Nhắc tới của cải, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến: Tiền, vàng, kim cương, đá quý, bất động sản, công ty  lớn làm ăn hiệu quả...
Nghĩ như thế không  sai nhưng chưa nói lên được bản chất của của cải.
Ví dụ như kim cương, khi khai thác từ tự nhiên, có thể chỉ là hòn đá cứng, màu trắng. Hết. Nó sẽ không có giá trị to lớn như kim cương đã được cắt, mài thành hình dáng kim cương trang sức mà ta thường thấy.
Vàng cũng vậy. Vàng là kim loại nặng, không bị oxy hóa nhưng mềm, nó không hữu dụng để làm các công cụ, như sắt, đồng. Nhưng vàng lại có giá trị hơn sắt, đồng là vì người ta tìm ra được cách dùng vàng để làm trang sức, dát vàng để vật sáng đẹp và không bị rỉ sét...Bất động sản? Đất ? Có thể chỉ là miếng đất hoang ở nơi nào đó, cỏ cũng chẳng thèm mọc thì có giá trị gì? Bất động sản hay nhà đất có giá là vì vị trí nó nằm ở nơi tập trung đông dân cư, đường sá giao thông thông thoáng, nhiều người giàu, nhiều công ty tập trung...
Công ty lớn sẽ là một đống nợ mà chẳng ai muốn đụng vào nếu không được quản lý, làm ăn hiệu quả. Một công ty gọi là tài sản nếu nó có sự tăng trưởng và có lợi nhuận qua nhiều năm, có danh tiếng trên thị trường.
Vậy, của cải là gì? Vàng hay kim cương sẽ vô giá trị nếu không có sự lao động phù hợp để khiến chúng trở nên có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, hãy hình dung là bạn có rất nhiều vàng, kim cương ở một đất nước, một thế giới nghèo, do thiên tai, dịch bệnh. Nếu cơm không có mà ăn, áo không có để mặc thì vàng hay kim cương có ý nghĩa gì?
Giờ hãy tưởng tượng là bạn có nhiều vàng, kim cương ở một nước trung bình. Nơi mà người ta công nhận giá trị của vàng và kim cương. Nhưng muốn mua thì người ta cũng không có nhiều tiền để mua! Vậy bạn có thật nhiều vàng, kim cương thì có giàu không? Vì bạn bán chúng cũng không được giá cao, mà bạn giữ chúng thì bạn sẽ không có tiền để mua những thứ khác, để gọi là giàu.
Tất cả những ví dụ trên đều cho thấy một điều. Đất nước giàu có là phải có sự lao động. Lao động phải thật sự hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị. Từ đó mới tạo ra nhiều giá trị cho của cải. Tại sao bất động sản ở một số nơi lại rất cao? Là vì ai cũng muốn đến đó để sống, để làm việc, để kiếm tiền. Ở đó có nhiều thứ tiện nghi như: trường học, bệnh viện, đường sá giao thông, nhiều công ty lớn, nhiều người tài giỏi (để mình học hỏi). Nếu nơi đó có bệnh viện lớn, hiện đại nhưng thiếu bác sĩ giỏi thì giá trị giảm đi nhiều!
Ai nói rằng giàu có là do số phận hay do quý nhân phù trợ thì hãy suy nghĩ lại. Giàu có có thể do may mắn. Nhưng của cải thì phải do lao động làm ra. Và bạn đã làm gì để được giàu có (một cách xứng đáng)?!
Một đất nước giàu có là cần phát triển về mọi mặt. Nơi mà ai cũng giàu nhưng khi bệnh thì tìm không ra một bác sĩ giỏi thì có giàu không? Một công ty muốn xây cao ốc, tòa nhà hiện đại mà tìm hoài không ra nhà thầu xây dựng đủ năng lực thì chi phí bỏ ra rất lớn mà chưa chắc đã được cái mong muốn.
Sự giàu có cần sức lao động. Sức lao động cần những người tài giỏi, lành nghề. “Thành Rome không thể xây trong một ngày”.
Có khi nào bạn than phiền rằng: “Sao mình cứ sống ở một quốc gia chậm phát triển so với thế giới?!!”. Và bạn không nhìn lại bản thân xem mình đã lao động bao nhiêu, mà cứ mong đợi “ông hàng xóm” - “quý nhân phù trợ” tạo ra thêm giá trị, của cải cho mình. Trong khi “ông ấy” cũng không hơn bạn bao nhiêu!!