Như những thước phim trong một bộ phim Slice Of Life (lát cắt cuộc sống), cửa hàng tiện lợi bất tiện mang đến những câu chuyện đời thường, gần gũi đầy lôi cuốn. Mỗi chương trong sách như một tập phim riêng rẽ kể về chuyện đời của từng nhân vật, và được gắn kết lại bởi một nhân vật có tên Dok-go.

Nhân viên lạ lùng

Dok-go là một người vô gia cư. Có một lần anh giúp một bà bác lớn tuổi – bà Yeom, tìm lại được chiếc ví bị mất. Thế rồi mọi chuyện đưa đẩy, anh được bà Yeom nhận vào làm nhân viên ca đêm của cửa hàng tiện lợi Always do bà làm chủ. Dok-go bị mất trí nhớ do uống quá nhiều rượu và mắc tật nói lắp, có lẽ bởi vì đã quá lâu rồi anh không giao tiếp đủ nhiều để giữ cho tiếng nói trôi chảy. 
Khi vào làm ở tiệm Always, ngoài việc cần tắm rửa ăn mặc gọn gàng trở lại, Dok-go phải cam kết không uống một giọt rượu nào nữa. Bất ngờ là Dok-go biết giữ lời và có nguyên tắc sống rõ ràng đến khó tin so với hoàn cảnh của mình. Với đôi chút thay đổi bề ngoài, anh chàng vô gia cư luộm thuộm ban đầu như trở thành người khác. Và từ lúc này sự thay đổi qua từng ngày của Dok-go càng lúc càng gợi lên nỗi tò mò về thân thế của anh chàng. Ấy là chưa kể, Dok-go còn có lối hành xử có phần lạ lùng.
Bìa sách mang đến cảm giác nhẹ nhàng, dịu dàng như những buổi sáng mùa xuân. Ảnh: Code Của Cáo
Bìa sách mang đến cảm giác nhẹ nhàng, dịu dàng như những buổi sáng mùa xuân. Ảnh: Code Của Cáo
Nhưng ta hãy tạm gác bí ẩn của Dok-go lại để chứng kiến những “phép màu” xảy đến với các vị khách và nhân viên tại cửa hàng tiện lợi của bà Yeom. Vốn là một cửa hàng theo mô hình 24/7, nhằm mang lại tiện lợi cho các khách hàng. Ấy vậy mà cửa hàng Always của bà Yeom lại được đặt cho cái tên cửa hàng tiện lợi bất tiện, lý do cụ thể thì bạn đọc sách sẽ rõ.
Cuốn sách kể tám câu chuyện, tiếp nối và bổ sung lẫn nhau. Mỗi câu chuyện lại thêm một chút thông tin, ghép lại thì tỏ tường cả câu chuyện dài. Từ bà Yeom, cho đến cô bé nhân viên Si-huyn, bà Oh, vị khách tên Kyung-man, nữ biên kịch In-kyung, cậu con trai Min-sik, ông chú thám tử tư lớn tuổi và cả Dok-go. Từng người, từng người được ống kính lia tới và được kể câu chuyện của mình. Phần lớn trong câu chuyện của các nhân vật, Dok-go sẽ lắng nghe chăm chú và chỉ đơn giản làm việc của một nhân viên cửa hàng tiện lợi. Chăm sóc khách hàng, mang đến cho khách thứ họ cần. Nhưng kỳ lạ thay, sự có mặt của Dok-go đã huých nhẹ vào tình cảnh của mỗi người. Rồi thì ngày qua ngày, cuộc sống của mỗi nhân vật dần có chuyển biến. Bí quyết của Dok-go là gì? 

Hãy nói cho nhau nghe

Điểm chung trong các câu chuyện mà độc giả có thể nhận ra là sự thiếu kết nối giữa các nhân vật với những người xung quanh họ. Khi gặp vấn đề, họ thường không sẻ chia với người thân nhưng lại thầm oán trách mọi người không hiểu cho tình cảnh của mình. Ngày qua ngày, chồng chất những hiểu lầm do chính tâm trí họ tự dựng nên. Họ tự nhốt mình trong những bức tường vô hình, đồng thời đẩy những người thân yêu ra xa.
Bà hãy… nghe con trai bà nói trước. Tôi thấy bà bảo con trai bà… không nghe bà nói nhưng có vẻ như… bà cũng không nghe cậu ấy nói. — Dok-go
Mọi chuyện sẽ được giải tỏa nếu biết lắng nghe. — Dok-go
Thế rồi, khi ghé cửa hàng của bà Yeom với những mục đích riêng, những người này cứ tự nhiên kể hết nỗi lòng của mình. Hẳn bởi với họ Dok-go là người lạ. Nghịch lý là ta dễ dàng mở lòng với người không quen hơn với những người thân yêu của mình. Ta có thể coi cửa hàng tiện lợi bất tiện này như một trạm tiếp sức chăng. Đôi khi chỉ cần một lời nói khích lệ thật lòng, một lời tốt lành thôi cũng đủ động viên một ai đó biến chuyển cuộc đời mình rồi.

Mỗi người đều có một câu chuyện đáng được nghe

Hẳn là mỗi người ta gặp, đều có một câu chuyện chờ được kể. Chỉ là ta có sẵn sàng lắng nghe hay không thôi. Người ta thường hay bị cuốn vào những câu chuyện phiếm và cả những chuyện giật gân, nhưng không phải ai cũng biết cách lắng nghe một câu chuyện. Và dù những câu chuyện ở cửa hàng tiện lợi bất tiện rất đời thường, dễ dàng chìm nghỉm trong cả mớ thông tin, nhưng lại có sức thu hút lớn. Có lẽ là sự quyến rũ của những điều bình thường.
Suy cho cùng, cuộc sống là những mối quan hệ và những mối quan hệ đó được xây dựng và vun đắp thông qua sự giao tiếp. Tôi nhận ra rằng, hạnh phúc không ở đâu xa xôi, nó ở ngay trong những câu chuyện sẻ chia tấm lòng với những người xung quanh.
Những câu chuyện không đao to búa lớn, chẳng có kẻ xấu, cũng không có những anh hùng siêu nhiên, không có nam chính ngôn tình hay công chúa lọ lem. Nhưng có sức nặng của thực tế cuộc sống. Có những lo âu, gánh nặng mưu sinh, có những băn khoăn bối rối về lựa chọn công việc, có những nỗi đau mất mát đến mức lãng quên cả bản thân mình. 
Sông là nơi con người phải băng qua, không phải là nơi chúng ta tự buông xuống rồi chìm nghỉm.
Cầu là phương tiện để băng qua sông, không phải là nơi chúng ta đầu hàng số phận.
Người đọc như thấy bản thân mình trong mỗi câu chuyện. Thấy được ánh sáng, sự ấm áp chữa lành cho chính mình. Và cũng thấy được những lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Nhắc ta không nên quá đắm chìm vào cuộc chiến khẳng định bản thân, vào những giành giật vật chất. Cũng đừng để những so sánh, áp lực xã hội khiến ta sụp đổ mà vứt bỏ đi bản thân mình.
- Ai cũng đeo khẩu trang nên yên tĩnh hơn nhỉ? -Đúng vậy. - Ai cũng muốn nói cho sướng miệng mình. Cuộc đời này không phải là một lớp học cho lũ trẻ cấp hai, để ai cũng ra vẻ ta đây biết nhiều, ta đây tài giỏi. Có lẽ trái đất đã gieo rắc dịch bệnh này cho con người để bịt miệng chúng ta lại. - Nhiều người lấy cớ vì Covid mà cuộc sống trở nên bất tiện, nên oang oang tuyên bố sẽ làm theo ý mình. Nhưng cuộc đời vốn dĩ vẫn vậy. Sống đương nhiên là bất tiện
Cửa hàng tiện lợi bất tiện là cuốn sách nhẹ nhàng, dễ đọc, mang đến những câu chuyện ấm áp chữa lành cho những ngày cuối năm se lạnh. Một cuốn sách dễ thương như cái bìa sách vậy.