi Antioch và rao tin rằng mọi thứ đã vô cùng tuyệt vọng với quân TTC cho quân Byzantine nghe, thế nên quân Byzantine cũng... chẳng màng đem quân chi viện đến cho quân TTC làm gì.

Tình thế vô cùng cấp bách. Bohemond lúc này mới lật lại lịch sử, ông ta biết Antioch chưa bao giờ bị đánh bại bởi bất kỳ chiến công quân sự nào, mà chỉ đơn giản là do bị phản bội mà thôi, quân Turk chiếm được Antioch cũng vì thế. Thế nên, ông ta hối lộ một gã tên Firouz trong thành để giúp quân mình vào thành vào một đêm tháng 6 và mở cửa cho quân TTC xông vào Antioch... Những gì xảy ra trong vài ngày sau đó thật sự vô cùng kinh hoàng khi quân TTC đã tàn sát cả Antioch, bất kể đó là quân hay dân trong thành. Antioch đã lại về tay Thiên Chúa Giáo. Với thành trì vững chãi, quân TTC chẳng còn gì phải lo, quân chi viện của tướng Kerbogha đến và đã bị quân TTC đập tan vào cuối tháng đó. Tuy nhiên, Bohemond đã phản bội lời thề hoàn toàn vì đổ thừa là bọn Byzantine đã không làm trọn vẹn bổn phận hỗ trợ, thì cũng chẳng việc gì để mình phải làm theo lời Alexios, và chiếm luôn Antioch cho bản thân (nên sau này còn có tên Bohemond thành Antioch), xua đuổi quân TTC muốn làm gì nữa thì làm.
Tìm ra Mũi Giáo Thiêng
Thế nhưng trong những sự drama này thì cũng lại có một câu chuyện hài hước. Bằng cách nào đó trong cuộc tàn sát Antioch, một giáo sĩ tên Peter Bartholomew (Không phải Peter The Hermit nha) bảo có viễn tượng do Thánh Andrew truyền về Mũi Giáo Thiêng đã đâm vào Chúa Jesus ở đây, cho tìm ra nó và Raymond là người tin răm rắp việc này nên đã đoạt quyền sở hữu nó. Đây chính là một trong những lí do quân TTC có thể đánh tan quân Kerghoba vì họ tin rằng có tín vật của Chúa bên họ, họ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Có điều... chẳng ai trong mấy ông tướng tin điều này, nhất là Giám Mục Adhemar do biết mũi giáo ấy đang ở Rome (cho đến bây giờ, dù nó có là thật hay không thì không rõ). 

Khoảng một năm sau, Raymond lại một lần nữa tranh cãi về việc quyền chỉ huy (do Adhemar qua đời vào tháng 8 năm 1097 do dịch sốt phát ban), dùng mũi giáo để thị uy, nên bọn họ ép Peter kia phải chứng minh sự linh thiêng của mũi giáo. Thế là ông này chứng minh bằng cách cầm nó để đi trên lửa và.... bùng cháy ngay tắp lự, và ổng chết chỉ vài ngày sau đó vì bỏng nặng. Mũi giáo xem như đồ bỏ, uy tín Raymond giảm sút. Đã thế tệ hơn, trong khoảng thời gian ấy, những dịch bệnh cơn đói lại ập đến với quân TTC, đến mức họ còn phải ăn thịt nhau. Nhưng sau đó thì bọn họ lại được rất nhiều sự ủng hộ của người dân, đặc biệt ở Tripoli, và họ tiếp tục lên đường.

Niềm vui và Tội ác tại Jerusalem.
Sau một cuộc công thành đại bại ở Arqa vì... lí do gì chả hiểu vào đầu năm 1099 do Raymond dẫn dắt, cuối cùng vào tháng 6 năm 1099, quân TTC đã đến được với vùng đất thiêng Jerusalem, và tòa thành huyền thoại hiện ra trước mắt họ. Quân TTC- bấy giờ còn lại có mỗi các Robert, Tancred, Godfrey và Raymond với quân số chỉ độ khoảng trên 12.000 người- biết rằng để công phá thành Jerusalem, họ cần phải lập nên những tòa tháp cao lẫn những cỗ máy công thành hạng nặng, tuy nhiên họ lại chẳng hề có đủ vật liệu để xây dựng những cỗ máy như thế. Đã vậy, quân Hồi đã đầu độc toàn bộ nguồn nước xung quanh làm cho tình thế của quân TTC đã khổ lại càng thêm khổ. Niềm tin của họ lại bắt đầu không vững vàng sau thất bại đầu tiên, và chỉ có nhờ Peter The Hermit liên tục truyền giáo để trấn tĩnh ba quân mà quân TTC mới có thể vững vàng ở Jerusalem.
Peter truyền sĩ khí ba quân
May mắn thay, hải quân Genoa cùng hai tàu chiến cỡ lớn đã đến Jerusalem vào tháng 6. Bọn họ đồng ý tháo hết thuyền ra để cung cấp gỗ cho quân TTC, cùng với một số gỗ khác mà quân TTC thu nhặt được ở cánh rừng gần đó, đủ để họ tạo nên những tòa tháp công thành. Tuy nhiên lương thực thì cũng không hẳn là dư dả, đã thế Vương triều Fatimid ở Ai Cập đang gửi quân đến để chi viện Jerusalem, nên họ cần phải hành động gấp

Ngày 8/7/1099, quân TTC bắt đầu một cuộc công thành quy mô lớn và kéo dài. Tuy nhiên, dẫu có những cỗ máy cần thiết, việc đánh bại Jerusalem vẫn không hề là dễ dàng. Quân Jerusalem phòng thủ dữ dội bằng Lửa Hy Lạp (mỉa mai chưa...) và phá hủy rất nhiều tòa tháp, đặc biệt là ở cánh phía Tây của thành khi quân Raymond bị đánh bại gần như hoàn toàn vào ngày 10/7. Ngày 13/7, Godfrey nghĩ ra một kế, họ đem tháp đến vây hãm một nơi ở góc Tây Bắc để thu hút quân Jerusalem phòng thủ ngay đó, nhưng rồi ngay trong đêm 14/7 tháo dỡ toàn bộ và lắp đặt lại tháp ở một điểm khác ở gốc Đông Bắc làm bất ngờ quân Jerusalem hoàn toàn vào sáng hôm sau. Ngày 15/7, quân TTC chiếm được tường thành, và mở cổng Jerusalem để quân TTC tràn vào...

Những điều diễn ra sau đó thật kinh khủng... Jerusalem xem như chịu chung số phận với Antioch chỉ một năm trước đó khi quân TTC tiến vào và tàn sát gần như bất cứ ai ở trong thành. Một trong những sử liệu đã mô tả cuộc thảm sát tại Jerusalem như thế này:
"Không thể nào nhìn vào cuộc chém giết này mà không cảm thấy rùng rợn; đâu đâu cũng chất đầy là xác người, và máu của người chết thì chảy thành sông. Kinh khủng hơn là hãy nhìn vào những kẻ chiến thắng, những kẻ dính đầy máu từ đầu cho đến chân."


Những số liệu khác về lịch sử, dẫu cho có làm quá, vẫn ghi nhận hàng chục ngàn người dị giáo bên trong thành Jerusalem đã bị thảm sát, quân TTC cướp bóc, đốt phá, và chém giết liên tục đến nỗi máu ngập lên đến cả cổ chân- theo miêu tả của quyển Gesta Fancorum. Dẫu cho cũng có nhưng câu chuyện về việc Raymond và Tancred đã cố gắng tha chết lẫn bảo hộ những người dị giáo, những quân lính khát máu kia vẫn chém giết họ không tha mặc cho sự bảo hộ của họ. Jerusalem trong suốt vài ngày trở thành một mồ chôn tập thể đầy mùi hôi thối của xác thịt và mùi tanh của máu ở gần như khắp mọi nẻo. 
Quân Fatimid rồi cũng đã đến, và trận Ascalon, trận cuối cùng của quân TTC vào tháng 8 năm đó cũng đã kết thúc chóng vánh với chiến thắng của quân TTC, nhưng chỉ vì một sự lục đục khác mà quân TTC không chiếm thành Ascalon (Ascalon chỉ muốn đầu hàng Raymond chứ không phải Godfrey), vô tình biến nó thành cửa ngõ cho những cuộc xâm lược liên tục của quân Hồi Giáo đến gần một thế kỷ sau.
Baldwin I Jerusalem
Trước đó vào ngày 22/7/1098, một hội đồng đã được lập ra để thành lập Vương quốc Jerusalem. Raymond ban đầu được tiến cử làm vua, nhưng ông từ chối, thế là Godfrey được đưa cho chức vị này, tuy nhiên ông chỉ dám nhận chức là "Người bảo hộ" chứ không dám nhận là vua do chỉ có Chúa Jesus mới là vua đích thực của Jerusalem. Sau trận Ascalon, đa số quân TTC rời khỏi đất thánh vì đã hoàn thành lời thề của mình. 2 năm sau, Godfrey chết trên giường bệnh, và người em của ông, Baldwin đã lên ngôi sau khi "từ bỏ" chức bị ở Edessa mà theo nhiều người bảo là "Nỗi buồn mất anh thì ít mà niềm vui có được hết tất cả di sản của anh mình thì nhiều", trở thành vị vua đầu tiên, Baldwin I của Jerusalem và mở ra một triều đại mới cho Vương quốc Jerusalem.

Và đó chính là cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên, một bản anh hùng ca về một cuộc hành trình tàu lượn siêu tốc đúng nghĩa về sự bi tráng, anh dũng, hài hước lẫn những thảm họa và tội ác về mặt nhân tính. Và đây chính là cuộc TTC thành công nhất trong lịch sử TTC kéo dài hàng trăm năm sau. Tuy rằng xuyên suốt chúng ta sẽ nghe rất nhiều về những tội ác diệt chủng, về sự tham lam và bất tín của quân TTC, vẫn xin hãy nhớ rằng đó chỉ là những tư tưởng cá nhân, còn về mặt chính thì đây vẫn là một cuộc phản kháng của Thiên Chúa Giáo với người Hồi Giáo- khi mà vài trăm năm trước thì người Hồi Giáo cũng đã sát hại và áp bức về tinh thần người Thiên Chúa Giáo rất kinh khủng. Trong chiến tranh, không có phe nào thật sự tốt và không có phe nào thật sự xấu cả, chẳng qua là chúng ta chấp nhận lí do của bên nào hơn mà thôi. (Dĩ nhiên cũng có vài trường hợp ngoại lệ)
Xin cảm ơn các bạn đã... chịu đựng mãi cho đến dòng này. 
Nguồn tìm hiểu: