Cung đấu Lý - Trần (Phần 1)
Đây sẽ là một chuỗi bài viết về thời kì giao thời Lý Trần có nhiều uẩn khúc và những âm mưu
Triều Lý với vị vua khai quốc Lý Thái Tổ oai vệ đến bao nhiêu thì thời mạt Lý con cháu ông ăn chơi bỏ lỡ triều chính bấy nhiêu. Chính vì việc ăn chơi không lo chính sự mà loạn thần lộng quyền, hậu cung xen vào việc chính sự làm cho đất nước lầm than. Các phe phái trong triều đình tranh đấu quyền lực, nội bộ triều đình suy yếu, các thủ lĩnh địa phương cũng nhân cơ hội này ngầm xây dựng lực lượng nổi dậy.
Sự xuất hiện của cái tên cùng họ với trung thần bậc nhất hậu Lý - Tô Trung Từ như bước ngoặt lớn cho sự xuất hiện của thế lực dòng họ Trần. Nhưng nói là một thế lực cũng chưa đúng vì dường như ẩn sau hai từ đó là âm mưu chồng chéo âm mưu.
Cái chết then chốt của Trần Tự Khánh làm xoay chuyển thế cục vào tay hậu nhân Trần Lý cùng với toan tính của Trần Thủ Độ. Liệu cái chết của Kiến Quốc Vương có nằm trong sự sắp đặt của Trần Liễu? Nếu vậy mối quan hệ giữa Trần Tự Khánh và Trần Liễu là gì? Trần Thái Tổ và Trần Thủ Độ có liên minh với nhau? Tất cả vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nhưng có một sự thật rằng, nếu không nhờ vào Trần Tự Khánh “dọn cỗ” thì Trần Thủ Độ phải mất rất lâu mới có thể kết thúc triều đại vàng son một thời bằng cuộc hôn nhân chính trị. Và nếu Trần Tự Khánh vẫn còn sống thì người được gọi với danh hiệu Trần Thái Tông sẽ không còn là Trần Cảnh mà thay vào đó là Trần Hải.
Mở màn cho cuộc chiến thời mạt thế này là việc giành quyền lợi cho con
Giành quyền cho con
Tháng 11 năm Tân Mùi (1151), hoàng trưởng tử Long Xưởng được sinh ở hành cung Ứng Phong, sau được sách lập làm Hiền Trung Vương (Đại Việt sử ký toàn thư). Long Xưởng là con trai của vua Anh Tông và Chiêu Linh hoàng hậu họ Vũ. Tuy cả ba quyển sử lớn là toàn thư, cương mục và Việt sử lược không đề cập tới việc Long Xưởng có được làm chủ đông cung hay không nhưng với vị trí con trưởng vậy nên dường như nó đã thuộc về ông không có một trở ngại nào. Nhưng Long Xưởng lớn lên lại không để tâm chuyện học hành lại nổi tiếng ăn chơi. háo sắc.
“Giỏ nhà ai, quai nhà nấy” , việc ăn chơi này của Long Xưởng có thể hiểu được vì ngay cả bản thân vua Anh Tông, sử thần Ngô Sĩ Liên cũng phải thốt lên rằng “ơn trạch của dòng họ Lý đến đây tiêu ma cả”.
“Con hơn cha là nhà có phúc” được xem là điều tốt nhưng trong trường hợp cặp cha con họ Lý này, chúng ta cần phải xem lại. Làm sao mà vua Anh Tông có thể so sánh với con mình khi Long Xưởng còn có gan tư thông với cả những cung nữ trong cung vua. Hành động ngỗ ngược như thế vua cha đều biết nhưng lại lựa chọn “mắt nhắm mắt mở” . Chuyện này cũng dễ hiểu vì vua cùng thái tử đều cùng một hạng và cũng muốn bao bọc người sắp lên ngôi báu. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi ma trảo của Long Xưởng chạm đến bà nguyên phi Từ thị. Lúc này Anh Tông đã không còn nhượng tình mà trực tiếp phế Long Xưởng đi lập em trai của hắn là Long Cán (Cao Tông) lên làm chủ đông cung.
Sự kiện loạn luân này trách Long Xưởng một phần thì một phần trách nhiệm còn lại phải thuộc về Chiêu Linh hoàng hậu. Khi ấy, nhà vua sủng ái bà Từ thị nên để tranh sủng, Chiêu Thiêu Linh hoàng hậu sai Long Xưởng dở ngón tình tứ mê hoặc Từ thị. Nhưng không ngờ, thay vì bằng lòng với Long Xưởng như các cung nữ khác thì Từ thị chọn cách tâu với vua. Kết cục phế trưởng lập thứ đã diễn ra, không những vậy hắn còn bị cầm tù.
Việc phế Long Xưởng lập Long Cán đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Trong ba sách sử lớn đã kể trên, Toàn thư và cương mục đều có lời chép giống nhau rằng vị trưởng tử bị phế xuống làm thứ dân và cầm tù nhưng Việt Sử lược lại chép ông bị phế xuống hàng vương (Bảo Quốc vương). Nhưng dù là thứ dân hay xuống hàng vương thì con đường tranh đấu của Long Xưởng hầu như không còn cùng với đó còn có sự hiện diện của Tô Hiến Thành. Sau khi Long Cán nhập đông cung (1175), Tô Hiến Thành lập tức được phong làm Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, gia phong tước vương. Tháng 4 cùng năm đó, vua xuống chiếu cho ông giúp thái tử tạm quyền coi giữ chính sự do khi này Anh Tông đang bị bệnh nặng.
Nhân cơ hội Anh Long bệnh tật, hoàng hậu họ Vũ đã bắt đầu mưu tính để con trai của mình quay lại vị trí vốn có. Bà có đến xin vua lập lại Long Xưởng làm Thái Tử để nối ngôi nhưng lại bị Anh Tông từ chối thẳng thừng: “Long Xưởng làm con đã bất hiếu còn cai trị dân thế nào được”. Hơn nữa, để bảo toàn ngôi báu cũng như tỏ rõ sự chán ghét với Long Xưởng cùng sự tin tưởng với trung thần của mình, trong di chiếu vua có nói rõ cho Hiến Thành giúp đỡ Thái Tử, công việc quốc gia vẫn tuân theo hiến chương cũ.
Chiêu Linh hoàng hậu vẫn chưa dừng lại, bà chuyển hướng tác động sang Tô Hiến Thành. Dù biết rõ tính cách của ông nhưng bà vẫn “cố đấm ăn xôi” bằng cách đút vàng bạc cho vợ Hiến Thành là Nữ thị. Đúng như dự tính, Tô Hiến Thành đáp lại bà rất cương quyết “Ta ở ngôi tể tướng, chịu lời cố thác của tiên vương để phò ấu chúa. Nay nhận của đút của người mà mưu phế lập, thiên hạ sẽ nói ta ra sao? Ví thử như mọi người đều là người bưng tai bịt mắt không biết gì thời ta lấy lời nào mà bẩm với tiên vương ở dưới suối vàng được?”. Thậm chí, ông còn căn dặn quyết liệt đối với các chức quan tả hữu dưới quyền “Tiên vương thấy ta và các người hết sức phò vua, không ở hai lòng nên mới phó thác ấu chúa cho chúng ta. Nay Bảo Quốc Vương nghe lời Thái hậu muốn phế chúa thượng mà tự lập, các ngươi phải hết lòng gắng sức, nghe ta truyền bảo, ai nghe mệnh ta, ta thưởng cho suốt đời, kẻ nào trái mệnh ta, sẽ bị giết ở chợ. Các ngươi nên gắng sức”.
Cứ tưởng hoàng hậu họ Vũ thấy khó làm lui nhưng bà vẫn bấu víu vào ngọn cỏ cuối cùng chính là bữa thiết yến sau hết quốc tang Anh Tông. Chiêu Linh hoàng thái hậu dùng các chiêu bài như “ấu chúa trẻ tuổi”, vị thế đất nước đang bị kìm kẹp với Chiêm Thành và phương bắc để các vị quan đang hiện diện trong đại yến suy nghĩ lại. Nhưng không ngờ được, tất cả đều đã được Hiến Thành dùng quyền uy và sự chính trực của mình làm thu phục. Các quan đều chắp tay cúi đầu nói: “Thái phó là bậc cố mệnh đại thần, bệ hạ đã nhiều lần khuyên dụ rồi đấy. Bọn tôi không dám trái ý” và đồng loạt lạy tạ lui gót.
Tuy nhiên, Long Xưởng và Thái hậu họ Vũ vẫn chưa từ bỏ ý muốn của mình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1181 Long Xưởng cầm đầu bọn gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi - cá chết lưới rách. Nhưng thật không may cho hai mẹ con Thái Hậu, triều đình dưới sự chỉ đạo của Tô Hiến Thành nên nạn cướp bóc của y bị dập ngay sau đó vào năm 1182. Từ đây Thái hậu triệt để chết tâm.
Việc giành quyền lợi cho con của minh không chỉ có Thái Hậu họ Vũ mới có mà ngay cả Thái Hậu họ Đỗ, mẹ đẻ của vua Cao Tông, cũng làm điều này. Tuy nhiên, cùng một mục đích nhưng hậu quả của mẹ vua Cao Tông lại đem lại hậu quả to lớn hơn cho triều đình nhà Lý lúc bấy giờ.
Những năm đầu quốc gia dưới triều đại Cao Tông, khi Tô Hiến Thành vẫn còn đủ sức lực tham chính, bộ máy nhà nước có phần khởi sắc hơn. Điều này đã được ghi chép rất rõ ràng trong Cương mục “Tháng 3 (1179), xét công trạng các quan lại. Văn học tài cán là một hạng; không thông chữ nghĩa mà làm việc cần mẫn, là một hạng; nhiều tuổi mà thần cán, thông hiểu việc xưa nay là một hạng. Các hang người kể trên cứ theo thứ bậc trao cho quan chức để cai trị dân, cai quản quân đội. Từ đó, trăm quan tài năng xứng đáng với chức vụ, không có người thừa hoặc kẻ vô dụng”. Nhưng khi Tô Hiến Thành mất, khi được hỏi, ông cũng tiến cử người có thể thay mình là Trần Trung Tá nhưng lại không được Thái Hậu trọng dụng.
Sự lựa chọn này cũng dễ hiểu vì ấu chúa còn nhỏ tuổi, quyền lực tập trung còn yếu kém binh biến xảy ra liên miên. Tô Hiến Thành tuy trung nhưng người ông tiến cử thực sự Thái Hậu chưa biết thực hư như thế nào. Vậy nên không dùng là lẽ phải. Chính vì lẽ đó, Thái Hậu thà chọn ngoại thích làm Phụ chính (Đỗ An Di) còn hơn đi một nước cờ mạo hiểm với người con còn non dại của mình. Việc lựa chọn tưởng chừng chu toàn này đã khiến cho nhà Lý bỏ qua một người tài có thể giúp nước trong buổi nhũng loạn này.
Loạn Quách Bốc
Bộ máy chính quyền nhà Lý thời mạt thế vận hành trơn tru chỉ trong một thời gian ngắn ngủi khi Tô Hiến Thành nhiếp chính. Đến khi trung thần qua đời, người mà ông đề bạt cũng không được trọng dụng. Lý Cao Tông khi trưởng thành chỉ thích chơi bời, cho mua bán chức tước, khiến xã hội bọn bất tài cứ có nhiều tiền là làm quan gây nhiễu cho dân chúng; lại cho bán tôi ngục, tức nếu có hai người tranh giành đồ vật, tài sản có giá trị mà hễ có ai dâng tiền bạc thì được lấy tài sản đó làm của công, không cần qua tra xét gì cả, nên kho bạc nhà nước chất cao như núi mà dân vẫn cứ đói khổ, giặc cướp như ong.
Cùng với đó. một chiêm tượng kỳ dị xảy ra như điềm báo về cuộc chính biến lớn: “Tháng 6, ngày Giáp Thìn (1179) hai mặt trời cùng xuất hiện”. Hai mặt trời, hai vị vua cùng xuất hiện ư? Sự xuất hiện của 2 mặt trời đều nhờ vào loạn Quách Bộc.
Tháng 3 năm 1207, hào trưởng ở Hồng Châu là Đoàn Thượng, Đoàn chủ nổi dậy, xây thành lũy, xưng vương hiệu. Cao Tông thái nhiều quân đi đánh Hồng Châu trong đó có cánh quân của Phạm Bỉnh Di và Đàm Dĩ Mông. Thế lực quân triều đình hùng hậu, Đoàn Thượng thấy không chống được bèn sai người đút lót cho Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du, nguyện xin đem quân của chúng theo Du. Du vì Thượng mà cố xin với vua. Vua sai người đi triệu các cánh quân về, Thượng vì thế mà thoát được. Từ đó Dĩ Mông, Bỉnh Di đã nảy sinh hiềm khích với Du.
Năm 1208, vua lại cho Phạm Du trấn thủ châu Nghệ An. Trước khi lên đường nhận chức, Du tâu xin với Cao Tông tuyển thêm binh lính bảo vệ mình phòng ngừa giặc ám sát. Vua thuận mệnh đồng ý. Sai lầm chồng chất sai lầm. Phạm Du tại đất Nghệ An đã tập hợp thêm nhiều quân làm phản, “cho người đi cướp bóc khắp nơi”.
Cùng với đó, một số nút thắt đường sông quan trọng như Tây Kết, Đà Mục (bãi Đà Mục tức sông Thiên Mạc, châu Mạn Tù thuộc huyện Đông Yên, Hưng Yên) đều đã bị hào trưởng địa phương chiếm đóng. Đường đất bị cắt đứt (kẹp giữa Bắc quốc và Nghệ An), thuyền bè cũng không di chuyển được, vua bèn sai Bỉnh Di đem quân ra Đằng Châu (Kim Động, Hưng Yên) phòng ngự và chiếm đóng cứ điểm quan trọng này. Chiếm được Đằng Châu sẽ giữ được Đông Kết. Tây Kết ở hữu ngạn, Đông Kết ở tả ngạn. Có được Đông Kết thì Tây Kết sẽ nằm trong thế kìm kẹp của quân triều đình ở kinh đô và quân triều đình tại Đằng Châu. Việc chiếm lại được Tây Kết sẽ hết sức dễ dàng.
Lấy lại được Tây Kết, vùng Đà Mục sẽ không còn là mối bận tâm nữa. Từ Đằng Châu đánh lên, Tây Kết đánh vào giải phóng triệt để đường thủy đến kinh thành. Nhưng chỉ cần mất Đằng Châu, mọi con đường dẫn đến kinh thành bị phong tỏa, Thăng Long sẽ đặt trong tình trạng báo động.
Thấy vậy, Du tiến đến vùng đất Cổ Miệt hợp cùng với quân của Thượng ở đất Hồng đánh Đằng Châu. Trên đường đến đất Đằng, Bỉnh Di đã lấy thêm quân Khoái Châu hợp với quân tại Đằng để đánh Du. Du thua trận chạy về đất Hồng.
“Ăn miếng trả miếng” cùng với triết lý của kẻ thắng cuộc, Bỉnh Di tịch biên gia sản của Phạm Du rồi đốt hết. Hai bên lại càng thêm oán nhau.
Lợi dụng cảnh xã hội trọng kim tiền, ngay cả ô sa chỉ cần có tiền là mua được, Phạm Du đã sai bộ hạ của mình trở về kinh hối lộ cho quan lại nhằm đứng trước mặt Cao Tông kêu oan cùng “gắp lửa bỏ tay người” với Bỉnh Di. Đồng thời xin vua cho mình về kinh để đợi chịu tội. Nhưng tiếc thay, dòng máu anh minh thuở nào không còn chảy trong người Cao Tông, nhà vua đã tin lời Du và cho triệu cả Du cùng Bỉnh Di trở lại kinh thành.
Mùa thu tháng 7 (1209), Bỉnh Di theo lệnh trở về phụng sự, toan vào diện thánh thì đã không kịp, Du đã vào chầu trước. Bỉnh vẫn đi vào nhưng quân thượng nào đâu đợi Bỉnh Di minh oan đã sai người bắt cả ông và con trai là Phụ giam tại Thủy Viện.
Sắp đem hành hình thì tướng của Bỉnh Di là bọn Quách Bốc nghe tin đem quân đánh trống hò reo tiến vào, đến ngoài cửa Đại Thành bị người coi cửa chống cự. Bọn Bốc phá cửa tiến vào…”.
Hai cha con Phạm Bỉnh Di bị giết, không thấy sử cũ nói là ai đã làm chuyện này, tuy nhiên Toàn Thư nói rõ là Phạm Du cùng với em trai “cầm đồ binh khí của vua giết Bỉnh Di và Phụ”.
Cái chết của Bỉnh Di đã nổ ra loạn Quách Bốc, hai vầng mặt trời xuất hiện, quyền lực nhà Lý nghiêng ngả phân cực.
Quách Bốc và đồng đảng tấn công vào cung, xông vào kho của hoàng cung lấy của rồi cướp xác hai cha con Phạm Bỉnh Di mang xuống bến Triều Đông. Khi Quách Bốc trở lại cung Vạn Diên, y bèn lập Thầm lên làm hoàng đế, bọn Đàm Dĩ Mông và Nguyễn Chính Lại đều nhận chức ngụy quan.
Cái sai của Quách Bốc bắt đầu từ đây. Khi Thầm dù khi này còn nhỏ (4 tuổi) dễ đứng đằng sau để thao túng nhưng lại không là dòng chính thất. Cùng với đó, việc quản thúc Sảm không triệt để vì dù sao Sảm cũng là Thái Tử, dòng chính thất lại có thể móc nối liên hôn với họ Trần tại Hải Ấp.
Thái tử Sảm khi đến ngụ tại Hải Ấp đã nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ. Trao cho Trần Lý tước Minh Tự cùng cậu của vợ mình là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Họ Trần chính thức tham chính.
Sử cũ ghi chép điều này giản lược chỉ đôi ba dòng. Nhưng sự thật liều điều đồn này lại tự nhiên rơi vào tai Sảm? Gia tộc họ Trần chi phối cả một vùng Nam Định, Thái Bình lại không thể không biết việc người lạ đến đất của mình và hơn nữa địa vị người này lại không nhỏ trong triều đình mục ruỗng.
Cái tên Tô Trung Từ lạ mà quen, họ Tô? Tô Hiến Thành cùng hắn ta liệu có chung một dòng máu? Họ Trần và họ Tô có mối quan hệ hôn phối lâu đời? Cuộc hôn nhân này có nằm trong sự sắp đặt của Trần Lý và Tô Trung Từ?
Để bàn thêm về vấn đề này xin mọi người đón chờ vào phần sau.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất