Reng, reng, reng, reng reng!!!!!!
Cũng là tiếng chuông báo thức ấy, nhưng tôi không phải là cái xác vô hồn như ngày chủ nhật kia. Tôi bật mình dậy tắt báo thức, tắt luôn cả cái quạt đang thao túng tâm lý tôi: “à ơi ngủ tiếp”.
Chia tay cái mền và cái giường thân yêu, tôi vệ sinh cá nhân, buộc tóc gọn gàng và sẵn sàng bước ra khỏi nhà, đi xa con hẻm để tới cung đường chạy mà tôi thường xuyên lui tới: bờ kè.
5:40. Mặt trời chưa ló dạng, ổng như cô gái e thẹn tuổi 18 lấp ló sau mây chờ đúng thời điểm mới vươn mình tỏa sáng. Hàng cây xanh còn vương những giọt nước sau cơn mưa tối qua, từ từ thả từng giọt lộp độp xuống cung đường, cũng có khi là mái tóc người thương.
Tôi khởi động nhẹ rồi bước đi từ từ để bắt nhịp đôi chân. 1 2 3 4 2 2 3 4. Cứ thế tôi chạy từng nhịp để quản lý hơi thở của mình. Lúc chạy, tôi cũng không biết bản thân mình đang nghĩ gì, có lẽ là sự tập trung của tôi đã dành trọn vẹn cho mấy con số kia. Nhưng thú vị là mắt tôi vẫn quan sát mọi thứ đều đặn.
Cung đường chạy quen thuộc lúc nào cũng vậy, 85% là các cô, các bác, các ông, các bà đi bộ, thể dục thể thao. Tôi tự hỏi “Phải chăng đến khi gần hết độ xuân thì, người ta mới biết trân quý sức khỏe của mình hay sao?”.
Lúc chạy, có hôm tai tôi thu trọn cuộc hội thoại của hai ông bác đang trò chuyện tại khu tập thể dục ở bờ kè.
– Trời, nay đi tập thể dục sớm quá hen 
– Tui ra từ lúc 5 giờ, nhưng mà sớm gì ông. Mặt trời sắp ló tới nơi rồi. Tui định ra tập lúc 4 giờ, 4 rưỡi cho nó mát.
Ông chú đeo tai nghe màu tím, sáng nào cũng chạy đều đặn. Lâu lâu gặp người quen, chú gạt chiếc tai nghe sang một bên để tám chuyện nghe cho rõ.
Cậu trai mặc áo hồng, nom rất sành điệu và chất chơi hừng hực khí thế chạy một đoạn rồi bỗng dừng lại để chụp mấy bông hoa giấy trên nền trời ửng hồng buổi sáng, rồi đưa mắt ngắm nhìn những cánh chim bay.
Hôm khác, tôi nhìn thấy một cậu bạn, chân thì chạy nhưng mắt lại dán vào tập sách vì còn bận ôn bài. Tại sao cậu ta lại có thể vừa chạy vừa đọc sách nhỉ? Vừa gặp cậu ta ở bờ bên này, nhắm mắt thoáng chốc, cậu ta đã đọc sách ở bờ bên kia. Phải chăng dịch chuyển tức thời là khả năng đặc biệt của cậu ấy? :D
Các cô các bác tập thể dục nhịp điệu cùng nhau phía bờ bên kia. Mở nhạc rộn vang một góc trời rồi cùng nhau tập luyện. Thú vị là mọi người đều rất hưởng ứng dresscode, có hôm là xanh dương, có hôm là trắng, có hôm nổi hơn thì vàng và đỏ. Nhưng đó không phải điều tôi chú ý, bởi sự chú ý của tôi đã dành cho một chị gái ở bờ bên này. Chẳng màng khoảng cách, chị vẫn mặc dresscode giống mọi người ở phía bên kia. Và mặc cho cô đơn đến làm bạn, chị ấy vẫn tập cùng mọi người. Đều đặn, chẳng ngại, chẳng lo.
Cô vợ dìu dắt chồng đi bộ từng bước, đều đặn sáng nào cũng vậy. Có vẻ như sau một chấn thương nào đó, người chồng không thể đi đứng như bình thường được nữa nên cần phải rèn luyện. Tôi thấy cung đường chạy có thể không có tôi, nhưng lúc nào tôi chạy tôi cũng thấy hai bác ấy.
Hmmm và cả sự kiên trì và thương yêu nữa.
Nhưng cũng có khi lại khác. Lâu lâu tôi thấy các bác ăn mặc chỉnh tề, sơ mi quần tây, giày đánh xi các kiểu nhưng lại ra bờ kè đi bộ. Tôi nghĩ bụng dự đoán: “Chắc bác ấy đi nhậu tối hôm qua, mùi rượu bia vương vấn về sợ vợ la nên phải đi dạo cho tỉnh táo bớt nồng rồi mới về nhà” :v
Nom buổi sáng lúc nào cũng nhẹ nhàng, còn đến tối thì rộn ràng nhiều hơn thế:
Bác trai gọi điện thoại cho bạn bè, một chân vắt lên ghế, lâu lâu đổi tư thế, nói chuyện gần như cả tiếng vẫn chưa xong: “Ở đây nó phải thuê nhà, về ngoài đấy có nhà bố mẹ nên nó về thôi” – âm thanh ấy đã được thu vào bộ não của tôi mặc dù tôi không cố ý chút nào.
Bác bụng bự ngồi trên ghế, tay xoa đầu con chó xù trắng như bông tuyết, đôi mắt nhìn về xa xăm. Tôi để ý bác ấy nhiều tối ra ngồi một mình, tưởng chừng như cô độc nhưng không cô độc. Lâu lâu, có một cô gái, tay dắt theo một chú chó bông, nom cũng không khác gì cục bông của bác. Hai chú chó gặp nhau và chủ của nó cũng gặp nhau…
Có hôm, tôi thấy một cô gái, tóc xõa ngang vai, dây tai nghe lủng lẳng chạy trên cung đường. Chạy lượt này rối đến lượt khác. Chốc chốc dừng lại nghe điện thoại để giải quyết những vấn đề về chuyện làm việc nhóm này kia.
Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là ông chú râu quai nón, cũng là chạy nhưng mà lạ lắm. Nhìn từ xa, tôi hình dung ra chân dung của một cậu nhóc, nếu mà miêu tả thì tôi xin dùng câu thơ của Tố Hữu đã dành cho Lượm:
“Chú bé loắt choắt Cái lắc xinh xinh Cái chân thoăn thoắt Cái đầu nghênh nghênh”.
Tốc độ của ông chú này tôi không bắt kịp, nhưng vấn đề là tôi không biết là ông chú này đang chạy hay là nô đùa cùng bộ môn này. Vì chú ấy chạy kiểu nhảy chân sáo, nom rất nhẹ nhàng mà còn nhanh nhẹn. Có lẽ đó là kiểu chạy kì cục nhất mà tôi từng thấy :v
Đặc sản không thể thiếu mỗi tối chắc hẳn là cơm cún của các cặp đôi rải rác khắp bờ kè. Tay ôm, tay gối, môi kề, miệng xinh. Nhưng cũng có hôm thì em lặng thinh, anh ngồi im. Chắc là giận nhau chứ gì :D
Tôi vẫn nhớ ngày trung thu, có vài phụ huynh đưa em nhỏ ra đó đi bộ rước đèn. Một em bé đã vẫy chào tôi và mỉm cười. Thấy vậy, tôi cũng cười và bảo: “Chúc con Trung thu vui vẻ nhen”.
Bộ lọc của tôi đã cho ra những hình ảnh tươi sáng về những gì tôi thấy trên cung đường chạy để bạn thấy nó thú vị đến nhường nào. Nhưng thực ra, còn nhiều hình ảnh khác khiến tôi băn khoăn và suy nghĩ về chuyện đời thường nữa.
Bờ kè, bên cạnh con sông dài với hàng cây xanh thoạt đầu có vẻ là nơi lý tưởng để trau đồi sức khỏe, để hẹn hò tán gẫu. Nhưng môi trường không cho phép chúng ta lý tưởng hóa điều đó. Nước ô nhiễm, rác nhựa trôi nổi lênh đênh, mùi hôi bốc lên thoang thoảng mà mỗi khi gió thổi tới thì công chuyện chắc hẳn cũng sẽ tới.
Bên vệ đường rác khắp muôn nơi. Thùng rác để làm cảnh, còn rác là đồ trang trí.
Băng rôn khẩu hiệu có treo đầy rẫy, hai chữ “văn hóa” trên tấm biển nếu được nhân hóa lên chắc sẽ chẳng biết phải trốn đâu cho đỡ ngại với khung cảnh như thế. Khổ thân.
Những chiếc ghế không chỉ là nơi hẹn hò lý tưởng của các cặp đôi, mà còn là chiếc giường nghỉ ngơi của những người vô gia cư – họ chẳng có nơi nào để về. Có nơi để chợp mắt là may mắn lắm rồi.
Hình ảnh người phụ nữ tóc đã ngả bạc màu giải quyết vấn đề cá nhân ngay tại gốc cây bên vỉa hè có lẽ là hình ảnh lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy. Cảm xúc rất khó tả và cũng khó hiểu để lý giải trong tôi. Có phải khi người ta không còn gì để mất, người ta sẽ chẳng sợ gì nữa hay sao? Rồi còn có cả ông tây balo vệ sinh cá nhân bên bờ kè với một chai nước 2 lít mỗi sáng, chàng thanh niên ngủ sõng soài che mặt bằng chiếc mũ để trốn khỏi sự truy lùng của ông mặt trời với sự trông coi của chiếc chiến mã được xích bên hàng rào. Mỗi người một cảnh, nhưng họ đều có một điểm chung: họ đều không có nơi để về.
Có hôm tôi vô tình hướng mắt vào một căn phòng nhỏ trên đường về nhà. Căn phòng ấy không phải là nhỏ mà thực sự rất rất nhỏ. Tưởng chừng như nó là chiếc tủ lạnh hai tầng, sâu độ gấp ba, bốn lần chiếc tủ lạnh bình thường. Tầng trên là giường của bác ông, tầng dưới là giường của bác bà. Ngoài ra chỉ còn một chút không gian để đi ra đi vào, chắc độ khoảng 1 sải tay mà thôi.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến câu: “Hãy cảm thấy hạnh phúc vì những gì bạn đang có”.
...
Chắc chắn rằng những hình ảnh vừa rồi bạn hình dung ra không phải tất cả những gì diễn ra ngoài đời thực mà tôi thấy, vì ngoài kia đã có biết bao điều mà tôi không nhớ ra ngay lúc tôi viết những dòng chữ này.
Và đó cũng chỉ là những gì mà tôi thấy thôi à, tôi hy vọng rằng những gì bạn vừa đọc sẽ cho bạn chút cảm hứng gì đó trong cuộc sống. Nếu mệt mỏi, hãy tạm biệt bốn góc tường để ra ngoài quan sát, bạn sẽ thấy rất nhiều điều thú vị dễ thấy nhưng khó tìm.