Cứ sai đi và cái bạn nhận được còn nhiều hơn thế
Tôi là người mắc bệnh hay quên. Mặc dù còn trẻ, nhưng tôi chỉ tập trung được đúng vào lúc làm việc và học tập, còn lại những gì xung...
Tôi là người mắc bệnh hay quên. Mặc dù còn trẻ, nhưng tôi chỉ tập trung được đúng vào lúc làm việc và học tập, còn lại những gì xung quanh tôi đều không thể nhớ nổi. Có lần chị dâu tôi nhắn tin, nói tôi bỏ cái này cái kia ra khỏi tủ lạnh, tôi nhắn lại rất nhanh "Vâng ạ", rồi đến trưa trước khi đi học tôi vẫn nhớ, định bụng rửa tay xong rồi sẽ bỏ, vậy mà chỉ vài giây sau, tôi quên tiệt, cứ thế cắp cặp đi học. Có những hôm buổi trưa ăn gì, đến tối tôi không thể nào nhớ nổi. Rồi hôm nay, tôi vừa rán cá rồi luộc khoai. Nhà tôi đun bếp từ, nên có thể nấu nhiều nồi cùng một lúc. Mấy phút trước, tôi ngó qua nồi khoai thấy vẫn còn nước, định đun một tí nữa cho khoai nhừ rồi tắt bếp. Vậy mà chỉ vài phút sau, tôi quên luôn rằng nồi khoai đã tồn tại, đến khi ngó ra thì đã cháy nồi. Cũng may tôi biết lấy chanh vắt vào nồi rồi ngâm nước nên rửa xong cái nồi vẫn như mới. Nhưng tôi bị ông anh mắng, ổng bảo cháy nồi nhiều quá nó đen với lại không thể nào hiểu nổi vì sao tôi có thể làm cháy trong khi đang đứng cạnh nồi khoai. Tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng chính tôi cũng chán mình thật.
Nhưng từ câu chuyện đó, tôi lại nghĩ ra một hướng khác, nên viết bài này. Nhưng tôi nói trước, tôi viết bài này không phải để bao biện gì cho mình cả, chỉ là tôi khái quát vấn đề lên thôi. Đó chính là việc bạn nghĩ và cảm thấy như thế nào khi mình làm sai? Và sau khi sai, cái bạn nhận được là gì, ngoài chữ kinh nghiệm và thành công như các cụ vẫn nói: "Thất bại là mẹ thành công".
Cuộc đời ai cũng mắc sai lầm, dù nhỏ hay to, và chẳng ai khẳng định mình chưa và sẽ không bao giờ làm sai cả. Nếu bạn gặp những ai nói rằng mình chưa bao giờ sai điều gì, thì một là người đó nói khoác, còn hai là người đó không nhìn thấy lỗi lầm của mình mà cứ tưởng là mình đúng. Chẳng ai là hoàn hảo, nên sai là một chuyện đương nhiên. Khi sai, khi gặp thất bại, tâm trạng đầu tiên mà ta thường gặp chính là buồn rầu, chán nản. Tất nhiên sẽ có những người vững vàng hơn, nỗi buồn của họ không đến mức lấn át cả con người, nhưng hỏi họ có buồn không thì tôi chắc chắn là có. Cái sai càng lớn thì nỗi buồn càng nhiều, còn cái sai nào nhỏ thì nỗi buồn cũng dễ tan. Hết buồn rầu, chán nản sẽ đến tiết mục tự trách bản thân, rằng tại sao mình lại làm như thế, mình thật là ngốc, mình tệ quá,... Hàng ngàn cái suy nghĩ cứ vẩn vơ trong đầu bạn, nuối tiếc và dằn vặt mình, cho rằng mình kém cỏi, nói chung là hạ thấp bản thân đến mức thấp nhất có thể. Một số người theo chủ nghĩa hoàn hảo, hoặc đang cố gắng xây dựng và giữ gìn hình tượng của mình thì cảm thấy lỗi sai này nó kinh khủng lắm, nó phá vỡ hình tượng mình xây dựng biết bao lâu nay, rằng cảm giác như mọi thứ mình cố gắng giữ gìn đổ sông đổ biển. Và người ta thường có xu hướng bị ám ảnh bởi lỗi sai đó. Tóm lại là toàn cảm xúc tiêu cực, trần đời tôi chưa thấy một lỗi lầm nào mang cảm xúc tích cực cả. Có cái gì tích cực, thì chỉ có thể là thứ bạn nhận được khi làm sai.
Nhân viên làm sai thì bị sếp mắng, thậm chí đuổi việc; con cái làm sai thì bị bố mẹ la, thậm chí là chì chiết. Nói chung, khi bạn làm sai, cái đầu tiên bạn nhận được, chính là lời mắng mỏ, phê bình, cười nhạo từ người khác. Họ chẳng cần biết vì sao bạn sai, càng không quan tâm lúc trước bạn tốt thế nào, nhưng chỉ cần bạn làm sai một lần, họ sẵn sàng mắng bạn ngay lập tức. Một số người cực đoan thì nói như thể là mình chưa bao giờ mắc lỗi, còn một số người khác tốt tính hơn thì mắng một cách có giá trị, tức là phê bình để bạn tốt lên.
Đấy là cái đầu tiên bạn nhận được khi làm sai, cái tiếp theo, như nhiều người thường nói, đó chính là kinh nghiệm. Khi bị chỉ ra lỗi, tất cả chúng ta đều xin lỗi và hứa sẽ rút kinh nghiệm. Mỗi một lần vấp ngã là một lần bạn rút ra được bài học cho chính bản thân mình, để lần sau không đi vào vết xe đổ đó nữa. Có những bài học bạn rút ra trực tiếp từ thất bại đó, nhưng có những bài học hơi trừu tượng, thậm chí chỉ là cảm giác không thể nói thành lời được, hoặc đôi khi chỉ là một điều gì khiến bạn tự nhủ rằng: "À, mình biết thêm được một thứ nữa". Lỗi lầm càng lớn thì bài học bạn nhận được càng đắt, và có những bài học, bạn phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu. Như anh Thái trong Hoa hồng trên ngực trái, anh đã phạm sai lầm đi ngoại tình và vũ phu với vợ, và anh đã phải nhận quả báo bị bệnh ung thư, và sau cùng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đó chính là kinh nghiệm, chắc có lẽ là điều quý giá nhất bạn nhận được sau mỗi sai lầm. Rút kinh nghiệm rồi tích góp được nhiều, cố gắng thì chắc chắn đến một ngày bạn sẽ thành công. Kinh nghiệm và thành công luôn đi đôi với nhau, và những thứ đó muốn đạt được và nhớ lâu, thì phải thất bại, phải sai lầm.
Nhưng còn một điều nữa bạn sẽ nhận được khi mình làm sai, đó chính là sự bao dung và khả năng thông cảm. Tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, nhưng vẫn có những người họ hiểu, quý trọng và nhận thức rõ về cái sai của mình, thì ngoài việc họ rút kinh nghiệm để không phạm phải nó nữa, họ còn hiểu được cảm xúc của chính mình lúc đó. Họ hiểu khi bị mắng sẽ cảm thấy xấu hổ thế nào, khi mắc lỗi sẽ khó xử ra sao, và đặc biệt là họ hiểu có những lỗi mình chẳng hề cố tình, và trong một phút chốc nào đó, đầu óc mình bị chập mạch nên mắc lỗi (như tôi chẳng hạn). Họ đã trải qua mọi cảm xúc đó, nên khi gặp người khác mắc lỗi, họ ít khi la mắng một cách thậm tệ mà thông cảm với người mắc lỗi nhiều hơn. Tôi chắc là trong số chúng ta, ngày xưa khi bị bố mẹ mắng, thậm chí là đánh đòn, nhất định sẽ có suy nghĩ như này: "Sau này nếu có con, nhất định mình sẽ không đánh chúng đau như này, mình sẽ nghĩ ra một phương pháp dạy con khác mà không phải dùng đòn roi". Đó chính là lòng thông cảm đấy, và dần dần, khi trải qua những cảm xúc tiêu cực đủ nhiều, từ xấu hổ, tự ti đến cảm giác khi bị mắng, nếu bạn là người để ý, bạn sẽ bao dung và hiểu người khác hơn. Bạn nghĩ rằng ngày xưa mình cũng như thế, cũng từng xấu hổ thế nào khi làm sai và bị mắng, nên giờ mình chỉ nhẹ nhàng với người ta thôi.
Nói chung, máy móc còn sai chứ nói chi là con người. Quan trọng là những cái bạn nhận được sau khi mắc lỗi còn đáng giá gấp nhiều lần, không chỉ là kinh nghiệm, mà còn là sự bình tĩnh và cảm thông. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cứ để sai, chí ít là những chuyện tối quan trọng, tránh được thì tránh, còn không thể tránh được thì đành chấp nhận vậy. Và tôi xin chốt lại bài của mình bằng một câu hát của chị Tiên Tiên: "Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép", và tiêu đề một bài viết của chị Mai Thương: "Nói với cả thế giới rằng tôi không hoàn hảo". Sai không đáng sợ, đáng sợ là bạn không biết mình sai ở đâu để sửa và cứ ngỡ là mình hoàn hảo.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất